02/12/2021 8:06:28

Tự hào 60 năm Ngành Dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước: Bạch Hổ – Câu chuyện định danh trên bản đồ dầu khí thế giới

Việc phát hiện dầu trong tầng đá móng granit trước Đệ Tam tại mỏ Bạch Hổ là một thành tựu nổi bật nhất, một đóng góp to lớn cho khoa học dầu khí, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nhận định và đánh giá mới về tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam.

Từ những bước chân đầu tiên của các thế hệ tiền bối những năm 1960 đi tìm lửa trên những bãi bồi đồng bằng sông Hồng đến “Ánh lửa màu da cam” (Tựa bút ký của Nhà văn Nguyễn Duy Thinh) tại Giếng khoan 61 là giếng khoan tìm kiếm dầu khí đầu tiên trên cấu tạo mỏ Tiền Hải C, cũng là giếng phát hiện dòng khí công nghiệp đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác tìm kiếm dầu khí tại Việt Nam, hơn 15 năm lao động, nâng cao trình độ và tích lũy kinh nghiệm của lớp thế hệ dầu khí đầu tiên. Đến ngọn lửa đầu tiên vụt sáng trên biển Đông năm 1984, là biết bao mồ hôi, công sức của các thế hệ tiên phong đi tìm lửa. Tháng 5/1984 dòng dầu đầu tiên được tìm thấy tại thềm lục địa Việt Nam. Ngày 3/6/1984, lễ mừng dòng dầu được tổ chức long trọng tại Vũng Tàu. Người dầu khí hân hoan, tự hào, nhân dân cả nước vui mừng. Niềm vui sau đó truyền đi trong triệu trái tim người Việt khi mỏ Bạch Hổ được chính thức đưa vào khai thác vào ngày 26/6/1986 – sự kiện chính thức định danh Việt Nam trên bản đồ dầu khí thế giới.

Thế nhưng, niềm tin vào một trang mới, đất nước đổi mới, phát triển giàu mạnh lớn bao nhiêu, thì cũng bấy nhiêu nỗi lo âu của tập thể, cán bộ xí nghiệp liên doanh dầu khí và ban lãnh đạo Đảng, nhà nước, khi ngọn đuốc trên giếng số 1 leo lét, lưu lượng thử khoảng 20 tấn/ngày chỉ bằng 1/15 lưu lượng mà công ty Mobil tuyên bố.

Theo dòng hồi ức, ông Lê Quang Trung (nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro) kể lại: “Năm 1984 phát hiện ra một giếng khoan có dầu. Chính phủ liền đặt vấn đề có thể nhanh chóng đưa mỏ Bạch Hổ vào khai thác được không. Về nguyên tắc làm dầu khí, là sau khi phát hiện dầu phải tiến hành đánh giá trữ lượng. Khi nào đánh giá trữ lượng khai thác được hay không, khai thác trong bao nhiêu năm thì lúc đấy mới đặt các giàn khoan vào khai thác. Cán bộ kỹ thuật hai phía đánh giá trước đây có dầu, khoan tiếp có dầu rồi, chắc chắn có dầu khai thác được mà với sản lượng lớn, cho nên vừa tiến hành khoan thăm dò, vừa tiến hành xây dựng các giàn khoan ngoài biển. Đây là việc làm mang tính rủi ro lớn, bởi nếu trữ lượng không đạt yêu cầu khai thác thì việc xây giàn là tốn kém vô ích. Năm 1986, chúng tôi bắt đầu khai thác những dòng dầu đầu tiên”.

Kỳ 4: Định danh trên bản đồ Dầu khí thế giới

Chúng ta bắt đầu tổ chức khai thác mỏ Bạch Hổ thì thấy năng lượng vỉa rất thấp. Chỉ sau 4 tháng, lưu lượng từ khoảng 100 tấn/ngày xuống còn khoảng 20 tấn/ngày. Những giếng khoan vị trí số 1 cách khoảng 3-4m cho kết quả không như mong đợi. Điều này gây tâm lý bi quan không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở phía Nga… Trước tình hình triển vọng của Vietsovpetro không lớn như thế, 2 bên tranh cãi gay gắt: bỏ hay không bỏ mỏ Bạch Hổ này” – TS Ngô Thường San (Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam) nhớ lại.

Từ bỏ Bạch Hổ hay không là vấn đề rất lớn đặt ra tại thời điểm lúc bấy giờ. Và dĩ nhiên, đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn được nghe cái tên Bạch Hổ, bởi quyết định táo bạo nhưng cũng đầy quyết đoán của ban lãnh đạo ngày ấy. Liên doanh Vietsovpetro đã hoàn toàn có khả năng bị xóa sổ nếu như không phải nhờ vào niềm tin vững chắc của đồng chí Đỗ Mười đối với tương lai dầu mỏ Việt Nam. Ông cũng là người có niềm tin mạnh mẽ vào sự hợp tác với Liên Xô.

Có lẽ Bạch Hổ đi vào lịch sử Việt Nam bởi sự thăng trầm với những dấu mốc không thể nào quên. Và cũng chính khu mỏ này đã định danh cái tên Việt Nam trên bản đồ dầu khí thế giới. Đó chính là việc tìm thấy dầu trong tầng đá móng nứt nẻ – sự kiện gây chấn động ngành dầu khí trong nước và thế giới lúc bấy giờ.

Kỳ 4: Định danh trên bản đồ Dầu khí thế giới

Giàn khoan Ekabi thử vỉa dầu trong tầng móng mỏ Bạch Hổ. (Ảnh tư liệu)

Vỉa dầu diesel giảm nhanh. Chúng tôi nghĩ đến việc cắt chân đế giàn công nghệ trung tâm số 2 bây giờ để mang về bờ. Tôi đã từng nộp hồ sơ xin việc đến Công ty cấp thoát nước Bà Rịa – Vũng Tàu phòng trường hợp Liên doanh đóng cửa. Hồi đó chúng tôi không biết ai quyết định khoan cốc xi măng của giếng số 1 – nơi mà trước đấy 3 ngày, chúng tôi gọi dòng nhưng không được” – TS. Ngô Hữu Hải (Tổng Giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông, nguyên kỹ sư Vietsovpetro) nhớ lại thời khắc sống còn ngày ấy.

Có thể nói rằng, mỏ Bạch Hổ đã được phát hiện lần thứ 2, và lần thứ 3, để rồi kỳ tích xuất hiện!

Không một ai có mặt trong sự kiện ngày 6/9/1988 lại có thể quên được khoảnh khắc sẽ khắc ghi suốt cuộc đời họ. Những tấn dầu khai thác được trong tầng đá móng nứt nẻ đã cứu Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. Việc phát hiện dầu trong tầng đá móng granit trước Đệ Tam tại mỏ Bạch Hổ là một thành tựu nổi bật nhất, một đóng góp to lớn cho khoa học dầu khí, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nhận định và đánh giá mới về tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam. Trước đó, nhiều công ty tư bản đã khoan thăm dò nhưng đều đã bỏ cuộc vì tới tầng đá móng nhưng không có dầu. Sự kiện tìm thấy dầu trong tầng đá móng nứt nẻ còn thay đổi lý thuyết về cấu tạo địa chất trên thế giới bấy lâu.

Bất kỳ chuyên gia địa chất – dầu mỏ nào cũng biết rằng trong mỗi khu vực, dầu thường được tích tụ trong một số thời địa tầng nhất định. Tư tưởng địa chất bảo thủ bởi vì nó quá đắt đỏ và tốn kém. Bể trầm tích Cửu Long được lấp đầy bởi các đá trầm tích có tuổi tuyệt đối không quá 65 triệu năm, trong đó đá già nhất phát hiện được có tuổi địa chất là Oligocen. Các đá trầm tích nằm kề bên trên móng của bể. Theo lý thuyết hữu cơ về nguồn gốc dầu khí, thăm dò dầu khí sẽ tập trung cho các đá trầm tích. Móng không phải là đối tượng được quan tâm. Việc phát hiện dầu trong tầng móng nứt nẻ trên thềm lục địa biển Đông là một bất ngờ lớn không chỉ với các chuyên gia Việt Nam, Liên Xô mà còn với thế giới.

Theo nhận định của TS. Ngô Thường San, không chỉ thành công trong việc phát hiện dầu ở tầng đá móng, Việt Nam cũng đã tổ chức khai thác mỏ Bạch Hổ có hiệu quả với sản lượng rất cao. Chỉ trong thời gian ngắn đã đưa sản lượng đỉnh lên đến gần 12 triệu tấn/năm. Đó là sản lượng kỷ lục mà trên thế giới, các mỏ dầu khí trong đá móng, đặc biệt trong đá móng granit chưa có kỷ lục nào như thế. Theo học thuyết, dầu hình thành do sinh vật phù du và các tảo, chứ không có trong các đá granit. “Khi phát hiện dầu trong đá móng, chúng tôi không biết dầu trong tầng phong hóa hay ở hệ đá móng. Nhưng trong quá trình khai thác phát hiện dầu trong đá nứt nẻ, là tiền lệ đầu tiên” – ông San nói.

Những nghiên cứu bước đầu này là những tư liệu rất quý đóng góp cho khoa học dầu khí ở khu vực và thế giới. Tầng móng đã trở thành đối tượng số 1 của công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía Nam nước ta, có ý nghĩa quan trọng trong việc lôi cuốn các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Kỳ 4: Định danh trên bản đồ Dầu khí thế giới

Các nhà khoa học dầu khí nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học – Cụm công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” – Hình tư liệu

Sau Bạch Hổ, nhiều mỏ dầu mới ở tầng móng như mỏ Rồng, mỏ Rạng Đông, mỏ Hồng Ngọc… đã lần lượt phát hiện và đưa vào khai thác. Nhờ những phát hiện của Việt Nam mà nhiều nước khác cũng tìm thấy dầu trong tầng đá móng nứt nẻ như những mỏ đang khảo sát, thăm dò ở Nhật Bản, Indonesia… Năm 2012, công trình khoa học Tìm ra dầu trong tầng đá móng đã vinh dự được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Ông Lê Việt Hải, nguyên Phó Tổng giám đốc Liên doanh Vietsovpetro khẳng định: “Đó là giải thưởng Hồ Chí Minh đối với công trình tìm kiếm, thăm dò và khai thác Mỏ Bạch Hổ. Đây là công trình cơ bản của Vietsovpetro từ khi thành lập đến nay. Trên thế giới chưa có phát hiện dầu trong tầng đá móng có độ dày của than dầu lớn như thế. Trên cơ sở thành công của Vietsovpetro trong việc tìm kiếm và khai thác dầu trong tầng đá móng, các công ty dầu đang làm việc tại thềm lục địa Việt Nam cũng đi theo kinh nghiệm của Vietsovpetro, cũng tìm kiếm và khai thác hiệu quả dầu trong tầng đá móng”.

Bắt đầu từ con số 0, phải có cách đi của riêng mình. Bản thân sự hiện diện của một xí nghiệp liên doanh cũng đã nói lên một cách đi trong điều kiện hoàn cảnh đất nước có nhiều khó khăn. Cái tên Vietsovpetro vừa là lịch sử, vừa là hiện tại, cũng là tương lai của ngành Dầu khí Việt Nam.

Những kho báu nằm sâu trong lòng đất kia, ở đâu và bao giờ cũng thách thức trí tuệ con người. Phải tạo ra được chiếc chìa khoá của trí tuệ và phải biết chấp nhận thách thức, kiên trì vượt qua để có thể mở ra cánh cửa vận hội mới. Việt Nam chúng ta đã được định danh trên bản đồ dầu khí thế giới như thế. Chúng ta có quyền tự hào vì những năm tháng gian khổ ấy, có quyền tự hào là một người Việt Nam.

Trúc Lâm (t/h)

Trong bài có sử dụng tư liệu của Ký sự “Hành trình Người đi tìm lửa”