Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, tổng kinh phí chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người lao động là 9.287 tỷ đồng, với trên 57,81 triệu lượt đối tượng.
Trao quà Tết cho các gia đình khó khăn tại tỉnh Quảng Nam (ảnh: BCP) |
Bộ trưởng (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các chính sách cần được thực hiện đúng, đủ, kịp thời và chu đáo đến tất cả các đối tượng.
Trong báo cáo tình hình chăm lo đời sống của các đối tượng chính sách và người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 gửi Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, Tết Nguyên đán năm 2022 được tổ chức với phương châm “Vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”.
Tổng kinh phí chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, người lao động dịp Tết Nguyên đán là 9.287 tỷ đồng cho trên 57,81 triệu lượt đối tượng.
Thực hiện chuyển quà kịp thời của Chủ tịch nước cho trên 1,56 triệu đối tượng có công với cách mạng, tổng kinh phí thực hiện gần 480,3 tỷ đồng. Ngoài phần quà của các cơ quan Trung ương, các địa phương đã chủ động trích ngân sách địa phương và nguồn vận động để tặng quà cho đối tượng chính sách, người có công. Một số địa phương dành nguồn kinh phí lớn cho đối tượng người có công.
Công tác hỗ trợ chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán được các địa phương quan tâm. Các địa phương cũng đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đơn vị lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ ở vùng biên giới trong dịp Tết, các bệnh nhân nặng, người đang điều trị Covid-19, nạn nhân chất độc hóa học.
Đối với người dân di cư tự do từ Campuchia về các tỉnh biên giới, các tỉnh cũng lên kế hoạch để hỗ trợ, chăm lo tết cho bà con đang sinh sống trên địa bàn. Một số địa phương đã xây dựng và tổ chức thực hiện hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ.
Về công tác hỗ trợ gạo cứu đói và giáp hạt đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định hỗ trợ tổng số 18.687,75 tấn gạo cứu đói cho 1.245.850 nhân khẩu dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022 cho 18 tỉnh. Thủ tướng cũng quyết định xuất cấp 3.738,48 tấn gạo cứu đói cho 43.898 hộ, với 210.954 nhân khẩu cho 3 tỉnh bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 2021. Các địa phương được cấp gạo đã chủ động xây dựng kế hoạch phân bổ và tiến hành cấp phát gạo cho người dân nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm không để người dân nào bị thiếu lương thực trong dịp Tết.
Về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thăm, tặng quà cho gần 7.515 trẻ em tại 37 địa phương với tổng kinh phí 35,29 tỷ đồng từ nguồn vận động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Một số địa phương quan tâm, dành kinh phí từ ngân sách và huy động xã hội hóa chăm lo đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Về tiền thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bình quân bằng gần 1 tháng lương (6,17 triệu đồng/người), bằng 97% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán năm 2021 (6,36 triệu đồng/người), bằng 92,2% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán năm 2020 (6,69 triệu đồng/người).
Bên cạnh đó, nhiều chương trình tiếp tục được các địa phương duy trì tổ chức, như chương trình Tấm vé nghĩa tình với việc phát miễn phí vé xe, vé tàu, vé máy bay đưa người lao động về quê đón Tết; chương trình Tết sum vầy tổ chức vui Tết, họp mặt với các gia đình đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết. Lực lượng quân đội cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức chương trình Xuân biên cương, ăn Tết cùng nhân dân.
T.H