04/08/2021 11:31:09

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 7/2021

 

Câu 1.

NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và phải tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương thì chính sách hỗ trợ cho NLĐ được thực hiện như thế nào theo quy định của Nhà nước?

Trả lời:

Căn cứ Điều 13, Điều 14, Điều 15 và Điều 16 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khi NLĐ phải tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương do dịch bệnh thì chính sách hỗ trợ cho NLĐ từ nguồn ngân sách Nhà nước được thực hiện như sau:

Điều 13. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục) phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:

1. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021.

2. Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Điều 14. Mức hỗ trợ và phương thức chi trả

1. Mức hỗ trợ:

a) 1.855.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng (30 ngày).

b) 3.710.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng (30 ngày) trở lên.

2. Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

3. Phương thức chi trả: Trả 01 lần cho người lao động.

Điều 15. Hồ sơ đề nghị

1. Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

2. Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

3. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 14 Quyết định này.

Điều 16. Trình tự, thủ tục thực hiện

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội. Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 15 Quyết định này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2022.

3. Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

 

Câu 2.

Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp trước ngày 01/5/2021 có được nhận tiền hỗ trợ khó khăn do đại dịch Covid-19 từ nguồn ngân sách của Nhà nước không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 21 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19  thì điều kiện để người lao động được nhận trợ cấp gồm: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

– Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

– Chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Do đó, một trong các điều kiện để người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động được nhận tiền hỗ trợ Covid-19 là phải chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021.

Vì vậy, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trước ngày 1-5-2021 thì không đáp ứng điều kiện về thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động và không đủ điều kiện để được hưởng tiền hỗ trợ khó khan do đại dịch Covid-19 từ nguồn ngân sách Nhà nước.

 

Câu 3.

Việc tổ chức hội nghị người lao động và trách nhiệm ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 47 và Điều 48 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP thì việc tổ chức hội nghị người lao động và trách nhiệm ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc được quy định như sau:

Điều 47. Hội nghị người lao động

1. Hội nghị người lao động do người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) tổ chức hằng năm theo hình thức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu.

2. Nội dung hội nghị người lao động thực hiện theo quy định tại Điều 64 của Bộ luật Lao động và các nội dung khác do hai bên thỏa thuận.

3. Hình thức tổ chức hội nghị, nội dung, thành phần tham gia, thời gian, địa điểm, quy trình, trách nhiệm tổ chức thực hiện và hình thức phổ biến kết quả hội nghị người lao động thực hiện theo quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc quy định tại Điều 48 Nghị định này.

Điều 48. Trách nhiệm ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc để thực hiện các nội dung quy định về đối thoại tại nơi làm việc và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc quy định tại Nghị định này.

2. Khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) để hoàn thiện và ban hành. Đối với những góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động mà người sử dụng lao động không tiếp thu thì phải nêu rõ lý do.

3. Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc phải được phổ biến công khai tới người lao động.”

 

Câu 4.

Quy trình thương lượng tập thể tại doanh nghiệp thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 70 Bộ luật Lao động năm 2019 thì quy trình thương lượng tập thể tại doanh nghiệp thực hiện như sau:

“Điều 70. Quy trình thương lượng tập thể tại doanh nghiệp

1. Khi có yêu cầu thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu thương lượng tập thể theo quy định tại Điều 68 của Bộ luật này hoặc yêu cầu của người sử dụng lao động thì bên nhận được yêu cầu không được từ chối việc thương lượng.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu và nội dung thương lượng, các bên thỏa thuận về địa điểm, thời gian bắt đầu thương lượng.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm và các điều kiện cần thiết để tổ chức các phiên họp thương lượng tập thể.

Thời gian bắt đầu thương lượng không được quá 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng tập thể.

2. Thời gian thương lượng tập thể không được quá 90 ngày kể từ ngày bắt đầu thương lượng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Thời gian tham gia các phiên họp thương lượng tập thể của đại diện bên người lao động được tính là thời gian làm việc có hưởng lương. Trường hợp người lao động là thành viên của tổ chức đại diện người lao động tham gia các phiên họp thương lượng tập thể thì thời gian tham gia các phiên họp không tính vào thời gian quy định tại khoản 2 Điều 176 của Bộ luật này.

3. Trong quá trình thương lượng tập thể, nếu có yêu cầu của bên đại diện người lao động thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, bên người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và nội dung khác liên quan trực tiếp đến nội dung thương lượng trong phạm vi doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương lượng tập thể, trừ thông tin về bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động

4. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức thảo luận, lấy ý kiến người lao động về nội dung, cách thức tiến hành và kết quả của quá trình thương lượng tập thể.

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở quyết định về thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành thảo luận, lấy ý kiến người lao động nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động thảo luận, lấy ý kiến người lao động.

5. Việc thương lượng tập thể phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ nội dung đã được các bên thống nhất, nội dung còn ý kiến khác nhau. Biên bản thương lượng tập thể phải có chữ ký của đại diện các bên thương lượng và của người ghi biên bản. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở công bố rộng rãi, công khai biên bản thương lượng tập thể đến toàn bộ người lao động”.

 

Câu 5.

Đại hội công đoàn các cấp được Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 8 của Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII) được ban hành kèm theo Quyết định số 174/QĐ-TLĐ ngày 03/02/2020 quy định về đại hội công đoàn các cấp được thực hiện như sau:

“Điều 8. Đại hội công đoàn các cấp

1. Đại hội công đoàn các cấp có nhiệm vụ:

2. Tổng kết tình hình thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn nhiệm kỳ qua, quyết định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới.

3. Thảo luận, đóng góp ý kiến văn kiện của đại hội công đoàn cấp trên.

4. Bầu cử ban chấp hành công đoàn và bầu cử đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên.

5. Thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (đối với Đại hội Công đoàn Việt Nam).

6. Đại hội công đoàn các cấp được tổ chức theo nhiệm kỳ 5 năm 1 lần. Trường hợp khi có đề nghị bằng văn bản của công đoàn cấp dưới, công đoàn cấp trên được điều chỉnh nhiệm kỳ đại hội của công đoàn cấp dưới cho phù hợp với nhiệm kỳ đại hội công đoàn cấp trên nhưng không vượt quá 30 tháng. Đại hội Công đoàn Việt Nam do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn quyết định.

7. Đại hội công đoàn có 2 hình thức: Đại hội đại biểu và đại hội toàn thể đoàn viên.

8. Thành phần đại biểu chính thức của đại hội đại biểu gồm:

9. Ủy viên Ban Chấp hành đương nhiệm.

10. Đại biểu do công đoàn cấp dưới bầu lên.

11. Đại biểu chỉ định với số lượng không quá năm phần trăm (5%) tổng số đại biểu chính thức được triệu tập.

12. Đại biểu dự đại hội phải được đại hội thẩm tra và biểu quyết công nhận tư cách đại biểu. Người đang trong thời gian chấp hành các hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên, người bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc đang chấp hành bản án hình sự theo quy định pháp luật thì không đủ tư cách đại biểu.

13. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn chi tiết Điều này.”

Văn phòng Tư vấn pháp luật