Ngày 10/12/2021, Đảng uỷ Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng tổng kết công tác năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tuyến để. Trong năm 2021, VPI tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm cùng 5 nhóm chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) giao, đặc biệt là rà soát, sắp xếp, đổi mới tổ chức theo hướng tinh gọn, tối ưu chi phí thường xuyên, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Hội nghị tập trung kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban lãnh đạo VPI; kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng năm 2021 đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo các cấp.
Toàn cảnh Hội nghị theo hình thức trực truyến |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Quang Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn quán triệt quan điểm: “Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất”. Lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu các tập thể, cá nhân bám sát chức năng, nhiệm vụ, chức trách được giao để tiến hành kiểm điểm, đồng thời yêu cầu người đứng đầu VPI tập trung kiểm điểm công tác tái cấu trúc VPI, định hướng vai trò tại Petrovietnam.
Trong năm 2021, VPI đối mặt với các thách thức lớn như dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, áp lực ngày càng tăng từ việc sử dụng hiệu quả lợi thế cạnh tranh về cơ sở dữ liệu, sáng tạo sản phẩm đặc thù và tác động thay đổi cơ bản mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ… Trên cơ sở đó, VPI tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm cùng 5 nhóm chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn giao, đặc biệt là rà soát, sắp xếp, đổi mới tổ chức theo hướng tinh gọn, tối ưu chi phí thường xuyên, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu, lĩnh vực cốt lõi.
Cụ thể, VPI đã chủ động triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn, đề xuất Petrovietnam 22 nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, công nghiệp khí và lọc hóa dầu, điện và năng lượng tái tạo; đẩy mạnh phát triển sản phẩm thương mại, đăng ký bản quyền trong nước và thế giới.
Trong năm 2021, VPI ký mới 147 hợp đồng nghiên cứu khoa học công nghệ với Petrovietnam và các đơn vị trong ngành; đồng thời mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ ra ngoài Petrovietnam (48 khách hàng), ngoài ngành và thế giới (60 hợp đồng) với các dịch vụ: Phân tích mẫu, tư vấn thiết kế hệ thống bảo vệ chống ăn mòn điện hóa đường ống nước; nghiên cứu thị trường LNG, tư vấn xây dựng chiến lược phát triển; tư vấn quy hoạch và phát triển Trung tâm khí tại Khu kinh tế Đông Nam (Quảng Trị); nghiên cứu đánh giá điều kiện địa chất, địa kỹ thuật khu vực trang trại điện gió Tuy Phong và vùng lân cận ngoài khơi Bình Thuận; nghiên cứu khả thi dự án sản xuất hydrogen tại Việt Nam, cung cấp anode vành khuyên; lập và phê duyệt tài liệu quản lý an toàn, giám sát môi trường; cung cấp hóa chất hóa phẩm…
VPI được Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp 1 Bằng độc quyền sáng chế “Quy trình thử nghiệm quá trình ngưng tụ khí ngưng tụ vùng cận đáy giếng”; 1 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích “Phụ gia nhũ tương nước trong dầu kích cỡ nano, quy trình sản xuất phụ gia nhũ tương nước trong dầu kích thước cỡ nano và quy trình sản xuất hệ nhũ tương nước trong dầu khoáng”; được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (United States Patent and Trademark – USPTO) chấp nhận hợp lệ 1 Đơn sáng chế “Phương pháp và hệ thống thiết bị làm mới xúc tác FCC thải bằng ngâm chiết acid sử dụng quá trình reflux”…
Viện trưởng Nguyễn Anh Đức cho biết, VPI đang tập trung phát triển hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam, cung cấp giải pháp cho các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của Petrovietnam và ngành Dầu khí Việt Nam. VPI đã hình thành khối hạt nhân (phát triển nguồn nhân lực, quản lý thực hiện, nắm thị trường, phân tích dữ liệu), bước đầu liên kết với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực an toàn – sức khỏe – môi trường và chống ăn mòn; đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị nhân sự (KPI, con đường nghề nghiệp, chính sách đãi ngộ), tuyển dụng; đang triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dầu khí (VPInsights).
Trong năm 2022, VPI tập trung hoàn thành chuyển đổi mô hình hoạt động theo chỉ đạo của Tập đoàn; rà soát, sắp xếp, đổi mới tổ chức theo hướng tinh gọn, tối ưu chi phí thường xuyên, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu, lĩnh vực cốt lõi; xây dựng và vận hành hệ sinh thái sáng tạo tại VPI làm tiền đề cho hệ sinh thái sáng tạo ngành Dầu khí Việt Nam, chú trọng và đẩy mạnh các thử nghiệm và triển khai thực nghiệm công nghệ thế giới giúp Petrovietnam và các đơn vị nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, VPI tập trung triển khai các đề tài/dự án thuộc các chương trình nằm trong khung “Chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Petrovietnam”; chủ động, tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị liên kết giữa các đơn vị đã được Tập đoàn hình thành; đẩy mạnh phát triển sản phẩm thương mại (phần mềm/giải pháp công nghệ thông tin, anode hy sinh, hóa chất, sản phẩm đại chúng), đăng ký bản quyền trong nước và quốc tế; tiếp tục mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ ra ngoài Petrovietnam, ngoài ngành và thế giới…
P.V