15/08/2021 10:40:57

Những bệ đỡ chính sách giúp người lao động, doanh nghiệp vượt lên đại dịch

Với những quyết sách và chỉ đạo kịp thời, Tổng LĐLĐVN không chỉ có những hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) mà còn đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang tại lễ tiễn y bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức tăng cường cho phía Nam. Nguồn: TLĐ

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang tại lễ tiễn y bác sĩ Bệnh viện Việt – Đức tăng cường cho phía Nam. Nguồn: TLĐ

Tạo mọi điều kiện cho các cấp Công đoàn

Ngày 3.8, Tổng LĐLĐVN nhận được Công văn của LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh về việc xin chủ trương thực hiện một số nội dung chi chăm lo đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Công văn của LĐLĐ tỉnh Đồng Nai về việc chấp thuận gói hỗ trợ cho NLĐ khu vực cách ly, khu phong tỏa ngoài chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 2606/QĐ – TLĐ của Tổng LĐLĐVN; Công văn của LĐLĐ tỉnh Bình Dương về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn là CNLĐ khó khăn trong các khu phong tỏa.

Ngay sau đó, tại Thông báo số 391/TB – TLĐ ngày 3.8.2021 kết luận cuộc họp giao ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã thống nhất đề nghị của LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh, LĐLĐ tỉnh Bình Dương và LĐLĐ tỉnh Đồng Nai về việc hỗ trợ nhu yếu phẩm cho đoàn viên, CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đoàn viên, CNLĐ đang ở trong khu vực cách ly, khu phong tỏa. Theo đó, LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ 150.000 suất nhu yếu phẩm, mỗi suất trị giá 150.000 đồng, tổng kinh phí hỗ trợ là 22.500.000.000 đồng; LĐLĐ tỉnh Bình Dương hỗ trợ 100.000 suất nhu yếu phẩm, mỗi suất trị giá 150.000 đồng, tổng kinh phí hỗ trợ là 15.000.000.000 đồng; LĐLĐ tỉnh Đồng Nai hỗ trợ 100.000 suất nhu yếu phẩm, mỗi suất trị giá 150.000 đồng, tổng kinh phí hỗ trợ là 15.000.000.000 đồng. Nguồn tiền trên trích từ tài chính CĐ tích lũy của các LĐLĐ nói trên.

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng đề nghị LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh, LĐLĐ tỉnh Bình Dương, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp chính quyền trên địa bàn mua và cung cấp nhu yếu phẩm cho đoàn viên, CNLĐ kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo các quy định, biện pháp về phòng, chống dịch COVID-19, an toàn, hiệu quả…

Trở lại thời gian đầu năm 2021, ngay sau khi Bộ Y tế phát đi thông báo có trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 ở các tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh (tối 27.1.2021), Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo CĐ ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, đề xuất các biện pháp cấp bách vừa phòng chống dịch, vừa ổn định tình hình quan hệ lao động, đảm bảo an toàn cho NLĐ; kêu gọi CNVCLĐ cân nhắc kỹ việc về quê ăn Tết, nhất là đối với những địa phương nơi đi, nơi đến đang có người nhiễm virus SARS-CoV-2; đã kịp thời thăm, động viên, tặng quà công nhân, viên chức, lao động tỉnh Hải Dương.

Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ 4, Tổng LĐLĐVN đã ban hành 4 văn bản chỉ đạo, tổ chức Hội nghị trực tuyến với 27 LĐLĐ động tỉnh, thành phố có đông CNLĐ, nhiều khu công nghiệp, cùng CĐ Y tế Việt Nam, CĐ Dệt may Việt Nam để nắm tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh. Lãnh đạo Tổng Liên đoàn trực tiếp thăm, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch COVID-19 và đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 8,5 tỉ đồng. Thông qua chủ trương về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31.12.2021 đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27.4.2021, đây là chủ trương kịp thời, hiệu quả, góp phần san sẻ những khó khăn của NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tổng LĐLĐVN đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp nhằm hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lần thứ 4.

Cùng chia sẻ để thực hiện mục tiêu kép

Đối với doanh nghiệp, thời gian qua, CĐ đã rất chủ động đồng hành trong việc thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra. Các cấp CĐ đã tuyên truyền, vận động CNLĐ thực hiện nghiêm thông điệp 5K, quy định theo Chỉ thị 16/CT-TTg, đồng thời vận động CNLĐ tránh hoang mang, lo sợ quá mức khi có ca F0 tại doanh nghiệp; vận động CNLĐ ngoại tỉnh ở lại làm việc tại doanh nghiệp, ngoài giờ làm việc hạn chế ra khỏi nhà, không tập trung đông người; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức công tác phòng, chống dịch, phân luồng các ca tiếp xúc gần F0, F1 tại doanh nghiệp; tham gia phân luồng lao động để xét nghiệm tầm soát bệnh tại doanh nghiệp và việc tiêm vaccine cho CNLĐ. Thương lượng với người sử dụng lao động đảm bảo chế độ chính sách về lương/thu nhập trong điều kiện phải thực hiện các biện pháp phòng dịch: Giãn, hoãn, tạm dừng, ngừng sản xuất. Thành lập các tổ an toàn COVID-19 trong doanh nghiệp và trong cộng đồng để giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch.

Tổng LĐLĐVN cũng đề xuất với Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine cho CNLĐ; cho phép doanh nghiệp được hạch toán kinh phí mua vaccine phòng COVID-19 cho CNLĐ, hoặc kinh phí tài trợ cho Quỹ vaccine vào chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp để tính thuế thu nhập doanh nghiệp; cho phép sử dụng số kinh phí còn lại của ngân sách Nhà nước chưa thực hiện của gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP để hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ bị ảnh hưởng, nhất là các đối tượng NLĐ là F0 đang điều trị bệnh; NLĐ đang phải nghỉ việc trong các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, hoặc đang cư trú trong các khu vực phong tỏa y tế…

Tổng LĐLĐVN đã chủ động phối hợp với Bộ LĐTBXH, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh để hỗ trợ vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện tốt 3 tại chỗ nhằm đạt được mục tiêu kép theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ…

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam

Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới là cơ sở chính trị quan trọng trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn, khẳng định sự tin tưởng của Đảng đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam với quan điểm “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh là góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”. Nội dung Nghị quyết thể hiện mong muốn sự trao gửi và giao nhiệm vụ của Đảng đối với tổ chức Công đoàn. Với những nội dung hết sức sâu sắc, toàn diện của Nghị quyết; với cách thức tổ chức triển khai thực hiện khoa học, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn, tôi tin rằng tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của hoạt động Công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN

Theo congdoan.vn