17/10/2021 12:41:40

Đề nghị Chính phủ thí điểm cơ chế đặc thù trong việc xây nhà ở cho NLĐ

Chiều 16.10, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN do Ủy viên Bộ Chính trị,  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã trình bày một số kiến nghị, đề xuất của Tổng LĐLĐVN. 

Nên bổ sung nghề tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 vào danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Trong đó, Tổng LĐLĐVN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, ủy ban nhân các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về việc ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động, nhất là khi các quy định về gói hỗ trợ của Nhà nước cho người lao động đều gắn liền với các điều kiện doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn  

Nghiên cứu, xem xét bổ sung nghề, công việc có tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; nghiên cứu, xem xét giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động bị lây nhiễm, dương tính với SARS-CoV-2 tại nơi làm việc để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Hiện nay, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định của pháp luật từ 14 ngày làm việc trở lên chưa có văn bản quy định rõ sẽ tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình hay theo doanh nghiệp. Do đó, Tổng LĐLĐVN đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất để đảm bảo quyền lợi BHYT cho người lao động.

Tổng LĐLĐVN cũng đề xuất tháo gỡ khó khăn trong quá trình giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể như sau: Điều 46 Luật Việc làm quy định: “Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập” để được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời gian các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc đi lại của người dân bị hạn chế nên người lao động không kịp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, do đó họ chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khi đời sống đang vô cùng khó khăn, rất cần khoản hỗ trợ này để trang trải cuộc sống khi chưa tìm được việc làm mới. Đề nghị Chính phủ xem xét, giải quyết tháo gỡ khó khăn cho người lao động.

Kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số luật

Trong quá trình triển khai dự án thí điểm thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam và một số địa phương khác đã phát sinh một số các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật làm ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu của Đề án phát triển nhà ở cho công nhân. Để khuyến khích và thúc đẩy được việc phát triển nhà ở cho công nhân, lao động thuê tại các khu công nghiệp, với đặc thù công nhân, lao động làm việc có thời vụ (trung bình một người lao động chỉ làm việc trong khu công nghiệp khoảng 2, 3 năm sau đó chuyển nơi khác hoặc về địa phương), làm việc theo ca kíp, thường xuyên di chuyển giữa các tỉnh thành, khu công nghiệp khác nhau, Tổng LĐLĐVN kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công.

Theo đó, Tổng LĐLĐVN kiến nghị Chính phủ xem xét đề xuất sửa Luật Nhà ở theo hướng tách đối tượng người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp ra khỏi nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; bổ sung chương mới: Chính sách về nhà ở riêng cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.

Hiện nay các khu nhà trọ của công nhân do người dân xây dựng có diện tích nhỏ, không đảm bảo tiêu chuẩn. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng ban hành tiêu chuẩn diện tích ở đối với nhà ở công nhân khu công nghiệp cho thuê được thiết kế tối thiểu là 10 m2/người; chỉ tiêu xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân theo Quy chuẩn xây dựng hiện hành.

Về quy hoạch quỹ đất, Tổng LĐLĐVN đề nghị sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân KCN trong các pháp luật: Luật Đất đai 2013 (tại Điều 149), Luật Đầu tư 2020 (tại Khoản 9 Điều 77) và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (tại Khoản 4 Điều 32), theo hướng: Trong quy hoạch khu công nghiệp phải quy hoạch bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng; đáp ứng các tiêu chuẩn pháp luật về xây dựng và pháp luật khác liên quan đối với nhà ở. Giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN hoặc các đối tượng doanh nghiệp khác hoặc Tổng LĐLĐVN làm chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân (chủ yếu là hình thức cho thuê); đáp ứng tối thiểu 50% nhu cầu nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN.

Về chủ đầu tư nhà ở cho người lao động, khi sửa Luật Nhà ở, tại Chương riêng Chính sách về nhà ở cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, Tổng LĐLĐVN cho rằng cần có điều khoản về chủ thể đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là Tổng LĐLĐVN xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp.

Về lựa chọn chủ đầu tư, giao Tổng LĐLĐVN là chủ thể lựa chọn nhà đầu tư trên tại dự án nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn để chủ động triển khai Đề án.

Liên quan đến đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở cho người lao động tại doanh nghiệp, Tổng LĐLĐVN kiến nghị đối tượng là công nhân, đoàn viên công đoàn và người lao động đang làm việc ở khu công nghiệp; ưu tiên đối với các trường hợp người lao động ngoại tỉnh có hợp đồng lao động tại KCN; doanh nghiệp trong KCN được thuê để bố trí cho người lao động của mình ở hoặc thuê lại.

Điều kiện để được thuê nhà ở công nhân là người không có nhà ở, có nhà nhưng ko đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho bản thân hoặc cách xa khu làm việc trên 20km. Thủ tục cho công nhân thuê gồm đơn xin thuê nhà, xác nhận của thủ trưởng cơ quan, hợp đồng thuê nhà với ban quản lý nhà ở.

Người lao động khu công nghiệp không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng hợp đồng thuê.

Tổng LĐLĐVN cũng đề nghị Chính phủ miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với diện tích đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê; được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế và được tính chi phí xây dựng nhà ở vào giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam; chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân được hạch toán vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả khu công nghiệp.

Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến hệ thống pháp luật liên quan, Tổng LĐLĐVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất KCN trên địa bàn toàn quốc.

Trường hợp KCN có khó khăn về nhà ở cho người lao động, quỹ đất dịch vụ – thương mại trong KCN chưa được sử dụng hết giao chủ đầu tư đầu tư xây dựng nhà lưu trú để cho thuê, trong đó có Tổng LĐLĐVN.

Trường hợp KCN có khó khăn về nhà ở công nhân, quỹ đất dịch vụ – thương mại đã sử dụng hết nhưng đất sản xuất công nghiệp chưa sử dụng hết thì UBND tỉnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch KCN dành quỹ đất để đầu tư nhà lưu trú công nhân.

Tổng LĐLĐVN đề nghị Chính phủ thí điểm cơ chế đặc thù: Tổng LĐLĐVN được trực tiếp giao đất và làm chủ đầu tư một số dự án nhà ở cho công nhân thuê tại các khu đất dịch vụ trong quy hoạch KCN hoặc quỹ đất khác do UBND tỉnh giới thiệu. Sửa đổi bổ sung điều 39, Nghị định 99/2015/NĐ-CP: Tổng LĐLĐVN là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở do Tổng LĐLĐVN đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước để cho công nhân thuê.

Trước mắt cho phép Tổng LĐLĐVN được đầu tư thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân tại các địa phương có số lượng công nhân đông như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cho phép các doanh nghiệp trong KCN được thuê nhà ở để bố trí cho công nhân của mình ở hoặc thuê lại; giảm bớt các thủ tục cho công nhân thuê nhà ở tại các dự án do Tổng LĐLĐVN đầu tư.

Cho phép Tổng LĐLĐVN được phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn trong việc quản lý, khai thác các công trình thiết chế văn hóa, thể thao do Tổng LĐLĐVN đầu tư nhằm đảm bảo tính hiệu quả và nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình.

Tổng LĐLĐVN đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí gói khoảng 3.000 tỉ đồng để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân thuê và công nhân vay vốn để mua, thuê nhà ở.

Hiện nay, Tổng LĐLĐVN đang thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12.5.2017; sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4.11.2020 trong đó xác định mục tiêu 2017 – 2020 hoàn thành thí điểm 1 dự án thiết chế công đoàn.

Dự án thiết chế Công đoàn tại KCN Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam được Tổng LĐLĐVN triển khai xây dựng từ năm 2018, hoàn thành năm 2020 từ nguồn vốn tài chính của Tổng LĐLĐVN theo cơ chế chính sách của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đến nay dự án đã hoàn thành công tác thi công, tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng 5 Block nhà ở với 244 căn hộ, 01 nhà đa năng, sân thể thao ngoài trời và hạ tầng kỹ thuật dự án.

Tuy nhiên, hiện nay Tổng LĐLĐVN không thể bán, cho thuê căn hộ theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP cho đoàn viên, công nhân, lao động do vướng mắc một số quy định của pháp luật như: Tổng LĐLĐVN không thuộc đối tượng bán, cho thuê căn hộ quy định tại điều 10, Luật Kinh doanh bất động sản 2014; không thuộc đối tượng được giao đất để thực hiện các dự án xây dựng nhà ở nhằm mục đích bán hoặc cho thuê theo Điều 55, Luật Đất đai năm 2013; không thuộc các hình thức phát triển nhà ở xã hội theo Điều 55, Luật Nhà ở năm 2014 dẫn đến chưa ký hợp đồng với đoàn viên, công nhân, lao động thuê nhà ở đáp ứng mục tiêu của Đề án.

Vì dự án này nằm trong giai đoạn 2017 – 2020 làm thí điểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tránh lãng phí tài sản đã đầu tư, sớm ký hợp đồng với đoàn viên, công nhân, lao động được thuê nhà ở tại dự án, trong thời gian chờ điều chỉnh Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, do đó Tổng LĐLĐVN đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng LĐLĐVN được quản lý, sử dụng 5 block nhà ở thuộc Dự án thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam theo dạng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước quy định tại mục 3 chương V của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Cần sớm công bố “mức sống tối thiểu” của người lao động

Về triển khai thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, Tổng LĐLĐVN đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Nghị định 105/2020/NĐ-CP theo hướng không chỉ áp dụng ở “khu công nghiệp” mà cần bổ sung áp dụng cho cả “khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao” vì đây là nơi tập trung rất đông CNLĐ, gặp nhiều khó khăn về phát triển giáo dục mầm non.

Tổng LĐLĐVN đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, chủ động xây dựng, đề xuất mức hỗ trợ đối tượng học sinh mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp và giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét quyết định.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn 

Ngoài ra, Tổng LĐLĐVN còn đề nghị Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng đánh giá, xác định và sớm công bố “mức sống tối thiểu” của người lao động và gia đình họ, tạo cơ sở cho các bên tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia thương lượng, đàm phán mức lương tối thiểu vùng hàng năm.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30.1.2019 về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo hướng bổ sung thẩm quyền sở hữu, cụ thể Tổng LĐLĐVN được xác định là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, được áp dụng quy định theo Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30.1.2019 trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn.

Theo laodong.vn