Trong sự nghiệp phát triển dầu khí tại Việt Nam, không thể không nhắc đến những cống hiến của các chuyên gia Liên Xô. Nhưng những câu chuyện về cuộc đời và đóng góp của 2 chuyên gia địa chất dầu khí Liên Xô đầu tiên tới Việt Nam là N. K. Gryaznov và S. K. Kitovani lại chưa được nhắc đến nhiều. Phải đến khi cuốn sách “Đường tới kho báu rồng vàng” – cuốn viết về sự hợp tác giữa Liên bang Nga và Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí) của các tác giả V. S. Vovk, V. G. Osmanov, Yu. V. Evdoshenko được dịch và xuất bản tại Việt Nam, cuộc đời và sự nghiệp của 2 chuyên gia này mới được biết đến nhiều hơn tại nước ta.
Vị chuyên gia Liên Xô đầu tiên
Người Pháp đã dừng việc thăm dò dầu khí tại nước ta vào năm 1925. Những tư liệu của họ để lại về triển vọng dầu khí tại Việt Nam là không nhiều. Với khát khao cháy bỏng về việc tìm thấy dầu mỏ và phát triển ngành dầu khí Việt Nam, Chính phủ đã có hàng loạt chính sách về giáo dục cũng như ngoại giao để thực hiện khát khao ấy. Cuối năm 1958, chuyên gia Nikolai Kensorinovich Gryaznov của Liên Xô tới Việt Nam theo lời mời từ Chính phủ. Ông là chuyên gia Liên Xô trong lĩnh vực địa chất dầu khí đầu tiên đặt chân tới Việt Nam.
Theo các tư liệu từ cuốn sách “Đường tới kho báu rồng vàng”, N. K. Gryaznov là một người kiên định với mục tiêu, lý tưởng Cộng sản. Ông sinh ngày 19/12/1904 trong một gia đình có cha mẹ là nông dân. Gia đình Gryaznov là một gia đình ủng hộ những người Bolshevik điển hình. Con đường dẫn đến nghề địa chất của N. K. Gryaznov bắt đầu từ nhà máy, với tư cách là thợ cơ khí. Sau khi làm thợ cơ khí và trợ lý thợ máy ở các xí nghiệp, N. K. Gryaznov thi đỗ vào khoa công nhân của Viện kỹ thuật điện Leningrad, sau đó ông tiếp tục thi vào học viện Dầu mỏ Mátxcơva. Năm 1935, ông nhận bằng chuyên ngành kỹ sư địa chất và sau đó tham gia Đoàn thăm dò đặc biệt của Ủy ban nhân dân công nghiệp nặng Liên Xô, chuyên tìm kiếm các tài nguyên khoáng sản ở vùng Tân Cương (Trung Quốc). Ông làm việc ở đây trong gần 3 năm và trở về nước. Tại Liên Xô, ông tiếp tục làm việc trên cương vị nhà địa chất học cao cấp của Tập đoàn Tuymazaneft tại vùng dầu khí rất triển vọng Ural-Povolzia, còn được gọi là Baku thứ hai.
Chuyên gia Liên Xô N. K. Gryaznov. |
Tháng 5 năm 1942, N. K. Gryaznov được mời về làm việc tại trụ sở trung tâm của Ủy ban Nhân dân Liên Xô về công nghiệp dầu khí ở Mátxcơva. Trong bản lý lịch của ông có đoạn ghi: “Đồng chí N. K. Gryaznov là người giàu kinh nghiệm công tác độc lập, tầm hiểu biết về cấu trúc địa chất các khu vực dầu mỏ của đất nước cho phép đánh giá đồng chí N. K. Gryaznov là một chuyên viên trình độ cao — nhà địa chất dầu khí trong lĩnh vực thăm dò dầu mỏ. Đồng chí Gryaznov là người trầm tĩnh trong việc giải quyết và đưa ra những vấn đề. Đặc biệt luôn thể hiện sự hiểu biết, sáng tạo, nghiêm khắc và khách quan cả đối với bản thân cũng như với tài liệu. Tác phong làm việc nhanh nhạy, thể hiện ý thức trách nhiệm cao”. Trong quá trình làm việc, ông đã hai lần được tặng thưởng “Huân chương Danh dự” cho các đóng góp trong lĩnh vực công nghiệp dầu mỏ. Sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, N. K. Gryaznov trở thành chuyên gia địa chất quốc tế hoạt động ở nhiều nơi trên khắp thế giới.
Năm 1952, ông làm việc tại Mông Cổ, những năm 1955–1956 ông làm việc tại CHDC Đức, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên. Sau đó ông còn làm việc tại Trung Quốc, Iran, Campuchia, Somalia … trên cương vị chuyên gia và nhà cố vấn. Năm 1959, N. K. Gryaznov tới Việt Nam và đưa ra bản Kế hoạch công tác phát hiện những vùng có triển vọng dầu lửa ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên cơ sở bản kế hoạch này, Chính phủ Việt Nam đã có những bước triển khai tiếp theo để năm 1961 cho ra đời bản báo cáo “Triển vọng Dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” nhằm định hướng một cách khoa học cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí sau này.
Tác giả của bản đánh giá triển vọng dầu khí đầu tiên
Tháng 4/1961, bản báo cáo “Triển vọng Dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” được công bố. Đây là công trình có quy mô lớn đầu tiên của nước ta về nghiên cứu địa chất và đánh giá triển vọng dầu khí trên một vùng lãnh thổ rộng lớn. Bản báo cáo này là cơ sở quan trọng ban đầu định hướng một cách khoa học cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí về sau. Và tác giả của công trình này là chuyên gia Shota Kapitonovich Kitovani, vị chuyên gia Liên Xô thứ 2 tới Việt Nam.
Chuyên gia S. K. Kitovani. |
S. K. Kitovani sinh ngày 9/4/1921 tại Tbilisi trong gia đình của một người làm vườn. Tuy mồ côi cha từ nhỏ, nhưng ông vẫn được mẹ chăm sóc và cho học hành đầy đủ. Năm 1938, ông tốt nghiệp trung học và thi đỗ khoa địa chất, địa lý tại Đại học quốc gia Tbilisi. Trong năm học cuối, ông đã làm việc với tư cách là nhà sưu tập ở văn phòng khảo sát địa chất của Tập đoàn Gruzneft. Khi chiến tranh thế giới thứ 2 bước vào giai đoạn ác liệt, ông được tổng động viên và điều đến Mátxcơva, tham gia các khóa học sĩ quan ngắn hạn tại Học viện hóa học quân sự. Tháng 9/1943, với quân hàm thiếu úy, S. K. Kitovani được điều đến Mặt trận Ukraina. Ông ở lại trong quân đội đến tháng 10/1945 với chức vụ trưởng bộ phận hóa học của tiểu đoàn công binh. Trong khoảng thời gian này, ông được trao tặng 3 huân chương vì các thành tích trong chiến đấu của mình. Sau khi xuất ngũ vào tháng 10/1945, tháng 12 năm đó ông đã được đưa trở lại vị trí công tác cũ tại văn phòng thăm dò địa chất của Tập đoàn Gruzneft. Ông làm việc tại đây đến tận thời điểm sang Việt Nam năm 1959 và để lại một công trình quan trọng trong việc phát triển ngành dầu khí nước ta.
Tại Việt Nam, ông làm việc với nhiều cộng sự người Việt, nhưng đặc biệt gắn bó với cán bộ địa chất mang tên Nguyễn Giao – người sau này trở thành Tổng Giám đốc của Vietsovpetro. Vài năm sau khi rời Việt Nam về nước, S. K. Kitovani và ông Nguyễn Giao đã gặp lại nhau khi ông Giao bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ tại Liên Xô. Trong hồi ký của mình, ông Nguyễn Giao nhận xét chuyên gia S. K. Kitovani là người hết mình vì công việc, sống tình cảm với đồng nghiệp. “Khi đi khảo sát thực tế, thức ăn không đủ. Sau khi đi thực địa về, tôi gần như lả đi. Ông Kitovani luôn dúi cho tôi suất ăn thêm và nói “Ăn đi, ăn đi”. Nhưng tôi đáp rằng tất cả phải có suất ăn như nhau. Chỉ khi tôi ở Hà Nội và ông S. K. Kitovani gọi tôi tới khách sạn để mời ăn bữa tối, tôi mới không để ông phải giục lần thứ hai. Còn khi đi thực địa thì ai cũng như ai”, ông Giao viết trong hồi ký.
Ông Nguyễn Giao và chuyên gia S. K. Kitovani. |
Bản báo cáo “Triển vọng Dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” đã đặt một dấu mốc quan trọng trong việc tìm kiếm dầu khí tại nước ta. Bản báo cáo này đã chỉ ra hướng thăm dò trong suốt một khoảng thời gian dài sau này với hàng trăm giếng khoan khắp đồng bằng sông Hồng. Năm 1975 tìm thấy giếng khoan đầu tiên có khí, năm 1981 đưa vào khai thác thương mại dòng khí đầu tiên; đó là thành quả bắt nguồn từ căn cơ, nền tảng mà bản báo cáo “Triển vọng Dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” để lại. Có thể nói S. K. Kitovani và cộng sự đã đặt những cột mốc, chỉ dấu đầu tiên trên con đường phát triển ngành dầu khí Việt Nam. Trân trọng những đóng góp của chuyên gia S. K. Kitovani, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã giành một gian trong phòng truyền thống để nói về công việc, về bản báo cáo đầu tiên về triển vọng dầu khí tại Việt Nam của ông.
Thanh Hiếu