Nửa đầu năm 2021, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt lợi nhuận sau thuế đạt 3.580 tỷ đồng. Đây là thành công ngoài mong đợi, trong đó phải kể đến những đóng góp không nhỏ của công tác sáng kiến – cải tiến, giúp NMLD Dung Quất đa dạng nguồn dầu thô chế biến đầu vào, tối ưu hóa công nghệ – năng lượng, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị có tính cạnh tranh cao, góp phần nâng cao năng xuất và hiệu quả SXKD.
Công tác tối ưu đạt nhiều thành công
Trong 6 tháng đầu năm, giá dầu thế giới có xu hướng tăng, cộng thêm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 nên công tác tối ưu được đẩy mạnh nhằm tận dụng tối đa các cơ hội gia tăng lợi nhuận cho công ty.
Nhà máy đang vận hành ở 105% công suất thiết kế với chế độ vận hành tối ưu, các phân xưởng CDU/RFCC/CCR/ISOM/NHT/KTU/PP vận hành ở mức cao tương ứng 105%/100%/110%/135%/ 135%/135%-150%/115%. Tối ưu hóa giảm lưu lượng dòng DCO tại RFCC từ 26m3/hr xuống 24m3/hr để giảm sản phẩm Fuel Oil và thử nghiệm tăng sản lượng Full Range Naphtha đỉnh tháp phân xưởng CDU từ 248m3/hr lên 255m3/hr để tăng sản lượng xăng đang có hiệu quả cao của Nhà máy.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công 6 loại dầu thô mới: Qua Iboe: 30%tt; Cabinda: 10%tt; Minas: 20%tt; Song Doc: 20%tt; Forcados: 40%tt; Bu-Attifel: 30%tt. Việc thử nghiệm thành công các loại dầu thô nhập ngoại mới giúp BSR mở rộng, chủ động và linh hoạt hơn trong việc lựa chọn các nguồn dầu thô có giá cả cạnh tranh, sản lượng cao, chất lượng ổn định cho nhà máy.
BSR đẩy mạnh tối ưu hóa các sản phẩm xăng dầu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. |
Tối ưu hóa năng lượng cũng đạt kết quả khả quan, chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng EII của nhà máy 6 tháng đạt 103,6% so với mức trung bình 107.1% trong năm 2020. Đã có 7 giải pháp năng lượng được thử nghiệm, áp dụng; mạng lại giá trị trên 23 tỷ đồng. Trong đó, giải pháp dừng 1 bơm nước biển đã giúp tiết giảm đáng kể điện năng trên 1.5MWh.
Điểm nổi bật 6 tháng qua, công ty đã nghiên cứu và sản xuất thành công 04 sản phẩm PP mới: T3045, Homo PP Yarn T3050, I3085 và I3150. Các sản phẩm mới này có tính cạnh tranh cao, giá thành tốt, khách hàng ưu chuộng.
Ông Lê Hải Tuấn – Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển BSR, cho biết: Trong rất nhiều thành công thì phải kể đến việc phân xưởng PP nâng công suất lên 115%. Đầu tháng 4/2021, chúng tôi đã hoàn thành công tác thử nghiệm, đánh giá khả năng vận hành của phân xưởng PP ở 115% công suất thiết kế mà không cần các cải hoán thiết bị công nghệ. Kết quả của các sáng kiến cải tiến này mang lại hiệu quả cho công ty hơn 70 tỷ đồng/năm; đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng về các sản phẩm PP trong nước, giảm lượng hàng nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt hơn trong sản xuất.
Trước đó, sáng kiến “Tối đa công suất cụm phân xưởng Naphtha để tăng khả năng sản xuất xăng và tăng tính linh động chế biến các loại dầu thô nhập ngoại tại NMLD Dung Quất” đã được đưa vào ứng dụng trong thực tế vận hành sản xuất, mang lại hiệu quả 15 triệu USD/năm. Sáng kiến này giúp tăng sản lượng sản phẩm xăng, đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường, đồng thời làm tăng tính linh động chế biến các loại dầu thô nhập ngoại giàu Naphtha trong điều kiện sản lượng dầu thô nội địa (dầu Bạch Hổ và các dầu tương đương) ngày càng giảm.
Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”
Công ty tích cực tham gia Chương trình “75.000 sáng kiến, vượt khó, phát triển” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Chương trình đã ghi nhận 170 sáng kiến của 93 tác giả là người lao động BSR tham gia dự thi, là đơn vị có số lượng sáng kiến dự thi nhiều nhất trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trong đó, sáng kiến “Tối đa công suất cụm phân xưởng Naphtha để tăng khả năng sản xuất xăng và tăng tính linh động chế biến các loại dầu thô nhập ngoại tại NMLD Dung Quất” của kỹ sư Đinh Văn Nhân là sáng kiến duy nhất của ngành Dầu khí lọt vào vòng chung kết của Chương trình 75 nghìn sáng kiến của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Công đoàn BSR đã phối hợp với Ban NCPT tổ chức thực hiện, vận động và hỗ trợ người lao động BSR gửi bài dự thi. Hệ thống quản lý tri thức KMS được sử dụng làm công cụ hỗ trợ công tác sơ loại, một trang web nội bộ cũng đã được lập để kiểm soát số lượng và chất lượng nội dung sáng kiến. Số lượng sáng kiến đăng ký được liên tục cập nhật và thông tin đến lãnh đạo các Ban chức năng để cùng phối hợp hành động.
Các sản phẩm hạt nhựa mới của BSR được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. |
Bà Khuất Thị Lê – Chủ tịch Công đoàn BSR nhận định: “Nhận thức rõ ý nghĩa “Càng khó khăn, càng sáng tạo” của chương trình trong bối cảnh hiện nay, người lao động BSR đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, đưa ra các sáng kiến tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất – kinh doanh, cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ hiện có, cải tiến công tác quản lý, hoạt động tác nghiệp, nâng cao độ tin cậy, độ bền, giảm nguy cơ gây sự cố và hư hỏng, tăng hiệu quả sử dụng công cụ, máy móc, thiết bị, dây chuyền, hệ thống công nghệ, nâng cao điều kiện an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc, duy trì và nâng cao sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường, nâng cao hình ảnh, uy tín của công ty”.
6 sáng kiến BSR nổi bật tham gia Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”:
– Sáng kiến nâng công suất phân xưởng PP lên 115%, lại hiệu quả cho Công ty hơn 70 tỷ đồng/năm
– Sáng kiến “Tối đa công suất cụm phân xưởng Naphtha để tăng khả năng sản xuất xăng và tăng tính linh động chế biến các loại dầu thô nhập ngoại tại NMLD Dung Quất”, mang lại hiệu quả 15 triệu USD/năm.
– Sáng kiến “Tối ưu hóa vận hành hệ thống làm mát bằng nước biển (vận hành 3 bơm thay cho 4 bơm)” mang lại hiệu quả 1,2 triệu USD/năm;
– Sáng kiến “Thiết kế logic điều khiển mới cho van 032-UV-001/02, 032-UV-011/12 và 032-UV-013/014 để nâng cao độ tin cậy vận hành cho mạng nước ngưng tránh gây dừng các phân xưởng Công nghệ và Nhà máy” mang lại hiệu quả 5,4 tỷ VNĐ/năm;
– Sáng kiến “Giải pháp tự chế tạo các loại đệm làm kín (gaskets) để thay thế trong quá trình bảo dưỡng van an toàn” mang lại hiệu quả 660 triệu VNĐ/năm;
– Sáng kiến “Thu hồi dung môi nhẹ (Toluen, n-Heptan) từ các dung dịch dầu thải bằng phương pháp chưng cô quay” mang lại hiệu quả 260 triệu VNĐ/năm.
Đức Khánh – Chính Nguyễn