09/08/2021 9:47:07

Những mốc son của ngành Dầu khí Việt Nam: Công trình đầu tiên của ngành công nghiệp khí Việt Nam và vai trò “làm cho sản xuất bung ra”

Công trình đầu tiên của ngành công nghiệp khí Việt Nam do Công ty Dầu khí I triển khai trong giai đoạn 1981-1990 đã cung cấp hàng triệu kWh trong thời kỳ thiếu điện trầm trọng, tạo được công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động thuộc các nhà máy, xí nghiệp địa phương tỉnh Thái Bình.

Tháng 3/1975, Việt Nam lần đầu tiên phát hiện dòng khí công nghiệp tại giếng khoan số 61; sau đó trong giai đoạn 1976-1980 khoan thêm một số giếng khác như 63, 65, 67, 69, 71, 73, 106 đã khẳng định sự tồn tại một mỏ khí nhỏ có trữ lượng hơn 500 triệu m3 tại mỏ Tiền Hải C, tỉnh Thái Bình.

Giai đoạn 1981-1982 tiếp tục khoan thêm một số giếng khai thác 75, 77, 78, 79, 55 đã khẳng định thêm về sự tồn tại một số vỉa khí mới và gia tăng trữ lượng khai thác của mỏ lên trên 600 triệu m3. Với số giếng khai thác hiện có lúc bấy giờ, mỏ Tiền Hải C có thể bảo đảm sản lượng ít nhất vào khoảng 150.000-200.000 m3 khí/ngày để chạy một turbine khí loại 15MW và 4-5 triệu m3 khí/năm cung cấp cho công nghiệp vật liệu xây dựng.

Việc xây dựng trạm khai thác thử và xử lý khí tại Tiền Hải đã được Tổng cục Dầu khí bàn bạc triển khai kể từ tháng 6/1978. Tuy nhiên, bản thiết kế do các cán bộ của Công ty Thiết kế, Phòng Công nghệ – Cục Xây dựng cơ bản và Công ty Dầu khí I Thái Bình hoàn thành trong năm 1979 đã không được triển khai vì không phù hợp với thực tế. Chỉ đến năm 1980, công trình khai thác khí Tiền Hải C mới chính thức khởi động lại vì lý do thiếu điện nghiêm trọng.

Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/2/1980: “Để có chất đốt khác thay cho dầu diesel chạy máy phát điện, phải xúc tiến nghiên cứu việc khai thác và sử dụng khí mỏ Tiền Hải C. Giao trách nhiệm cho Tổng cục Dầu khí, Bộ Điện và Than, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Hóa chất, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phối hợp khẩn trương triển khai việc này”, Công ty Dầu khí I đã triển khai lập phương án khai thác và Tổng cục Dầu khí quyết định thành lập Xí nghiệp Khai thác Khí trực thuộc Công ty Dầu khí I.

Lúc bấy giờ, phía điện lực yêu cầu cấp khí khô cho tổ máy phát điện với áp suất dao động từ 13-14 at, trong khi khí khai thác có lẫn nước và condensate có áp suất miệng giếng của các giếng đều cỡ hơn 100 at. Kỹ sư Phùng Đình Thực (nguyên là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sau này) và nhóm kỹ sư trẻ mới ra trường là Vũ Văn Viện, Dương Công Khanh, Nguyễn Hữu Trung cùng một số cán bộ tăng cường như Nguyễn Mậu Phương, Trần Quang Khải, Nguyễn Hồng Miên (không có chuyên gia nước ngoài)… đã tiến hành nghiên cứu nhiều phương án và công nghệ xử lý khí hiện có trên thế giới, rồi mạnh dạn sáng tạo chọn phương án xử lý khí nhờ dãn nở tự nhiên; sau đó là tự thiết kế, xây dựng, vận hành trạm xử lý khí tại mỏ Tiền Hải C trên cơ sở sử dụng các vật tư, thiết bị đã có và một số thiết bị có thể chế tạo được ở trong nước.

Công trình đầu tiên của ngành công nghiệp khí Việt Nam và vai trò “làm cho sản xuất bung ra”
Tại công trường xây dựng Trạm xử lý khí Tiền Hải cuối năm 1980. (Ảnh tư liệu)

Trạm xử lý khí được xây dựng nhanh chóng. Khởi công vào tháng 1/1981, đến ngày 19/4/1981 dòng khí đã được khai thác, xử lý và vận chuyển đến trạm turbine phát điện. Ngày 8/7/1981, bắt đầu khai thác ổn định mỏ khí Tiền Hải. Đây là công trình hoàn toàn mới lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, được tặng Huy chương Vàng tại Hội chợ Triển lãm Thành tựu kinh tế kỹ thuật năm 1985.

Chỉ trong một năm đầu đi vào hoạt động, trạm xử lý đã cung cấp 16 triệu m3 khí cho turbine điện sản xuất 70 triệu kWh, tách được 380 m3 condensate. Đến năm 1986 đã khai thác được trên 120 triệu m3 khí. Vào những năm 1987-1988, có chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước cũng như tỉnh Thái Bình “làm cho sản xuất bung ra”, vì vậy việc sử dụng khí cho phát triển công nghiệp địa phương của tỉnh Thái Bình được khuyến khích. Lúc đó, bên cạnh cấp khí cho các tổ máy turbine phát điện, Xí nghiệp Khai thác Khí có nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới ống cấp khí cho các hộ tiêu thụ của tỉnh Thái Bình. Các hộ tiêu thụ mới khi đó gồm có: Công ty Gạch men Long Hầu; Công ty Thủy tinh pha lê; các cơ sở sản xuất thủy tinh cách điện, sản xuất phôi thép; Nhà máy sứ liên kết Thái Bình – Hải Dương; Nhà máy sứ Dầu khí; Hợp tác xã thủ công nghiệp Giang Long và nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm công nghiệp khác. Tính đến cuối năm 1990, tổng cộng 248 triệu m3 khí đã được khai thác, doanh thu hơn 3 tỷ đồng (Giá bán khí là 0,5 đồng/m3 thời điểm trước quý IV/1981 và 1,2 đồng/m3 kể từ ngày 1/10/1981; 55 đồng/m3 từ tháng 1/1989, và 110 đồng/m3 từ tháng 6/1989).

Năm 1987, Công ty Dầu khí I hoàn thành “Phương án khai thác mỏ khí Tiền Hải C”. Cuối năm 1987, Tổng cục Dầu khí phê duyệt “Phương án khai thác mỏ khí Tiền Hải C”, bao gồm bảo đảm sản lượng 45-50 triệu m3/năm; khoan thêm hai giếng tại hai vòm Tây Bắc và Đông Nam; mở rộng Trạm xử lý khí Tiền Hải; xây dựng thêm đường ống nội mỏ. Kết quả sản lượng khai thác khí từ 12 giếng khai thác đã không ngừng gia tăng từ 8,5 triệu m3/năm trong năm 1981, lên 18,3 triệu m3/năm trong năm 1982, lên tiếp 22,1 triệu m3/năm trong năm 1983… và giữ ổn định ở mức 35-37 triệu m3 trong nhiều năm cho đến năm 1990.

Công trình đầu tiên của ngành công nghiệp khí Việt Nam và vai trò “làm cho sản xuất bung ra”
Trạm xử lý đầu tiên của mỏ khí Tiền Hải C được xây dựng trên nền giếng 61 thuộc xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã đi vào hoạt động an toàn từ đó đến nay.

Để chế biến condensate thu được, đầu năm 1979, Tổng cục Dầu khí đã giao nhiệm vụ cho Viện Dầu khí Việt Nam chưng cất thí điểm công suất 1.000 lít condensate/lần. Kỹ sư Trương Đình Hợi cùng các đồng nghiệp đã thiết kế, chế tạo và lắp đặt thiết bị chưng cất tại Viện Dầu khí Việt Nam ở thị xã Hưng Yên. Cuối tháng 2/1981, hoạt động chưng cất condensate để thu ete, dầu hỏa, dung môi cho chế biến cao su, pha sơn bắt đầu được tiến hành. Những sản phẩm này đã cung cấp cho Nhà máy Nhựa Hưng Yên, Nhà máy Cao su Sao Vàng, Nhà máy Sơn tổng hợp Hà Nội, còn dầu hỏa làm chất đốt phục vụ cho sinh hoạt. Từ năm 1981 đến năm 1983, 300.000 lít dung môi các loại đã được sản xuất, thay thế được một phần nhập ngoại. Dự án chưng cất condensate thu được trong quá trình khai thác khí tại mỏ Tiền Hải C tuy nhỏ (2-3 m3/ngày) nhưng đã mang lại lợi ích thiết thực và là bước đầu tập dượt cho các dự án chế biến dầu khí sau này.

Bước sang năm 1986 cũng là thời điểm chế độ bao cấp được xóa bỏ, Công ty Dầu khí I bước sang một giai đoạn mới với nhiệm vụ tìm kiếm phương thức kinh doanh mới để đáp ứng nhu cầu việc làm cũng như bảo đảm đời sống cho người lao động. Đến năm 1987, ngoài việc khai thác mỏ khí Tiền Hải, công ty bắt đầu triển khai thêm nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác như tận dụng nguồn khí dư để mở cơ sở sản xuất sứ, thủy tinh, nung vôi, đốt gạch, tận dụng nguồn condensate để sản xuất chất dung môi và các loại hóa phẩm… Ngoài ra, công ty còn mở cơ sở sản xuất gia công cơ khí, mô tơ điện, săm lốp xe đạp; sử dụng nguồn nước khoáng để sản xuất nước giải khát.

Công tác khai thác và sử dụng khí tại mỏ khí Tiền Hải C trong giai đoạn 1981-1990 đã đem lại nguồn thu tuy không lớn cho ngân sách nhà nước, nhưng đây chính là công trình đầu tiên của ngành công nghiệp khí Việt Nam do Công ty Dầu khí I triển khai, đã tạo ra hàng triệu kWh trong thời kỳ thiếu điện trầm trọng, tạo được công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động thuộc các nhà máy, xí nghiệp địa phương tỉnh Thái Bình. Tháng 5/1994, Công ty Dầu khí I sáp nhập vào Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong hành trình 60 năm phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.

Lâm Anh