Thời điểm giữa thế kỷ 20, xăng dầu tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào sự viện trợ của Liên Xô; và Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ thôi khao khát về việc xây dựng một nền công nghiệp dầu khí phát triển để tự chủ năng lượng. Với quyết tâm, bằng những bước chuẩn bị bài bản và sự giúp đỡ của Liên Xô, ngành địa chất và công cuộc trường chinh “Tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc” dần có những hình hài nhất định. Năm 1961, bản báo cáo “Triển vọng Dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” của chuyên gia S.K.Kitovani (Liên Xô) và các cộng sự Việt Nam được công bố.
Đây là công trình có quy mô lớn đầu tiên của nước ta về nghiên cứu địa chất và đánh giá triển vọng dầu khí trên một vùng lãnh thổ rộng lớn. Bản báo cáo này là cơ sở quan trọng ban đầu định hướng một cách khoa học cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí về sau.
Người Pháp và mối quan tâm về dầu khí tại Việt Nam
Đến tận thời điểm bây giờ, dầu mỏ vẫn là một thứ khoáng sản quý giá và quyền năng, bất chấp sự xuất hiện những nguồn năng lượng thay thế. Vì vậy, trong thế kỷ 20 và trước đó, dầu mỏ càng quan trọng và quý giá. Lịch sử Việt Nam hiện đại luôn gắn liền với những tác động từ phía thực dân Pháp, và để nhìn lại một cách đầy đủ công cuộc thăm dò dầu khí ở Việt Nam, cũng cần phải nhắc đến người Pháp.
Ngay sau khi thực dân Pháp giành quyền kiểm soát Đông Dương vào cuối thế kỷ 19, họ đã tiến hành thăm dò các loại khoáng sản từ than đá, sắt, đồng… và cả dầu khí. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1918), Pháp gia tăng đáng kể đầu tư vào Đông Dương. Miền Bắc Việt Nam trở thành trung tâm khai thác than và kim loại màu lớn ở Đông Nam Á. Tại Đông Dương, than lúc bấy giờ là mặt hàng xuất khẩu quan trong thứ hai của Pháp sau lúa gạo. Năm 1927, có hai phần ba sản lượng khai thác than tại Việt Nam được đưa ra nước ngoài. Nhưng người Pháp vẫn có những hy vọng nhất định với việc tìm kiếm dầu mỏ.
Khai thác khoáng sản ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. (Ảnh tư liệu). |
Năm 1901, họ đã khoan những giếng thăm dò đầu tiên ở Đà Nẵng, nhưng đều là giếng cạn. Ở Yên Bái, các nhà địa chất Pháp phát hiện ra hiện tượng lộ dầu. Năm 1910 – 1911, một số hoạt động thăm dò tại Yên Bái đã được người Pháp tiến hành: đào hố thăm dò, lấy mẫu, thi công hai giếng khoan tương đối nông với độ sâu lần lượt là 52m và 22m. Ở độ sâu 35m, người Pháp đã phát hiện ra một lớp cát đen có mùi dầu khá đậm. Năm 1922 nhà địa chất, chuyên gia dầu mỏ nổi tiếng người Pháp là Pierre Viennot đã từng nghiên cứu hai giếng khoan này. Thế nhưng, bất chấp nhiều cố gắng, họ vẫn không thể tìm kiếm được dầu mỏ tại Việt Nam.
Việc thăm dò dầu khí ở Việt Nam được người Pháp dừng lại vào năm 1925 với nhận định của chuyên gia dầu mỏ Pierre Viennot trên “Bản tin Hội địa chất Pháp” rằng “Với điều kiện hoạt động kiến tạo địa chất đa dạng và có cường độ mạnh như vậy hầu như không thể trông đợi việc tích tụ hình thành nên các vỉa dầu công nghiệp”. Từ sau nhận định này, người Pháp không còn tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại Việt Nam nữa.
“Việt Nam có biển, chắc chắn sẽ có dầu”
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Ngay sau khi hoàn toàn đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước (1954), Chính phủ và Bác Hồ đã có những sự quan tâm đến dầu khí. Năm 1957, Bác Hồ đã đến thăm giàn khoan dầu ở Anbani và nhà máy lọc dầu ở Bungari. Ngày 23/7/1959, trong chuyến thăm Cộng hòa Azerbaijan, khi đến thăm Khu công nghiệp Dầu khí Baku, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các lãnh đạo và kỹ sư dầu khí của nước bạn rằng, Việt Nam có biển, chắc chắn sẽ có dầu. Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung, Azerbaijan nói riêng sẽ cần giúp Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Baku. Đó là câu nói thể hiện mong muốn và quyết tâm xây dựng một ngành Dầu khí vững mạnh của Bác Hồ.
Bác Hồ tại Baku năm 1959. (Ảnh tư liệu). |
Trước đó, từ những năm 1956 đến năm 1959, Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục gửi một số học sinh đi học về địa chất, dầu khí tại Liên Xô và Rumani. Những người học dầu khí được đào tạo tại Trường Đại học Dầu khí Mátxcơva (Liên Xô) và Trường Đại học Dầu khí và Địa chất Bucharest (Rumani). Những người được học về địa chất và địa vật lý chung được đào tạo tại Trường Đại học Địa chất thăm dò Mátxcơva. Bên cạnh đó có những người học ngành địa chất trong nước. Sau khi tốt nghiệp, họ đã tham gia ngay vào công tác địa chất, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam. Đây là lớp cán bộ đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam.
Cuối năm 1958, chuyên gia N.K. Griaznov của Liên Xô sang giúp Việt Nam lập kế hoạch thăm dò dầu khí theo lời mời của Chính phủ. Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu của Sở Địa chất Đông Dương, chuyên gia N.K. Griaznov cùng 2 cán bộ Việt Nam là Lê Văn Cự và Trần Văn Trị đã tiến hành 2 lộ trình ngắn khảo sát thực địa, trong đó có vùng Núi Lịch, tỉnh Yên Bái. Theo lời ông Lê Văn Cự (người sau này trở thành Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí) kể lại, vào khoảng đầu năm 1959, phái đoàn Liên Xô đến làm việc tại Cục Địa chất Việt Nam. Trong buổi làm việc này, chuyên gia N.K. Griaznov đã trình bày bản Kế hoạch công tác phát hiện những vùng có triển vọng dầu lửa ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bản đề nghị về dầu mỏ.
Bản kế hoạch này có các nội dung chính sau: Một là tổ chức kiểm tra kỹ tất cả những thông tin cả trên tài liệu và cả những thông tin người dân báo về dầu khí trong phạm vi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thứ hai là tiến hành nghiên cứu, đánh giá triển vọng dầu khí ở các vùng phát triển trầm tích Cổ sinh thượng, Trung sinh, Tân sinh bị biến chất yếu nhất.
Chuyên gia Liên Xô N.K. Griaznov. (Ảnh tư liệu). |
Thứ ba là cần nghiên cứu dải giáp ranh phía Bắc vùng trũng Hà Nội, do các trầm tích Trias tướng biển, duyên hải và lục địa tạo nên. Tiến hành hàng loạt các lộ trình khảo sát ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Thứ tư là giao một phần nhiệm vụ này cho Liên đoàn lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/500.000 thực hiện. Thứ năm là giao cho Viện Nghiên cứu khoa học địa chất Thăm dò Dầu mỏ toàn Liên bang và Viện Địa chất toàn Liên bang phân tích bitum và nghiên cứu xác định các hoá thạch của các trầm tích Cổ sinh và Trung sinh – Tân sinh. Thứ 6 là căn cứ vào kết quả nghiên cứu năm 1959, hoạch định những biện pháp tiến hành công tác nghiên cứu, tìm kiếm dầu khí tiếp theo.
Trên cơ sở bản kế hoạch này, Chính phủ Việt Nam đã có những bước triển khai tiếp theo để năm 1961 cho ra đời bản báo cáo “Triển vọng Dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” nhằm định hướng một cách khoa học cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí sau này.
Thanh Hiếu