Theo bằng chứng thống kê, biến chủng mới Delta khiến người nhiễm khởi phát triệu chứng sớm hơn và thời gian diễn biến nặng cũng nhanh hơn các biến chủng khác.
Không chỉ số lượng F0, trong đợt dịch thứ tư nước ta cũng ghi nhận sự gia tăng nhanh của các bệnh nhân Covid-19 nặng, tạo áp lực đáng kể lên hệ thống điều trị, đặc biệt là đơn vị Hồi sức tích cực, nơi được coi là “chốt chặn” cuối cùng để giữ lấy tính mạng của bệnh nhân.
Vì sao nhiều bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng nhanh?
Theo nhận định của chuyên gia, việc chủng virus SARS-CoV-2 Delta (được xem là thủ phạm chính làm bùng phát đợt dịch thứ 4) khiến triệu chứng lâm sàng của người nhiễm diễn tiến nhanh hơn các chủng cũ là một trong những nguyên nhân của thực trạng này.
ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Đỗ Linh). |
Trao đổi với Dân trí, ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, các bằng chứng thống kê lâm sàng chỉ ra biến chủng mới Delta khiến các bệnh nhân có triệu chứng khởi phát sớm hơn và thời gian diễn biến nặng cũng nhanh hơn các biến chủng khác.
“Cũng chính vì lý do này mà trong phác đồ điều trị Covid-19 mới của Bộ Y tế, đã rút ngắn thời gian từ khi có triệu chứng đến diễn biến nặng còn 5-8 ngày, so với 7-8 ngày như trước đây. Việc này sẽ giúp các bác sĩ chú ý sớm hơn với những bệnh nhân mắc Covid-19, phân loại mức độ nặng đúng và sớm cho bệnh nhân. Từ đó, tránh việc phát hiện các triệu chứng nặng muộn gây khó khăn cho công tác điều trị”, BS Phúc phân tích.
Các y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 ở TP Thủ Đức (Ảnh: Hữu Khoa). |
Trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch tại TPHCM, nơi dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất cả nước, BSCKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, mọi sự chuẩn bị đều không thừa khi biến thể Delta lần này có tốc độ lây lan nhanh. Các phương án xử lý bệnh cũng phải thay đổi liên tục. Sau một tuần mắc Covid-19, nhiều bệnh nhân sẽ diễn biến nặng.
BSCKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. |
“Các bệnh nhân nặng chuyển biến rất nhanh, thời gian có thể tính theo phút chứ không theo giờ. Với những trường hợp này, nếu không can thiệp bằng máy thở kịp thời thì có thể tử vong ngay”, BS Linh chia sẻ.
Điểm mấu chốt để ngăn bệnh nhân Covid-19 trở nặng
BS Phạm Văn Phúc là người trực tiếp tham gia điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 “cận kề cửa tử” ở khu vực miền Bắc, được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ những ngày đầu dịch bùng phát đến nay.
BS Phúc nhận định phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cũng đã liên tục được cập nhật, chỉnh sửa, dựa trên chính tổng hợp các nghiên cứu lâm sàng, các hướng dẫn từ tổ chức y tế thế giới, và các hiệp hội y khoa lớn trên thế giới từ đó giúp điều trị bệnh nhân hiệu quả hơn.
Chủng virus mới khiến triệu chứng lâm sàng diễn tiến rất nhanh (Ảnh minh họa: Tuấn Dũng). |
Theo chuyên gia này, điểm mấu chốt trong điều trị chính là phải phát hiện sớm các bệnh nhân có biểu hiện yếu tố nguy cơ tiến triển nặng, để kịp thời xử lý.
BS Phúc phân tích: “Việc điều trị sớm những bệnh nhân này sẽ giảm tải được lượng bệnh nhân cần phải can thiệp thở máy hay chạy tim phổi nhân tạo (ECMO). Phân tầng điều trị đúng, các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ được theo dõi sát sao và điều trị bởi nhân viên y tế có kinh nghiệm sẽ giảm số lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch. Đồng thời giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 trong bối cảnh số lượng F0 leo thang như hiện nay”.
BS Phúc thông tin thêm rằng, Bộ Y tế đã cho phép sử dụng một số loại thuốc trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nếu được thông qua bởi hội đồng chuyên môn như Remdesivir, Favipiravir. Việc này có ý nghĩa lớn trong công tác điều trị, giúp các bác sĩ có thêm những “vũ khí tốt” trong cuộc chiến với virus SARS-CoV-2.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: BVCC). |
“Các loại thuốc kháng virus như Remdesivir, Favipiravir… đều là thuốc đã có trong hướng dẫn điều trị Covid-19 ở nhiều nước trên thế giới. Các bằng chứng khoa học cho thấy chúng có thể làm giảm tải lượng virus và tỷ lệ tiến triển nặng của bệnh nhân”, BS Phúc nói, “Bên cạnh vắc xin, thuốc kháng virus cũng được xem là chìa khóa để chấm dứt đại dịch”
Trước đó, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Dân trí, BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định rằng, phải coi những bệnh nhân Covid-19 trong tuần đầu kể từ khi phát hiện bệnh là nhóm có nguy cơ diễn biến nặng, cần theo dõi sát. Bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn này, đặc biệt thời điểm ngày thứ 7-8 mà sàng lọc, phát hiện các dấu hiệu nguy cơ hoặc biểu hiện nặng thì cần chuyển bệnh nhân sang khu có thể điều trị sớm theo cơ chế bệnh sinh để ngăn ngừa xu hướng diễn biến nặng hoặc hồi sức kịp thời nếu tình trạng bệnh xấu đi.
“Tại những địa bàn đã xảy ra dịch như Hải Dương hoặc Bắc Ninh trước đây, chúng tôi áp dụng mô hình điều trị gọi là tháp 3 tầng. Có thể coi hệ thống điều trị như tòa tháp càng thấp thì số bệnh nhân càng nhiều nhưng nhân viên y tế ít, càng lên cao số bệnh nhân giảm đi nhưng y bác sĩ và trang bị kỹ thuật càng tập trung. Bệnh nhân Covid-19 mới phát hiện được nhập vào tầng 2 của tháp (Khu vực có khả năng theo dõi và sàng lọc dấu hiệu nặng). Nếu sau 7-8 ngày không có biểu hiện gì nặng thì được chuyển xuống tầng một của tháp (Khu vực cách ly chờ ra viện), còn trong bất kỳ thời điểm nào phát hiện được xu hướng diễn biến nặng thì bệnh nhân cần chuyển lên tầng 3 của tháp điều trị (khu vực có thể điều trị và hồi sức tích cực)”, BS Cấp phân tích.
Theo Dân trí