07/08/2021 10:21:43

Những mốc son của ngành Dầu khí Việt Nam: Sự ra đời của tổ chức Dầu khí đầu tiên

Ngay từ cuối những năm 50 của thế kỷ 20, việc xây dựng và phát triển ngành Dầu khí đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Kể từ cột mốc thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa số hiệu 36, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngành Dầu khí Việt Nam đã luôn đổi mới và phát triển, vươn lên trở thành tập đoàn kinh tế đầu tàu của đất nước.

Chiến thắng Đông – Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, rút quân về nước, lập lại hòa bình trên cơ sở thừa nhận chủ quyền dân tộc của 3 nước Đông Dương, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa. Lúc này, công nghệ chưng cất dầu mỏ trên thế giới ra đời, nhiều sản phẩm dầu đáp ứng được các nhu cầu cho phát triển kinh tế, quân sự, cho đời sống… khiến loại tài nguyên này trở thành một quân bài chiến lược, tạo sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty dầu khí thế giới, và cũng trở thành nguyên nhân tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia. Không nằm ngoài vòng xoáy đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã sớm quan tâm đến loại nguyên nhiên liệu có tầm chiến lược này. Được sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, công tác khảo sát vẽ bản đồ địa chất, tìm kiếm, điều tra tài nguyên khoáng sản ở nước ta bắt đầu được triển khai.

Sự ra đời của tổ chức Dầu khí đầu tiên

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm giàn khoan dầu ở Anbani. (Ảnh tư liệu)

Sự ra đời của tổ chức Dầu khí đầu tiên

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy lọc dầu ở Bungari. (Ảnh tư liệu)

Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có dịp đến giàn khoan dầu ở Anbani và nhà máy lọc dầu ở Bungari nhân chuyến thăm các nước Đông Âu. 2 năm sau đó, trong chuyến thăm Liên Xô, tại khu công nghiệp dầu khí Bacu (Adécbaigian), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tưởng đến việc thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí ở vùng biển Việt Nam, phục vụ cho nền kinh tế nước nhà. Người nói với các nhà lãnh đạo Xô-viết: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Adécbaigian nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Bacu”.

Hôm ấy là ngày 23/7/1959. Lời đề nghị này của Bác đã tiên định và đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nền công nghiệp dầu khí Việt Nam. Và sau đó, tiếp tục là kim chỉ nam cho sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam trong suốt 60 năm qua.

Sự ra đời của tổ chức Dầu khí đầu tiên

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu công nghiệp dầu khí Bacu (ngày 23/7/1959).

Sau chuyến thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước đã nhanh chóng có những quyết sách, quyết định xây dựng và phát triển ngành Dầu khí.

Ngay từ những năm 1956-1959, thực hiện chủ trương của Chính phủ về công tác đào tạo, Bộ Giáo dục đã gửi một số học sinh đi Liên Xô và Rumani học ở các trường đại học về dầu khí, cùng với những kỹ sư được đào tạo ngành địa chất và địa vật lý chung. Tại Việt Nam, Trường trung cấp Kỹ thuật II đào tạo các kỹ thuật trung cấp địa vật lý, Trường Nghiệp vụ địa chất đào tạo các sơ cấp địa vật lý. Lực lượng cán bộ kỹ thuật này tuy số lượng ít và chưa có kinh nghiệm, nhưng sau khi ra trường đã tham gia ngay vào công tác điều tra, tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam.

Năm 1958, Chính phủ Việt Nam quyết định mời Liên Xô giúp đỡ khảo sát, đánh giá triển vọng dầu khí ở Việt Nam. Chuyên gia N.K. Griaznov của Viện Nghiên cứu khoa học địa chất thăm dò dầu mỏ toàn Liên bang (VNIGNI) đã được cử sang giúp Việt Nam lập kế hoạch thăm dò dầu khí. Trên cơ sở đề xuất của nhà nghiên cứu N.K. Griaznov, năm 1959, Chính phủ Việt Nam đã cho phép Tổng cục Địa chất ký hợp đồng với Bộ Địa chất Liên Xô về nghiên cứu địa chất, đánh giá triển vọng dầu khí ở Việt Nam, bắt đầu triển khai từ cuối tháng 6/1959, với việc thành lập Đội khảo sát nghiên cứu địa chất dầu khí, gồm chuyên gia S.K. Kitovani – kỹ sư trưởng địa chất khu vực về dầu mỏ, các cán bộ địa chất Nguyễn Giao, Trần Văn Trị, Nguyễn Bá Nguyên, Nguyễn Đức Lạc… tham gia cho đến khi hoàn thành báo cáo tổng kết.

Sự ra đời của tổ chức Dầu khí đầu tiên

Ông Trần Văn Trị (bên trái), ông Nguyễn Giao (bên phải) đón ông S.K. Kitovani ở sân ga Hàng Cỏ, Hà Nội (năm 1959).

GS. TSKH. Nguyễn Giao hồi tưởng lại những ngày chung đoàn làm việc cùng chuyên gia S.K. Kitovani: “Ròng rã hơn một năm trời, từ tháng 7/1959 đến tháng 8/1960, đội chúng tôi đã triển khai khảo sát thực địa từ vĩ tuyến 17 trở ra, qua các vùng Tây Bắc, Việt Bắc, trung du, đồng bằng, hải đảo…, dọc theo núi cao, suối sâu để tìm các điểm đá lộ với 11 lộ trình khảo sát địa chất dài khoảng 25.000 km, mô tả hơn 1.000 điểm lộ địa chất, phát hiện mới và thu thập các hóa thạch động vật và thực vật của các thời đại Cổ sinh, Trung sinh và Tân sinh, kiểm tra 20 địa điểm “báo quặng” về dầu khí… Ngoài ra, chúng tôi đã giúp chuyên gia S.K. Kitovani thu thập, phân tích 74 tài liệu về địa chất Việt Nam và các nước lân cận của các nhà địa chất Pháp, Trung Quốc, Liên Xô để lập báo cáo địa chất hoàn chỉnh…”.

“Để hoàn thành công việc, chuyên gia S.K. Kitovani và anh em trong đội chúng tôi phải vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, giá rét của mùa đông, nắng nóng như thiêu như đốt của mùa hè. Nhưng bù lại, chúng tôi cũng được đi khá nhiều nơi trên khắp miền Bắc, được ngắm những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ của đất nước, được thưởng thức những điệu múa xòe của đồng bào Thái, Mông, Tày… Và quên sao được sự đón tiếp nhiệt tình, nồng hậu, chân tình, chu đáo của các vị lãnh đạo và đồng bào các dân tộc của các tỉnh, địa phương nơi đội chúng tôi đến khảo sát. Vì thế cả đội chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh yêu đời, yêu việc, say mê, cống hiến hết sức mình hoàn thành tốt công việc được giao…” (trích lời kể của GS. TSKH. Nguyễn Giao trong Lịch sử Dầu khí Việt Nam tập 1).

Tháng 4/1961, Báo cáo triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn thành với 302 trang đánh máy bằng tiếng Nga, kèm theo các bản vẽ về các mặt cắt địa chất, cột địa tầng đặc trưng cho từng vùng, bản đồ phân vùng kiến tạo địa chất… và đặc biệt là bản đồ phân vùng triển vọng dầu khí nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tỷ lệ 1/500.000. Trong đó, triển vọng ưu tiên số 1 là bồn trũng giữa núi của châu thổ sông Hồng. Sau đó là khu vực Đông Bắc – Bắc Bộ, bao gồm các trầm tích thuộc vùng trũng An Châu.

Sự ra đời của tổ chức Dầu khí đầu tiên

Khảo sát địa chất dầu khí ở Tây Bắc (1959-1960).

Có thể nói, Báo cáo triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chuyên gia S.K. Kitovani và các nhà địa chất Việt Nam là công trình tổng hợp đầu tiên của nước ta về nghiên cứu địa chất và đánh giá triển vọng dầu khí trên một vùng lãnh thổ rộng lớn, và cũng là cơ sở ban đầu định hướng một cách khoa học cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam.

Trên cơ sở báo cáo này, Tổng cục Địa chất đã ra Quyết định số 271-ĐC ngày 27/11/1961 thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa với số hiệu là Đoàn 36 dầu lửa (thường gọi là Đoàn 36) trực thuộc Tổng cục Địa chất, có nhiệm vụ tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu hỏa và khí đốt trên phạm vi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Như vậy, ngày 27/11/1961 đã trở thành mốc son đánh dấu sự ra đời của tổ chức dầu khí chính thức đầu tiên tại Việt Nam – tiền thân của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, ngày nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Ngày 27/11 cũng trở thành Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam trong những năm sau này.

Lâm Anh