08/10/2021 9:30:30

Đi tiêm phòng là phải… lòng vòng

Người đi tiêm chủng ngừa Covid-19 hãy xác định “đi tiêm phòng là phải… lòng vòng”, mất thời gian một chút nhưng sẽ đảm bảo an toàn và sức khỏe cho chính bản thân mình và gia đình.

Từ nay đến cuối năm Việt Nam đang bước vào đợt cao điểm tiêm phòng dịch Covid-19 có người dân. Tính đến tối ngày 6/10, nước ta đã tiêm phòng được hơn 48 triệu liều vắc xin, số người dân tiêm đủ 2 mũi vượt 12 triệu liều. Trong đó, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là đang được ưu tiên tiêm phòng toàn dân và có tỉ lệ người dân được tiêm phòng vắc xin cao nhất cả nước.

Đi tiêm phòng là phải… lòng vòng

Người dân phường Phú Thượng tuân thủ đúng và đủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế khi đi tiêm phòng Covid-19.

Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin từ Bộ Y tế đã cập nhật khá đầy đủ về quy trình tiêm chủng nhưng vẫn thỉnh thoảng xảy ra hiện tượng người dân không chấp hành quy định 5K ngay trong quá trình đi tiêm chủng gây ra việc tụ tập, chen lấn xô đẩy. Lý giải điều này và tìm ra giải pháp là điều cần thiết để các đơn vị chức năng liên tục rút kinh nghiệm, đảm bảo an toàn phòng bệnh cho người dân và chính đội ngũ y bác sĩ.

Hiện nay quy trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 gồm 4 bước: Đón tiếp, khám sàng lọc, thực hiện tiêm và cuối cùng là theo dõi sau tiêm. Cụ thể, sau khi khai báo y tế xong, người dân được cán bộ tiêm chủng thực hiện bước đón tiếp trên hệ thống “Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19”. Sau khi người dân trải qua bước đón tiếp thì sẽ được cán bộ tiêm chủng thực hiện khám sàng lọc, các chỉ tiêu khám sàng lọc đều được ghi nhận trực tiếp vào hệ thống “Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19”. Tiếp đến, mỗi người dân đã khám sàng lọc và đủ điều kiện tiêm sẽ được cán bộ tiêm chủng tiêm và cập nhật thông tin tiêm lên hệ thống “Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19”. Cuối cùng, người dân sau khi được tiêm chủng sẽ được đưa đến phòng theo dõi sau tiêm, trải qua quá trình theo dõi bất kể các triệu chứng gì sau tiêm chủng đều được cập nhật ngay lập tức trên hệ thống “Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19”.

Đi tiêm phòng là phải… lòng vòng

Ngay tại bước tiếp đón người dân đi tiêm phòng, lực lượng y tế cần giải thích rõ về thời gian cần phải chờ đợi khi tiêm chủng, tránh tâm lý căng thẳng cho người dân.

Tại một số cơ sở y tế hoặc bệnh viện 4 bước cơ bản trên có thể được thêm vài chi tiết như bước 1 cần đo thân nhiệt, cấp phát khẩu trang. Nhưng có một chi tiết mà theo quan sát thực tế của phóng viên là khá cần thiết khi thực hiện bước đầu tiên đó là giải thích cho người dân về thời gian cần để tiêm chủng. Theo đó, ngay tại bước đầu tiên người dân cần ít nhất 30 phút chờ đợi tới lượt. Tại một số điểm tiêm phòng tại bệnh viện thì ít nhất phải 3-4 lượt ngồi chờ dịch chuyển vị trí nhằm đảm bảo giãn cách – có khi hết hành lang này đến hành lang khác – mới đến lượt vào khám sàng lọc. Còn tại các điểm tiêm phòng lưu động cũng phải đợi ít nhất 30 phút.

Nguyên nhân bước 1 phải chờ đợi khá mất thời gian là bởi bước 2 khám sàng lọc. Trong đó, bên cạnh việc các bác sĩ hỏi thăm về các loại bệnh lý, bệnh mãn tính của người dân là bước đo huyết áp. Theo thống kê, có đến hơn 20% người dân bị mắc hội chứng “tăng huyết áp áo choàng trắng”.

Đây là hội chứng chủ yếu xuất hiện do người dân ít tiếp xúc với nhân viên y tế, thiết bị y tế, đặc biệt là tâm lý căng thẳng, ám ảnh sợ hãi trước dịch Covid-19 nên khi đi tiêm chủng sẽ khiến huyết áp tăng vọt. Để xử lý vấn đề này, các y bác sĩ bắt buộc phải đo huyết áp nhiều lần, mỗi lần đo là phải chờ 20-30 phút để người dân ổn định tâm lý. Nếu huyết áp người dân vẫn không ổn định, các nhân viên y tế mới sử dụng các biện pháp hỗ trợ như nằm nghỉ, uống thuốc hạ huyết áp. Khi nào huyết áp ổn định mới được tiêm.

Đi tiêm phòng là phải… lòng vòng

Mỗi mũi tiêm vắc xin chỉ mất 1-2 phút nhưng thời gian khám sàng lọc, chờ đợi xem có phản ứng phụ hay không sẽ mất từ 1-2 giờ

Tại bước thứ 3 là tiêm chủng thì nhanh nhất, trung bình mỗi mũi tiêm chỉ mất 1-2 phút là tiêm xong. Nhưng bước cuối cùng là theo dõi sau tiêm, phải mất từ 30-60 phút. Người dân cần ngồi chờ để xem có bị phản ứng sau khi tiêm (sốc phản vệ). Đây là bước cực kỳ quan trọng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân nên cần phải tuân thủ chặt chẽ.

Có thể thấy rằng, mỗi mũi tiêm vắc xin chỉ mất 1-2 phút nhưng thời gian khám sàng lọc, chờ đợi xem có phản ứng phụ hay không sẽ mất từ 1-2 giờ. Trong trường hợp bất khả kháng như xảy ra sốc thuốc, hết vắc xin thì người dân cần tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi đội ngũ y tế xử lý, không nên sốt ruột chen lấn hay bỏ về.

Có những trường hợp như tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa qua, phường thực hiện tiêm phòng liên tục từ sáng đến nửa đêm (từ 8h sáng đến 24h), hết vắc xin lại điều động để tiêm cho người dân. Bởi vậy, người dân được hẹn đi tiêm phòng không cần lo lắng, tránh tự gây áp lực tâm lý cho chính bản thân mình. Hãy xác định việc “đi tiêm phòng là phải… lòng vòng”, mất thời gian một chút nhưng sẽ đảm bảo an toàn và sức khỏe cho chính mình và gia đình.

Rất mong mọi người đi tiêm phòng dịch Covid-19 xác định rõ thời gian để trật tự chờ đợi. Nhất là không chen ngang, luồn lách trong việc tiêm phòng vắc xin bởi điều này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác và vi phạm nguyên tắc phòng chống dịch.

Thành Công