07/11/2021 12:06:23

Hướng đến việc làm bền vững của đoàn viên, người lao động

Ngày 5.11, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức Hội nghị lần thứ XXIII (khoá XII) dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Các ý kiến tại hội nghị đều đồng tình với định hướng đưa ra về chủ đề hoạt động trong năm 2022: Chăm lo việc làm cho người lao động (NLĐ) và nỗ lực hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn (CĐ) Việt Nam.

Để người lao động có việc làm là nhiệm vụ hàng đầu

Tham dự hội nghị có đại diện Uỷ ban kiểm tra Trung ương; Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương; Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an).

Dự thảo thông báo định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm hoạt động CĐ năm 2022 Tổng LĐLĐVN đánh giá, năm 2022 là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII CĐ Việt Nam, năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ-TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam”. Mặt khác, trong bối cảnh cả nước vừa bước qua đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, bước vào trạng thái “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, trong đó nổi lên vấn đề về đảm bảo việc làm, hướng đến việc làm bền vững của đoàn viên, NLĐ. Thường trực Đoàn Chủ tịch đề xuất lựa chọn chủ đề hoạt động năm 2022 là: Chăm lo việc làm cho NLĐ và nỗ lực hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Góp ý về nội dung này, ông Đặng Thuần Phong – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội – cho rằng, chủ đề đưa ra là hợp lý, bởi NLĐ có rất nhiều thứ phải lo, nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là vấn đề họ bị rời khỏi thị trường lao động.

“Đây mới chỉ là những người có quan hệ lao động, còn trong lĩnh vực phi kết cấu, không có quan hệ lao động thì còn nhiều hơn. Vì vậy, kéo lao động trở về với thị trường, với doanh nghiệp để họ có việc làm là nhiệm vụ hàng đầu” – ông Đặng Thuần Phong nhận xét và nhấn mạnh cần phải đưa ra những giải pháp, tạo điều kiện tối đa để NLĐ trở lại thị trường lao động.

Ông Nguyễn Duy Minh – Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng – bày tỏ đồng tình với chủ đề hoạt động Công đoàn năm 2022, cho rằng chăm lo việc làm cho NLĐ là cần thiết, nhưng cần mở rộng chăm lo đến đời sống, việc làm để thấy sự sáng tạo và đa dạng của hoạt động Công đoàn.

Có ý kiến tương tự, bà Trần Thị Diệu Thuý – Chủ tịch LĐLĐ TPHCM – phân tích, ngoài việc làm, NLĐ còn cần chỗ ở ổn định, an toàn; y tế; chăm sóc sức khoẻ tinh thần… Vì vậy, bà Thuý đề nghị nên có sự chăm lo chung cho NLĐ và tuỳ từng đối tượng để có sự chăm lo phù hợp.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, liên quan đến nội dung việc làm, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu đề xuất mở rộng hơn là “Chăm lo việc làm, đời sống của NLĐ”.

Còn Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải nhấn mạnh, việc làm là khâu then chốt nhất của NLĐ, quyết định đến các việc khác, trong đó có việc chăm lo cho NLĐ. Ông Trần Thanh Hải đặt vấn đề CĐ cần đẩy mạnh thương lượng để NLĐ có việc làm tốt hơn; thực hiện kết nối thông tin cung cầu để NLĐ có việc làm…

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang cho rằng, tổ chức Công đoàn phải làm rất nhiều nhiệm vụ, nhưng tuỳ vào hoàn cảnh từng năm, cần định hướng ra một số trọng tâm, trọng điểm. Điều này không có nghĩa là quên các nhiệm vụ khác.

Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang phát biểu tại hội nghị lần thứ XXIII (khoá XII) Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN ngày 5.11.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, mong muốn của Công đoàn rất rộng, nhu cầu của NLĐ rất nhiều, nhưng tổ chức Công đoàn cần tập trung vào những vấn đề gì cần làm nhất trong năm 2022.

Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực cho rằng việc làm là vấn đề then chốt của NLĐ, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, Chính phủ đang xây dựng chương trình phục hồi kinh tế; các địa phương cũng đang rất chăm lo đến việc làm của NLĐ. Vì vậy, trong năm 2022, Công đoàn Việt Nam cũng sẽ tập trung vào nội dung này.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng nhấn mạnh, trong năm 2022, cần tập trung cao nhất cho việc thực hiện các mục tiêu của Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Thường trực Đoàn Chủ tịch tiếp thu ý kiến của các đại biểu để ban hành chính thức nội dung này.

Tăng nguồn lực cho CĐCS để chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên và Người lao động

Hội nghị còn thảo luận về tờ trình về việc ban hành quy định thu, chi, quản lý tài chính, tài sản CĐCS thay thế Quyết định 1910/QĐ-TLĐ. Theo tờ trình, nguyên tắc sửa đổi là đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và Tổng LĐLĐVN về thu, chi quản lý tài chính, tài sản của CĐCS; tăng nguồn lực cho CĐCS để chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên và NLĐ tại cơ sở; quy định nội dung chi theo từng nguồn thu tài chính tại CĐCS (kinh phí CĐ, đoàn phí CĐ và thu khác), ưu tiên cho chi trực tiếp chăm lo, bảo vệ, đào tạo đoàn viên và NLĐ.

Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về nội dung này. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang đề nghị Ban Tài chính tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của các đại biểu trên cơ sở đảm bảo những nguyên tắc: Thượng tôn pháp luật; hướng về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ sở; dễ hiểu, dễ làm.

Hội nghị còn thảo luận về các nội dung khác: Tờ trình Kế hoạch Đại hội CĐ các cấp, tiến tới Đại XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028; Tờ trình dự thảo Kế hoạch nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam; tờ trình Định hướng nội dung nghiên cứu sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII; báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH ngày 25.2.2016 của Ban Chấp hành TLĐ về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ”; tờ trình về việc báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 9b/NQ-BCH ngày 23.8.2016 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN (khoá XI) về Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới…

Sau khi nghe ý kiến các đại biểu, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang kết luận, về giá trị bữa ăn ca, trong định hướng từ nay đến năm 2025: Tính theo các vùng lương tối thiểu, ở vùng 1 và vùng 2, CĐ cố gắng thương lượng tối thiểu ở mức 20.000 đồng/suất ăn đối với doanh nghiệp tự tổ chức bữa ăn ca; 25.000 đồng/suất với doanh nghiệp có đơn vị cung cấp suất ăn. Đối với vùng 3, 4, cố gắng đặt mục tiêu là 18.000-22.000 đồng/suất ăn. Định hướng này sẽ được đưa ra để lấy ý kiến ở Hội nghị Ban Chấp hành sắp tới.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng cho biết, sẽ đưa ra kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 9b. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị các đại biểu góp ý trực tiếp về nội dung này tới Ban Quan hệ lao động để hoàn thiện, báo cáo Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN.

Theo laodong.vn