31/07/2021 9:37:16

Quá trình đàm phán cam go trong triển khai Dự án khí Nam Côn Sơn

Để triển khai Dự án khí Nam Côn Sơn, tiến hành phát triển cụm mỏ khí Lan Tây và Lan Đỏ, các bên liên quan đã phải trải một quá trình đàm phán phức tạp, kéo dài với hàng loạt các vấn đề nan giải.

Cụm các mỏ khí Lan Tây – Lan Đỏ thuộc Lô 06 thềm lục địa Việt Nam, nằm cách thành phố Vũng Tàu khoảng 360 km về phía Đông Nam, được Tổ hợp nhà thầu hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) gồm Tập đoàn BP (Vương quốc Anh), STATOIL (Na Uy) và ONGC (Ấn Độ) phát hiện năm 1993. Đến cuối năm 1994 kết thúc thời kỳ tìm kiếm – thăm dò, Nhà thầu đã tuyên bố phát hiện thương mại cụm mỏ khí này và được giữ lại phần diện tích phát triển mỏ với tên mới là Lô 06-1. Tháng 10/1995, Hội đồng Trữ lượng của Tổng Công ty Dầu khí – nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã phê duyệt trữ lượng khí thiên nhiên và khí ngưng tụ (condensate) của cụm mỏ Lan Tây – Lan Đỏ và Nhà thầu cũng đã tiến hành khảo sát đáy biển chuẩn bị thiết kế đường ống dẫn khí vào bờ, cũng như tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế phát triển cụm mỏ này.

Nhà máy Xử lý khí Nam Côn Sơn
Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn

Tuy nhiên, trước nhiều vấn đề mới được đặt ra về khai thác và cung cấp khí cho nhu cầu của thị trường Việt Nam (Phía Việt Nam không đồng ý với đề xuất xuất khẩu khí sang các nước khác trong khu vực) chưa được quy định trong Hợp đồng PSC ký ngày 19/5/1988, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo Petrovietnam phối hợp với Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Khí – Điện – Đạm (do Bộ trưởng Trần Xuân Giá làm Trưởng Ban) và các Bộ ngành liên quan khẩn trương đàm phán với các đối tác nước ngoài về Thỏa thuận bổ sung (SA) của Hợp đồng phân chia sản phẩm khí Lô 06-1, Kế hoạch phát triển và khai thác các mỏ khí (FDP) thuộc lô này, Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) đầu tư xây dựng và vận hành đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn do Petrovietnam nắm giữ 51% và BP/STATOIL nắm giữ 49% cổ phần, Thỏa thuận vận chuyển khí (TA), Hợp đồng mua bán khí (GSPA), cũng như Cam kết bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam đối với dự án (GGU),…

Quá trình đàm phán cam go trong triển khai Dự án khí Nam Côn Sơn
Kiểm tra hoạt động của Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn – Ảnh tư liệu

Sau 3 năm tích cực đàm phán (1996-1998), các vấn đề liên quan trong Hợp đồng mua bán khí (GPSA) của mỏ vẫn chưa kết thúc, đặc biệt là vấn đề về giá khí. Theo quy định của Hợp đồng PSC, sau 10 năm thực hiện hợp đồng mà không có tuyên bố thương mại thì hợp đồng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, khi nói tới mỏ thương mại tức là phải đánh giá được hiệu quả đầu tư và để làm việc này thì phải có yếu tố đầu vào và đầu ra, ở đây chính là giá mua bán và vận chuyển khí. Với tinh thần này, Nhà thầu và Petrovietnam đều ở tình huống lưỡng nan. Đây là lần đầu tiên Petrovietnam gặp phải tình huống “quả trứng, con gà” xoay quanh giữa vấn đề mỏ thương mại và giá mua bán, vận chuyển khí. Vì không có yếu tố cạnh tranh để so sánh như dầu thô, khí được tiêu thụ gần như 100% (trừ condensate có thể xuất khẩu) ở thị trường nội địa. Vì vậy, Nhà thầu lo ngại nhất chính là sự can thiệp qua chính sách về thuế và giá của Chính phủ.

Về giá khí, việc xây dựng công thức tính và xác định giá khí cho cả đời dự án (20 năm) là việc hết sức phức tạp. Giá khí xác định như thế nào để hiệu quả của dự án phát triển mỏ được bảo đảm, là nhân tố quan trọng cho các quyết định đầu tư của các nhà thầu Lô 06-1; đồng thời giá khí cũng là nhân tố đầu vào cho sản xuất điện, làm sao để có được mức giá hợp lý không gây biến động lớn cho giá điện trên cơ sở so sánh với các loại nhiên liệu thay thế khác như thủy điện, than, dầu DO, dầu FO… Đây thật sự là bài toán hóc búa đối với tất cả các bên, đặc biệt là Petrovietnam trong vai trò là người đại diện cho quyền lợi của nước chủ nhà. Trong bối cảnh thị trường dầu thô thế giới suy giảm, giá dầu năm 1998 có lúc xuống đến dưới 10 USD/thùng, để lựa chọn phương án tối ưu Petrovietnam đã nghiên cứu các phương án khác nhau về giá khí như biến động theo giá dầu FO, DO, theo chỉ số giá tiêu dùng CPI…

Quá trình đàm phán cam go trong triển khai Dự án khí Nam Côn Sơn
Đường ống khí Nam Côn Sơn

Sau nhiều vòng đàm phán 3 bên gồm Nhà thầu Lô 06-1, Petrovietnam và EVN cùng với sự tham gia thẩm định, đánh giá của các Bộ, ngành như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính…, giá khí Lô 06-1 (1,88 USD/MMBTU) và cước phí vận chuyển (0,85 USD/MMBTU) cùng công thức giá khí trượt theo tỷ lệ tăng 2%/năm đã được xác định và được các bên liên quan thống nhất trong Biên bản ghi nhớ (MOU) ký ngày 29/4/1999. Mặc dù thị trường dầu khí trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI biến động mạnh, giá dầu thô thế giới có lúc lên xấp xỉ 150 USD/thùng (tương ứng với giá khí là khoảng 8 USD/MMBTU), giá khí mà các hộ tiêu thụ ở Khu công nghiệp khí – điện – đạm Phú Mỹ mua từ Lô 06-1 vẫn được bảo đảm ở mức hơn 3 USD/MMBTU.

Trong việc đàm phán hợp đồng GSPA, vướng mắc lớn nhất cần phải giải quyết ngoài vấn đề giá khí còn có vấn đề về khối lượng khí cam kết bao tiêu. Hợp đồng mua bán khí từ Lô 06-1 là hợp đồng mua khí từ mỏ Lan Tây và Lan Đỏ với thời gian cung cấp 20 năm, gồm 3 giai đoạn: tăng trưởng, ổn định và suy giảm. Việc cam kết cung cấp khí ổn định phụ thuộc rất nhiều vào trữ lượng, điều kiện địa chất và công nghệ khai thác của từng mỏ. Nhà thầu Lô 06-1 chỉ cam kết cung cấp ổn định trong 11 năm và yêu cầu Petrovietnam cam kết tiêu thụ tối thiểu là 2,7 tỷ m3 khí/năm trong giai đoạn cung cấp ổn định, tức là khối lượng khí Petrovietnam phải thanh toán cho dù có nhận khí hay không. Trong khi đó, với các hợp đồng bán khí (GSA), EVN và các hộ tiêu thụ BOT gồm các nhà máy điện Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 đều yêu cầu Petrovietnam cung cấp ổn định khí trong 20 năm.

Người lao động làm việc tại NCSP
Người lao động làm việc tại Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn

Ngoài ra, tại thời điểm đàm phán năm 1999, do EVN không xác định được chắc chắn tiến độ triển khai các nhà máy điện của mình (Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 4…), nên cũng không xác định được lượng khí được EVN bao tiêu. Sự khác biệt cơ bản giữa GSPA và GSA dẫn đến việc đàm phán song song rất phức tạp, kéo dài, vì chứa đựng nhiều rủi ro cho Petrovietnam. Trước tình cảnh đó, nếu không có quyết tâm của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, sự ủng hộ của các Bộ, ngành và quyết định kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, có lẽ Dự án khí Nam Côn Sơn đã không được triển khai.

Sau khi MOU được ký kết ngày 29/4/1999, với sự làm việc tích cực của Tổ đàm phán, được sự chỉ đạo kịp thời và tham gia trực tiếp đàm phán khi cần thiết của lãnh đạo Petrovietnam, các vướng mắc trong các hợp đồng mua bán khí dần dần được tháo gỡ và giải quyết. Chiều ngày 15/12/2000, hợp đồng mua bán khí giữa Petrovietnam và các nhà thầu Lô 06-1 đã được ký kết tại Nhà khách Chính phủ.

Quá trình đàm phán cam go trong triển khai Dự án khí Nam Côn Sơn
Hơn 20 năm hoạt động, NCSP là một hình mẫu mang đẳng cấp quốc tế

Đối với việc đàm phán Bảo lãnh của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, có một số vấn đề khó giải quyết, do chưa được quy định, hoặc quy định chưa rõ ràng trong văn bản pháp luật của Việt Nam, như: thuế giá trị gia tăng đối với condensate xuất khẩu, quyền mở và sử dụng tài khoản ngân hàng ở nước ngoài và chuyển đổi ngoại tệ theo nguyên tắc quy định chung… Quá trình đàm phán không những căng thẳng đối với người nước ngoài, mà đôi khi lại rất căng thẳng ngay trong nội bộ các cơ quan Việt Nam. Do Phía Việt Nam áp dụng cơ chế quyết định đồng thuận, vì thế nếu chỉ một ngành chưa đồng ý một quan điểm nào đó, mọi việc phải dừng lại chờ đợi thuyết phục để đạt sự đồng thuận. Mãi đến ngày 15/12/2000, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Cam kết bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam (GGU) cho toàn bộ Dự án khí Nam Côn Sơn.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và tiếp tục là Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, các cuộc đàm phán đã kết thúc tốt đẹp và tất cả các hợp đồng/thỏa thuận liên quan tới dự án này đã được ký kết tại Nhà khách Chính phủ, 12 phố Lê Thạch, TP Hà Nội vào các ngày 15/12/2000, 12/2/2001 và 26/2/2001. Đây là tiền đề cho phát triển cụm mỏ khí Lan Tây – Lan Đỏ và xây dựng đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.

P.V