25/08/2021 1:54:29

Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ cuối)

Sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 10/1975, Đoàn 22 được thành lập, có nhiệm vụ tìm kiếm dầu khí Đồng bằng Sông Cửu Long.

Mất tích

Sau khi có các số liệu địa vật lý ở vùng nước nông Đồng bằng sông Hồng, Liên đoàn Địa chất 36 xác định vị trí giếng khoan sâu tìm kiếm số 110 ở vùng Cồn Đen. Anh Phan Minh Bích lúc bấy giờ là Liên đoàn phó phụ trách đoàn khảo sát của chúng tôi. Trong đoàn có 5 chuyên gia Liên Xô do đồng chí trưởng đoàn Scorduli phụ trách. Đoàn khảo sát xuất phát từ căn cứ Xuân Thủy, đi trên chiếc canô lớn. Sau một vòng khảo sát quanh đảo Cồn Đen với chiều dài khoảng 10 km, chiều ngang 500 – 700m, chúng tôi phải đi bộ trên đảo để khảo sát. Do canô không cập bờ được nên chúng tôi cùng đoàn chuyên gia đi bằng xuồng máy, còn canô chờ ở đầu đảo. Đi được một lúc thì xuồng máy bị hỏng, sửa mãi không được, đồng chí Scorduli nhảy xuống biển để kéo thuyền, chúng tôi cũng làm theo. Ì ạch mãi chúng tôi mới vào được bờ, đành kéo xuồng lên bãi cát.

Gần 2 giờ chúng tôi đi bộ từ vị trí đặt giếng khoan ở giữa đảo đến đầu đảo ở cửa Ba Lạt. Đến nơi đã chiều tối, không thấy canô đâu, chờ đến tối hẳn cũng chẳng thấy tăm hơi. Không có bộ đàm liên lạc, bằng mọi cách hô hoán, bật máy lửa làm báo hiệu cũng không có ai đón chúng tôi. Đoàn đành quay trở lại vị trí giếng khoan nghỉ tạm tại chiếc lán của mấy người công nhân bảo vệ.

Cả ngày lặn lội thấm mệt và đói, tôi hỏi người bảo vệ xem có gì ăn không thì được trả lời là chỉ có ít gạo và muối. Khó nghĩ quá, không biết các chuyên gia Liên Xô có ăn được không, song những năm sống và học tập ở Liên Xô tôi hiểu người Nga giản dị và chịu được gian khổ. Tôi mượn xoong nồi nấu cháo trắng và mời các đồng chí bạn dùng bữa để chờ đến sáng. Thật không ngờ các bạn ăn rất ngon lành như ăn “mầm đá” và ngồi ngủ một giấc đến sáng hôm sau. Khi trở lại điểm hẹn thì chúng tôi mừng rỡ khi thấy chiếc canô đang chờ. Trên tàu, anh Phan Minh Bích và đoàn tìm kiếm cũng hết đỗi vui mừng hò reo đón chúng tôi.

Anh kể lại rằng đêm qua là một đêm lo lắng của những người túc trực trên canô, cả đêm cho tàu đi lùng sục nhiều lần quanh đảo mà không tìm thấy chúng tôi, đinh ninh là đã mất tích. Anh Bích cấp báo về Liên đoàn, Liên đoàn báo cáo về Tồng cục Địa chất Hà Nội và Bộ Công an về sự kiện này. Bộ đội biên phòng được lệnh bằng mọi cách tìm kiếm đoàn chúng tôi, xác định có phải do “địch bắt cóc”, hoặc nếu đã chết thì phải “tìm được xác”. Chúng tôi không ngờ sự việc lại nghiêm trọng đến thế! Qua đây mới thấy sự quan tâm lớn của Nhà nước đến sự nghiệp dầu khí, bảo vệ con người, đặc biệt đối với chuyên gia Liên Xô đến giúp chúng ta khởi đầu công việc tìm kiếm dầu khí ở Việt Nam.

Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ cuối)

Cửa Ba Lạt sông Hồng

Cửu Long ngày ấy

Sau ngày giải phóng miền Nam, tháng10/1975 Đoàn 22 được thành lập, có nhiệm vụ tìm kiếm dầu khí ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tôi được Tổng cục Dầu khí giao nhiệm vụ đoàn trưởng để triển khai công việc. Trụ sở đoàn đặt tại Vĩnh Long, sau dời về Cần Thơ. Thuở ấy ta thuê tàu địa chấn biển hai thân Gemeaux của Pháp để khảo sát địa chấn biển nông và toàn đồng bằng châu thổ. Kỷ niệm sâu sắc nhất là ngày 26/3/1976 tàu ra khơi để nổ phát đầu tiên, trên tuyến địa chấn 04 liên kết cấu tạo Bạch Hổ với Đồng bằng. Sáng sớm tinh mơ, trời yên biển lặng, đoàn tàu kỹ thuật, đốc nổi hậu cần, tàu hải quân dẫn đường và bảo vệ rồng rắn xuất phát từ cảng Sài Gòn ra biển. Quá trưa đã đến tọa độ Bạch Hổ, súng hơi bắt đầu nổ phát đầu tiên. Công việc hầu như trôi chảy. Biển lặng, mặt nước phẳng lì như trong hồ. Nhưng thuyền trưởng người Pháp thông báo với đoàn trưởng Trương Minh rằng hãy cẩn thận, đó là hiện tượng sắp có dông tố. Quả thật đến xế chiều bỗng mây đen ùn ùn kéo đến. Gió giật, mưa mịt mùng đầy trời.

Biển gào thét, sóng lớn phủ qua boong tàu. Gemeaux không cập mạn đốc nổi được, sợ vỡ tàu. Pháo hiệu ghi bằng tiếng Đức, bắn nhầm màu đỏ cấp cứu thành màu xanh bình yên, rồi màu trắng là vô sự! Thuyền trưởng cứ luôn mồm chửu tục, càng say càng ăn nhiều. Cuối cùng bắn được pháo hiệu đỏ thì Hải quân cũng không thể đến cứu được. Tàu phải chạy loanh quanh cắt ngang sóng để tránh, ngược lại nếu tàu đi dọc sóng sẽ bị lật và bị đánh chìm ngay. Mọi người say mềm, nôn mật xanh mật vàng. Hồi đó ông Nguyễn Đăng Liệu đội trưởng cũng say, ông Đỗ Chí Hiếu đội phó càng say nhiều hơn, đau bụng quá, thuốc gì cũng không khỏi, kêu cứu mãi. Đoàn trưởng ít say hơn, cầm bộ đàm chạy quanh để liên lạc với bác sĩ Hải quân tìm cách cứu chữa, nhưng cũng không được.

Tàu đốc nổi cũng đứt neo trôi dạt về phía đảo Phú Quý, không liên lạc được. Nếu không trở về đất liền kịp thời cấp cứu sẽ vô cùng nguy hiểm. Đây là việc khó khăn phải tính toán cẩn thận. Nếu tây ra lệnh về, tây chịu tiền. Nếu ta ra lệnh, ta phải trả 35 nghìn Frances cho mỗi ngày chờ tại bến, phải chịu thiệt trong khi đất nước nghèo. Phân vân mãi, cuối cùng hỏi ý kiến anh em, tôi quyết định ra lệnh cho tàu về cảng Vũng Tàu. Tưởng là mọi điều xuôi chèo mát mái, nào ngờ lại gặp sự cố khi tàu cập bến phao Zero, Biên phòng bắt giữ vì tàu ngoại quốc không cắm cờ Việt Nam, không có giấy tờ mang theo. Thế là đoàn người cả tây lẫn ta bị nhốt trên đồn. Thật là nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Một ngày không cơm nước, tắm rửa, chờ cấp trên giải quyết. Chiều hôm sau, đốc nổi mới được kéo về Vũng Tàu. Nhìn thấy nhau anh em mừng vui không kể xiết, tưởng là không còn gặp nhau nữa. Tôi ghi lại mấy vần thơ:

Trời yên biển lặng ra khơi

Tàu ta lướt nhẹ sóng vơi mạn thuyền

Lâng lâng cảm xúc nhớ thương

Rời xa đất Mẹ, quê hương một miền

Cảng Sài Gòn, bến Thủ Thiêm

Lâu đài tráng lệ dần chìm trong sương

Một vùng trời – biển mênh mông

Non xanh nước biếc bềnh bồng biển sâu

Nàng tiên Bạch Hổ ở đâu

Chôn vùi đáy nước nông sâu khôn lường

Chàng trai địa chấn vấn vương

Tìm dây tơ liễu, sông Tương bến Phùng

Nối liền lục địa – Biển Đông

Trải dài một dải nước nông – đồng bằng

* * *

Ra quân hai sáu tháng Ba

Giêmô rời mạn đi ra hải phần

Ban mai mặt sóng lăn tăn

Tưởng là dạo mát vòng quanh Tây Hồ

Nước xanh tận đáy san hô

Búi dây đã rải, Va-pồ-sốc (1) vang

Nàng tiên chợt tỉnh giấc nồng

Nụ cười lấp ló ở lòng biển sâu

Dây tơ mong nối từ lâu

Những dòng địa chấn bắc cầu ước mơ

Từ đây đất nước mong chờ

Một thềm lục địa bến bờ giàu sang

Biển ta tấc đất tấc vàng

Tìm ra dầu khí ta càng mạnh thêm

***

Bóng chiều vừa ngả về tây

Đùng đùng thịnh nộ gió dây sóng lừng

Tàu nghiêng nước phủ mịt mùng

Lá tre trôi nổi một vùng mênh mông

Bạn mình có biết hay không

Ruột gan đau quặn mà không thuốc thầy

Kẻ nằm lay lắt đó đây

Người say chao đảo, luôn tay chống chèo

Không cập mạn, chẳng buông neo

Tàu to (2) trôi dạt cheo leo chốn nào

Côn Sơn, Phú Quí đêm thâu

Mò kim đáy biển biết đâu mà lần?

Thầm mong một chốn nương thân

Mà sao chân đứng muôn phần đảo điên

Trông chừng mạng sống bất yên

Mà chàng trai trẻ (3) đã trăng trối đời

Rằng là “Mẹ của con ơi

Nay xin vĩnh biệt ở nơi chốn này”

Tiếng than như thấu niềm tây

Lệnh rằng Tàu phải quay ngay mũi về

Vũng Tàu định hướng, ô kê

Hải đăng nhấp nháy bốn bề trong đêm

Niềm hy vọng, sóng dần êm

Nào kìa núi Lớn hiện bên Bến Đình

Phao Không cập bến, bình minh

Mà sao còi rúc An ninh – Biên phòng

Người người bị bắt lên đồn

Nguyên do chưa biết phạm tòng tội chi

Rằng đây bão táp bất kỳ

Tàu ta lánh nạn can chi lỗi lầm?

Một ngày phòng kín tạm giam

Phong ba vừa thoát, chịu cam chốn này

Sài Gòn cấp báo liền tay

Cử người chức trách đến ngay giải trình

Đoàn người mới được thanh minh

Tàu to cập bến, dân tình hò reo

Miệng cười mà lệ tuôn theo

Tưởng là vĩnh biệt, khó điều gặp nhau

Gian truân từng trải bấy lâu

Cửu Long ngày ấy cùng nhau nhớ hoài.

Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ cuối)

Trụ sở Đoàn bộ Đoàn 22 tại Vĩnh Long

Hoàn thành khảo sát ở thềm lục địa, đội địa chấn lại lênh đênh khắp châu thổ Cửu Long. Hết sông Tiền đến sông Hậu, sông Ông Đốc đến các kênh rạch thẳng tắp miền Tây. Đã thức trắng đêm bên dòng kinh xào xạc dừa nước nối vàng rực bông điên điển Đồng Tháp Mười. Đã thả neo vào dòng nước đen như mực tàu hoai hoai mùi lá mục U Minh.

Trên kết quả khảo sát địa chấn và trọng lực đã khoan các giếng tìm kiếm đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, giếng Cà Cối sâu đến 4.000 m có biểu hiện dầu khí, giếng Phụng Hiệp sâu đến 800 m thì gặp móng trước Đệ Tam và không có biểu hiện dầu khí. Trên kết quả đó đã đi đến kết luận là trên đất liền Đồng bằng ít có khả năng tìm thấy dầu khí. Từ đấy việc tìm kiếm thăm dò dầu khí ở đây dừng lại và bắt đầu công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở ngoài biển. Trong thời gian này cũng được lãnh đạo ngành, đặc biệt là Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Biên hết sức quan tâm động viên nên những công việc khó khăn ban đầu đã vượt qua và được hoàn thành tốt đẹp.

Câu chuyện ông tướng làm dầu khí

Trong một cuộc họp giao ban của Tổng cục Dầu khí năm 1977, Bộ trưởng Đinh Đức Thiện vừa bước vào phòng họp chỉ ông Phó vụ Kế hoạch và hỏi ngay: “Mày có biết kế hoạch xây dựng thành phố Dầu khí không?”, chưa biết trả lời thế nào thì ông bảo: “Đó là việc quai đê lấn biển Nam Định để xây dựng thành phố Dầu khí. Trên khu vực này sẽ phân vùng cho các đơn vị Công ty Dầu khí I, Nhà máy Cơ khí Dầu khí, Công ty Địa vật lý, Viện Dầu khí, Trường đào tạo công nhân Dầu khí… Ban đầu chưa có nhà cửa cho cán bộ công nhân, ta sẽ xây các nhà trong làng dân, mỗi nhà chia làm 2 gian rộng, một gian dành cho gia đình cán bộ công nhân dầu khí, gian kia dành cho gia đình nông dân, trên đầu tường ngăn nhà có một lỗ nhỏ mắc một ngọn đèn điện chiếu sáng chung cho 2 gia đình. Ban ngày công nhân đi làm việc gửi con nhỏ cho nông dân trông coi, chiều về nông dân giúp thổi cơm cho công nhân, tiện lợi đôi đường. Đó là hình thức liên minh công – nông…”.

Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ cuối)

Đoàn khảo sát chuẩn bị thăm dò Đồng bằng sông Cửu Long

Nói vậy rồi Bộ trưởng cho làm thật. Ông điều mấy chục tấn sắt xây dựng từ khu gang thép Thái Nguyên, hàng chục tấn gạo của Hà Nam Ninh, huy động mấy trăm nhân công trong và ngoài ngành Dầu khí, vay tiền ngân hàng. Thế rồi một công trường lớn được tổ chức, công việc đắp đê lấn biển diễn ra tấp nập khẩn trương bịt hai đầu Cồn Đen để tạo nên một vùng nội thủy rộng lớn hàng ngàn hecta. Vùng này sẽ được phun lấp thành vùng đất để xây thành phố Dầu khí tương lai.

Năm đầu công việc diễn ra khá vất vả, một phần con đê nối từ cửa Ba Lạt từng đoạn cũng được hình thành. Nhưng đến mùa bão lụt năm sau thì toàn bộ đê mới đắp bị bão lụt sóng biển đánh vỡ sập đổ hết. Công việc quai đê lấn biển phải dừng lại không thời hạn. Đến nay câu chuyện vẫn còn lưu truyền như một kỷ niệm nho nhỏ ban đầu trong muôn vàn thành công to lớn của ngành Dầu khí.

Khi làm việc trên kênh rạch Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nhiều phương tiện trang bị trên tàu thuyền. Chúng tôi cần một số trạm phát điện nhỏ phục vụ cho đoàn chuyên gia Pháp, nhưng chưa tìm đâu ra. Đại tá Phan Tử Quang lúc bấy giờ là Tổng cục phó Tổng cục Dầu khí cho biết ở kho QK-9 tại Trà Nóc có các máy này. Ông còn bảo rằng phải có ý kiến cụ Đinh Đức Thiện mới xin được. Biết tính của thủ trưởng, tôi chuẩn bị một công văn thật chi tiết về số lượng, chủng loại và địa điểm máy cần xin. Theo đúng giờ hẹn tôi đến gặp cụ Thiện tại Bến Thủy – Cần Thơ, người bảo vệ đưa tôi vào phòng thì đã thấy cụ đang nằm trên chiếc võng dã chiến bên cạnh bàn làm việc. Không nhìn tôi, cụ hỏi ngay “mày cần gì?”. Tôi trình bày yêu cần xin máy phát điện phục vụ cho thăm dò địa chấn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ hỏi “mày biết nó ở đâu, mày cần bao nhiêu?”. Tôi trả lời ngay “dạ thưa máy phát điện 5 KWA có ở kho quân nhu của QK-9 trong sân bay Trà Nóc, Đoàn 22 cần xin 10 chiếc!”. Cụ nói ngay “mày viết công văn, tao ký”. Tôi trình công văn đã in sẵn, cụ không thèm nhìn, viết thêm dòng chữ trên đầu công văn gửi Trung tướng Lê Đức Anh – Tư lệnh Quân khu 9 và ký luôn. Cụ lại hỏi “còn gì nữa?”. “Dạ xong hết rồi, xin cảm ơn thủ trưởng!”. Cụ quay lại nhìn tôi và nói “cảm ơn cái con mẹ gì, về mà làm việc!”. Rồi tôi được ông Phan Tử Quang dẫn đến gặp Trung tướng Lê Đức Anh và được giải quyết ngay. Tôi mừng quá, không ngờ công việc được xuôi chảy chóng vánh như vậy.

Đoàn 22 đã có đủ phương tiện để triển khai phương án thăm dò địa chấn ở Đồng bằng sông Cửu Long!

TSKH. Trương Minh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam