Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2021, về phía tổ chức Công đoàn, công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động nhất là đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được thực hiện chủ động, kịp thời, quy mô lớn, diện rộng, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả với tổng kinh phí gần 6.000 tỉ đồng.
Trên 90% người lao động đã trở lại làm việc
Chiều 31.12, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết công tác dân vận của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đã tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng của nhân dân, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế – xã hội; tác động nhiều mặt đến đời sống của các tầng lớp nhân dân, trong đó công nhân lao động là một trong những đối tượng chịu nhiều tác động nhất.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, theo báo cáo của các cấp công đoàn, từ đợt dịch bệnh thứ 4 đến nay, có trên 2,9 triệu công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, việc làm của người lao động. Đồng thời, nảy sinh những vấn đề mới trong đời sống của công nhân như việc chăm sóc, giáo dục con cái bị xáo trộn.
Dịch bệnh cũng làm thay đổi đời sống tâm lý, tinh thần, thói quen của công nhân, viên chức, lao động, nhất là vấn đề nhà ở xã hội dành cho công nhân, lao động, vấn đề tích lũy của người công nhân, vấn đề di cư lao động…
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là việc phát động Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong đó có đối tượng ưu tiên là công nhân, lao động thì tới nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân dần trở lại.
Đặc biệt, tình hình lao động, việc làm có dấu hiệu khởi sắc, nhiều doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động, trên 90% người lao động đã trở lại doanh nghiệp làm việc.
Về phía tổ chức Công đoàn, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, nhất là đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được thực hiện chủ động, kịp thời, quy mô lớn, diện rộng, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả với tổng kinh phí gần 6.000 tỉ đồng.
“Càng khó khăn, người Việt Nam càng sáng tạo” – ông Nguyễn Đình Khang nói và cho biết Công đoàn cũng vận động công nhân, viên chức, lao động tham gia tích cực vào các sự kiện trọng đại của đất nước, hưởng ứng các phong trào, các đợt thi đua, điển hình như chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” đạt 300% mục tiêu đề ra.
Toàn cảnh hội nghị.
Đồng thời, tổ chức Công đoàn cũng phát động phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, triển khai chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” góp phần cùng cả nước ổn định, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế.
Tiếp tục kiến nghị vấn đề nhà ở cho công nhân
Năm 2022, ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, hoạt động công đoàn tiếp tục tập trung vào các nội dung nhằm cụ thể hóa chủ đề “Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn kiến nghị Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Hiện nay, qua nắm bắt của Tổng Liên đoàn, tính đến ngày 30.12.2021, có 45/63 tỉnh, thành ủy ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết.
Tiếp đó, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục kiến nghị về vấn đề nhà ở cho công nhân. Qua công tác phòng chống dịch vừa qua, vấn đề nhà ở cho công nhân lại hết sức nóng bỏng, cấp thiết.
Đồng thời, ông Nguyễn Đình Khang cũng kiến nghị Ban Dân vận Trung ương đề nghị Ban Bí thư, Bộ Chính trị cần có giám sát chuyên đề về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18.3.2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân.
Đề xuất Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội phối hợp cùng tổ chức Công đoàn trong việc nắm bắt tình hình công nhân, lao động vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Phối hợp trong xây dựng kế hoạch chung tay chăm lo Tết cho nhân dân, nhất là đối tượng công nhân, lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Theo laodong.vn