13/10/2021 9:09:50

Nhân rộng các mô hình điểm về văn hóa, thể thao và gia đình trong CNVCLĐ

Ngày 12/10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp về xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa giai đoạn 2016-2021 và ký kết, triển khai Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, tập luyện thể dục thể thao trong công chức, viên chức, công nhân lao động giai đoạn 2021-2026.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ VHTT&DL đồng chủ trì Hội nghị

Dự Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Văn Hùng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Cùng dự có  đại diện lãnh đạo ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nỗ lực bồi đắp giá trị văn hóa và rèn luyện thể lực cho người lao động

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng phần nào đáp ứng được nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của một bộ phận CNVCLĐ.

Ở các địa phương, ngành, công đoàn phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, chiếu phim lưu động, biểu diễn văn nghệ; tổ chức sân chơi văn hóa với nhiều tên gọi khác nhau, thu hút được đông đảo người lao động tham gia.

Với phương châm “Mỗi công đoàn cơ sở, một lợi ích đoàn viên”, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động như: “Tháng công nhân”, “Tết sum vầy”, “Ngày hội sản phẩm chất lượng cao”, “Lễ hội tôn vinh lao động sáng tạo công nhân, viên chức, lao động”, “Ngày hội công nhân lao động”, “Ngày hội công nhân – phiên chợ nghĩa tình”…

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo tại Hội nghị

Cấp công đoàn đưa nội dung tập thể dục giữa giờ vào thương lượng, có nhiều nơi, các bên đã chính thức đưa nội dung này vào thỏa ước, giúp người lao động có cơ hội nâng cao sức khỏe. Công đoàn cơ sở đề xuất với người sử dụng lao động đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động tập luyện như: cải tạo sân bãi, nhà tập, phòng tập, mua sắm dụng cụ cho CNVCLĐ tập luyện sau giờ làm việc, tăng cư­ờng giao lưu thể dục thể thao. Nhiều hội thao, giải thể thao với nhiều bộ môn thi đấu như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, kéo co, tenis, điền kinh, bơi lội, đua xe đạp tay cầm ngang.. với hàng vạn vận động viên tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe người lao động với phương châm “Khỏe để nâng cao năng suất lao động”. Cuộc thi “ Sáng tạo video clip bài tập thể dục giữa giờ” trong CNVCLĐ do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động có .2.454 tác phẩm dự thi, thu hút được 8.2 triệu lượt người theo dõi, tham gia xem và bình chọn cho tác phẩm yêu thích.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các cấp công đoàn đã tìm tòi nhiều cách làm mới để nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Cuộc thi sáng tác bài hát “Giai điệu nơi tuyến đầu” và cuộc thi video clip “Thời khắc khó quên” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức đã nhận được gần 1.500 cá khúc và gần 3.400 video clip dự thi.

Đặc biệt, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” gắn với phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” do Thủ tướng Chính phủ phát động với mục tiêu lan tỏa rộng rãi các giá trị văn hóa công vụ, tinh thần trách nhiệm với nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng cơ quan văn hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Sau khi triển khai cuộc vận động và phong trào, nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá văn hóa công sở và thái độ công chức, viên chức, cũng như chế tài xử lý vi phạm ứng xử và có cơ chế khen thưởng đối với cá nhân, tập thể thực hiện tốt, tiêu biểu, như phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” của  Công đoàn viên chức TP. Hà Nội, phong trào thi đua “Cán bộ, chiến sĩ quân đội thi đua thực hiện văn hóa công sở, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” của Công đoàn Tổng cục Chính trị, phong trào xây dựng cơ sở y tế “Xanh – sạch – đẹp”, “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” của Công đoàn ngành y tế…

Các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ với ngành văn hoá, thể thao và du lịch triển khai thực hiện phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa bằng nhiều cách làm mới, sáng tạo. Tính đến hết năm 2020, có 2.157/8.313 (đạt 26 %) doanh nghiệp được nhận danh hiệu “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ CNVCLĐ từng bước được chính quyền địa phương, doanh nghiệp quan tâm, đầu tư quy hoạch, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp. Tính đến hết năm 2020, cả nước có 66 thiết chế văn hoá cấp tỉnh (Trung tâm văn hoá, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh, Trung tâm Thông tin Triển lãm…);  700 quận, huyện có Trung, tâm Văn hoá – Thể thao hoặc Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 96,5%; 7.945 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hoá – Thể thao, đạt tỷ lệ 74,5 %; 78.273 làng, thôn, bản, ấp… có Nhà Văn hoá. Riêng hệ thống Công đoàn có 30 cung văn hóa lao động, nhà văn hóa lao động cấp tỉnh, 06 trung tâm văn hóa lao động, nhà văn hóa công nhân khu công nghiệp, 16 nhà văn hóa lao động quận, huyện.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (giữa)  trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị

Tham luận tại Hội nghị, hầu hết các ý kiến đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng đời sống văn hoá, tập luyện thể dục thể thao trong công chức, viên chức, công nhân lao động. Tuy nhiên thực trạng tại các địa phương cho thấy việc tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao trong công nhân còn nhiều bất cập, hạn chế. Đó là thiết chế văn hóa để tổ chức các hoạt động văn hóa của CNVCLĐ còn thiếu và yếu; chưa có cơ chế chính sách ưu đãi cho CNVCLĐ khi tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Công tác đầu tư đất đai, nguồn lực cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động của nhiều địa phương còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng và tạo điều kiện về thời gian, nguồn lực để công nhân lao động thụ hưởng các giá trị văn hóa.

Cần có giải pháp đồng bộ, liên tục và lâu dài

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của chương trình phối hợp giữa hai cơ quan trong giai đoạn 2016-2021, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tin tưởng việc triển khai tốt các nội dung trên từ Trung ương đến địa phương, cơ sở thì chắc chắn sẽ “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao nhằm nâng cao thể lực và sức khỏe tinh thần cho công nhân và người lao động, góp phần hiện thực hóa định hướng về phát triển con người và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được đề cập trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng cho biết, những nội dung đề cập tại Hội nghị sẽ là căn cứ và thực tiễn để Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp và kiến nghị tới Đảng, Nhà nước một số chính sách đối với người lao động, công nhân, công chức viên chức trong giai đoạn sắp tới.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ chiến lược, cần phải được thực hiện thường xuyên với sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là ở cấp cơ sở. Trong nhiệm vụ chung đó, việc xây dựng, phát triển đời sống văn hóa, nâng cao thể chất, tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động với vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, càng cần phải được coi trọng.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nặng nề đến mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có đoàn viên, công nhân lao động. Bên cạnh những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của nhân dân, về kinh tế – xã hội, dịch bệnh cũng cho thấy những vấn đề về văn hóa rất đáng quan tâm, suy ngẫm.

Nhiều giá trị tích cực tiếp tục được phát huy, nhân lên như: lòng yêu  nước, yêu thương con người, sự hy sinh và sẻ chia trong khó khăn, hoạn nạn; tinh thần tận tụy, hết lòng vì đoàn viên, người lao động của những cán bộ công đoàn nơi tâm dịch; vai trò của văn hóa doanh nghiệp với những giá trị cốt lõi như sự quan tâm, chăm lo của người sử dụng lao động, sự gắn bó, sẻ chia của người lao động, cùng nhau vượt qua khó khăn, khủng hoảng.

“Thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà chúng ta không thể không băn khoăn như: hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh, lôi kéo, kích động người dân và công nhân lao động, sự vô cảm hay trục lợi trong khó khăn, phát lộ nhiều chủ doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ chính sách, pháp luật với người lao động, bỏ mặc người lao động trong khó khăn…” – đồng chí Nguyễn Đình Khang bày tỏ.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội nghị

Đây cũng là động lực để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường phối hợp triển khai xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao sức khỏe trong CNVCLĐ, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Nhưng để xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCLĐ và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các chủ thể với các giải pháp đồng bộ, liên tục và lâu dài.

Hội nghị nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, xác định các nhiệm vụ, giải pháp và khẳng định quyết tâm phối hợp triển khai hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, tập luyện thể dục thể thao trong CNVCLĐ thời gian tới.

Ký kết chương trình phối hợp giữa hai cơ quan giai đoạn 2021 – 2026

Nhận định rằng việc xây dựng đời sống văn hoá là thường xuyên lâu dài, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng thẳng thắn nhìn nhận trong quá trình tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn chưa thực hiện tốt, sự phối hợp còn lỏng lẻo, chưa tạo thành sức mạnh, hiệu quả chưa cao. Thậm chí có những việc tưởng như đơn giản như cần một thư viện mini, một phòng tập thể thao tại một số khu công nghiệp, còn chưa thực hiện được.

Bộ trưởng mong muốn hai ngành không chỉ thống nhất với nhau trong chương trình khung để hành động mà còn đề ra những đầu việc cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền, từng khu công nghiệp, khu chế xuất để hiệu quả của Chương trình phối hợp là những con số biết nói. Từ đó sau 5 năm nữa, khi tổng kết lại Chương trình chúng ta sẽ có được một bức tranh toàn cảnh, có nhiều gam màu tươi sáng hơn là đời sống văn hoá, tinh thần, việc rèn luyện thể thao được nâng cao trong đội ngũ CNVCLĐ.

Nhân dịp này,  Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cùng trao tặng kỷ niệm chương của hai bên cho các cá nhân.

Theo congdoan.vn