16/03/2022 4:50:19

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 01/2022

Câu 1.

Các trường hợp nào thì được bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và nguyên tắc bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp?

Trả lời:

Theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 01-3-2022, quy định như sau:

* Các trường hợp được bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

– Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này gây ra; trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH .

– Người lao động bị bệnh nghề nghiệp làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc cho người sử dụng lao động, hoặc trước khi nghỉ hưu, trước khi thôi việc, trước khi chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác (không bao gồm các trường hợp người lao động bị bệnh nghề nghiệp do làm các nghề, công việc cho người sử dụng lao động khác gây nên).

* Nguyên tắc bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

– Tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện bồi thường lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó;

– Việc bồi thường đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định sau:

+ Lần thứ nhất căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động (tỷ lệ tổn thương cơ thể) trong lần khám đầu;

+ Từ lần thứ hai trở đi căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức (%) suy giảm khả năng lao động so với kết quả giám định lần trước liền kề.

Câu 2.

Tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại có phải tính vào mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 26, Điều 1, Thông tư 06: Từ ngày 01/01/2021 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về nội dung của HĐLĐ, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con. Theo đó, căn cứ vào quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH, tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại không nằm trong cơ cấu mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Mặt khác, khoản 26, Điều 1, Thông tư 06 cũng đã quy định rõ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm “… tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại…”.

 

Câu 3.

Hiện nay, bảo hiểm xã hội đang khuyến khích cài đặt mã số bảo hiểm xã hội và đang triển khai sử dụng ứng dụng bảo hiểm xã hội số VssID, xin hỏi tác dụng của ứng dụng bảo hiểm xã hội số VssID là như thế nào?

Trả lời: 

Hiện nay, ngành Bảo hiểm xã hội đang triển khai giao dịch điện tử cá nhân với Bảo hiểm xã hội, triển khai cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID – bảo hiểm xã hội số. Ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số hiện được cung cấp trên hai kho ứng dụng App Store – hệ điều hành IOS và Google Play – hệ điều hành Android.

Ứng dụng VssID hiện cung cấp các tiện ích, thông tin thiết yếu như: Theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tra cứu các thông tin: mã số bảo hiểm xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và các điểm thu, đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; dịch vụ hỗ trợ 24/7.

Sử dụng ứng dụng VssID, người dùng còn có thể thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của người sử dụng lao động, góp phần công khai, minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp.

Đồng thời, ứng dụng VssID còn là một kênh truyền thông trực tiếp đến người sử dụng, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để người sử dụng thấy được giá trị nhân văn của các chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.

Câu 4.

Trình tự nội dung chính của đại hội công đoàn các cấp được Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định tiến hành theo quy trình như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Mục 6 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam:

6. Đại hội công đoàn các cấp theo Điều 8

……………….

6.7. Trình tự nội dung chính của đại hội công đoàn các cấp được tiến hành theo quy trình sau:

– Chào cờ (Quốc ca và Bài hát truyền thống của Công đoàn Việt Nam).

– Bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu.

– Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, diễn văn khai mạc.

– Thông qua chương trình, quy chế làm việc của đại hội.

– Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.

– Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng nhiệm kỳ tới.

– Thảo luận các văn kiện của đại hội.

– Phát biểu của đại diện công đoàn cấp trên, cấp ủy Đảng, chính quyền, chuyên môn.

Tổ chức bầu cử theo quy định.

– Thông qua nghị quyết đại hội.

– Diễn văn bế mạc.

– Chào cờ.

Câu 5.

Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện như sau:

Điều 53. Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

2. Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

3. Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất trong trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật bảo hiểm xã hội.

Văn phòng Tư vấn pháp luật