Lịch sử đã sắp đặt để sự hình thành ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam gắn kết chặt chẽ với nước Nga. Sự hợp tác dầu khí giữa Mátxcơva và Hà Nội có nguồn gốc sâu xa từ mối quan hệ giữa hai đất nước và hiển nhiên là một phần không thể tách rời của quan hệ này.
Liên hệ hợp tác của hai quốc gia cũng như sự ra đời của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam kết nối trực tiếp với người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, nhà cách mạng vô sản lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam và là vị Chủ tịch đầu tiên của đất nước – lãnh tụ Hồ Chí Minh. Năm 1923, khi còn là một người cộng sản trẻ tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nước Nga Xô-viết và trong 15 năm tiếp theo Người đã gắn bó với đất nước Liên Xô: Học tập, thực hiện nhiều chuyến công tác, trở lại và tiếp tục học tập. Và chính khi đó, quan sát công cuộc hình thành của một “Nhà nước mới của công nông” ở Liên Xô, nhà cách mạng Hồ Chí Minh đã tìm thấy chìa khóa dành cho sự phát triển tương lai của ngành công nghiệp dầu khí ở Việt Nam, thể hiện qua luận đề “Dầu mỏ là của cải vô giá! Đất nước nào có dầu mỏ nhất định sẽ nhanh chóng trở nên giàu mạnh”. Điển hình Liên Xô hiện rõ trong tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi phần lớn nhờ vào ngành công nghiệp dầu mỏ của đất nước mà bất kể bị cô lập về mặt chính trị và kinh tế, bị tàn phá bởi chiến tranh và cuộc cách mạng, Liên bang Xô-viết vẫn có thể phát triển thành công và dũng mãnh chống lại môi trường thù địch của các quốc gia tư bản chủ nghĩa xung quanh. Nhưng đó chỉ là khúc dạo đầu.
Giàn khai thác Dầu khí Biển Đông 01 |
Có ba giai đoạn thời gian, đánh dấu và thể hiện sự thay đổi về chất trong quan hệ giữa hai nước ở lĩnh vực dầu khí.
Giai đoạn đầu tiên – giữa năm 1950 cho đến cuối những năm 1970.
Trong khoảng thời gian này, Liên Xô bắt đầu dành hỗ trợ kinh tế cho Việt Nam. Năm 1950, Liên bang Xô-viết công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tên gọi này được dùng cho đến năm 1976 để chỉ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là một phần của đất nước) và bắt đầu cung cấp sự giúp đỡ về quân sự và kinh tế. Trong lĩnh vực dầu khí, đó là việc cung cấp các sản phẩm dầu mỏ, xây dựng các kho xăng dầu, bắt đầu đào tạo chuyên gia Việt Nam tại Liên Xô và triển khai công tác tìm kiếm thăm dò địa chất của các chuyên gia Xô-viết trên địa bàn Việt Nam. Toàn bộ các hỗ trợ về kinh tế và khoa học và kỹ thuật đều phát triển trong khuôn khổ các hiệp định giữa hai nước và được xây dựng theo các khoản vay tín dụng ưu đãi hoặc dành viện trợ miễn phí không hoàn lại.
Năm 1955, những chuyên viên dầu mỏ Xô-viết đầu tiên được Nhà nước cử đi công tác Việt Nam, đến một đất nước xa xôi khi ấy còn là xa lạ. Vào thời điểm đó, đất nước chúng tôi chỉ vừa hồi phục sau cuộc chiến tranh tàn phá nhưng bất chấp những khó khăn của chính mình, Liên Xô đã sẵn sàng cung cấp viện trợ không hoàn trả cho quốc gia Việt Nam non trẻ. Được gửi đến đó trước hết là những nhà thiết kế, kỹ sư và công nhân xây dựng dầu khí. Công việc kiến thiết các kho chứa xăng dầu đầu tiên của Việt Nam và tuyến đường ống dẫn dầu chính thứ nhất được xây dựng với sự trợ giúp của các chuyên gia Liên Xô. Hợp tác dầu khí giữa hai nước bắt đầu với việc tạo lập một hệ thống bảo đảm cung cấp sản phẩm dầu mỏ và chúng tôi coi việc mở ra trang lịch sử mới này là thành tựu của mình.
Năm 1955, nhóm các nhà địa chất Xô-viết đã đến Việt Nam để giúp đỡ thăm dò địa chất và tạo lập ngành địa chất của đất nước. Đến năm 1959, họ tham gia công việc thăm dò dầu khí do Nhà nước Việt Nam tổ chức tại vùng châu thổ sông Hồng. Đó là câu chuyện phức tạp và đầy kịch tính. Công việc tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt trong điều kiện địa chất vùng đồi núi của khu vực khảo sát hóa ra rất khó khăn, đòi hỏi chuyên gia Liên Xô và Việt Nam phải có không chỉ kiến thức sâu rộng mà còn sự kiên trì và ý chí ngoan cường. Thiếu thốn nhiều thứ, nhân sự, thiết bị kỹ thuật, vật liệu. Việc tìm kiếm đã không ngừng lại cả trong những năm Mỹ tiến hành cuộc chiến xâm lược. Trong thời gian này, sự trợ giúp về vật chất và nhân sự của Liên Xô đã giúp nghiên cứu khám phá những khu vực có triển vọng tài nguyên nhất dưới lòng đất miền Bắc Việt Nam.
Công việc được thực hiện trong những năm 1950-1970 đã trở thành nền tảng cho ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam và là cơ sở để tiến tới khám phá, khai thác vùng châu ngọc chính là thềm lục địa miền Nam đất nước. Trong thời gian này, nhờ công tác chung và sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia Xô-viết đã đào tạo được đội ngũ cán bộ cho Việt Nam – các chuyên viên địa chất, địa vật lý, máy khoan, thợ hàn và thợ lắp máy.
Cơ chế hợp tác liên quốc gia Xô – Việt về kinh tế, khoa học – kỹ thuật đã tạo điều kiện cho sự hiệp lực của hai nền kinh tế ở những cấp độ khác nhau, từ những nhân vật lãnh đạo Nhà nước hàng đầu cho đến các đội địa chất.
Giai đoạn thứ hai – đầu những năm 1980 đến đầu những năm 1990.
Đây là thời kỳ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro bắt đầu công việc của mình trong hệ thống Glavmorneftegaz của Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô và trở thành “trường học khai thác dầu khí trên thềm lục địa” đối với các chuyên gia từ cả hai nước. Từ khi bắt đầu công việc của liên doanh, đã có những phát hiện khoa học và kỹ thuật nghiêm túc trong lĩnh vực địa chất và phát triển mỏ hydrocarbon trên thềm lục địa, ảnh hưởng đến sự phát triển sản xuất dầu khí ngoài khơi ở Nga cũng như sự phát triển ngành dầu khí của Việt Nam.
Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro là một điển hình về hợp tác cùng có lợi của hai nước, đòi hỏi sử dụng những hình thức mới mẻ đối với thời đó trong tổ chức sản xuất, khác với những liên hiệp sản xuất dầu khí truyền thống của Liên Xô. Đây là đề án thành công đầu tiên của Nga khi áp dụng Hiệp định về phân chia sản phẩm và không nghi ngờ gì, nó xứng đáng được nghiên cứu tỉ mỉ chi tiết hơn.
Giai đoạn thứ ba – từ đầu những năm 1990 cho đến nay.
Trong giai đoạn này, bản chất quan hệ kinh tế thay đổi một cách tổng thể cả trong nội bộ mỗi quốc gia cũng như giữa hai nước với nhau. Việt Nam đã mở rộng ranh giới dành cho những tập đoàn dầu khí quốc tế khổng lồ, điều này đẩy tăng tính cạnh tranh và gây phức tạp đáng kể cho công việc của các công ty Nga. Thêm vào đó, ngoài hoạt động của công ty Nga “Zarubezhneft”, đại diện cho Nga trong liên doanh Vietsovpetro, tại Việt Nam xuất hiện cả những công ty tích hợp ngành dọc khác từ Nga, trong đó có PJSC “Gazprom”.
Trang Việt Nam trong lịch sử hiện đại của “Gazprom” đã bắt đầu từ cách đây hơn 20 năm với chuyến thăm của Chủ tịch Chính phủ Liên bang Nga, cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô V. S. Chernomyrdin đến Việt Nam vào tháng 11-1997. Đó là thời kỳ phức tạp với việc tái cấu trúc toàn bộ hệ thống quan hệ chính trị và kinh tế của hai nước, giải quyết những vấn đề đã tích tụ nhiều năm. Khi đó, bắt đầu khởi động việc tìm kiếm những con đường đi tới hợp tác cùng có lợi và “Gazprom” đã tham gia vào đây một cách thành công.
Kỳ I: Ấn phẩm “Tới kho báu Rồng Vàng”
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngân Hà