Ngày 8/3, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington (US Chamber) đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ 2022 với chủ đề “Định hình lại quan hệ kinh tế song phương”. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng dự có Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry, Thứ trưởng Thương mại phụ trách Thương mại quốc tế Hoa Kỳ Marisa Lago, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện cấp cao nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, các hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng; Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Mậu cùng đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn.
Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ 2022 |
Năm 2021, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều đạt được những kết quả phục hồi và tăng trưởng kinh tế tích cực và đều cùng nhau hướng tới những mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong những năm tới.
Gần 3 thập kỷ qua, Hoa Kỳ liên tục là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng từ mốc 450 triệu USD năm 1995 khi hai nước bình thường hóa quan hệ, lên mốc hơn 110 tỷ USD trong năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hướng tới tương lai, cộng đồng doanh nghiệp hai nước nhìn nhận quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn còn dư địa lớn để phát triển. Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam được coi là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu và vai trò này dự báo còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đồng thời, các công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung đề cập 5 nội dung lớn: Sự phát triển của Việt Nam những năm qua và định hướng phát triển trong tương lai; Kết quả và tương lai quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ; Công tác phòng, chống dịch, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; Chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; Chuyển đổi số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chính sách xuyên suốt của Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Kể từ khi thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện năm 2013, các hoạt động hợp tác giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư tiếp tục là một trong những trụ cột và động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước. Trong đó, các doanh nghiệp hai nước đã đóng vai trò hết sức quan trọng.
Nhân Hội nghị này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với Việt Nam thời gian qua; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, mất mát, thiệt thòi của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức do đại dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay, Việt Nam đang khẩn trương triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội cùng với Chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 với quan điểm là lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là động lực phát triển và tư tưởng chỉ đạo là xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, là chiến lược lâu dài, mang tính quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá; tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó hoàn thiện thể chế, đột phá hạ tầng, đột phá chất lượng nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính.
Các đại biểu tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến tại điểm cầu Petrovietnam |
Trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn nhất về biến đổi khí hậu qua từng năm rõ rệt. Do đó Việt Nam tiếp cận vấn đề này theo tính toàn cầu và cách đó là kêu gọi sự đoàn kết quốc tế để cùng chống biến đổi, kêu gọi công bằng công lý trong chống biến đổi khí hậu. “Chúng ta phải cùng làm không ai ngoài cuộc, biến đổi khí hậu tham gia cam kết như các nước đang phát triển. Chúng tôi mong muốn có sự giúp đỡ của các bạn về thể chế, phù hợp với xu thế phát triển thế giới, phù hợp điều kiện của Việt Nam, giúp đỡ tiếp cận các nguồn tài chính xanh, giúp tiếp cận công nghệ xanh, nguồn lực xanh, quản trị xanh…”, Thủ tướng cho hay.
Sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống biến đổi khí hậu, đang làm tích cực về việc hoạch định chính sách, hoàn thiện thể chế, đối tác công tư, tập trung đào tạo nguồn nhân lực xanh, học tập quản lý sao cho chặt chẽ, phối hợp với các đối tác như Mỹ.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây là tất yếu khách quan trong xu thế phát triển hiện nay, đặc biệt qua đại dịch Covid-19, chuyển đổi số là rất quan trọng. Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đang tập trung cho chuyển đổi số, đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ số, công dân số, phát triển nền kinh tế số cho toàn bộ nền kinh tế, quản lý xã hội, phát triển xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đất đai… Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đẩy mạnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam đang mong muốn phát triển như: năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và bền vững, kết cấu hạ tầng, tài chính ngân hàng, giáo dục đào tạo, du lịch, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao…
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ cùng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khác tăng cường hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu – phát triển, đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Các đại biểu tham gia phiên tọa đàm “Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong tương lai thông qua kinh tế số và sáng tạo” |
Tại hội nghị, các diễn giả và đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận về nhiều vấn đề như thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong tương lai thông qua kinh tế số và sáng tạo; đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam; và thúc đẩy đầu tư bền vững và các chính sách ổn định để tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế.
Các đại biểu tin tưởng rằng xu hướng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì. Những giải pháp để tháo gỡ khó khăn và các vấn đề chính được nêu ra tại hội nghị sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tăng cường sức mạnh cho khu vực tư nhân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, thu hút thêm đầu tư và thúc đẩy thịnh vượng tại Việt Nam.
Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đã vượt mốc 100 tỷ USD vào cuối năm 2021, đánh dấu cột mốc mới ở quy mô lớn trong thương mại hai chiều.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất nhập khẩu hai nước đạt 111,56 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020, với mức thực hiện này, Hoa Kỳ là đối tác thương mại thứ hai đạt được mốc trên 100 tỷ USD, sau Trung Quốc.
Năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 96,29 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2020. Nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 28,6% kim ngạch xuất khẩu. Có tới 13 nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm đạt hơn 10 tỷ USD.
Nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhất là máy móc, thiết bị với 17,82 tỷ USD, tiếp đến dệt may 16,1 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 12,76 tỷ USD.
Hoa Kỳ cũng là thị trường nhập khẩu nhiều tỷ USD gỗ, nông thủy sản từ Việt Nam, trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 8,77 tỷ USD, thủy sản hơn 2 tỷ USD, hạt điều hơn 1 tỷ USD.
Chiều ngược lại, năm 2021 Việt Nam chi 15,27 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ, tăng 11,4% so với năm 2020 và chiếm 4,6% kim ngạch cả nước.
N.H