29/08/2021 10:09:59

Chống dịch ở cụm giàn tiền tiêu

Dịch Covid – 19 quét qua làm ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt của đời sống. Các doanh nghiệp của ngành Dầu khí Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề, và Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) cũng không là ngoại lệ. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống, và sự đồng thuận từ lãnh đạo đến người lao động, BIENDONG POC đã từng bước vượt qua “cơn bão lớn” – cơn bão Covid – 19.

Chống dịch ở cụm giàn tiền tiêu

Tại công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC), ngay từ những ngày đầu tiên bắt đầu của đợt dịch thứ 4, là khởi đầu cho những ngày kiên cường chống dịch trên tất cả các “mặt trận”, Ban lãnh đạo Công ty đã triển khai hàng loạt những giải pháp hết sức toàn diện và tính toán đến từng chi tiết cho tất cả các kịch bản cũng như tình huống giả định có thể xảy ra, quyết tâm đảm bảo hoạt động khai thác khí và condensate trên vùng mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh được diễn ra an toàn, liên tục, hiệu quả. Song song với công tác chống dịch, Ban lãnh đạo cũng tăng cường các hoạt động chăm lo tinh thần, sức khỏe và đảm bảo đời sống cho người lao động cùng gia đình của họ.

Chống dịch ở cụm giàn tiền tiêu

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất khó lường, để đảm bảo an toàn, khối CBNV làm việc trên bờ đã chuyển đổi sang chế độ làm việc trực tuyến (online) ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch, còn khối CBNV làm việc trên biển (offshore) thì kéo dài ca biển từ 3 tuần lên 4 tuần, và thậm chí là 6 – 7 tuần, đồng thời chia thành 3 ca làm việc, đảm bảo có một ca sản xuất ngoài biển, một ca túc trực ở TP HCM và một ca ở Vũng Tàu sẵn sàng thay thế nếu trên giàn có trường hợp nhiễm Covid-19. Ca biển kéo dài hơn bình thường, khối lượng công việc tăng lên đáng kể, phải thực hiện cách ly dài ngày trước và sau khi đi biển, ít thời gian bên gia đình, người thân… khiến tâm lý CBNV không tránh khỏi xao động. Tuy nhiên, Đảng bộ, Ban lãnh đạo công ty và các tổ chức đoàn thể đã và đang là chỗ dựa vững chắc, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người lao động khối offshore yên tâm công tác. Vượt lên nỗi lo lắng cho những người thân đang ở vùng tâm dịch, các cán bộ, kỹ sư trên cụm mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh vẫn đang tập trung cao độ cho công việc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Thời gian này, việc được đoàn viên cùng gia đình trong những ngày bình thường hay trong dịp Lễ dường như đang là một điều “xa xỉ” đối với người lính dầu khí vì họ đang mang trong mình trọng trách của những kỹ sư, kỹ thuật viên trong ca trực đảm bảo hoạt động thông suốt liên tục 24/24 cho giàn khai thác, không được để bất cứ ca F0 nào làm gián đoạn sản xuất. Hơn thế nữa, việc nhiễm Covid-19 ở một nơi cách xa đất liền đến 320km sẽ là vô cùng khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Chống dịch ở cụm giàn tiền tiêu

Ai đã từng chọn nghề dầu khí đi biển, ai đã từng làm việc trên các công trình ngoài khơi, đã từng gắn bó công việc với khung cảnh “trên đầu anh là trời sao, trước mặt anh là biển rộng” thì hẳn hiểu rõ hơn ai hết vinh dự của một người đang làm việc ở vị trí tiền tiêu xa bờ, góp phần vào việc đảm bảo an ninh biển đảo của đất nước, giữ gìn bình yên nơi tuyến đầu, nhưng cũng lại càng thấu hiểu hơn bao giờ hết những khoảnh khắc đối diện với hiểm nguy rình rập nơi “đầu sóng ngọn gió”. Có lẽ trong những tháng gần đây, ca biển dài của những cán bộ, kỹ sư làm việc trên các giàn khoan khai thác dầu khí mang lại nhiều cảm xúc “không thể nào quên” trong suốt cuộc đời đi biển của họ.

Chống dịch ở cụm giàn tiền tiêu

Với giàn trưởng Đoàn Mai Lâm cũng vậy, anh đã đi biển liên tục trong suốt 7 tuần, anh tự hỏi: “Rồi cuộc sống sẽ trở lại bình yên?/ Lịch đi offshore không phải chia 3 ca để có người back-up/ Việc vẫn vậy nhưng trên giàn vắng ngắt/ Thiếu người làm càng thấy trống trải mênh mang…”. Những ngày trên giàn, tiếp nhận những thông tin từ cuộc sống nhân dân nơi đất liền, từ những đồng nghiệp trong ngành, lắng nghe tâm tư, tình cảm của anh em lo lắng cho gia đình nơi tâm dịch cùng hòa chung cảm thông và thấu hiểu với nỗi lo của Ban Lãnh đạo Công ty trước những thách thức, khó khăn,… ngay khi trực thăng vừa hạ cánh xuống sân bay Vũng Tàu, được hít một hơi thật sâu nguồn không khí từ đất mẹ, trong lòng người giàn trưởng dâng lên một cảm xúc khó tả.

Trong lá thư gửi về công ty, Giàn trưởng Đoàn Mai Lâm viết: Được biết trong suốt thời gian qua, Ban lãnh đạo đã chỉ đạo sát sao các phòng ban giúp đỡ nơi ăn chốn ở cho những anh em ở xa đổi ca bị kẹt tại Vũng Tàu chưa về nhà được. Sự chỉ đạo của các anh không chỉ xuất phát từ trách nhiệm của ban điều hành công ty, sâu thẳm hơn là còn xuất phát từ sự thấu hiểu, đồng cảm, quan tâm, thương yêu của những người lãnh đạo đối với nhân viên của mình… Ngày thường, có thể mọi cái em đang có được xem là nghĩa vụ, là trách nhiệm và là quyền lợi; nhưng trong cơn đại dịch này, từ lòng mình, em muốn nói những cái em đang có là may mắn, may mắn được làm việc ở BIENDONG POC. Với cái “nhân” là thấu hiểu, đồng cảm, quan tâm, thương yêu từ lãnh đạo công ty gieo xuống và cái “quả” là may mắn mà em có được, em nhận thấy chỉ lời nói chân thành cảm ơn thôi chưa đủ, nỗ lực làm việc thôi chưa đủ, mình phải tiếp tục chia sẻ cái may mắn mình đang có với người khác, để hạt giống quan tâm yêu thương được sinh sôi, sự may mắn được lan tỏa. Chính vì thế, em có nguyện vọng ủng hộ 9 ngày lương tăng ca của em trong ca biển kéo dài từ ngày 14/7/2021 đến 23/8/2021 vào Quỹ Công đoàn để giúp đỡ những người kém may mắn hơn”.

Chống dịch ở cụm giàn tiền tiêu

Giàn trưởng Lâm cho biết trước mỗi chuyến đi biển, anh em đều nói với nhau rằng, những năm qua, ngành Dầu khí, BIENDONG POC đã mang lại rất nhiều điều tốt đẹp cho anh em và gia đình. Giờ là lúc khó khăn nhất trong những năm qua, anh em cần đoàn kết, đồng thuận để góp sức giúp công ty, giúp ngành Dầu khí vượt qua khó khăn. Có thể anh em về bờ không được về với gia đình, phải ở cách ly nhưng so với người lao động khác vì mất việc, phải ở dồn với nhau trong những căn nhà trọ và chạy ăn từng bữa để thấy được sự quan tâm chăm sóc, bao bọc của công ty đối với bản thân mình.

Giàn trưởng Đoàn Mai Lâm chia sẻ: “Hôm qua là ngày đầu tuần làm việc, nhận được tâm thư cảm ơn của Tổng Giám đốc, anh em offshore vừa đọc thư vừa trông lại cuộc sống của bản thân mình và thấy cần phải trân trọng những gì mình đang có, những gì công ty đang mang lại cho mình và gia đình. Anh em offshore thấu hiểu rằng, vì đại dịch này, có thể sản lượng sản xuất của công ty năm nay không được như mong muốn, phúc lợi năm nay có thể không bằng những năm trước… nhưng khi nhìn sang những công ty khác gặp nhiều khó khăn trong SXKD, BIENDONGPOC vẫn là một nơi nhiều người lao động ao ước được làm việc. Tôi muốn nói những cái tôi đang có là vô cùng may mắn, đặc biệt là may mắn khi được làm việc ở BIENDONG POC. Tôi hy vọng việc chia sẻ của tôi sẽ là một ngọn lửa nhỏ nhen lên được tình yêu thương lớn và sự đồng cảm, sẻ chia trong nhiều người hơn nữa, cùng nhau vượt qua đại dịch”.

Chống dịch ở cụm giàn tiền tiêu

Những lá thư đầy ắp tâm tư của giàn trưởng Đoàn Mai Lâm mang theo những tình cảm tha thiết như chứa đựng tâm tư, tình cảm, hàm chứa rất nhiều ý nghĩa sâu sắc không chỉ của anh mà là thay lời muốn nói cho rất nhiều những cán bộ, kỹ sư đang làm việc trên cụm mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh: “Rồi cuộc sống sẽ trở lại bình yên?/ Để ngày nghỉ ca được về quê thắp hương ông mệ/ Được dắt con đi chơi, được đèo người mình thương đi chợ/ Được ăn cơm nhà, được thấy bếp đỏ sớm hôm”. Ước mơ nhỏ nhoi ấy của người lính dầu khí bỗng trở lên thiêng liêng, trân quý.

Dân cư sẽ tạo nên cốt cách của mỗi vùng đất và người lao động sẽ tạo nên cốt cách, văn hóa của mỗi công ty. Với sự đồng thuận cao từ lãnh đạo đến người lao động, chắc chắn BIENDONG POC sẽ từng bước vượt khó trong cơn đại dịch, tiếp tục đóng góp, cống hiến cho ngành Dầu khí; tiếp tục hành trình “Tìm dầu làm giàu cho Tổ quốc”.

Nội dung: Liên Hằng

Thiết kế: Vũ Ngân