Trận chiến chống giặc COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ gấp rút lên đường với tâm thế “đâu có giặc là ta cứ đi”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
Lãnh đạo Học viện Quân y tiễn đoàn công tác lên đường vào miền Nam phòng, chống dịch. |
Đợt dịch thứ tư với biến chủng Delta tiếp tục diễn biến phức tạp tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã dành sự quan tâm đặc biệt đến khu vực này, kịp thời chỉ đạo, điều động, bổ sung nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế, máy móc, thuốc men,… đồng hành cùng với các địa phương quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch.
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn chưa vững chắc, đại dịch chưa bị đẩy lùi. Mà một trong những nguyên nhân là do chúng ta vẫn chưa thực sự thực hiện nghiêm ngặt, thực chất Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trong lúc này, 312 xã phường tại TPHCM phải là 312 pháo đài, mỗi người dân phải thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, TPHCM rất cần thêm “chất thép và cả trái tim hồng” để nhân thêm sức mạnh, thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16, áp dụng một số biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Việc thực hiện giãn cách nghiêm ngặt là để ngăn chặn nguồn lây, kéo giảm các ca F0, giảm thấp nhất các ca tử vong, theo đúng phương châm “Rõ – nghiêm – chắc – hiệu quả”. Thực hiện “ai ở đâu ở đó” sẽ không tránh khỏi những bất tiện, cuộc sống của người dân có thêm phát sinh thêm những khó khăn, nhưng với tinh thần tất cả vì sức khỏe và an toàn tính mạng của nhân dân, trong thời gian giãn cách, chính quyền phải đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, lo ăn, ở, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng yêu cầu y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân,…
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, để mỗi phường xã, nhà máy, xí nghiệp thực sự là một pháo đài, tất cả các yếu tố từ cơ sở vật chất để điều trị, chăm sóc y tế cho người dân tại nhà, hoạt động của các tổ công tác đặc biệt, phương án cung ứng lương thực, thực phẩm đến từng gia đình, nhân lực chi viện… cần được rà soát hết các chi tiết, các khâu như trước khi bước vào “một trận đánh lớn”. Trong đó, việc tăng cường lực lượng quân đội, công an cho TPHCM và các tỉnh phía Nam có ý nghĩa quan trọng.
Các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang mang theo “kỷ luật thép và trái tim hồng” hướng về miền Nam thân yêu, chung tay phòng chống đại dịch COVID-19. |
Chính vì thế, tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về công tác phòng chống dịch COVID-19 (tối 19/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu: TPHCM phải thực hiện cách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường. Nếu thiếu lực lượng bảo đảm thì công an, quân đội sẽ đáp ứng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Thành phố triển khai nhiệm vụ này…
Nhấn mạnh mục tiêu, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời hết sức uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Công an tăng cường lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân.
Tại cuộc họp, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TPHCM và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân… Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân Thành phố và các tỉnh, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu “muôn hình vạn trạng” trong thực tiễn.
Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định, Bộ sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía Nam để tham gia bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, có thể chi viện cả lực lượng y tế nếu cần thiết.
Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an xuất quân lên đường chống dịch. |
Thực hiện chỉ lệnh của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, ngay trong sáng 21/8 Học viện Quân y đã tổ chức Lễ xuất quân tiễn gần 300 bác sĩ, cán bộ, học viên lên đường vào Nam chống dịch. Gửi gắm tình cảm đối với đoàn công tác, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện dặn dò: “Chưa bao giờ người dân miền Nam cần sự giúp đỡ của chúng ta như bây giờ. Có hai điểm quyết định nhất về sự thành công, đó là tính kỷ luật và tình thương yêu người dân, người bệnh, có được điều đó chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sứ mệnh lớn nhất của chúng ta không phải ngay lập tức chữa được bệnh, mà là an ủi và chia sẻ với những đau thương, mất mát, bệnh tật, khổ đau của người bệnh, đó là tình thương, lương y như từ mẫu như Bác Hồ dạy”.
Cùng với Học viện Quân y, trong những ngày tới, các đoàn công tác của quân đội, công an sẽ tiếp tục lên đường “chia lửa” với TPHCM và các tỉnh phía Nam. Đây là hoạt động rất cần thiết trong hoàn cảnh hiện tại, như lời ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội chia sẻ trên báo chí: Chống dịch còn khó hơn chống giặc, vì kẻ thù xâm lược chúng ta có thể nhìn nhận rõ, nhưng dịch là kẻ thù không thể nhìn thấy. Theo đó, để việc thực hiện các giải pháp chống dịch đạt hiệu quả cao, cần sự vào cuộc của lực lượng có ý thức tổ chức kỷ luật cao như công an, quân đội. Các lực lượng này đã quen rèn luyện, làm việc trong môi trường công tác gian khổ, nên với nhiệm vụ chống dịch, họ có thể nhanh chóng tiếp cận và bắt nhịp.
Bên cạnh đó, hoạt động của công an, quân đội gửi đi một thông điệp rằng: “Với sự tham gia của lực lượng vũ trang, tính kỷ luật, nghiêm khắc trong chống dịch được nâng cao…” và hiệu quả chống dịch sẽ cao hơn.
Với mỗi anh “Bộ đội Cụ Hồ”, với mỗi người chiến sĩ Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ,… lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống, từ khi có dịch đến nay đã có hàng chục ngàn cán bộ chiến sĩ công an, quân đội đã không quản hy sinh gian khổ, ăn gió nằm sương, kề vai sát cánh cùng đồng đội và các lực lượng khác kiên cường trên tuyến đầu chống dịch, ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 từ những vùng biên viễn xa xôi cho tới từng khóm ấp, khu phố,…
Chúng ta có niềm tin trong giai đoạn quyết định của trận chiến khốc liệt này, sự tăng cường cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an với “kỷ luật thép và trái tim hồng” cùng đội ngũ thầy thuốc từ các cơ sở y tế trung ương, địa phương, sự thấu hiểu, quan tâm, sẻ chia, chung sức đồng lòng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân cả nước, người dân TPHCM và các tỉnh phía Nam sẽ được tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm, ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất./.
Theo Báo điện tử Chính phủ