Cùng với việc hoàn thiện các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí (khâu thượng nguồn) và vận chuyển, tàng trữ, phân phối dầu, khí (khâu trung nguồn), Chính phủ đã quyết tâm đầu tư cho khâu hạ nguồn (lọc, hóa dầu). Với nền móng đầu tiên được đặt ở Dung Quất, ngành công nghiệp lọc, hóa dầu Việt Nam từng bước phát triển vững chắc.
Hơn 600 năm trước, trên bãi biển Hải Bình lộng gió, những binh sĩ của vua Lê Thánh Tông gươm giáo rợp trời, căng lồng ngực hô vang: Vạn Tường! Vạn Tường! Vạn Tường!… mở đầu một cuộc tập trận thường niên sau khi mở rộng bờ cõi về phương Nam.
Giờ đây, ký ức trở thành lịch sử, những vết thương chiến tranh đã phai dần, Quãng Ngãi, miền đất cách mạng, nghèo khó thuở nào nay được nhắc đến như một vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, với trái tim là Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam – Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Cho đến ngày hôm nay, có lẽ câu chuyện được người ta quan tâm và cũng hoài nghi nhiều nhất về dự án nhà máy lọc dầu số 1 này, chính là xoay quanh câu hỏi: Tại sao lại là miền Trung? Tại sao lại là Quảng Ngãi, là Dung Quất? Trong khi biết bao vị trí khác thoạt nhìn đắc địa và đạt được hiệu quả kinh tế trước mắt?
Nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương chia sẻ: “Giai đoạn quyết định về việc có làm lọc dầu hay không và có cần xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất hay không là giai đoạn mà tôi làm Phó Thủ tướng nên tôi nhớ rất rõ. Phải nói đến đầu tiên là chủ trương xây dựng nhà máy lọc dầu bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài là chủ trương lớn của Bộ Chính trị lúc bấy giờ. Câu chuyện thứ hai là chọn địa điểm để xây dựng nhà máy lọc dầu này – một câu chuyện gây rất nhiều tranh cãi, cả trong nước cũng như chuyên gia nước ngoài…”
Dự án Liên hiệp Lọc, hóa dầu đầu tiên đã được thai nghén ngay sau ngày thống nhất đất nước. Lúc này, Việt Nam đã nhanh chóng đặt mối quan hệ hợp tác với Công ty Beicip của Pháp để triển khai Dự án Liên hiệp Lọc, hóa dầu, dự kiến đặt tại Nghi Sơn (Thanh Hóa). Tuy nhiên, năm 1979, dự án tạm dừng vì gặp khó khăn về nguồn vốn.
Đến đầu thập niên 80, theo Hiệp định hợp tác kinh tế – khoa học kỹ thuật giữa hai nước Việt Nam và Liên Xô, hai bên đã thống nhất địa điểm xây dựng khu liên hợp lọc, hóa dầu tại Thành Tuy Hạ (huyện Long Thành, Đồng Nai). Việc giải phóng một phần 3.000 hecta mặt bằng và khảo sát địa chất sơ bộ, chuẩn bị các điều kiện phụ trợ để xây dựng khu liên hợp đã được phía Việt Nam tiến hành. Phía Liên Xô cũng đã thực hiện xong thiết kế cơ sở và chuẩn bị các điều kiện đầu tư cho dự án. Tuy nhiên, do tình hình chính trị và thể chế của Liên Xô thay đổi, dự án lại một lần nữa phải tạm dừng.
Tháng 2/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giao cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) làm việc với các đối tác nước ngoài, lập luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết nhà máy lọc dầu số 1 với vị trí dự kiến đặt tại Đầm Môn, vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Tuy nhiên, trong quá trình này xuất hiện một số quan điểm khác nhau về địa điểm đặt nhà máy nên Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, các ngành liên quan, trong đó có Tổng công ty Dầu khí Việt Nam thành lập đoàn công tác liên ngành, cùng nghiên cứu và báo cáo đầy đủ về các yếu tố địa hình địa chất, tính toán toàn diện các mặt lợi ích kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của các địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy lọc dầu tại 5 địa điểm: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Dung Quất (Quảng Ngãi), Hòn La (Quảng Bình), Vân Phong (Khánh Hòa) và Long Sơn (Vũng Tàu).
Ông Đỗ Quang Toàn – nguyên Vụ trưởng Vụ Dầu khí – Văn phòng Chính phủ kể lại: “Khi đề xuất xây dựng nhà máy lọc dầu (NMLD), Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã phải có những bộ phận chuyên trách để lập luận chứng nghiên cứu mức độ khả thi của dự án, rằng có nên xây hay không, và nếu xây thì xây ở đâu. Đã từng có rất nhiều ý kiến cho rằng đất nước có dầu thô, NMLD trong khu vực thì thừa công suất, ví dụ như Singapore, thì gửi dầu thô đến thuê lọc rồi mang sản phẩm về. Nhưng mà dầu khí là mạch máu của nền kinh tế quốc dân, nếu phụ thuộc vào nước họ, xảy ra chuyện gì người ta cắt là nghỉ hết…
Ông Đỗ Quang Toàn – nguyên Vụ trưởng Vụ Dầu khí – Văn phòng Chính phủ |
Các chuyên gia ghiên cứu địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu trong một chuyến khảo sát tại Dung Quất – Quảng Ngãi (ảnh tư liệu) |
Sau khi nghiên cứu, so sánh các địa điểm nêu trên, đoàn công tác đã đưa ra kết luận, nếu chấm điểm một cách tổng thể thì Long Sơn và Vân Phong có trội hơn các vị trí khác. Long Sơn có ưu điểm là gần thị trường tiêu thụ, gần nguồn dầu thô, nhưng không thuận lợi về cảng nhập dầu. Vân Phong có cảng nước sâu, mặc dù có phần xa thị trường và nguồn dầu thô. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, 2 địa điểm này đã được Chính phủ cân nhắc để dành cho các dự án trong các lĩnh vực khác với nhiều ưu điểm hơn: Long Sơn dành để phát triển công nghiệp hóa dầu chủ yếu từ khí, Vân Phong dành cho du lịch.
Theo lời kể của ông Đỗ Quang Toàn: “Khi đó, tôi cũng đã tham gia đi khảo sát một số vùng. Người ta nghiêng về phía Long Sơn, rồi có một số ý kiến khác là xây ở miền Bắc, ở Nghi Sơn, chứ chưa ai đặt vấn đề xây ở miền Trung cả. Cho đến khi có ý kiến của các nhà chuyên môn là phải đặt (nhà máy) ở nơi có cảng nước sâu, vì dầu của mình là nhập bằng tàu chứ không phải bằng đường ống…
Trung ương, Thường vụ Bộ Chính trị cũng như các nhà chuyên gia, sau khi nghiên cứu tất cả, thì nhất trí phải xây dựng NMLD ở gần cảng nước sâu. Thì trong số các lựa chọn ấy, phía Long Sơn không phải cảng nước sâu nên không đáp ứng được. Các chuyên gia lại đi thăm các địa điểm khác như Dung Quất, Vân Phong. Tôi còn nhớ, sau khi đi thăm tất cả, Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới nói với các chuyên gia nghiên cứu: Vân Phong thì đẹp, để dành cho du lịch”.
Như vậy, trong các địa điểm còn lại (Dung Quất, Hòn La và Nghi Sơn) thì Dung Quất được coi là trội hơn cả.
TS Trương Đình Hiển là người có công rất lớn trong việc tìm ra cảng biển nước sâu Dung Quất. Còn nhớ khi phát hiện ra vịnh Dung Quất có đầy đủ các điều kiện để xây dựng, ông đã reo lên rồi rút bút viết:
“Dung Quất lung linh ánh hào quang
Vạn Tường hiển hách buổi huy hoàng
Rộn ràng bước tới thời hưng thịnh
Nhà máy công trường phố dọc ngang…”
Dung Quất có cảng nước sâu, có sân bay Chu Lai, gần quốc lộ số 1 và hệ thống đường sắt xuyên quốc gia, tuyến đường điện 110 KV, có nguồn nước dồi dào, có quỹ đất phi nông nghiệp dành cho xây dựng thuận lợi, gần thị xã Quảng Ngãi… Với những điều kiện thuận lợi đó, Dung Quất không chỉ đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà máy lọc dầu mà còn có thể xây dựng một khu công nghiệp tập trung gồm có các nhà máy lọc, hóa dầu, nhà máy luyện cán thép, các xí nghiệp công nghiệp khác… Đồng thời, cùng với khu công nghiệp tập trung này sẽ hình thành một Khu đô thị Vạn Tường mang tính chất tạo vùng, làm động lực, mũi nhọn phát triển, đột phá mạnh mẽ không những cho tỉnh Quảng Ngãi mà còn cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên, góp phần thực hiện sớm hơn, với tốc độ nhanh hơn, quá trình đô thị hóa và chiến lược phát triển đô thị quốc gia ở miền Trung. Mặt khác, Dung Quất được phát triển với quy mô nêu trên sẽ mở ra một cục diện mới về đầu mối quan hệ giao lưu quốc tế giữa Việt Nam (nhất là khu vực miền Trung) với các nước trong khu vực Đông Nam Á, trước hết là Lào, Campuchia và Đông Bắc Thái Lan. Đây cũng là yếu tố tác động mạnh và tạo tiền đề cho sự hợp tác phát triển ngày càng to lớn đối với khu vực miền Trung và của cả nước.
“Tất nhiên là nhiều cuộc họp lắm, và cũng có nhiều ý kiến lắm. Nhưng sau khi nghe tất cả ý kiến của các bên, tôi nhớ là Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói như thế này: Hôm nay họp thường vụ có mặt một số các bộ chuyên ngành, có các chuyên gia, thì đã thống nhất là làm NMLD ở Dung Quất. Tại sao lại làm NMLD ở Dung Quất thì tất cả các đồng chí đã nói rồi. Hôm nay tôi quyết định làm NMLD ở Dung Quất. Và khi đã quyết định thì chúng ta làm. Và tôi đề nghị là không bàn ra bàn vào nữa” – ông Đỗ Quang Toàn nhớ lại.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt nghe TS Trương Đình Hiển trình bày về vịnh nước sâu Dung Quất khi đi thị sát vào ngày 19/9/1994 (ảnh tư liệu) |
Ngày 9/11/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 658 QĐ-TTg về địa điểm xây dựng NMLD số 1 và quy hoạch Khu kinh tế trọng điểm miền Trung, chính thức chọn Dung Quất – Quảng Ngãi làm địa điểm xây dựng NMLD số 1.
Dung Quất là địa điểm nằm ở trung tâm của đất nước. NMLD đặt ở vị trí này sẽ giống như một trái tim đập mạnh, đẩy những dòng chảy năng lượng đi khắp đất nước, để góp phần phát triển kinh tế và kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, để có được một NMLD Dung Quất hiện đại, hoạt động an toàn, ổn định, đáp ứng gần 40% nhu cầu xăng dầu của đất nước như hiện nay, dự án xây dựng NMLD đầu tiên trải qua rất nhiều thăng trầm.
Lễ động thổ khởi công xây dựng NMLD số 1 – Dung Quất ngày 8/1/1998 (ảnh tư liệu) |
Ngày 8/1/1998, lễ động thổ xây dựng nhà máy lọc dầu số 1 đã được tổ chức tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam được Chính phủ giao làm Chủ đầu tư của Dự án.
Như đứa con ra đời trong giông bão, giữa năm 1998, trong lúc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đang nỗ lực triển khai dự án thì cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á diễn ra, tiến độ xây dựng nhà máy chững lại do gặp khó khăn trong huy động vốn.
Trong bối cảnh ấy, ngày 25/8/1998, Chính phủ Liên bang Nga đã ký hiệp định liên chính phủ về việc xây dựng, vận hành NMLD số 1 tại Dung Quất. Hai chính phủ thống nhất giao cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Liên doanh kinh tế hải ngoại nhà nước Liên bang Nga (Zarubezhneft) cùng làm chủ đầu tư dự án. Cánh cửa về vốn đã được mở ra. Nhưng một lần nữa sự hợp tác lại sớm gác lại bởi không đạt được sự đồng thuận trong những vấn đề quan trọng của liên doanh. Chúng ta đã bước vào ngành công nghiệp lọc – hóa dầu với biết bao trắc trở như thế.
Ngày 12/3/2003, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã thành lập Ban Quản lý Dự án NMLD Dung Quất để triển khai dự án xây dựng NMLD theo phương án Việt Nam tự đầu tư. Suốt những năm sau đó, Ban Quản lý Dự án phải giải quyết các vấn đề pháp lý của các hợp đồng sau khi chấm dứt liên doanh, kiện toàn bộ máy tổ chức và xử lý các vướng mắc về kỹ thuật, công nghệ, tài chính; đồng thời lập kế hoạch đào tạo nhân sự cũng như kế hoạch sản xuất…
Tuy gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, xây dựng, nhưng với quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng hàng vạn con người ngày đêm nỗ lực lao động trên công trường, NMLD Dung Quất đã cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên ngày 22/2/2009. Sau nhiều “đoạn trường”, ngày 30/5/2010, NMLD Dung Quất chính thức được bàn giao cho Chủ đầu tư, kết thúc giai đoạn xây dựng và vận hành chạy thử và nghiệm thu nhà máy.
Ngày 6/1/2011, lễ khánh thành NMLD Dung Quất long trọng được tổ chức, đánh dấu một cột mốc rất quan trọng trong lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam.
Lễ khánh thành NMLD Dung Quất |
Sau khi NMLD Dung Quất được vận hành, Việt Nam bắt đầu tự chủ được một phần nguồn cung xăng, dầu trong nước. Quan trọng hơn cả, NMLD Dung Quất giúp đất nước bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây có thể coi là nền móng để lĩnh vực công nghiệp lọc, hóa dầu Việt Nam tiếp tục phát triển.
Nếu như lịch sử lĩnh vực lọc, hóa dầu của thế giới đã kéo dài hơn 100 năm thì lĩnh vực lọc, hóa dầu của Việt Nam kể cả giai đoạn thai nghén, ý tưởng, mới kéo dài hơn 40 năm, rất non trẻ, nhưng đã gặt hái được những thành quả đáng tự hào.
Với NMLD đầu tiên, Việt Nam đã đáp ứng được gần 40% nhu cầu xăng dầu trong nước. Việc từng bước tự vận hành một nhà máy phức tạp với 15 phân xưởng công nghệ, 10 phân xưởng năng lượng phụ trợ, khu bể chứa dầu thô, bể chứa sản phẩm, hệ thống ống dẫn dầu thô và sản phẩm… khẳng định được năng lực của các chuyên gia, kỹ sư, công nhân Việt Nam.
Người lao động Dầu khí sẽ không bao giờ quên lời thư Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông gửi thư cho Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 7, khóa XI (tháng 6/2005). Trong thư có đoạn: “Cho đến nay, nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng NMLD như nhận định ban đầu, để góp phần rất có ý nghĩa cho khu vực kinh tế miền Trung và cho cả nước trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế”.
Về đây mới thấu hiểu nhân dân
Mới day dứt làm điều gì đó
Cho miền Trung bay lên
Có thể từ cây xương rồng làng Tuyết Diêm
Một nhà máy lọc dầu hoài thai cực nhọc
Hoa xương rồng ngọn lửa lọc dầu đỉnh tháp
Cháy khôn nguôi khao khát đổi đời.
(Trích trường ca “Dạ. Tôi anh Sáu Dân” của nhà thơ Thanh Thảo)
Quảng Ngãi thời điểm những năm 90 là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, đất sản xuất ít, thiên tai thường niên, cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn ngân sách hạn hẹp, giá trị sản xuất công nghiệp năm 1989 chỉ đạt 601 tỉ đồng.
Thế nhưng, chỉ sau 20 năm, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh) đã tăng gấp 19,5 lần. giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 đạt 124.870 tỉ đồng, gấp gần 207 lần năm 1989; tăng trưởng công nghiệp bình quân đạt 19,5%/năm. Những đóng góp to lớn đó phần lớn đến từ Khu kinh tế Dung Quất, trong đó, NMLD Dung Quất chính là “thỏi nam châm khổng lồ” thu hút đầu tư. Đây là những con số thực tế để chứng minh, Chính phủ hoàn toàn đúng đắn khi quyết định chọn Dung Quất làm địa điểm đặt NMLD đầu tiên của đất nước./.
Lâm Anh (t/h)
(Trong bài có sử dụng tư liệu của Ký sự Hành trình Người đi tìm lửa)