13/05/2013 10:48:54

Người chị cả trên công trình

Công trường mù mịt bụi, những tiếng ồn chát chúa, cái nóng hầm hập với mồ hôi nhễ nhại trên các gương mặt sạm đen, dạn dày mưa nắng. Đó là thế giới của cánh đàn ông, của cơ bắp, ăn to nói lớn và cả lối ứng xử bặm trợn. Trong môi trường ấy xuất hiện một phụ nữ dịu dàng, nền nã là một sự lạ. Người đó là chị Hoàng Thị Minh Châu, Ủy viên BCH Công đoàn Công ty Cổ phần Hóa dầu & Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), người đã gắn bó với Dự án Nhà máy polyester Đình Vũ từ những ngày đầu tiên.

Từ giảng đường tới công trường

Chị Hoàng Thị Minh Châu, là một nữ cán bộ công đoàn xuất sắc của Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Liên tục những năm qua, chị được vinh danh với nhiều danh hiệu như “Chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương”, “Cán bộ công đoàn xuất sắc”, “Nữ lao động giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Trước khi về với dự án, chị là giảng viên chính của Hội đồng Anh (British Councin), tổ chức quốc tế chuyên thực hiện hợp tác văn hóa và giáo dục của Vương quốc Anh. Công việc ổn định với mức lương cao, sự chuyển ngành của chị khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ. Ít người biết sự thay đổi này bắt nguồn từ những sóng gió cuộc đời mà chị đã nếm trải.

Cuối năm 2003, gia đình cô giáo Minh Châu đang bình an bỗng gặp hạn. Chồng chị đột nhiên mắc một bệnh lạ, thân thể cứ ngày một teo tóp, kiệt sức nằm liệt giường mà không rõ lý do. Suốt 3 năm ròng, ngày ngày chị phải gắng gượng dạy học, chăm sóc 2 cô con gái nhỏ, đứa lớn chưa được 10 tuổi và đứa nhỏ chưa đầy năm. Ngoài giờ lên lớp, nhiều ngày chị gửi con đưa chồng đi chạy chữa khắp nơi. Đồ đạc của nả trong nhà theo nhau đội nón ra đi. Miếng đất của hồi môn do cha mẹ chị để lại cũng phải bán đi một nửa, để lấy tiền tìm thầy, chạy thuốc chữa bệnh cho chồng.

Gia đình yên ấm của chị chỉ còn lại một căn nhà cấp 4 hơn 30m2 làm chỗ trú mưa nắng cho cả nhà. Nhìn chồng ngày càng héo hắt, gần như vô phương chữa bệnh, con thơ thiếu hơi mẹ, ốm đau quặt quẹo mà chị chỉ biết ứa nước mắt. Anh Hiếu, chồng chị thương vợ, xót con đã có lần nghĩ quẩn… Cũng may, chị Châu phát hiện sớm, hết lòng động viên chồng “còn nước còn tát”, tiếp tục chạy chữa. Có bệnh thì vái tứ phương, chị đi khắp các tỉnh từ miền núi phía bắc đến cả miền Nam, bao nhiêu tiền của để dành, cha mẹ họ hàng hai bên giúp đỡ đổ hết vào thuốc thang cho chồng.

Khi chẳng còn đồng bạc nào, hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau tuyệt vọng thì đột nhiên căn bệnh của anh Hiếu thuyên giảm. Từ ngày ấy, chẳng cần uống thuốc mà anh Hiếu ăn được, ngủ được, căn bệnh cứ lui dần như một phép lạ. Sức khỏe ổn định, anh Hiếu đã quyết chí làm kinh tế để giúp vợ con. Từ một cửa hàng sửa xe nhỏ anh khéo vun vén, tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng. Sau 2 năm, anh đã gây dựng thành một gara ôtô có tiếng ở thành phố Hải Phòng.

Khi hai vợ chồng đã có đồng ra đồng vào, anh Hiếu một mực khuyên vợ nghỉ dạy học, tìm việc khác gần nhà để có thời gian cho gia đình. Bởi giáo viên của Hội đồng Anh thường xuyên phải thức khuya, dậy sớm để lo giáo án, giảng dạy. Hơn thế nữa, hằng năm tổ chức này còn có nhiều buổi giao lưu, thỉnh giảng tại nhiều địa phương, có khi kéo dài cả tháng trời. Để chồng yên tâm, lại có thời gian chăm sóc con, chị đã mềm lòng tìm việc mới dù trong lòng vẫn còn rất yêu nghề dạy học. Đúng vào khoảng thời gian này, Dự án xây dựng Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ khởi công tại Hải Phòng. Chị Minh Châu đã xin về làm việc tại dự án được biên chế vào phòng xây dựng.

Những ngày đầu tiên ra công trường, do chưa quen với môi trường ồn ào phức tạp nên không ít lần chị bị “sốc”. Chia sẻ với tôi về lần đầu tiên nghe lãnh đạo nhà thầu quát mắng công nhân, chị cứ “mắt tròn mắt dẹt” vì không ngờ đàn ông mà ngôn từ cũng phong phú, chua ngoa và cay nghiệt đến thế. Làm công tác công đoàn, biết lắng nghe và chia sẻ với công nhân khi họ phải sống xa gia đình chị càng hiểu và thông cảm hơn với anh em. Sau đó, chị được giao công tác hậu cần, lo “cơm nước” cho cả công trường. Sự chu đáo, tình cảm của chị khiến mọi người đặt cho chị biệt danh “chị cả” của công trình.

Người phụ nữ ba trong một

Ở dự án này, do tỷ lệ nữ so với nam giới trong Ban Quản lý chỉ chiếm khoảng 10% nên ngoài công tác chuyên môn, chị Châu được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Nữ công của đơn vị, kiêm phụ trách công tác hậu cần cho toàn bộ khối công nhân, kỹ sư của dự án. Chị được mọi người tin yêu gọi thêm một cái tên thân thương nữa là “người phụ nữ ba trong một”.

Luôn đi đầu trong các phong trào văn thể mỹ, chị là người tổ chức các cuộc thi nấu ăn, thời trang, Đội trưởng Đội thi Miss Oil của PVTEX. Khi Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vào giai đoạn chạy thử, chị Minh Châu đã nổi bật vai trò đảm bảo môi trường lao động cho các công nhân nữ dưới các phân xưởng trong nhà máy. Sản xuất xơ sợi có môi trường lao động khá nặng nhọc bởi tiếng ồn cao, luôn nóng bức xấp xỉ 40oC. Các nữ công nhân, kỹ sư là những người nhạy cảm và bị ảnh hưởng lớn nhất. Vì sản xuất xơ sợi là ngành hoàn toàn mới nên chưa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, sắp xếp vào danh mục các ngành nghề nặng nhọc. Để giải quyết bất cập trên, Chị Châu đã cùng Công đoàn tư vấn cho lãnh đạo PVTEX đề xuất lên Bộ LĐ-TB&XH thực hiện công tác đánh giá về môi trường lao động, hỗ trợ cho chị em công nhân, kỹ sư.

Chị Minh Châu (thứ 2 phải sang) tại một buổi trao nhà tình nghĩa

Sau gần 1 tháng vận hành, trong đợt khám sức khỏe định kỳ, đã phát hiện nữ công nhân Nguyễn Thị Ly mắc bệnh máu trắng, một căn bệnh rất khó chữa trị và tốn kém. Chị Minh Châu đã chạy đôn đáo, vận động cán bộ, nhân viên công ty chia sẻ với gia đình Ly. Tiếp đó là tai nạn lao động vào ca đêm của nữ công nhân Bùi Thị Thắm. Chị lại tất tả kêu gọi khắp nơi, làm các thủ tục trình lên Công đoàn Dầu khí xin hỗ trợ viện phí, tặng thuốc điều trị. Mỗi người đóng góp một chút, số tiền hỗ trợ cho chị Ly và Thắm được hơn 100 triệu đồng, phần nào giúp trang trải tiền thuốc men, chi phí điều trị. Đến nay, chị Bùi Thị Thắm đã có thể quay lại làm việc tại nhà máy trong sự vui mừng của bạn bè, đồng nghiệp. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh đôi mắt chị sáng ngời khi biết Công đoàn Dầu khí có quyết định hỗ trợ cho hai công nhân Ly và Thắm. Gặp tôi chỉ nói đi nói lại được một câu: “Chị mừng quá em ạ!”.

Thời điểm nhà máy chạy thử, công tác hậu cần rất khó khăn bởi thiếu người, thiếu kinh nghiệm lo bữa ăn cho hàng trăm người. Anh em làm ca đêm những buổi đầu rất mất sức khi ăn không đủ chất, có trường hợp đã ngất xỉu trong giờ làm. Lo toan công việc hậu cần, hằng ngày, chị đến các phòng ban, phân xưởng hỏi anh chị em cán bộ, công nhân viên muốn ăn gì để lên thực đơn. Nhiều đêm chị phải thức đến gần sáng để đặt thực phẩm đảm bảo chất lượng ăn ca cho anh em làm đêm. Do khéo tính toán, thật thà lại cẩn thận trong khâu chế biến nên bữa cơm công nhân của chị Minh Châu ngày một cải thiện. Chị đã nhận được sự tin tưởng và khen tặng của cán bộ công nhân viên.

Thật thú vị khi biết chị Minh Châu thích vẽ và biết vẽ. Mặc dù chưa học hội họa bao giờ nhưng cách tạo hình của chị rất trong sáng. Trong các bức tranh của chị có sự khoáng đạt, mộc mạc của người con đất cảng, có khát vọng cho Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ sớm ngày vươn lên thành trụ cột của ngành sản xuất xơ sợi non trẻ của Việt Nam.

Tùng Dương