Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: “Luật Dầu khí (sửa đổi) là Luật đặc thù về kỹ thuật chuyên ngành nên rất cần phải bám sát tình hình thực tế hiện nay trong khi các văn bản pháp lý cũng như cơ sở thực tiễn trong việc thực hiện, tạo điều kiện cho ngành Dầu khí của Việt Nam phát triển, trong đó cụ thể, trực tiếp là những yếu tố, tính chất công việc, nhiệm vụ chính trị của Petrovietnam”.
Ngày 22/3, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UB KTQH) do đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Chủ nhiệm UB KTQH làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Văn phòng Quốc hội, Bộ Công Thương, cùng các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của UB KTQH.
Về phía Petrovietnam có đồng chí Lê Ngọc Sơn – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn; lãnh đạo các Ban/Văn phòng Tập đoàn, Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), Viện Dầu khí Việt Nam (VPI).
Toàn cảnh buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Chủ nhiệm UB KTQH nhấn mạnh, để hoàn thiện Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022) và sẽ được lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022), theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UB KTQH được giao nhiệm vụ thẩm tra nội dung Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Đây là Luật rất đặc thù và kỹ thuật chuyên ngành nên rất cần phải bám sát tình hình thực tế hiện nay trong khi các văn bản pháp lý cũng như cơ sở thực tiễn trong việc thực hiện, tạo điều kiện cho ngành Dầu khí phát triển, trong đó cụ thể, trực tiếp là những yếu tố, tính chất công việc, nhiệm vụ chính trị của Petrovietnam.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Chủ nhiệm UB KTQH |
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo mong muốn, thông qua buổi làm việc, UB KTQH sẽ được nghe trực tiếp Petrovietnam là đơn vị chịu sự tác động chính của Dự án Luật cũng như các đơn vị liên quan, những quan điểm, kiến nghị, đề xuất về những vấn đề trong quá trình tổ chức thực hiện triển khai nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn và Luật Dầu khí hiện nay, để có cơ cơ sở pháp lý, hành lang pháp lý tạo điều kiện cho Petrovietnam có bước phát triển và thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Tại buổi làm việc, đại diện Petrovietnam đã trình bày về: Tổng quan quy trình triển khai hoạt động dầu khí và đặc thù ngành Dầu khí; Tình hình thực hiện chính sách pháp luật về dầu khí và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; Những nội dung, chính sách được kế thừa và những chính sách mới đã được quy định tại Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi); Những nội dung, chính sách đề nghị cần tiếp tục bổ sung tại Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Phó Tổng Giám đốc PVEP Trần Thiện Bảo phát biểu tại buổi làm việc |
Cũng tại buổi làm việc, đại diện PVEP đã báo cáo tình hình thăm dò và khai thác dầu khí hiện nay, những khó khăn và vướng mắc trong thực hiện đầu tư, đấu thầu dự án thăm dò và khai thác dầu khí; đại diện VPI đã chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế về mô hình hoạt động công ty dầu khí quốc gia và một số chính sách pháp luật cơ bản về dầu khí.
Theo đồng chí Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực UB KTQH, ngoài việc tập trung nhấn mạnh tính kinh tế vào Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), phải thuận lợi hóa các thủ tục hướng đến hợp tác quốc tế. Bởi đây là một cách để thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp cận hơn nữa các thông lệ quốc tế trong hoạt động dầu khí. Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng nên tập trung vào một cơ quan đầu mối thực thi các luật quy định, phân định rõ thẩm quyền để tránh việc chồng chéo khi thực hiện các quy định, trình tự, thủ tục liên quan đến hoạt động dầu khí.
Đồng chí Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực UB KTQH |
Cùng quan điểm trên, đồng chí Trần Hồng Nguyên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hoạt động đầu tư của Petrovietnam đang gặp nhiều hạn chế khi phải tham chiếu quá nhiều quy định, điều luật khác nhau, do vậy cần phải tính toán tổng hợp lại, giản lược bớt những quy định không thật sự cần thiết.
Nhấn mạnh về vai trò của Petrovietnam trong việc xây dựng Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này, đồng chí Phan Đức Hiếu cho rằng, rõ ràng Petrovietnam có tư cách là đơn vị trực tiếp thực thi các chính sách, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho Petrovietnam. “Phải xác định rõ thẩm quyền của Petrovietnam luôn đảm bảo sự công khai, minh bạch có tính thuyết phục là việc làm rất cần thiết. Điều đó sẽ giúp Tập đoàn củng cố được vai trò, vị trí của mình, tránh xung đột lợi ích. Tập đoàn cần phải có những giải trình phù hợp đưa vào trong Luật Dầu khí (sửa đổi)” – đồng chí Phan Đức Hiếu chia sẻ.
Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn |
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn trong thời gian qua, Phó Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn cho hay, đặc thù của hoạt động dầu khí rất khắc nghiệt so với các ngành nghề khác, đối với công tác đầu tư ra nước ngoài hiện nay Petrovietnam đang gặp rất nhiều khó khăn do liên quan đến các quy định đầu tư.
Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cho biết, trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, Petrovietnam đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí. Trong đó, cần quy định rõ địa vị pháp lý của Petrovietnam là Công ty Dầu khí Quốc gia, cần có những ưu đãi về đầu tư để khuyến khích, thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực dầu khí trong thời gian tới; Đề xuất phân cấp phê duyệt báo cáo đánh giá trữ lượng (RAR) và kế hoạch phát triển mỏ (FDP) cho Bộ Công Thương thay cho quy định thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ trong dự thảo hiện nay sẽ rút ngắn được trình tự và thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới; Kiến nghị điều chỉnh và bổ sung các quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý, chế biến dầu khí;…
Mặt khác, cần bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý vốn với doanh nghiệp nhà nước khi tham gia các giai đoạn của hoạt động dầu khí và vai trò nhà thầu (nhà đầu tư); tích hợp quy trình quản lý nhà nước về dầu khí và quy trình về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, để giảm thiểu thủ tục, vướng mắc cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu khi thực hiện các thủ tục phê duyệt.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo thay mặt đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị và những ý kiến đóng góp dựa trên cơ sở Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) của các đại biểu, các nội dung đã nêu bật những vấn đề tồn tại tại Petrovietnam nhiều năm qua. Qua đây, đồng chí đề nghị đại diện các bên liên quan tiếp tục rà soát thật kỹ các vấn đề đưa vào dự thảo để đảm bảo tính thuyết phục cao nhất, Petrovietnam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nhất là các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Đoàn công tác UB KTQH cũng đã thống nhất, tiếp thu một số nội dung về phạm vi điều chỉnh Dự án Luật liên quan đến khâu thượng nguồn, sự cần thiết thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo sự đồng tình, ủng hộ tính đặc thù của Luật Dầu khí để xây dựng một cơ sở hành lang pháp lý cao góp phần giúp ngành Dầu khí phát triển. Đồng thời, UB KTQH cam kết sẽ phối hợp cùng các bên liên quan xem xét làm rõ hơn về vai trò, địa vị pháp lý của Petrovietnam trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ để Tập đoàn hoạt động hiệu quả hơn.
“Liên quan đến các vấn đề về cơ chế, chính sách, thẩm quyền, quản lý nhà nước, quan điểm của UB KTQH hết sức ủng hộ và cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Tập đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”, Phó Chủ nhiệm UB KTQH Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Nguyễn Hoan – Minh Châu