01/04/2022 10:34:08

Hoàn thiện Luật Dầu khí sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai các hoạt động dầu khí trong thực tiễn

Ngày 31/3 tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp Phiên toàn thể lần thứ 5 nhằm thẩm tra Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Chủ trì Phiên họp có ông Vũ Hồng Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKTQH). Cùng dự có ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công Thương; đại diện Cơ quan soạn thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại điện các Bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học.

Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có ông Lê Ngọc Sơn – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn; cùng đại diện các Ban chuyên môn, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI).

Tiếp tục hoàn thiện bổ sung Luật Dầu khí để sớm trình Quốc hội

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh nêu sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện dự án Luật Dầu khí, trong đó có những khó khăn bất cập như số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh, từ năm 2019 đến nay không có hợp đồng dầu khí nào được ký. Bên cạnh đó, nhiều diễn biến về chính trị trên thế giới khiến giá dầu diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hoạt động dầu khí.

Trong bối cảnh mới, đòi hỏi có cách nhìn mới, tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường phân cấp, phân định trách nhiệm, tăng cường quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đồng thời, việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Dầu khí sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai các hoạt động dầu khí trong thực tiễn.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết UBKTQH được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công chủ trì thẩm tra Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sau đó trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022). Nếu Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đảm bảo đủ chất lượng, hoàn thiện sẽ sớm được trình thông qua vào ngày đầu của kỳ họp thứ 4.

Tiếp tục hoàn thiện bổ sung Luật Dầu khí để sớm trình Quốc hội

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Phiên họp

Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, đại diện cơ quan soạn thảo đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 Chương, 56 điều kế thừa các điều khoản cơ bản của của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các Hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết (đang có hiệu lực). Dự thảo sẽ giải quyết 6 nhóm chính sách lớn: Chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; chính sách quy định về điều tra cơ bản và dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; Quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý, chế biến dầu khí; Chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí (bao gồm các chính sách ưu đãi thuế, thu hồi chí phí); Chính sách về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí; Chính sách quy định khung việc cho bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.

Các đại biểu dự phiên họp đã tiến hành thẩm tra Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Các đại biểu tham dự Phiên họp tán thành sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất với các luật mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung trong thời gian qua có liên quan đến hoạt động dầu khí; phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí trên thế giới; luật hóa một số quy định tại văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí hiện hành đã cho thấy tính hợp lý. Các đại biểu cũng đánh giá, hồ sơ dự án Luật được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị công phu, đầy đủ, đáp ứng cơ bản các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Luật Dầu khí là dự án luật chuyên ngành, liên quan đến nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công… việc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Dầu khí với các Luật khác rất quan trọng, cần tiếp tục có sự rà soát do còn nhiều điểm chưa thống nhất. Bên cạnh đó, dự án Luật Dầu khí là dự án Luật liên quan đến kinh tế, luôn có sự thay đổi để phù hợp tình hình nên việc áp dụng rất phức tạp. Chúng ta cần quy định rõ ràng các vấn đề cụ thể trong Luật để áp dụng, tránh vướng đối với các Luật được ban hành sau.

Tiếp tục hoàn thiện bổ sung Luật Dầu khí để sớm trình Quốc hội

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực UBKTQH

Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực UBKTQH cho rằng ngoài việc tập trung nâng cao hiệu quả kinh tế trong Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), phải thuận lợi hóa các thủ tục hướng đến hợp tác quốc tế. Ông Hiếu nhấn mạnh, điều này rất quan trọng, do quy trình thủ tục dành riêng cho hợp đồng dầu khí không thể áp dụng đại trà, cần có quy định rõ ràng để có thể áp dụng luôn tại Luật Dầu khí (sửa đổi), không cần viện dẫn từ các Luật khác. Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng đối với việc tận thu tại các mỏ dầu khí, cần phải thiết kế một cơ chế riêng để Chính phủ giao cho Petrovietnam khai thác các mỏ này, đảm bảo khai thác tối đa tài nguyên của quốc gia.

Nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào hoạt động dầu khí, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết tới đây Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu và có bộ ưu đãi khác cho vấn đề này. Do ngành Dầu khí cần thiết, cấp bách phải có ưu đãi để triển khai các dự án đầu tư nên lần này đã đưa quy định ưu đãi về thuế vào Luật Dầu khí trước khi có điều kiện sửa đổi Luật về Thuế.

Tiếp tục hoàn thiện bổ sung Luật Dầu khí để sớm trình Quốc hội

Ông Lê Ngọc Sơn – Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam

Tại phiên họp, ông Lê Ngọc Sơn – Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam cho biết, trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, Petrovietnam đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí. Từ đó, tạo ra cơ chế hấp dẫn hơn, khuyến khích hơn các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực dầu khí. Petrovietnam mong muốn đối với dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) là làm thế nào có cơ chế kêu gọi đầu tư vào hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, trong đó có sự tham gia của các thành phần kinh tế từ tư nhân đến nước ngoài. Ngoài ra, Petrovietnam sẽ tham gia vào các dự án dầu khí không chỉ mang ý nghĩa kinh tế thuần túy, còn là cánh tay nối dài cho việc hoạch định cơ chế chính sách, định hướng đầu tư, điều tra cơ bản để chuẩn bị kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào các dự án dầu khí tại Việt Nam.

Tiếp tục hoàn thiện bổ sung Luật Dầu khí để sớm trình Quốc hội

Ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm UBKTQH kết luận Phiên họp

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh cho rằng, dù dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) là luật chuyên ngành, mang tính kỹ thuật cao, song đã thu hút nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đại diện hiệp hội, cơ quan, đơn vị có liên quan. Chủ nhiệm UBKTQH đề nghị, Ban Soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật, cũng như có báo cáo giải trình cụ thể về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như: việc quy định cụ thể nội dung chính của hợp đồng dầu khí; quy trình phê duyệt hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thời hạn và việc gia hạn thời hạn hợp đồng; địa vị pháp lý của Petrovietnam trong các hợp đồng dầu khí.

H.A