Với mục tiêu thay đổi căn bản kinh tế – xã hội của một vùng đất còn nhiều tiềm năng, tận dụng nguồn tài nguyên quý giá từ những mỏ khí nơi chồng lấn giữa Việt Nam – Malaysia, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều thế hệ người dầu khí đã quyết tâm triển khai sử dụng nguồn khí để sản xuất điện, đạm phục vụ nhu cầu trong nước, tạo sức bật quan trọng cho vùng cực Nam của Tổ quốc.
Gần 20 năm trước, về Cà Mau có lẽ đơn thuần chỉ là để thương một điệu hò, là về với sự hồn hậu bình yên được dung dưỡng từ miền đất màu mỡ. Đây đó dưới những nếp nhà, có những khát khao dường như vẫn chưa thể nào bứt lên cùng thời đại, những nuối tiếc ngập ngừng theo tháng năm, những giá trị chưa thể khai phá.
Với mục tiêu thay đổi căn bản kinh tế – xã hội của một vùng đất còn nhiều tiềm năng, tận dụng nguồn tài nguyên quý giá từ những mỏ khí nơi chồng lấn giữa Việt Nam – Malaysia, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều thế hệ người dầu khí đã quyết tâm triển khai sử dụng nguồn khí để sản xuất điện, đạm phục vụ nhu cầu trong nước, tạo sức bật quan trọng cho vùng cực Nam của Tổ quốc.
Để có thể đầu tư được dự án này là cả một câu chuyện dài.
Năm 1996, khi đàm phán với Tập đoàn BP Vương quốc Anh về khai thác mỏ Lan Tây – Lan Đỏ, xuất hiện phần xử lý khí của Việt Nam khi khai thác các mỏ khí nhóm bunga. Lúc đó, có hai luồng ý kiến. Một là bán cho Malaysia lấy ngoại tệ, hai là đưa khí vào bờ để khai thác vực dậy vùng nông nghiệp giàu tiềm năng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Khi Tổng công ty Dầu khí Việt Nam báo cáo đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Võ Văn Kiệt, đồng chí Lê Đức Anh, những vị lãnh đạo cao nhất đã đưa ra quan điểm không bán tài nguyên mà xây dựng khu khí – điện – đạm thứ 2 tại Cà Mau, sau Phú Mỹ. Cho dù khoản đầu tư ban đầu rất lớn nhưng về lâu dài, chúng ta sẽ chủ động được nhiều thứ, trong đó có điện, đạm phục vụ sản xuất công – nông nghiệp ở ĐBSCL và các tỉnh phía Nam.
Khi có chủ trương xây dựng dự án, việc chọn xã Khánh An để xây dựng cụm công nghiệp cũng là một quyết định thể hiện tầm nhìn xa của Thủ tướng Võ Văn Kiệt để công trình không ảnh hưởng đến vùng nước ngọt của bà con địa phương. Chọn địa điểm là việc quan trọng đầu tiên, chọn mô hình đầu tư là việc quan trọng thứ hai liên quan đến hiệu quả lâu dài của dự án là cân nhắc không dễ đối với người đứng đầu Chính phủ khi đó, bởi đây là một công trình có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với ngành Dầu khí mà còn của cả ĐBSCL về lâu dài.
Toàn cảnh Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau. |
Những người tiên phong khai phá ngày ấy đã không ngần ngại dãi nắng dầm mưa, đổ mồ hôi trên từng bước chân qua để bắt tay gây dựng nhà máy, nhanh chóng hiện thực hóa giấc mơ bằng chính quyết tâm của hàng vạn người lao động dầu khí. Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau được đầu tư trí tuệ và tài chính tầm cỡ, trở thành một trong những công trình trọng điểm quốc gia trong giai đoạn 2000 – 2005, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD. Với diện tích hơn 200 hecta tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, dự án bao gồm hệ thống đường ống dẫn khí, Nhà máy Điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2; Nhà máy Đạm Cà Mau cùng các công trình công nghiệp quan trọng khác như: cơ sở hạ tầng phụ trợ; khu dân sinh phục vụ tái định cư; khu đô thị mới cho cán bộ nhân viên trong khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Thành, nguyên Phó Trưởng ban Quản lý Dự án Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau kể với chúng tôi: “Kỷ niệm lớn nhất của tôi khi tham gia làm Cụm dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau là công tác giải phóng mặt bằng. Khi ấy Cà Mau đã cử đồng chí Phạm Thạnh Trị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải cùng tham gia, vận động bà con nhân dân nhường lại đất đai để làm dự án. Cùng với đó là sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương trong việc xây dựng khu tái định cư tạm thời, cung cấp hạ tầng và điện nước đầy đủ, nên bà con đã yên tâm, phấn khởi dọn đến nhà mới”.
Giai đoạn triển khai dự án ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt với Nhà máy Đạm Cà Mau. Tổng thầu không giàu kinh nghiệm thực hiện các dự án theo thông lệ quốc tế, hạn chế về ngôn ngữ giao tiếp cũng như thái độ tuân thủ quy định hợp đồng EPC đã ký kết… tất cả đã tạo nên rào cản rất lớn để hoàn thành dự án đúng thời hạn.
Song, cương quyết nhưng cũng rất khéo léo, phía Ban Quản lý dự án đã giải quyết từng vướng mắc, và nhà máy được hoàn thành sau 4 năm đầy gian khổ với quyết tâm sắt đá rút ngắn từng ngày, từng giờ để sớm đưa vào vận hành của Ban Quản lý dự án, tạo nên dấu ấn đặc biệt nhất, ấn tượng nhất trong cả cụm dự án.
Nhà máy Điện Cà Mau 1&2 |
Ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, nguyên Phó Ban QLDA Đạm Cà Mau nhớ lại một kỷ niệm khó quên: “Đúng 30 tết năm 2012, là giai đoạn mà chúng tôi cùng nhà thầu chạy thử cho phân xưởng amoniac mà chúng tôi gặp sự cố bởi máy nén khí tổng hợp. Máy nén đó nếu không chạy được thì lịch ra mắt sản phẩm thương mại dự kiến vào ngày 29/1/2012 sẽ không thể thực hiện được. Đến tận 12h đêm giao thừa, anh Nguyễn Đức Thành – Chủ tịch HĐQT, anh Lê Mạnh Hùng – Trưởng Ban QLDA cùng với tôi và các anh em kỹ thuật đều trực tiếp ở trên sàn máy nén cùng với nhà thầu, nhà cung cấp tìm hướng giải quyết cho máy nén đó. Đến 12h30 chúng tôi phát hiện ra lỗi và thở phào nhẹ nhõm vì đi đúng hướng. Lúc đó ở khu nhà admin (nhà văn phòng của nhà máy), vợ con của CBCNV mong chờ đón giao thừa, cùng lãnh đạo Petrovietnam ở trên điện thoại chờ để chúc mừng năm mới với Ban QLDA. Sau khi xử lý máy nén, ngày hôm sau chúng tôi khởi động xưởng amoniac và đúng ngày 29/1 chúng tôi đã hoàn thành đón chào 200 tấn sản phẩm thương mại đầu tiên”.
Nhà máy Đạm Cà Mau |
Là một tỉnh nông nghiệp ở vùng địa đầu, cực Nam của đất nước. Khó khăn lớn nhất và cũng là điều trăn trở lớn nhất của tất cả các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và người dân Cà Mau qua các thời kỳ đó là vấn đề việc làm. Trong quá trình triển khai, cụm dự án đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, thu hút và phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, xây lắp, cung ứng nguyên vật liệu… Khi đi vào hoạt động đã tạo công ăn việc làm trực tiếp cho gần 2.000 lao động và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động gián tiếp. Hàng năm, đóng góp của toàn Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm cho ngân sách tỉnh trên 1900 tỷ đồng, góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế tỉnh Cà Mau và khu vực ĐBSCL.
Toàn cảnh GPP Cà Mau |
Suốt những năm qua, Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau đã được vận hành an toàn, ổn định, không chỉ mang lại hiệu quả đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà còn có ý nghĩa chiến lược về kinh tế – xã hội của cả khu vực. Thành công của Nhà máy Đạm Cà Mau, cùng với thành công trước đó của đường ống dẫn khí và hai nhà máy Điện Cà Mau đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm tại mảnh đất cuối trời Nam này.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, nguyên Trưởng ban QLDA Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, khẳng định: “Việc đưa Cụm dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau đi vào hoạt động đem đến những ý nghĩa quan trọng là đóng góp trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế tỉnh Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung, tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương. Hằng năm, cụm nộp ngân sách trên 50% tổng thu ngân sách của tỉnh. Đồng thời, với việc cung cấp 1.500 mW điện đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, đặc biệt cho khu vực miền Tây, ĐBSCL – khu vực kinh tế trọng điểm . Với việc cung cấp 800.000 tấn ure/năm, cũng đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước thông qua việc sản xuất đạm”.
Giờ đây nhìn lại, có thể thấy sự thành công của Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau là sự tổng hòa của nhiều yếu tố.
Thứ nhất, đối với tỉnh Cà Mau, nơi cuối cùng của Tổ quốc, được Bộ Chính trị, Đảng và Nhà nước quyết định xây dựng Cụm Khí – Điện – Đạm, đó là hạnh phúc rất lớn lao đối với nhân dân Cà Mau. Là công trình trọng điểm quốc gia, Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau còn có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng.
Thứ hai, sự thành công của Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau phải nhắc đến sự ủng hộ rất lớn của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương đã luôn ủng hộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để triển khai dự án thuận lợi, an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó là sự ủng hộ nhiệt thành của các tỉnh, thành phố phía Nam đối với tỉnh Cà Mau.
Thứ ba là người dân Cà Mau đã đồng thuận và chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước, giúp cho quá trình đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho Ban QLDA, nhất là gần 300 hộ dân ở trong vùng giải phóng mặt bằng. Yếu tố này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện dự án.
“Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam. Ngại chi đường xa không tới, về đó nói với nhau mấy lời…”.
Đường về Cà Mau hôm nay không còn xa lắm như lời người ta vẫn hát. Nhưng quả thực, Cà Mau đã được thay màu áo mới.
“Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau”
Cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Đồng bằng sông Hồng có đại công trình Bắc Hưng Hải rạng rỡ ánh hào quang và niềm tự hào xã hội chủ nghĩa, thì sang thế kỷ 21, ĐBSCL đã thực sự cất cánh với đại công trình Khí – Điện – Đạm Cà Mau./.
(Trong bài có sử dụng tư liệu của Ký sự Hành trình Người đi tìm lửa)
Lâm Anh