Ngày 8/01, LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện chương trình số 03/CTr-LĐLĐ của Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố khóa XIV về “Tăng cường công tác vận động nữ CNVCLĐ trong tình hình mới, nhiệm kỳ 2009 – 2013”.
Tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu đều thống nhất nhận định: Chương trình 03/CTr-LĐLĐ của Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố khóa XIV được ban hành phù hợp với điều kiện thực tế. Các cấp công đoàn đã triển khai thực hiện chương trình một cách đồng bộ, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao trình độ mọi mặt cho nữ CNVCLĐ được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú. Các cấp công đoàn Thành phố đã chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp ủy Đảng và chính quyền tạo điều kiện về thời gian và kinh phí để nữ CNVCLĐ học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ. Với phương châm hướng về cơ sở, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai chương trình một cách đồng bộ cùng với thực hiện chương trình bình đẳng giới, kế hoạch tuyên truyền giáo dục phẩm chất phụ nữ VN, chương trình hành động vì sự tiến bộ phụ nữ… phối hợp với các ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa, cơ quan văn hóa. Từng bước đổi mới trong công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố, Sở Y tế, Chi cục dân số – kế hoạch hóa gia đình, Sở Tư pháp, Sở LĐ Thương binh & xã hội, Sở Văn hóa thể thao & du lịch trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động… Trong những năm qua có 3070 lượt công đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền cho 212.153 lượt công nhân viên chức lao động, đạt tỉ lệ 80,3%….
Các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là thi đua “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà” đã thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia hưởng ứng với từng loại hình nghề nghiệp, phong trào giỏi việc nước đảm việc nhà được triển khai với nhiều tên gọi khác nhau như giỏi việc nước đảm việc trường… góp phần xây dựng đội ngũ nữ CNVCLĐ tận tụy, tâm huyết với nghề. Trong nhiệm kỳ có 5787 tập thể nữ và 172.412 cá nhân xuất sắc đạt danh hiệu giỏi việc nước đảm việc nhà nhiều năm liên tục, trong đó có 11 cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo, 02 cá nhân được tặng giải tài năng sáng tạo nữ, 32642 cặp mẹ con đạt danh hiệu “Mẹ LĐ giỏi – con học giỏi”, 7042 gia đình nữ CNVCLĐ tiêu biểu được công đoàn cấp trên cơ sở và Thành phố biểu dương.
LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động tích cực tham gia xây dựng, sửa đổi bổ sung hoàn thiện chính sách liên quan đến LĐ nữ, phối hợp kiểm tra giám sát việc chấp hành luật pháp tại các doanh nghiệp, đơn vị nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho LĐ nữ, đặc biệt trong các lĩnh vực LĐ, việc làm, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Những năm qua có 4779 số công đoàn cơ sở tổ chức khám bệnh cho nữ CNVCLĐ với 230.713 lượt nữ được khám 1 lần trong năm, khám phát hiện sớm các bệnh hiểm nghèo và kịp thời điều trị. LĐLĐ Thành phố đã phối hợp với Sở LĐ thương binh & xã hội, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Thành phố tổ chức kiểm tra tại 80 doanh nghiệp ngoài nhà nước, các công đoàn cấp trên cơ sở tiến hành kiểm tra 2905 đơn vị và 1733 lượt công đoàn cơ sở tự tiến hành kiểm tra về việc thực hiện chế độ chính sách có liên quan đến LĐ nữ và trẻ em. Qua đó đã phát hiện và đề nghị xử lí một số doanh nghiệp vi phạm chế độ làm thêm giờ, điều kiện an toàn vệ sinh LĐ, trốn đóng bảo hiểm XH cho người LĐ, không thực hiện nâng bậc lương theo quy định, không tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho LĐ nữ, không thực hiện một số chế độ giành riêng cho LĐ nữ. Để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người LĐ, các cấp công đoàn đã tổ chức 25 buổi tọa đàm, đối thoại với người sử dụng LĐ và nữ CNVCLĐ tại các khu công nghiệp Bắc Thăng long, Sài đồng, Nội bài. Thông qua đó đã đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn sửa đổi chính sách chế độ nghỉ thai sản từ 4 lên 6 tháng và nhiều chính sách cụ thể khác cho LĐ nữ, đồng thời trợ giúp 10.580 nữ CNVCLĐ được vay vốn từ các nguồn quỹ để phát triển KTGĐ, ổn định cuộc sống với tổng số tiền trên 83 tỉ đồng.
Cùng với các nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, giám sát việc thực hiện chính sách đối với LĐ nữ, các cấp công đoàn thủ đô thường xuyên quan tâm chăm sóc trẻ em và nữ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời vận động nữ CNVCLĐ gương mẫu thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình và tham gia các hoạt động xã hội từ thiện. LĐLĐ Thành phố đã tặng 500 suất quà trị giá 350 triệu đồng, trao hỗ trợ 240 suất học bổng trị giá 240 triệu đồng cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi. Phối hợp với Chi cục Dân số Thành phố triển khai 242 buổi tuyên truyền, tổ chức 16 buổi tọa đàm nhằm nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ CNVCLĐ.
Để nâng cao chất lượng hoạt động Ban Nữ công công đoàn các cấp, hàng năm các cấp công đoàn thủ đô luôn duy trì, mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình câu lạc bộ dành cho nữ, tổ chức 175 kỳ sinh hoạt với nhiều nội dung phong phú như truyền thông kiến thức giới, thu hút hơn 26.901 hội viên tham dự. Đồng thời thành lập mới 2124 Ban Nữ công công đoàn cơ sở, tổ chức 240 buổi tập huấn cho 10.627 lượt cán bộ nữ công tham gia. Vì sự tiến bộ của phụ nữ, các cấp công đoàn đã động viên LĐ nữ tự học tập, tham gia các loại hình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao ký năng nghề nghiệp, trình độ học vấn tay nghề. Trong nhiệm kỳ có 2227 cán bộ nữ được đào tạo trình độ trung, cao cấp lý luận chính trị, có 23.922 chị được kết nạp Đảng, chiếm 44.4% trên tổng số đảng viên mới được kết nạp; 35 chị được phong giáo sư phó giáo sư; 311 tiến sĩ, 2221 thạc sĩ và 32416 lượt chị được đào tạo và đào tạo lại tin học, ngoại ngữ.
Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình 03/CTr- LĐLĐ vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục quan tâm giải quyết, đó là: Mục tiêu vận động nữ CNVCLĐ tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp kết quả còn hạn chế. Nguyên nhân chủ quan một phần do nữ CNVCLĐ còn tự ti, an phận, ngại học tập. Song bên cạnh nguyên nhân chủ quan có một phần xuất phát từ nội lực của tổ chức công đoàn các cấp. Ban nữ công CĐCS hoạt động hiệu quả chưa cao, không có sự phân công rõ ràng, tâm lý còn trông chờ ỷ lại, kỹ năng để chủ tịch công đoàn ủng hộ cho hoạt động của mình còn thiếu.
Tại hội thảo, ý kiến của các đại biểu đều tập trung vào phân tích, đánh giá và đặt ra những câu hỏi để tiếp tục nâng cao chất lượng vận động nữ CNVCLĐ trong tình hình mới: Làm thế nào để cán bộ, đoàn viên công đoàn nâng cao nhận thức và hành động trong công tác vận động nữ CNVCLĐ? Để công tác vận động nữ CNVCLĐ đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH đất nước không chỉ là trách nhiệm của Ban Nữ công CĐCS mà là trách nhiệm của tổ chức công đoàn các cấp? Phong trào nữ CNVCLĐ không chỉ do nữ đảm nhận mà rất cần có sự chung tay của các anh. Nhiều ý kiến cho rằng, để các anh nam giới đảm nhận biết đâu sự đánh giá và công tác vận động nữ CNVCLĐ sẽ sâu sắc và hiệu quả hơn. Trên thực tế, hoạt động của Ban Nữ công ở một số nơi chưa được coi trọng, công tác tổng kết, nhân rộng mô hình còn chưa nề nếp; quá trình tổ chức thực hiện thiếu kiểm tra đôn đốc nhắc nhở rút kinh nghiệm, xử lí chưa nghiêm? Trong tổ chức, triển khai phong trào thi đua “GVN- ĐVN”, sự vào cuộc của các CĐCS khu vực ngoài nhà nước có phần mờ nhạt, một số CĐCS chưa thực sự quan tâm xây dựng tiêu chuẩn cấp cở sở để bình xét cho chị em, kinh phí khen thưởng của cơ sở không có, hoặc rất ít, thủ tục, hồ sơ nhiều…đã phần nào ảnh hưởng tới chất lượng phong trào. Các vấn đề đặt ra đối với đời sống gia đình hiện nay: xây dựng một gia đình bền vững, gắn kết hơn mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình …các cấp công đoàn cần phải vào cuộc hơn với phong trào “Biểu dương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu” bằng nhiều hình thức và nội dung thiết thực, cần phải đầu tư hơn kinh phí, nguồn lực cho phong trào. Các CĐ cấp trên cơ sở chưa mạnh dạn trong việc giới thiệu các CĐCS để LĐLĐ Thành phố khảo sát tình hình thực hiện công tác nữ công và các chế độ chính sách đối với lao động nữ, các đơn vị được khảo sát đều là những đơn vị thực hiện rất tốt nên bức tranh chưa được toàn diện. Trong công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cần chú ý hơn tới “Chăm sóc sức khỏe dành cho nam giới”…
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác vận động nữ CNVCLĐ
Trên cơ sở các ý kiến đưa ra tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố đã tổng hợp ý kiến, phân tích, đánh giá và kết luận: Trong nhiệm kỳ mới 2013- 2018 trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XV Công đoàn Thành phố cùng với việc căn cứ vào tình hình thực tiễn sẽ tiếp tục tham mưu Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố khóa XV xây dựng chương trình “Tăng cường công tác vận động nữ CNVCLĐ trong tình hình mới”, tâp trung vào các giải pháp nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, kiến thức xã hội, kỹ năng ứng xử cho lao động nữ. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà”, biểu dương “Gia đình CNVCLĐ tiêu biểu”, phong trào “Người tốt việc tốt”… nhằm động viên nữ CNVCLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ. Duy trì có hiệu quả sinh hoạt câu lạc bộ nữ công công đoàn các cấp góp phần nâng cao nhận thức cho nữ CNVCLĐ; chú trọng công tác tuyên truyền về giới, bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc…
Đào Minh Đức – CTV