01/10/2013 3:57:22

Quý trọng dân, tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chuyện kể rằng: Ngày 2 tháng 9 năm 1945, sau khi Bác Hồ đọc xong bản Tuyên ngôn Độc lập, ra về trên 1 chiếc xe màu đen, cửa kính hơi thấp. Một phóng viên đón đường, ghé máy ảnh sát vào cửa kính định chụp ảnh Bác. Bác Hồ xua tay không cho chụp và nói: “Chú quay máy ra ngoài kia mà chụp nhân dân!”.

Thế mới biết Bác Hồ quý trọng nhân dân biết nhường nào. Theo Bác Hồ, sức mạnh của Đảng nằm ngay trong mối quan hệ giữa Đảng với dân và dân với Đảng. Bác khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì thành vô địch”. “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được… Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt”. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng được thể hiện rất cụ thể ở đạo đức, thái độ, tác phong trong quan hệ với dân ở từng cán bộ đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, ra lệnh, ra oai… phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo”.

Khi chọn cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải lựa chọn “Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ là người lãnh đạo của họ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căm ghét và lên án gay gắt chủ nghĩa cá nhân: “Hiện nay chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình là cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng, mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”.

Nhân dân là nguồn bổ sung lực lượng vô tận cho Đảng và luôn luôn tràn trề sức xuân. Trọng dân là thương dân, vì nhân dân mà phục vụ và biết coi trọng sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Biết bao người con ưu tú trong giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và các tầng lớp nhân dân lao động khác, đã trở thành đảng viên của Đảng. Quần chúng còn tham gia góp ý, phê bình sự lãnh đạo của Đảng với mong muốn Đảng luôn luôn trong sạch và vững mạnh để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đến đích cuối cùng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căm ghét thói cậy quyền, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, lãng phí, quan liêu, tham nhũng… vì nó là “Kẻ thù của nhân dân, của dân tộc, của Chính phủ. Nó là kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, nó nằm trong tổ chức của ta, nó là giặc nội xâm để làm hỏng công việc của ta…”.

Bác còn dạy: “Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho nhân dân. Chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ…”. Tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng về nhân dân. Bác thương yêu và quý trọng nhân dân, trước hết là người lao động, nhân dân mình và nhân dân các nước. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng thương yêu nhân dân, thương yêu nhân loại là vô hạn, và không bao giờ thay đổi.

Bác Hồ đã từng nói: “Chúng ta có trọng dân, yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Tôn trọng và tin tưởng nhân dân là tôn trọng và tin tưởng những người làm ra lịch sử, những người sáng tạo ra của cải, vật chất, những người được sánh với Trời, Đất…”. Bác Hồ khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tin ở dân, dựa vào dân, tổ chức và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, bồi dưỡng, đào tạo và phát huy mọi năng lực của dân, đó là tư tưởng được Bác Hồ vận dụng và phát triển trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng đất nước. Tư tưởng đó cũng chính là nội dung cơ bản của tư tưởng quý trọng dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được Đảng ta quán triệt vận dụng và phát triển. Bởi nhân dân là động lực, là trung tâm trong “chiến lược phát triển toàn diện”, trong công cuộc xây dựng xã hội mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thu Hiền