Giếng khoan 61 là giếng khoan tìm kiếm dầu khí đầu tiên trên cấu tạo mỏ Tiền Hải C, cũng là giếng phát hiện dòng khí công nghiệp đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam. Sự kiện đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác tìm kiếm dầu khí tại Việt Nam, sau hơn 15 năm lao động, nâng cao trình độ và tích lũy kinh nghiệm của lớp thế hệ dầu khí đầu tiên.
“Giếng tổ” GK-61 tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình ngày nay. |
Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở miền võng Hà Nội đã được tiến hành từ ngày 12/7/1969 tại làng Khuốc, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình với mũi khoan đầu tiên. Sáu năm sau đó là giai đoạn chuẩn bị cấu tạo để khoan sâu tìm kiếm dầu khí. Vào giai đoạn này, Đoàn Địa chất 36 đã khoan 8 giếng trên 4 cấu tạo. Trong số đó, GK-61 đặt tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là giếng khoan đầu tiên trên cấu tạo mỏ Tiền Hải C. Giếng được thi công khoan bằng bộ máy khoan BU-75 do Liên Xô sản xuất, công suất trục tời nâng 75 tấn, khoan đến chiều sâu 2.400 m. Toàn bộ thiết bị nặng hơn 600 tấn, tháp khoan cao 50 m.
GK-61 có kết quả khảo sát khả quan, các thông số địa chất, địa vật lý tốt chỉ ra vỉa có khả năng chứa dầu khí. Ngay sau đó, công tác thử vỉa giếng khoan trần (không có ống chống) được thực hiện nhằm phát hiện mức độ chứa dầu khí. Sự kiện được đích thân Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị xuống trực tiếp chỉ đạo.
Ngày đầu không thành công, hôm sau mọi người bắt tay làm tiếp, đó là ngày 18/3/1975. Chỉ đạo và theo dõi thử vỉa hôm đó có ông Nguyễn Ngọc Cư – Đoàn phó phụ trách địa chất và các cán bộ Phòng kỹ thuật Đoàn địa chất 36, gồm các kỹ sư Nguyễn Xuân Nhự, Nguyễn Văn Biên, Nguyễn Xuân Đức, Nguyễn Công Mợi… Đúng 7 giờ sáng, bộ thiết bị được thả xuống giếng khoan. 9 giờ van thử được mở. Tất cả trèo lên sàn khoan để quan sát. Hơn một tiếng sau không có biểu hiện gì. Cuộc thử kết thúc, khoảng 1/3 bộ cần khoan được kéo lên không có dấu hiệu nào. Với suy nghĩ cho rằng vỉa không có dầu khí, cả đoàn tạm lui về nghỉ ăn trưa.
Đang trong nặng nề thất vọng, bất chợt kỹ sư Mợi hét lên khi phát hiện dòng nước phun phủ kín cả tháp khoan, sau đó là tiếng rít xé tai như âm thanh của máy bay Mỹ bay thấp qua đầu. Ai nấy đều vui mừng khôn tả, buông bát bỏ mâm bát chạy ngay sang GK-61. Cứ luân phiên một đợt phun khí, một đợt phun nước, hình ảnh tạo cảm giác vô cùng kỳ lạ như bí ẩn của lòng đất sâu đang bừng thức giấc.
Kết quả được báo cáo ngay về Đoàn trưởng Phan Minh Bích. Ông Bích nhanh chóng chỉ đạo mọi người báo cáo lãnh đạo tỉnh, khoan trường trở thành tâm điểm, rất đông các đoàn công tác, chuyên gia Liên Xô kéo về. Cuối cùng, phương án khắc phục sự cố khí phun được diễn ra an toàn. Sau đó, công tác khoan được tiếp tục tới chiều sâu 2.400m. Công tác chống ống, trám xi măng hoàn thành, tiếp theo là thực hiện công tác nghiên cứu vỉa. Phương án thăm dò (ngày nay gọi là thẩm lượng) cấu tạo Tiền Hải C cũng lập tức được triển khai.
Các Liên đoàn phó Liên đoàn 36: kỹ sư Đặng Của (bên phải) và kỹ sư Nguyễn Trọng Tưởng (bên trái), bên ống dẫn khí đang phun tại GK-61 (năm 1975). (Ảnh tư liệu) |
Tâm trạng của những người đang làm công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí sau khi phát hiện dòng khí đầu tiên rất bồi hồi, vui mừng khôn tả. Hoạt động thăm dò địa chấn dầu khí đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam được bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Ròng rã 15 năm sau mới phát hiện được dòng khí đầu tiên. Có những người bắt đầu theo các đoàn khoan từ khi mới hơn 20 tuổi, đến thời điểm đó đã gần 40. Có thể nói, cả tuổi trẻ, thời thanh xuân của họ gắn bó với công tác khoan, gắn bó với ước mơ tìm thấy dầu, khí. Vì vậy, tìm thấy khí, niềm vui của họ là không bút nào tả được.
Tháng 7/1975, Nhà văn Nguyễn Duy Thịnh đã viết bút ký với tựa đề “Ánh lửa màu da cam” đăng trên Báo Văn Nghệ ngày 25/10/1975: “… Không riêng gì các đồng chí lãnh đạo mà dường như tất cả cán bộ công nhân viên của Liên đoàn 36 đêm qua cũng không ngủ. Niềm vui chờ đợi từ lâu đến bất chợt quá…
… Thủ tướng đến thăm giàn khoan trong tiếng reo hò và những chiếc mũ thợ khoan tung lên trời tới tấp. Quên hết mọi thủ tục nghi lễ đã chuẩn bị trước, thợ khoan trong quần áo lao động đầy dầu mỡ, các cán bộ và chuyên gia bạn quây quần lại xung quanh Thủ tướng. Thủ tướng căn dặn mọi người phải thấy hết niềm vui vinh dự và trọng trách lớn lao của nghề đi tìm mỏ, làm giàu cho Tổ quốc…
… Đặng Của ngồi phía sau xe, chợt nhớ tới giây phút vô cùng xúc động bên giàn khoan… Ngọn lửa màu da cam cháy dài trước van đối áp. Tiếng rít xé mang tai như động cơ phản lực của khí cháy thoát ra từ lòng đất, là kết quả đền bù cho sức lực trí tuệ của chúng ta. Ngọn lửa đã tắt, nhưng ánh phản chiếu của nó mãi mãi lấp lánh trong tâm trí anh…”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Văn Biên thăm giếng khoan 61 (ngày 16/3/1976) |
Hòa bình mới lập lại, đất nước còn vô vàn khó khăn, năng lượng thiếu hụt trầm trọng, cần phải sớm khai thác khí, khai thác dầu phục vụ phát triển đất nước. Nhiệm vụ nghiên cứu chuẩn bị khai thác dầu, khí Tiền Hải được giao cho Tổ khai thác dầu khí, được thành lập tháng 10/1977. Tổng cục Dầu khí yêu cầu chuẩn bị mọi mặt để khai thác khí tại GK-61 cung cấp cho 2 tổ máy phát điện công suất 17 MW/tổ máy chuyển từ miền Nam ra. Nhiệm vụ rất nặng nề trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi mặt, từ vật tư đến nhân lực.
Trải qua biết bao gian nan, ngày 19/4/1981, dòng khí công nghiệp đầu tiên đã được đưa vào buồng đốt turbine nhiệt điện công suất 10 MW tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để thử nghiệm phát điện. Rất nhanh chóng, chỉ trong năm đầu, trạm xử lý đã cung cấp 16 triệu m3 khí cho turbine điện sản xuất 70 triệu kWh, tách được 380m3 condensate. Đến năm 1986 đã khai thác được trên 120 triệu m3 khí cung cấp cho turbine phát điện và sau đó cung cấp khí cho hàng loạt các sơ sở sản xuất địa phương, mang đến một diện mạo hoàn toàn mới cho vùng quê lúa Thái Bình.
Lâm Anh