Ngay sau khi phát triển các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí (khâu thượng nguồn) và vận chuyển, tàng trữ, phân phối dầu, khí (khâu trung nguồn), Chính phủ đã quyết tâm đầu tư cho khâu hạ nguồn (lọc, hóa dầu). Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng kể từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất luôn có đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nhà máy của nhiều vai trò quan trọng
Ngày 27/11/1961, Đoàn thăm dò Dầu lửa số 36 ra đời; kể từ thời điểm đó, ngành Dầu khí Việt Nam ra đời, đồng hành và phát triển cùng đất nước. Các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, phân phối… từng bước phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, nếu thiếu khâu hạ nguồn thì cơ cấu của ngành Dầu khí Việt Nam vẫn chưa hoàn chỉnh. Nhận thấy điều đó, ngay từ sau khi thống nhất đất nước, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng xúc tiến thực hiện các dự án lọc, hóa dầu. Nhiều địa điểm được chọn, nhiều cái tên được xướng lên; thế nhưng Dung Quất được chọn để thực hiện sứ mệnh là nơi đóng chân của nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước.
Ngày 10/7/1997, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt xây dựng NMLD số 1 tại Dung Quất theo hình thức Việt Nam tự đầu tư. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Petrovietnam) được Chính phủ giao làm chủ đầu tư của dự án. Ngày 8/1/1998, lễ khởi công NMLD số 1 được chính thức tiến hành tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thời điểm đó, Bình Trị và vịnh Dung Quất là những cồn cát trắng trải dài, hoang vắng. Trải qua nhiều thăng trầm, NMLD Dung Quất hình thành, phát triển, đóng góp cho ngân sách quốc gia cũng như những việc quan trọng khác khó định lượng được bằng các con số.
Vùng cát trắng hoang vắng ngày xưa nay đã hình thành một NMLD hiện đại. |
Trước khi NMLD Dung Quất được xây dựng và đi vào hoạt động, Việt Nam phải xuất khẩu dầu thô và dùng chính những đồng ngoại tệ đó để mua lại xăng, dầu đã được tinh chế. Nói một cách dễ hiểu là “xuất thô, nhập tinh”. Trên phương diện về xuất nhập khẩu sẽ có những con số rất đẹp, nhưng sâu xa hơn thì chúng ta không dự trữ được ngoại tệ từ nguồn tiền bán dầu thô. Quan trọng hơn, nếu có những biến động ở thị trường thế giới thì Việt Nam sẽ không tự chủ được nguồn xăng, dầu phục vụ trong nước; không tự chủ được an ninh năng lượng quốc gia. Với sự ra đời của NMLD Dung Quất, Việt Nam tự chủ được gần 40% nhu cầu xăng dầu trong nước và Chính phủ sẽ không cần dùng ngoại tệ để mua xăng, dầu; qua đó giúp ích rất nhiều cho việc dự trữ ngoại tệ, cân đối thị trường tiền tệ quốc gia. Với vị trí chiến lược được đặt tại trung điểm của đất nước, NMLD Dung Quất đã trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế, công nghiệp Quảng Ngãi và miền Trung. Đây là những bước ngoặt quan trọng của ngành Dầu khí, đánh dấu thời điểm Việt Nam chính thức tự chủ được một phần năng lượng quốc gia, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ nước ngoài.
Với NMLD đầu tiên, việc từng bước tự vận hành một nhà máy phức tạp với 15 phân xưởng công nghệ, 10 phân xưởng năng lượng phụ trợ, khu bể chứa dầu thô, bể chứa sản phẩm, hệ thống ống dẫn dầu thô và sản phẩm… đã khẳng định được năng lực của các chuyên gia, kỹ sư, công nhân Việt Nam.
Sau hơn 10 năm từ ngày cho ra dòng sản phẩm đầu tiên, cơ cấu sản phẩm của NMLD Dung Quất ngày càng đa dạng. Ngoài các sản phẩm truyền thống như xăng RON 92, RON 95, Diesel Auto, khí Propylene và hạt nhựa PP, khí hóa lỏng (LPG), dầu hỏa, nhiên liệu bay Jet A1, dầu nhiên liệu (FO), hiện nay Nhà máy đã sản xuất thêm được các loại sản phẩm mới như nhiên liệu phản lực Jet A-1K, nhiên liệu Diesel L-62 sử dụng cho phương tiện quân sự.
Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước
Nếu ngành Dầu khí Việt Nam có 60 năm tự hào được đồng hành, phát triển cùng đất nước thì NMLD Dung Quất mới có 23 năm hình thành, phát triển (tính từ thời điểm khởi công ngày 8/1/1998). Thế nhưng, những đóng góp của NMLD Dung Quất vào việc phát triển ngành Dầu khí Việt Nam và đóng góp cho ngân sách quốc gia là rất đáng ghi nhận. Nói một cách ví von, NMLD Dung Quất giống như “bản lề” mở ra cánh cửa thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi từ một tỉnh thuần nông sang một tỉnh phát triển công nghiệp, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Lớn dần theo từng năm, nguồn thu từ NMLD Dung Quất luôn chiếm khoảng 80-85% tổng thu ngân sách của tỉnh, đưa Quảng Ngãi vào nhóm các tỉnh, thành phố có nguồn thu lớn của cả nước.
Từ khi nhận bàn giao từ nhà thầu TPC, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) luôn vận hành NMLD Dung Quất ổn định ở 100 – 107% công suất. Trong năm 2020, vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức do dịch bệnh Covid-19, biến động về giá dầu cũng như ảnh hưởng của bão lụt, BSR vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định, công suất trung bình đạt 105%, về đích trước 19 ngày, vượt 7% kế hoạch năm; khối lượng sản xuất cả năm 5,93 triệu tấn; doanh thu 57.895 tỉ đồng và nộp NSNN 6.242 tỉ đồng; thực hiện thành công bảo dưỡng tổng thể lần 4 đạt các mục tiêu đề ra trong điều kiện dịch bệnh vô vàn khó khăn.
10 tháng năm 2021, BSR đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu SXKD chính như doanh thu, nộp NSNN và lợi nhuận. Song song với đó, BSR luôn quan tâm thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, đóng góp cho cộng đồng. Trong 2 năm 2020 và 2021, BSR đã dành hơn 37 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống Covid-19; hàng năm dành gần 40 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội như xây dựng trường học, trạm y tế, mua sắm thiết bị y tế, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai…
Còn nếu tính về hiệu quả đầu tư, số tiền BSR đóng góp cho ngân sách quốc gia đã gấp đôi con số đầu tư từ rất lâu, cụ thể tính đến hết năm 2020, BSR đạt doanh thu trên 49 tỉ USD; nộp NSNN hơn 7 tỉ USD. Nếu đem so với số vốn đầu tư hơn 3 tỉ USD, số tiền Nhà nước thu lại từ NMLD Dung Quất đã gấp hơn 2 lần. Khi Chính phủ quyết định đầu tư nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước tại Dung Quất là lúc đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của ngành Dầu khí.
Kỹ sư BSR làm việc cùng các chuyên gia quốc tế. |
Ông Ngô Thường San, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam cho rằng NMLD Dung Quất đã thể hiện được vai trò của mình trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp cho NSNN. Ông cũng nhận định rằng, NMLD Dung Quất đã trải qua giai đoạn khó khăn vào thời điểm hình thành, nhưng sẽ còn rất nhiều thách thức về chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, tính đa dạng, đáp ứng các yêu cầu khắt khe tiêu chuẩn môi trường, tạo thương hiệu “BSR – nhiên liệu Made in Vietnam”. “Tôi tin tưởng tập thể lãnh đạo trẻ, năng động, trí tuệ và người lao động ở BSR luôn tâm huyết, đoàn kết, quyết tâm cao để Nhà máy phát triển lên tầm cao hơn”, ông Ngô Thường San khẳng định.
Thực hiện khát vọng làm chủ công nghệ lọc, hóa dầu
Tiến sĩ Phan Ngọc Trung, nguyên Thành viên HĐTV Petrovietnam từng chia sẻ rất thực tế rằng, có những nhà máy lọc dầu trên thế giới rất hào nhoáng, như một chiếc xe sang trọng; nhưng nếu hỏng hóc thì sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng vô cùng khó khăn, chi phí đắt đỏ. NMLD Dung Quất như một chiếc xe bình thường, nhưng giá trị sử dụng cao, khi cần sửa chữa, bảo dưỡng thì người Việt tự chủ được với chi phí vừa phải, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Đào tạo được một kỹ sư lọc hóa dầu lành nghề không phải chuyện đơn giản. Tại NMLD Dung Quất, để một công nhân có thể thực hiện công việc vặn một cái van trong Nhà máy phải được đào tạo ít nhất 2-3 năm. Một kỹ sư ngồi ở phòng điều khiển trung tâm tham gia quá trình vận hành nhà máy cũng cần có 4-6 năm học tập, đi đào tạo trong nước, ngoài nước và thực hành hiện trường. Đó là yêu cầu bắt buộc bởi tính chất đặc thù nghề lọc dầu vô cùng khắt khe, theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Thế nhưng, sau quá trình vận hành nhà máy, các kỹ sư của NMLD Dung Quất đã từng bước nghiên cứu, phân tích đánh giá các điểm ảnh hưởng đến cơ cấu sản phẩm từ đó xây dựng quy trình tính toán tối ưu kế hoạch vận hành. Những nghiên cứu này đã giúp NMLD Dung Quất chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất tối ưu trong điều kiện dầu thô chế biến ngày càng đa dạng, đảm bảo cơ cấu và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Các thành quả nói trên là minh chứng rõ nét về khả năng làm chủ công nghệ, vận hành nhà máy lọc hóa dầu của BSR, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của nguồn nhân lực thuộc khâu sau của ngành Dầu khí Việt Nam. Mặc dù đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp quản và vận hành nhà máy, tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên NMLD Dung Quất không “ngủ quên” trên chiến thắng, luôn tỉnh táo nhìn về phía trước, nhận diện rõ sự cạnh tranh khốc liệt và những rủi ro trong tương lai.
Trong bất cứ ngành nghề nào, con người đều là giá trị cốt lõi. Sau nhiều thăng trầm, nhân sự của NMLD Dung Quất đã từng bước trưởng thành làm chủ được công nghệ, bước vào hàng ngũ chuyên gia, sáng tạo những giải pháp phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Có con người và làm chủ được công nghệ, việc phát triển NMLD Dung Quất và xa hơn nữa là nâng tầm ngành lọc hóa dầu Việt Nam không còn là chuyện quá xa vời.
Thanh Hiếu – Đức Chính