02/02/2022 9:39:49

Các nghị quyết của Đảng đang từng bước đi vào đời sống người lao động

Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về  “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” được ban hành là cơ sở chính trị quan trọng đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn làm định hướn, thể chế hóa thành các chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn trong tình hình mới. Ngay sau khi Nghị quyết số 02-NQ/TW ra đời, các cấp công đoàn đã từng bước cụ thể hoá, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tạo khí thế thi đua sổi nổi trong toàn hệ thống.

Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần, đồng chí Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có chia sẻ.

Thưa đồng chí, Nghị quyết số 02-NQ/TW được ban hành có ý nghĩa như thế nào, nhất là trong lúc tổ chức Công đoàn đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức?

– Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Nghị quyết số 02-NQ/TW được ban hành khẳng định sự tin tưởng, trao gửi của Đảng đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam trên quan điểm “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh là góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”. Đây là vinh dự, niềm tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm rất lớn của đội ngũ cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động cả nước.

Việc ban hành Nghị quyết thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam và giai cấp công nhân Việt Nam. Nội dung của Nghị quyết là cơ sở quan trọng để Nhà nước thể chế hoá thành các quy định của pháp luật, thúc đẩy quá trình đổi mới Công đoàn Việt Nam; là cơ sở chính trị để Công đoàn Việt Nam đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đoàn viên, người lao động; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị chăm lo cho tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam.

Những quan điểm, định hướng của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo Công đoàn Việt Nam chắc chắn sẽ giúp Công đoàn Việt Nam không ngừng lớn mạnh, có năng lực thích ứng với tình hình mới và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn phong phú hiện nay.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết như vậy, Tổng LĐLĐVN và các cấp công đoàn đã sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống như thế nào, thưa đồng chí?

– Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Nhận thức được trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong triển khai thực hiện Nghị quyết, Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã sớm có chủ trương và kế hoạch đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Để các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động và toàn xã hội nắm được những nội dung cơ bản của Nghị quyết, Tổng LĐLĐVN đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và tổ chức quán triệt, nghiên cứu sâu Nghị quyết trong cán bộ công đoàn các cấp, nhằm thống nhất về nhận thức và hành động.

Ngày 20.7.2021, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện và tham mưu cho cấp ủy cùng cấp ban hành văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết 02. Chương trình hành động của Tổng LĐLĐVN đã cụ thể hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về tổ chức Công đoàn và xây dựng giai cấp công nhân, chỉ đạo các cơ quan của Tổng Liên đoàn xây dựng 35 kế hoạch, đề án, hướng dẫn, văn bản triển khai Nghị quyết.

Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN cũng đã có công văn gửi các tỉnh, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, đảng ủy các tập đoàn, tổng công ty đề nghị phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW. Trong đó, bên cạnh các nhiệm vụ chung, đặc biệt quan tâm cụ thể hóa một số chủ trương, định hướng lớn của Nghị quyết thành các giải pháp cụ thể trong chương trình hành động, như: Lãnh đạo công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nhất là trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; lãnh đạo, định hướng để tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ra đời và hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ pháp luật; quan tâm công tác quy hoạch cán bộ công đoàn; định kỳ kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Công đoàn các cấp chủ động tham mưu để cấp ủy, chính quyền đồng cấp xây dựng các chương trình, quy chế phối hợp, kế hoạch hoạt động nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; chăm lo, bảo đảm quyền lợi của người lao động, hỗ trợ và tạo điều kiện để công đoàn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thiết thực, hiệu quả. Đến nay, đã có 69 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện; có 43 tỉnh, thành ủy trực thuộc trung ương ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW.

Đôn đốc, chỉ đạo kịp thời các ban Tổng LĐLĐVN và các cấp công đoàn trong việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết, vào trung tuần tháng 10, Thường trực Tổng LĐLĐVN đã làm việc với các ban và ban hành kết luận về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết. Sau hơn nửa năm, kể từ khi Nghị quyết 02 được ban hành, có thể khẳng định, Nghị quyết 02 đang từng bước đi vào đời sống với sự hưởng ứng tích cực của các cấp công đoàn và cả hệ thống chính trị.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang (ngoài cùng, bên trái) trao đổi với lãnh đạo Công Samsung Việt Nam về công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Việt LâmĐồng chí Nguyễn Đình Khang (ngoài cùng, bên trái) trao đổi với lãnh đạo Công Samsung Việt Nam về công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Việt Lâm

Nghị quyết 02 ra đời vào thời điểm làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát. Tinh thần đổi mới hoạt động công đoàn được thể hiện như thế nào trong hoạt động phòng chống COVID-19 và chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động của các cấp công đoàn, thưa đồng chí?

– Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Có thể nói, tinh thần đổi mới của Nghị quyết được “chuyển hóa” dần vào trong từng nội dung, phương thức hoạt động của các cấp công đoàn. Mọi hoạt động hướng mạnh về cơ sở, thuyết phục người lao động bằng chính các hoạt động chăm lo và bằng chính sự nhiệt huyết, trách nhiệm cao của từng cán bộ công đoàn.

Đổi mới trước hết ở việc các cấp công đoàn đã chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao, với tinh thần thích ứng, linh hoạt, duy trì tốt các mặt hoạt động cả thường xuyên và đột xuất. Loại bỏ tính hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ, mạng xã hội trong hoạt động công đoàn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Bảo vệ, chăm lo cho người lao động từ trong chính sách, Tổng LĐLĐVN đã tập trung kiến nghị, đề xuất ban hành mới cũng như sửa đổi các chính sách hỗ trợ người lao động và đã được ghi nhận trong các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, bám sát những diễn biến mới của công tác phòng, chống dịch, triển khai các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người lao động với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước đoàn viên, người lao động, Tổng LĐLĐVNchủ động, kịp thời ban hành nhiều chính sách, các gói hỗ trợ khả thi, phủ rộng đối tượng giúp hàng chục triệu lượt công nhân, người lao động được thụ hưởng; ban hành chính sách lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp, chính sách miễn đóng đoàn phí cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong đại dịch COVID-19, hàng nghìn lượt cán bộ công đoàn đã hy sinh thời gian bên gia đình, chấp nhận hiểm nguy để dấn thân vào vùng dịch nắm bắt tình hình, trực tiếp hỗ trợ đoàn viên, người lao động, chăm lo cho đoàn viên, người lao động từng bữa ăn, giấc ngủ. Trong đợt dịch lần thứ 4, với số lượng công nhân lao động bị nhiễm COVID-19 tăng rất cao, cán bộ công đoàn đã vào cuộc để phân luồng công nhân, hỗ trợ xét nghiệm và chăm lo cho người lao động ở trọ hoặc trong khu vực phải cách ly, phong tỏa. Công đoàn đã tham gia hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong triển khai mô hình “3 tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”. Tính đến nay công đoàn các cấp đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính Công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền hơn 6.000 tỉ đồng.

Năm 2021 thực sự là một năm rất khó khăn. Năm 2022 lại là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII CĐVN, năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Tổng LĐLĐVN đặt ra những  nhiệm vụ trọng tâm gì trong hoạt động, thưa đồng chí?

– Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với tổ chức công đoàn. Là năm các cấp Công đoàn tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Chương trình hành động triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, năm mà các cấp Công đoàn cần phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã thống nhất chủ đề hoạt động Công đoàn năm 2022 là: “Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”.

Bám sát chủ đề, năm 2022 các cấp công đoàn tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tích cực tham gia xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động, tổ chức Công đoàn; nghiên cứu đề xuất và tham gia xây dựng, triển khai, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của người lao động đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khôi phục và phát triển sản xuất. Công đoàn cơ sở tích cực, chủ động tham gia với người sử dụng lao động xây dựng phương án sản xuất, vận động người lao động làm việc đảm bảo các quy định an toàn, thích ứng với dịch bệnh COVID-19.

Hoạt động chăm lo phúc lợi, lợi ích đoàn viên, người lao động cần tiếp tục được đẩy mạnh, hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình đề ra, thực hiện thắng lợi 1 trong 3 khâu đột phá đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Nhân rộng các mô hình thiết thực chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động, đặc biệt là chăm lo cho đoàn viên, người lao động ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” đảm bảo mục tiêu đề ra.

Các cấp Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhất là các nội dung liên quan đến đời sống, việc làm của công nhân lao động, phòng chống COVID-19. Phát động và triển khai các phong trào thi đua phù hợp với từng loại hình công đoàn cơ sở, vận động đoàn viên, người lao động tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác, khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Triển khai Chương trình “01 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”. Ghi nhận, biểu dương những cách làm hay, mô hình tốt của các cấp công đoàn, những tấm gương cán bộ công đoàn để tạo động lực, truyền cảm hứng thúc đẩy sự chung tay, vào cuộc chăm lo cho người lao động của doanh nghiệp và các tầng lớp trong xã hội.

Đặc biệt, tập trung công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, tăng tỉ lệ đoàn viên trên tổng số công nhân, lao động ở những nơi đã thành lập công đoàn, nhất là các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất và những địa bàn tập trung đông doanh nghiệp. Nghiên cứu, triển khai thực hiện một số mô hình thí điểm như thành lập tổ chức công đoàn tại những tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn trực thuộc Tổng LĐLĐVN; sắp xếp mô hình công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty theo hướng tập trung, xuyên suốt, tinh gọn, hiệu quả; mô hình tập hợp người lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài và người nước ngoài lao động hợp pháp tại Việt Nam.

Với quyết tâm cao và phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo tôi tin tưởng năm 2022 sẽ là một năm có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa của tổ chức Công đoàn, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất của người lao động, do người lao động và vì người lao động.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

10 NHÓM CHỈ TIÊU NĂM 2021 TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN ĐÃ ĐẠT VÀ VƯỢT, GỒM:

1. Chủ trì 1.573 cuộc giám sát và thamgia 2.129 cuộc giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, đạt trên 200% chỉ tiêu.

2. Có 77.273 công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp phối hợp tổ chức hội nghị cán bộ công chức đạt

101,71% chỉ tiêu.

3. Có 45.629 doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động, trong đó có 2.805 doanh nghiệp nhà nước đã tổ chức hội nghị người lao động đạt 115% chỉ tiêu.

4. Có 35.539 doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước tổ chức đối thoại định kỳ, đạt 100,66% chỉ tiêu.

5. Đã thương lượng, ký kết mới 3.489 bản Thoả ước lao động tập thể, đạt 139,34% chỉ tiêu.

6. Có 2.860 Công đoàn cơ sở thương lượng, điều chỉnh giá trị bữa ăn ca lên mức bằng và cao hơn 15.000 đồng, đạt

116% chỉ tiêu.

7. Có 62.571 Công đoàn cơ sở tổ chức ít nhất một hoạt động Tháng Công nhân năm 2021, đạt 131% chỉ tiêu.

8. Các cấp công đoàn đã kết nạp mới 753.255 đoàn viên, đạt 125% chỉ tiêu, thành lập 3.524 công đoàn cơ sở trong đó có 1.842 Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên, đạt 104,8% chỉ tiêu.

9. Các cấp công đoàn đã giới thiệu 110.642 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp (đạt 100% chỉ tiêu), có 80.051 đoàn viên đã được kết nạp vào Đảng.

10. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở kiểm tra tài chính cùng cấp là 1402/1321cuộc (đạt 106% chỉ tiêu).

Theo laodong.vn