20/11/2021 9:58:46

Hợp tác dầu khí Việt – Nga qua góc nhìn của chuyên gia Nga: Kỳ cuối: Kỷ nguyên hợp tác mới

Từ ngày 28-2 đến 2-3-2001, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Nga nhằm xác định các phương hướng chiến lược phát triển của mối quan hệ Nga – Việt trong thế kỷ XXI.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Nga, kể từ thời Liên Xô cũ. Trong chuyến thăm này, hai nước không chỉ ký kết Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược, mà còn ký kết một loạt văn bản kinh tế mới và các văn kiện về việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu khí.

ky cuoi ky nguyen hop tac moi

Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Gazprom V. A. Markelov (thứ tư từ phải sang) giới thiệu với Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang (đứng giữa) về hệ thống cung cấp khí đốt thống nhất của Nga (2012)

Từ năm 2002, Công ty Liên doanh điều hành Vietgazprom được thành lập trên cơ sở Tập đoàn Gazprom góp vốn 50:50 cùng với Petrovietnam. Ngày 20- 11 - 2006, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Gazprom Alexey Miller và Tổng giám đốc Petrovietnam Trần Ngọc Cảnh đã ký một thỏa thuận đề ra các phương hướng hợp tác của cả hai công ty.

Năm 2006, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai, mở ra trang tiếp theo của quan hệ kinh tế Nga – Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác dầu khí: Một mặt, quan hệ ấy đã vượt ra ngoài ranh giới của Việt Nam, mặt khác đã tạo sự khởi đầu để thu hút cùng hợp tác không chỉ các đối tác truyền thống của Việt Nam là Gazprom và Zarubezhneft mà cả những đối tác mới của Nga là LUKOIL. Một vài năm sau đó, các công ty của Nga là TNK-BP và Rosneft cũng đã bước vào nhóm các công ty “liên quan đến Việt Nam”.

Trong khuôn khổ chương trình đa dạng hóa hợp tác, Zarubezhneft đã tham gia đấu thầu 4 lô chứa dầu ở Khu tự trị Nenetsky có trữ lượng thu hồi gần 80 triệu tấn và ngày 7- 5- 2008 đã thắng thầu sau khi bỏ số vốn đầu tư 120 triệu USD. Với kết quả đấu thầu đó, công ty đã nhận được 13 mỏ dầu thuộc đới Trung Khoreiversky – Bắc Khosedayusky, Visovy, Verkhnekolvinsky, Tây Khosedayusky, Sikhoreysky, Đông Sikhoreysky và những mỏ khác. Công ty tuyên bố sẽ liên doanh với Petrovietnam để phát triển các mỏ này. Sau một thời gian, để khai thác những mỏ đã thắng thầu, hai bên thành lập Xí nghiệp Liên doanh Rusvietpetro. Petrovietnam sở hữu 49% cổ phần trong liên doanh mới.

Ngày 23- 5 - 2008, tại Hà Nội, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Gazprom Alexey Miller và Tổng giám đốc Petrovietnam Trần Ngọc Cảnh đã ký thỏa thuận về việc Công ty Liên doanh Vietgazprom thăm dò và sau đó là khai thác 4 lô ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam. 10 ngày sau, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới họp ở St. Peterburg, Gazprom và Petrovietnam tiếp tục thỏa thuận về việc tìm kiếm những dự án liên doanh tại Nga và thành lập một công ty tương ứng như Vietgazprom có tên là GazpromViet để thực hiện các dự án này.

Trong hơn 35 năm hình thành và phát triển, Vietsovpetro đã trở thành một công ty lớn mạnh trong khu vực, không chỉ khai thác phần lớn khối lượng dầu mỏ của Việt Nam, mà còn có năng lực thực hiện toàn bộ công việc từ thiết kế và xây dựng đến khai thác và vận chuyển sản phẩm hàng hóa; có đội tàu mạnh, viện nghiên cứu khoa học, xí nghiệp khoan.

Tháng 9-2010, mỏ dầu Bắc Khosedayuskoye mang tên A. Slivka do Rusvietpetro bắt đầu được khai thác. Mùa hè năm 2011, mỏ dầu thứ hai là mỏ Visovoye đã đi vào khai thác công nghiệp. Ngày 29- 7- 2012 khai trương hoạt động mỏ Tây Khosedayuskoye. Đến tháng 3-2018, Rusvietpetro đã khai thác được tấn dầu thứ 20 triệu.

Hợp tác dầu khí giữa hai nước trong đầu thập niên 2010 đã có đà phát triển mới với những kết quả rất cụ thể.

Trích trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với ITAR-TASS, Rossiyskaya Gazeta và kênh truyền hình Rossia-24, ngày 26- 7- 2012: “Trước hết, tôi nhấn mạnh rằng trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là trong hơn một thập niên sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, sự hợp tác giữa hai nước chúng ta phát triển hết sức năng động. Hãy để tôi dẫn một vài thí dụ. Thành tựu nổi bật nhất của quan hệ song phương là hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Quá trình hợp tác đó đã bắt đầu khá lâu rồi… Đối tác của Petrovietnam trong liên doanh là Công ty Cổ phần Zarubezhneft. Thời hạn hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ xí nghiệp liên doanh này đã được gia hạn đến năm 2030, bởi vì liên doanh hoạt động rất hiệu quả, qua đó khẳng định sự đúng đắn khi lựa chọn mô hình hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Đồng thời, công tác thăm dò địa chất và khai thác được tiến hành không chỉ ở thềm lục địa của Việt Nam.

Công việc đã bắt đầu ở Nga và việc mở rộng hợp tác của chúng ta sang các nước thứ ba là rất có khả năng. Tiếp theo, tôi muốn nói về một đối tác mạnh nữa là Gazprom. Công ty lớn nhất này của Nga đang hoạt động tốt ở Việt Nam và hợp tác với Petrovietnam trên lãnh thổ Nga. Ngoài ra, còn có những kế hoạch liên doanh khai thác mỏ ở các nước thứ ba.

Cũng có hai công ty lớn nữa của Nga tham gia vào việc liên doanh thăm dò địa chất và khai thác nguyên liệu hydrocarbon tại thềm lục địa của Việt Nam. Đó là LUKOIL và TNK-BP. Nói chung, quan hệ bạn bè, hợp tác trong lĩnh vực dầu khí là một ví dụ điển hình về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nga”.

Trong vòng 10-15 năm vừa qua, giữa hai nước đã hình thành một dạng thức quan hệ mới, không phải là dạng quan hệ khô cứng gò bó nào đó, mà đòi hỏi thường xuyên cùng nhau cải thiện và hoàn thiện quan hệ. Nó không tránh khỏi có những lúc sai lầm, không thành công, phụ thuộc vào nhiều yếu tố đồng hành mang tính chất chính trị, đối ngoại và kinh tế, nhưng chiến lược phát triển quan hệ đối tác là không thay đổi.

Ngày nay, trong những điều kiện mới, các công ty Nga phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ phía các tập đoàn dầu khí khổng lồ hàng đầu của thế giới đang hoạt động tại Việt Nam. Bối cảnh thử thách đó buộc Gazprom, Zarubezhnef, Rosneft và các công ty khác phải tìm kiếm những phương pháp tiếp cận mới, áp dụng các thiết bị và công nghệ tiên tiến mới nhất, đưa ra những giải pháp sáng tạo, không rập khuôn để giành được và củng cố vị thế trong lĩnh vực dầu khí của Việt Nam. Yêu cầu thực tế này cũng tiếp xung lực kích thích sự phát triển của chính các công ty Nga.

Các công ty Nga vẫn có ưu thế là truyền thống và kinh nghiệm trong quá trình phát triển hợp tác hơn nửa thế kỷ giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí. Ở Việt Nam có nhiều người từng theo học ở Liên Xô và sau đó là Nga, nhiều người làm việc suốt thời gian dài cùng với các chuyên gia Liên Xô hay Nga, hiểu được đặc tính tâm lý của “người Liên Xô”. Người Việt bây giờ có dịp đánh giá người Nga theo cách mới, bởi chính sách “mở cửa” cho phép hợp tác với nhiều quốc gia và qua công việc tiếp xúc với mọi người thuộc các dân tộc và nền văn hóa khác nhau. Và, nhiều người Việt Nam vẫn giữ gìn tình cảm nồng ấm dành cho các “sứ giả” từ nước Nga mới.

Lịch sử đương đại của ngành công nghiệp dầu khí ở Việt Nam gắn kết không chỉ với dòng đầu tư nước ngoài và tính đa dạng hóa của các thành viên tham gia. Loại hình hoạt động hoàn toàn mới mẻ đối với các nhà dầu khí Việt Nam là tham gia khai thác các mỏ dầu và khí đốt trên lãnh thổ Liên bang Nga. “Bạn đối xử với tôi thế nào thì tôi cũng đối xử với bạn như vậy!” hoặc “Có đi có lại mới toại lòng nhau” là khẩu hiệu ẩn chứa trong định dạng quan hệ mới, hoàn toàn công bằng.

Cả hai nước hiện nay đang tìm kiếm những phương án hợp tác tối ưu và cùng có lợi. Lòng đất Việt Nam không bao giờ chịu thuần phục dễ dàng, nhưng ai chế ngự được thì sau đó sẽ nhận ưu đãi đền bù hoàn toàn xứng đáng cho mọi công sức đã bỏ ra.

Ngân Hà