06/09/2021 4:45:00

Phản hồi của Tổng LĐLĐVN về các kiến nghị của 14 hiệp hội

Ngày 30.8.2021, 14 hiệp hội gửi kiến nghị đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) có chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 với 4 nội dung cụ thể. Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch TLĐLĐVN đã có cuộc trao đổi với phóng viên về phản hồi từ phía tổ chức Công đoàn.

– Thưa ông, chắc chắn TLĐLĐVN đã nhận được 14 kiến nghị của các hiệp hội và quan điểm chung của TLĐLĐVN về các kiến nghị này?

Ngày 01.9.2021 chúng tôi đã nhận được văn bản kiến nghị của 14 hiệp hội sau khi truyền thông đưa tin từ 2 ngày trước đó. Lãnh đạo TLĐ đang giao cho các ban chuyên môn dự thảo văn bản để trả lời các hiệp hội sớm nhất.

Điều chúng tôi mừng là các hiệp hội đã bày tỏ sự quan tâm lớn đến người lao động (NLĐ) tuy nhiên rất tiếc là một số hiệp hội chưa có thông tin đầy đủ về các chính sách và hoạt động cụ thể của tổ chức Công đoàn trong chăm lo, hỗ trợ NLĐ và chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp thời gian qua.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN (thứ ba từ phải sang) trao hỗ trợ tới Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Alutec Vina để CĐ chăm lo cho đoàn viên trong thời điểm dịch COVID-19. Ảnh: Việt Lâm
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN (thứ ba từ phải sang) trao hỗ trợ tới Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Alutec Vina để CĐ chăm lo cho đoàn viên trong thời điểm dịch COVID-19.

Trong hoạt động công đoàn nói chung, bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nói riêng, TLĐ luôn xác định quan điểm: chăm lo, hỗ trợ cao nhất cho NLĐ, đồng hành với Chính phủ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, phối hợp tích cực với các địa phương. Quan điểm đó được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách và các hoạt động rất cụ thể, thiết thực của các cấp công đoàn trong hơn một năm qua. Hầu hết các kiến nghị là những việc TLĐ đã và đang triển khai.

– Cụ thể, đối với 4 kiến nghị của các hiệp hội, thưa ông?

TLĐLĐVN sẽ có văn bản trả lời các hiệp hội đối với từng kiến nghị cụ thể, tôi chỉ trao đổi những thông tin chung từ định hướng chỉ đạo của TLĐ trong suốt thời gian qua.

Về kiến nghị mở rộng đối tượng NLĐ được hỗ trợ tiền ăn: bên cạnh chính sách hiện có của TLĐ cho phép các cấp công đoàn chi hỗ trợ NLĐ khó khăn, từ tháng 5/2021 khi dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng ở Bắc Giang, Bắc Ninh, TLĐLĐVN đã ban hành chính sách hỗ trợ cho các đối tượng từ F0, F1, F2, người bị ngừng việc ở các khu vực cách ly, phong tỏa, người bị tử vong do COVID-19 với mức từ 500.000 đồng đến tối đa 5 triệu đồng, hỗ trợ 480.000 phần quà nhu yếu phẩm cho công nhân 6 tỉnh, thành phố bị ngừng việc, mất việc, hoàn cảnh khó khăn và nhiều chính sách khác.

NLĐ ở các doanh nghiệp ngừng sản xuất, ngoài gói hỗ trợ của Công đoàn, họ được nhận hỗ trợ từ doanh nghiệp hoặc gói hỗ trợ của Chính phủ. Cách tiếp cận của Công đoàn là bất kể NLĐ nào khó khăn đều nhận được sự hỗ trợ (Nhà nước, Công đoàn, doanh nghiệp, xã hội). Đối với việc hỗ trợ NLĐ ở các doanh nghiệp thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”, lãnh đạo TLĐ đã có chủ trương hỗ trợ và giao các ban liên quan khảo sát, nghiên cứu, tham mưu.

Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu (thứ hai từ trái sang) thay mặt Tổng LĐLĐ0VN trao hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Ảnh LĐ
Phó chủ tịch Ngọ Duy Hiểu (thứ hai từ trái sang) và lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam thay mặt Tổng LĐLĐ Việt Nam trao hỗ trợ công tác phòng chống dịch tỉnh Bắc Giang. Ảnh LĐ 

Về các kiến nghị liên quan đến kinh phí công đoàn và đoàn phí: từ năm 2020, TLĐ đã sớm có văn bản cho lùi đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp và đoàn phí đối với đoàn viên bị ảnh hưởng bởi COVID-19; năm 2021 chủ trương này tiếp tục được thực hiện. Tinh thần chung là chúng tôi hết sức quan tâm đến đời sống NLĐ và chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp.

Về kiến nghị miễn đóng kinh phí công đoàn, rất tiếc nội dung này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. TLĐ rất thấu hiểu khó khăn của các doanh nghiệp nhưng chúng ta phải tuân thủ pháp luật.

Kinh phí công đoàn dành hơn 70% chi tại công đoàn cơ sở (CĐCS) để chăm lo, hỗ trợ NLĐ. Nếu miễn toàn bộ khoản này, CĐCS sẽ rất khó khăn trong tổ chức hoạt động, nhất là trong bối cảnh NLĐ đang rất cần chăm lo như hiện nay. Theo cá nhân tôi, có thể xem xét giảm một phần kinh phí công đoàn theo trình tự do Quốc hội quyết định.

– Vậy còn kiến nghị sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư chi trả chi phí test nhanh, xét nghiệm, TLĐ có ý kiến gì, thưa ông?

Hiện quỹ tài chính kết dư của hệ thống Công đoàn còn khoảng 15.000 tỉ đồng (thời điểm Kiểm toán Nhà nước công bố gần 29.000 tỉ đồng là 31.12.2019, trước dịp Công đoàn tổ chức Tết Sum vầy cho công nhân cả nước; mấy năm gần đây nguồn thu đạt thấp, nhưng chi nhiều do COVID-19). Chỉ riêng đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay các cấp công đoàn đã chi hỗ trợ hơn 4.000 tỉ đồng cho NLĐ. Xét về sâu xa, chi chăm lo cho NLĐ cũng chính là chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp.

Kiến nghị này không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Thẩm quyền chi tài chính kết dư tại CĐCS do ban chấp hành, ban thường vụ CĐCS quyết định. Người sử dụng lao động không có quyền can thiệp vào quỹ kết dư này, đó là tiêu chuẩn lao động quốc tế. Tuy nhiên, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, TLĐ đã có văn bản hướng dẫn CĐCS sử dụng tài chính kết dư mua trang thiết bị phòng dịch, hỗ trợ cho doanh nghiệp một phần kinh phí trong việc mua vaccine…

Nhân đây, chúng tôi mong rằng, các hiệp hội tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến NLĐ, phân phối công bằng hơn lợi nhuận, chấp nhận không lợi nhuận trong ngắn hạn để chia sẻ với những khó khăn từ phía NLĐ hiện nay.

Theo laodong.vn