Quá trình “cải tổ” của Liên Xô và “đổi mới” tại Việt Nam những năm 1986-1990 đã tác động đến các ngành Dầu khí của cả hai nước. Từ cuối năm 1991, trang sử của hợp tác dầu khí giữa Liên Xô và Việt Nam đã khép lại, một trang hợp tác mới khác được mở ra giữa Liên bang Nga và Việt Nam.
Tình hình cải cách kinh tế ở Liên Xô khiến cho việc bảo đảm nguồn lực vật tư – kỹ thuật của Liên Xô cho các công trình dầu mỏ đang được xây dựng ở nước ngoài bị chậm trễ và không được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn. Chương trình hoạt động của Vietsovpetro cho năm 1990 và việc thành lập các cơ sở cần thiết nhằm tiếp tục tăng mức khai thác dầu mỏ bị phá vỡ.
Phiên họp thứ 10 của Hội đồng Liên doanh Vietsovpetro. Người thuyết trình là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Dầu khí Liên Xô, ông L. I. Filimonov (12-1988) |
Tại Việt Nam, Nghị quyết số 15 NQ / TW ngày 7-7-1988 “Về các phương hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2000” được ban hành và trở thành cơ sở cho văn kiện “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đến năm 2000” được thông qua vào tháng 8-1988. Theo nhận xét của các nhà sử học Việt Nam, trong tài liệu này chứa đựng nhiều thực tế hơn so với các tài liệu trước đây và trù định sự hợp tác quốc tế rộng rãi trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Ngoài các cải cách cơ cấu, trong nước bắt đầu chuẩn bị Luật Dầu khí. Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã tham gia vào việc chuẩn bị dự thảo và giúp thu hút các chuyên gia tư vấn từ Na Uy, Canada, Hoa Kỳ và Thái Lan hỗ trợ soạn thảo quy chuẩn này trong 5 năm. Luật Dầu khí của Việt Nam được ban hành năm 1993.
Trong những năm 80 của thế kỷ trước, do cục diện thị trường thế giới, do mức giá thành khai thác dầu mỏ và nhiều yếu tố tiêu cực khác, một số quy định riêng biệt được ghi trong Hiệp định Liên Chính phủ ngày 19-6-1981 và Điều lệ của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã không có tác dụng trong giai đoạn khai thác dầu thương mại và trong một số trường hợp đã cản trở hoạt động hiệu quả của Liên doanh. Do vậy, đã phát sinh ý tưởng thay đổi một số quy định của các văn bản pháp lý về điều tiết hoạt động của Vietsovpetro tại Hiệp định Liên Chính phủ.
Tháng 7-1987, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô B. E. Shcherbin đã xem xét văn kiện “Các biện pháp nhằm tăng cường hoạt động trên vùng thềm lục địa của CHXHCN Việt Nam” và thông qua chương trình cử một nhóm chuyên gia đi công tác Việt Nam vào năm 1987 để tiến hành các cuộc đàm phán với phía Việt Nam về vấn đề hoàn thiện hơn nữa cơ chế kinh tế và mở rộng quyền của Xí nghiệp Liên doanh, tức là chuẩn bị những đề xuất phù hợp để sửa đổi Hiệp định Liên Chính phủ và Điều lệ của Liên doanh.
Trên thực tế, việc chỉnh sửa các điều kiện của Hiệp định Liên Chính phủ về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã bắt đầu từ lâu trước cải tổ, bởi vì chính mô hình “xí nghiệp liên doanh” vẫn còn khá mới mẻ, chưa được thử nghiệm và cần phải được hoàn thiện, để chuyển Vietsovpetro sang hoạt động theo nguyên tắc hạch toán chi phí và biến nó thành một thực thể kinh tế đầy đủ.
Ngày 25-8-1987, Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam quyết định thành lập một tổ công tác về sửa đổi các điều khoản của Hiệp định Liên Chính phủ ngày 19-6-1981.
Từ ngày 25 đến 29-10-1987, Việt Nam đã tổ chức cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Liên ngành MSVK. Các cuộc đàm phán đã được tiến hành trong khuôn khổ của chương trình chung vào ngày 27-10 tại Vũng Tàu giữa Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô, ông V. S. Chernomyrdin và Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Việt Nam, ông Nguyễn Hòa, nơi thông qua quyết định về việc bắt đầu công tác của phái đoàn chuyên gia với mục đích làm rõ các biện pháp hoàn thiện cơ chế kinh tế quản lý hoạt động của Vietsovpetro.
Toàn cảnh mỏ Bạch Hổ, trên nền sau tàu chở dầu – tích trữ Crưm |
Một ngày sau, 29-10-1987, tại buổi gặp gỡ và làm việc của các đồng chủ tịch Ủy ban Liên ngành MSVK tại Hà Nội, các bên đã đi đến quyết định như sau: Căn cứ chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về nâng cao hiệu quả của sự hợp tác Xô – Việt trong phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, giao cho những người tham gia của các bên chuẩn bị một dự thảo Hiệp định Liên Chính phủ mới và trình cho Chính phủ Liên Xô và Chính phủ Việt Nam xem xét trước ngày 1-4-1988.
Sau nhiều cuộc đàm phán của hai bên xung quanh hiệp định mới, tại buổi họp các chuyên gia ngày 12-6-1990 tổ chức tại Hà Nội, các bên đã không còn thảo luận về những điều khoản hoạt động của Vietsovpetro trong tương lai, mà thảo luận về dự thảo một thỏa thuận Liên Chính phủ mới.
Ngày 25-7-1990, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô V. K. Gusev đã chỉ đạo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô, Bộ Kinh tế đối ngoại, Bộ Công nghiệp Dầu khí, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban Nhà nước về Lao động và xã hội, Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên Xô Vneshekonombank: “Yêu cầu cùng với phía Việt Nam soạn thảo văn bản liên chính phủ về hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Đồng thời phải xuất phát từ sự cần thiết giải phóng Liên doanh Vietsovpetro khỏi tất cả các loại thuế và lệ phí cho đến khi hoàn trả đầy đủ chi phí của các bên trong việc hình thành và chuyển đổi liên doanh sang cơ chế tự chủ tài chính và tự cung tự cấp từ ngày 1-1-1991”.
Tổng công ty Dầu khí Việt Nam được thành lập ngày 6-7-1990, tiếp tục đảm nhiệm các công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác, chế biến, dịch vụ và thương mại dầu khí.
Ngày 12-12-1990, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công nghiệp Dầu khí Liên Xô B. A. Nikitin và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Việt Nam Trần Lum đã ký Nghị định thư về các điều kiện cho hoạt động tiếp theo của Vietsovpetro.
Dấu ấn hợp tác đã được đặt vào ngày 16-7-1991, khi ông B. A. Nikitin và ông Trần Lum, sau 3 năm thảo luận dai dẳng đã đi đến ký kết Thỏa thuận mới Liên Chính phủ về tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam trong khuôn khổ Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro.
Ngày 6-11-1991, các chức năng của thành viên Liên Xô trong Vietsovpetro đã được chuyển giao từ Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô sang Liên hiệp sản xuất Liên bang Zarubezhneftestroy, chuyên về lĩnh vực hoạt động xuất nhập khẩu và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật ra nước ngoài. Zarubezhneftestroy đã nhận được những kinh nghiệm hợp tác đầu tiên với Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp dầu khí quốc gia của nước này trong khuôn khổ Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, đảm nhiệm chức năng nhà tổng thầu, nhà tổng cung cấp, tuyển dụng nhân sự và nhiều vị trí khác.
Sau khi Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết chính thức chấm dứt tồn tại ngày 26-12-1991 bởi bản tuyên bố số 142-H của Xô viết Tối cao, những chương cũ trong lịch sử hợp tác dầu khí nhiệt thành, hiệu quả giữa Liên Xô và Việt Nam đã khép lại, một chương hợp tác dầu khí mới giữa Liên bang Nga và Việt Nam được mở ra hứa hẹn tương lai xán lạn.
Ngày 12-12-1990, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công nghiệp Dầu khí Liên Xô B. A. Nikitin và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Việt Nam Trần Lum đã ký Nghị định thư về các điều kiện cho hoạt động tiếp theo của Vietsovpetro.
Dấu ấn hợp tác đã được đặt vào ngày 16-7-1991, khi ông B. A. Nikitin và ông Trần Lum, sau 3 năm thảo luận dai dẳng đã đi đến ký kết Thỏa thuận mới Liên Chính phủ về tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam trong khuôn khổ Xí nghiệp Liên doanh.
Kỳ I: Ấn phẩm “Tới kho báu Rồng Vàng”
Kỳ II: Gắn kết chặt chẽ với nước Nga
Kỳ III: Chủ tịch Hồ Chí Minh, dầu mỏ và Liên Xô
Kỳ IV: Bí ẩn của miền võng Hà Nội
Kỳ VI: Chiến lược phát triển dầu khí ngay sau giải phóng miền Nam
Kỳ VII: Chuyến đi đặc biệt của “vị tướng dầu khí” Đinh Đức Thiện
Kỳ VIII: Hiệp định 1980 – thời kỳ mới của hợp tác Việt – Xô
Kỳ IX: Dồn hết sức lực cho Việt Nam
Kỳ X: Ghen tỵ với công trình của Vietsovpetro
Kỳ XI: Những thách thức từ Liên doanh Vietsovpetro
Kỳ XII: Chuẩn bị tiến ra biển lớn
Kỳ XIII: Xây dựng đội ngũ hùng hậu
Kỳ XIV: Những tấn dầu đầu tiên
(Xem tiếp kỳ sau)
P.V