Trong bối cảnh doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, người lao động quay trở lại làm việc sau giãn cách xã hội, các cấp Công đoàn Thủ đô cần tăng cường nắm bắt tình hình quan hệ lao động tại những khu vực có đông công nhân lao động, nhất là các khu công nghiệp và chế xuất.
Sáng 11/10, đồng chí Nguyễn Phi Thường – Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 LĐLĐ Thành phố đã chủ trì họp giao ban Ban Chỉ đạo để nắm bắt tình hình và tiếp tục chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Phi Thường – Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 LĐLĐ Thành phố chủ trì cuộc họp. |
Báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các cấp Công đoàn Thủ đô cho thấy, thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm trong hệ thống chính trị, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19; động viên, khuyến khích người lao động vượt khó, sáng tạo, thi đua trong lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh.
Với tinh thần chủ động thích ứng trước những diễn biến của dịch Covid-19, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tập trung rà soát nâng cao hiệu quả hoạt động của các “Tổ An toàn Covid-19”, hướng dẫn chuyển trạng thái từ tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch sang chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động; phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng và giữ vững “vùng xanh doanh nghiệp”. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 743 mô hình “vùng xanh doanh nghiệp” được xây dựng và hoạt động hiệu quả.
Về công tác chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động, tính từ ngày 27/4 tới nay, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi trên 74 tỷ đồng và vận động xã hội hóa với số tiền trên 104 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu và ủng hộ “Quỹ vắc xin”, “Quỹ phòng, chống dịch Covid-19” Thành phố… Trong đó, LĐLĐ Thành phố đã chi trên 36 tỷ đồng để hỗ trợ cho 64.836 người lao động; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chi trên 18 tỷ đồng để hỗ trợ 47.970 người lao động và 2.098 “Tổ An toàn Covid-19”; các Công đoàn cơ sở đã hỗ trợ 17.082 người lao động với số tiền trên 20 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong tham gia quản lý, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo cho đoàn viên, người lao động, tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp và người lao động, nhiều Công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án khôi phục sản xuất, sắp xếp lại lao động; hướng dẫn, hỗ trợ người lao động giao kết hợp đồng lao động theo quy định pháp luật. Đồng thời, tham gia, phối hợp cùng doanh nghiệp đảm bảo điều kiện làm việc và các chế độ chính sách đối với người lao động.
Các cấp Công đoàn Thủ đô cần tăng cường nắm bắt tình hình quan hệ lao động tại những khu vực có đông công nhân lao động. |
Nhờ vậy, đến nay tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố vẫn ổn định, không có hiện tượng đình công, ngừng việc xảy ra. Phần lớn các doanh nghiệp đã thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người lao động bị ngừng việc, mất việc làm; người lao động đã nhận thức và chia sẻ, đồng hành cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra các giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch; tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động; đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động, ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp… trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đánh giá, thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch và chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch; đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và thực hiện tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, hoạt động đang triển khai; tăng cường nắm bắt tình hình quan hệ lao động tại những khu vực có đông công nhân lao động, nhất là trong thời điểm doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, người lao động quay trở lại làm việc sau giãn cách xã hội.
“Đây là thời điểm cả doanh nghiệp và người lao động còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, các cấp Công đoàn cần sâu sát với cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của người lao động. Từ đó kịp thời phối hợp với người sử dụng lao động và các đơn vị liên quan giải đáp thỏa đáng, không để xảy ra các vụ tranh chấp lao động, đình công trái quy định pháp luật”, đồng chí Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Cạnh đó, các cấp Công đoàn Thủ đô cần đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động biết và hiểu rõ về các gói hỗ trợ của Chính phủ, Thành phố và tổ chức Công đoàn; hướng dẫn các thủ tục để người lao động sớm được hưởng hỗ trợ theo quy định; tăng cường phối hợp giám sát việc triển khai các gói hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Theo congdoan.vn