Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (26/11/2001 – 26/11/2021), những “chiến binh khoan” năm xưa bồi hồi nhớ lại những tháng ngày gian khó nhưng đầy tự hào, vinh quang khi PV Drilling 11 khoan thành công ở sa mạc Sahara.
(Trong kỳ trước, tác giả bài viết đã “thông chốt” thành công khi đang trên đường “cấp cứu” thiết bị VFD house – bộ não trung tâm điều khiển của giàn PV Drilling 11 đang được vận chuyển đến khoan trường thì bị tai nạn do bão cát. Chúng tôi xin gửi đến bạn đọc phần tiếp theo ký sự “Ngày ấy có một PV Drilling 11 giữa sa mạc Sahara” của tác giả Sahare SonDuong.)
Xe chạy chừng một tiếng thì đến nơi, chúng tôi rảo bước xuống xe, cảnh tượng “kinh hoàng” ngay trước mắt. Trời nóng như đổ lửa, khu vực này chắc phải hơn 60 độ C, cái xe đầu kéo “low boy” đầu chúc xuống, bánh xe chệch hẳn xuống taluy. Chiếc container chở “não bộ” nằm chỏng trơ dưới đáy khe núi cát. Từ trên đường đến chỗ đáy khe là khoảng hơn 30m, vậy là “hắn” đã bị lăn ít nhất chục vòng. Container nằm lật nghiêng, mấy cánh cửa vỡ tung, toang hoác khoe “ruột” với trời, cát bám đầy xung quanh. Chúng tôi đi men xuống, trèo lên cửa ngó vào. Bên trong còn “thảm” hơn nhiều, với kính và đèn điện vỡ tung tóe, các module thiết bị văng vẹo, xộc xệch, nhiều miếng vỡ hẳn ra nằm lộn xộn bên trong. Toàn bộ hệ thống điều khiển, điện tự động hóa nhìn bề ngoài là một “đống đổ nát” không hơn, không kém.
Vậy là xong! Giàn gần dựng xong rồi, tất cả các nguồn lực đã huy động hết mà hệ thống điều khiển đầu não bị thế này thì không gỡ được rồi. Đó là những suy nghĩ và cảm nhận ban đầu của chúng tôi ngay lúc đó. Tuy nhiên, vẫn với tinh thần “còn nước, còn tát”, chúng tôi tiếp tục trấn tĩnh lại, đánh giá tình hình cụ thể.
Ngày hôm sau, đội cứu hộ có mặt với đầy đủ thiết bị, phương tiện để cẩu VFD lên, rồi tiếp tục đưa về nơi tập kết tại khoan trường. Tại khoan trường, tất cả nguồn lực được tập trung để “cứu” VFD. Cũng may tại thời điểm đó, chúng tôi đã kịp huy động đủ các chuyên gia Trung Quốc, gồm cả chuyên gia chuyên về điện tự động hóa, phần mềm và lập trình cho VFD. Sau hơn 10 ngày cứu chữa, hệ thống VFD bị bầm dập như thế, bị thiêu đốt dưới cái nóng “như lò bát quái” của sa mạc như thế cũng dần dần hồi sinh như một phép lạ. Hệ thống điều khiển được kết nối, mọi hỏng hóc được khắc phục, toàn bộ giàn khoan đã mở lỗ khoan đầu tiên trong vòng một tháng sau cái ngày VFD bị “trọng thương” được đưa về đến khoan trường. Cho đến bây giờ – tất nhiên là nhờ phần lớn công lao làm việc của các anh em kỹ sư và chuyên gia đã cứu VFD – chúng tôi vẫn nghĩ VFD “sống lại” được đúng là có phép màu, như có sự che chở của “Đấng bề trên” nào đó. Một điều hết sức may mắn và vui mừng là hệ thống VFD, sau khi trải qua thử thách trong lò bát quái và dính “trọng thương” được “hồi sinh” lại. “Trộm vía” đến nay nó vẫn hoạt động bình thường, trơn tru như chưa từng bị “chấn thương” vậy.
Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Phạm Tiến Dũng (nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc PV Drilling) cùng nhạc sỹ Trần Tiến trong chuyến thăm khoan trường PV Drilling 11 trên sa mạc Sahara. |
Lắp đặt tại khoan trường
Bắt đầu từ ngày 2/8/2007, những chuyến hàng đầu tiên được tập kết tại căn cứ ở Hassi Messaoud để sẵn sàng chuyển ra khoan trường MOM 3. Việc xin được giấy phép di chuyển ra sa mạc rất khó khăn và còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố. Phải xin phép trước 72h, nhưng toàn bộ thủ tục phê duyệt chỉ được biết trước chuyến đi chừng 30 phút để đảm bảo an ninh và an toàn cho người nước ngoài. Người của quân đội được trang bị vũ khí hộ tống là yêu cầu bắt buộc, còn phải chuẩn bị điện thoại vệ tinh, phương tiện cứu hộ, lương thực thực phẩm cho cả chuyến đi.
Sau 2 lần cấp giấy phép “hụt” trước đó vì lý bão cát và an ninh quân sự, đến lần thứ 3 vào ngày 10/8/2007, giàn PV Drilling 11 chính thức được di chuyển từ Hassi Messoaud ra khoan trường. Đây là khoảng thời gian cũng rất nhiều khó khăn với toàn bộ người lao động của Ban dự án lúc đó, vì cái gì cũng là lần đầu thực hiện và làm bất kỳ việc gì cũng phải đợi giấy phép. Cuối cùng toàn bộ thiết bị giàn khoan cũng đã được vận chuyển đến khoan trường an toàn đúng tiến độ để chuẩn bị công việc lắp đặt và dựng giàn.
Trong những ngày đầu ngoài khoan trường, cuộc sống biệt lập với xã hội, việc quan trọng trước tiên phải thiết lập khu nhà ở và bếp ăn phục vụ cho khoảng 150 người bao gồm cả lực lượng quân đội. Chỉ khi hệ thống khu nhà ở và bếp ăn trong container hoàn thiện, các công việc khác mới có thể tiếp tục được.
Công tác lắp đặt những khối sắt thép khổng lồ thành một cỗ máy hoàn thiện (công đoạn dựng giàn) cũng vất vả chẳng kém. Với yêu cầu phải nhanh chóng lắp đặt, đưa giàn khoan vào vận hành sớm nhất để đảm bảo kế hoạch và yêu cầu của khách hàng luôn tạo ra áp lực lớn cho Ban điều hành dự án và đội ngũ chuyên gia. Từ những thiết bị lần đầu lắp đặt như motor hệ thống tời khoan, khắc phục những hỏng hóc trong quá trình vận chuyển, vận hành… đã được cán bộ nhân viên dự án thực hiện và tích lũy thành những bài học quý báu trong quá trình vận hành giàn sau này.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, cuối cùng giàn khoan PV Drilling11 cũng đã được dựng lên giữa sa mạc Sahara, bắt đầu khoan cho chiến dịch khoan của PVEP. Giếng khoan MOM3 được mở lỗ vào lúc 16:00 ngày 18/9/2007 đã giải tỏa rất nhiều áp lực cho toàn thể cán bộ nhân viên dự án, và cũng là bước khởi đầu để chinh phục nhiều thành tích của giàn PV Drilling11 tại Algeria.
Dịch vụ thời “bao cấp”
Những câu chuyện về thời bao cấp tưởng như đã lùi vào dĩ vãng. Với những người thuộc thế hệ 8X hay 9X, cũng chỉ hình dung qua lời kể của bố mẹ và những người thuộc thế hệ 6X ở công ty như anh Đoàn mà thôi. Thế nhưng những câu chuyện dở khóc dở cười của thời bao cấp lại hiện hữu trong thế kỷ 21, ngay ở đất nước Algeria xa xôi này mà chúng tôi có “may mắn” được chứng kiến.
Dầu diesel để chạy máy phát điện tại Algeria rất rẻ. Thời điểm năm 2007 tại các cây xăng, một lít dầu diesel chỉ khoảng 2.000 VND, nhưng một chai nước uống lại có giá khoảng 3.500 VND. Theo cư dân địa phương chia sẻ ở đây dầu, gas, sữa, bột mỳ, đường là những mặt hàng thiết yếu được Chính phủ trợ giá. Khi giàn khoan đã chuyển ra ngoài sa mạc, việc mua dầu diesel trở lên cấp bách hơn lúc nào hết. Dầu diesel chuyển ra giàn chỉ cần chậm trễ một giờ sẽ làm ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn đến tiến độ sản xuất của giàn. Nghĩ đơn giản là chỉ cần thuê xe bồn ra cây xăng tại thành phố Hassi Messaoud mua rồi chở ra giàn, lúc nào cũng sẵn sàng, dầu giá lại rẻ hơn nước nên chúng tôi không quá lo lắng. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Khi đi ra cây xăng hỏi mua, họ sẽ từ chối bán và chúng tôi bắt buộc phải thuê xe bồn đến tận… nhà máy lọc dầu tại khu vực phía Bắc của Algeria cách đó khoảng 800 đến 1.000 cây số. Các nhà máy lọc dầu được kiểm soát bởi chính phủ Algeria và thường xuyên bị quá tải trong công tác phân phối dầu cho tiêu dùng, ngoài ra việc kiểm soát, còn mục đích tránh người mua tài trợ cho các tổ chức khủng bố đang sống và ẩn nấp trong sa mạc. Để mua được một xe bồn khoảng 27m3 dầu diesel, chúng tôi phải lên kế hoạch trước ít nhất 10 ngày với chi phí vận chuyển đến khoan trường ngoài sa mạc rất cao. Thường giá vận chuyển một lít dầu diesel sẽ gấp 5 lần giá dầu công bố. Để chủ động trong việc đảm bảo nguồn cấp dầu cho hoạt động của dự án, giảm thiểu rủi ro khi gặp phải sự cố nguồn cung (bảo dưỡng nhà máy dầu, khủng bố), ngoài số lượng dầu mua thường xuyên, Ban dự án còn phải mua sẵn 03 xe dầu dự trữ, để sẵn tại Hassi Messaoud phòng “cơ nhỡ”.
Hassi Messaoud là thủ phủ dầu khí của Algeria nên tại đây các công việc chế tạo cơ khí, sửa chữa phụ trợ cũng rất phát triển. Nguồn nạp khí công nghiệp cũng rất dồi dào, tuy nhiên việc vận chuyển khí lại mất rất nhiều công đoạn và thủ tục. Các bình khí công nghiệp ở đây được kiểm soát triệt để, tránh tuồn ra ngoài cho các tổ chức khủng bố tận dụng chế tạo vũ khí. Chính quyền thành phố Hassi Messaoud yêu cầu, mỗi khi vận chuyển đi nạp khí công nghiệp thì phải xin giấy phép chi tiết theo biển kiểm soát của xe chở, số serial đóng trên thân bình. Nếu trong quá trình vận chuyển cảnh sát phát hiện biển kiểm soát và số serial không phù hợp với giấy phép được cấp sẽ bị tịch thu để điều tra, thậm chí rút giấy phép hoạt động. Trong giai đoạn tổ chức khủng bố Al-Qaeda hoạt động tại một số nước châu Phi, việc kiểm soát này lại càng được thắt chặt hơn nữa.
“Khu đô thị PV Drilling 11” rực sáng trong đêm giữa sa mạc Sahara. |
“Khu đô thị PV Drilling” ở Algeria
Khoan trường rộng lớn của giàn PV Drilling11 nằm cách thành phố Hassi Messaoud khoảng 130 km, gần biên giới Tunisia. Giàn của PV Drilling thuộc loại lớn nhất ở đây, nhưng nó cũng chỉ như những hạt cát trên sa mạc. “Khu đô thị PV Drilling Algeria”, như anh em vẫn nói vui với nhau, thực sự là một “ốc đảo” với đúng nghĩa của nó. Sau 18h, hàng ngàn bóng điện trong “khu đô thị” này rực sáng trong đêm để tô vẽ thêm vẻ đẹp huyền bí của sa mạc. Nhưng ở “khu đô thị” này cái gì cũng gắn với container. Ăn container. Ngủ container. Sinh hoạt và làm việc cũng container. Những dãy “biệt thự” container, cứ hai căn hộ trong một chiếc, dùng để sống và làm việc ở nơi ngày nóng đêm lạnh này cũng có đầy đủ tiện nghi tối thiểu như những căn nhà trong một khu phố nhỏ. Để vào được khu này, ai cũng phải qua 3 lớp bảo vệ nghiêm ngặt: Vòng 1 là vọng gác từ xa của lực lượng quân đội bao quát toàn bộ vùng mỏ. Vòng 2 toàn bộ khoan trường cũng do quân đội chốt chặn. Vòng 3 khu vực dành riêng cho khu vực giếng khoan do lực lượng bảo vệ khoan trường kiểm soát. Những lúc đông nhất ở khoan trường có thể lên tới hơn 200 người ăn ở và sinh hoạt, nên việc đảm bảo công tác hậu cần cho “thành phố” này trong điều kiện khó khăn giữa sa mạc cũng không phải dễ dàng. Điều chúng tôi cảm thấy xúc động dâng trào là nơi đây luôn có lá Quốc kỳ Việt Nam tung bay bên cạnh quốc kỳ các nước khác, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ người thợ dầu khí Việt Nam trên đất khách quê người.
Hơn 30 chuyên gia là người Việt Nam có kinh nghiệm, trình độ và nhiệt huyết, được PV Drilling tuyển chọn kỹ càng đưa sang Algeria làm việc. Trong một môi trường hoàn toàn mới, họ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của “thiên, địa, nhân” để trong suốt 15 năm qua, giàn khoan PV Drilling 11 vẫn sừng sững hiện diện nơi xứ người và hoàn thành nhiều chiến dịch khoan cho khách hàng một cách an toàn hiệu quả. Từ chỗ phải sử dụng các chuyên gia nước ngoài vận hành, quản lý giàn khoan như Úc, Canada, Croatia, Ấn Độ… đến nay, toàn bộ những chức danh quản lý, điều hành này đã được thay thế bằng đội ngũ lao động người Việt Nam. Công tác vận chuyển giàn từ giếng khoan cũ sang giếng khoan mới trước đây thường mất khoảng 21 ngày, đến nay rút ngắn chỉ còn 9 ngày.
Do sớm khẳng định được vị trí, tên tuổi của mình tại thị trường khoan Algeria nên giàn PV Drilling 11 không chỉ cung cấp dịch vụ khoan cho PVEP, GBRS mà còn cung cấp dịch vụ cho Cepsa là công ty dầu khí lớn của Tây Ban Nha, đã được khách hàng đánh giá cao về năng lực cũng như sự hài lòng về chất lượng dịch vụ. Đến nay, giàn cũng xác lập hai kỷ lục về khoan, đó là giàn khoan có mũi khoan khoan sâu nhất và đạt tốc độ khoan nhanh nhất.
Từ khởi điểm chưa sở hữu một giàn khoan nào, trải qua 20 năm, PV Drilling ngày nay đã có những bước tiến vượt bậc về cả quy mô và đội ngũ nhân lực, sở hữu đội ngũ giàn khoan hiện đại, cùng với hệ thống máy móc thiết bị kỹ thuật tiên tiến phục vụ các dịch vụ kỹ thuật giếng khoan đa dạng.
Nhìn lại hành trình 20 năm hình thành và phát triển, PV Drilling đã từng bước vươn ra biển lớn, chinh phục được những thị trường khoan khó tính nhất. Chúng tôi tự hào rằng đã góp phần đưa PV Drilling hiện thực hóa mục tiêu trở thành nhà thầu khoan Việt Nam đẳng cấp quốc tế. Hành trình của những ước mơ, những khát vọng đã có quả ngọt từ sự nỗ lực, nhiệt huyết, đoàn kết và đồng lòng của một tập thể những “Người tiên phong của ngành khoan dầu khí Việt Nam”./.
Sahare SonDuong