Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp Công đoàn cần phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân chăm lo chu đáo cho đoàn viên, người lao động phải nghỉ việc vì cách ly y tế; người lao động ở khu vực bị phong tỏa nhất là công nhân tại các khu nhà trọ, không để đoàn viên, người lao động nào bị thiếu đói.
Ông Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – đề nghị như trên trong phát biểu kết luận hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ chín (khoá XII).
Ông Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu kết luận hội nghị.
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, trong bối cảnh tình hình có những thay đổi so với dự báo, nhất là trong bối cảnh điều kiện dịch bệnh COVID – 19 xuất hiện, diễn biến ngày càng phức tạp, các cấp Công đoàn đã kịp thời, linh hoạt trong chuyển hướng hoạt động, tập trung cho nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động. Đã hình thành những giải pháp hay, cách làm mới trong triển khai, tổ chức thực hiện, đem lại hiệu quả, được đoàn viên, người lao động đón nhận, được xã hội ghi nhận. Hầu hết chỉ tiêu đều đạt, vượt và có khả năng hoàn thành khi kết thúc nhiệm kỳ…
Tuy vậy, ông Nguyễn Đình Khang cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động Công đoàn trong nửa nhiệm kỳ qua còn những tồn tại, hạn chế: Một số mặt hoạt động còn chậm đổi mới, kết quả đạt được chưa đạt yêu cầu. Việc ban hành các chương trình, nghị quyết chuyên đề thực hiện nghị quyết còn chậm. Kết quả phát triển đoàn viên tuy vượt chỉ tiêu đại hội trước 2 năm nhưng số lượng đoàn viên thực tế có xu hướng giảm thực sự là một thách thức đối với tổ chức Công đoàn, nhất là trong bối cảnh thời gian tới có nhiều yếu tố mới tác động…
“Các tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan, trong đó có nguyên nhân mới, chưa từng có từ trước tới nay như yếu tố dịch bệnh, thiên tai gay gắt… Thẳng thắn nhìn nhận thì một phần chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, từ trong nội tại của tổ chức Công đoàn” – ông Nguyễn Đình Khang nhận định.
Ông Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu, trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được thông qua, tập trung chỉ đạo cụ thể hóa thành kế hoạch triển khai ở ngành, địa phương, đơn vị đảm bảo thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Trong đó, quan tâm dành nhiều nguồn lực cho các nhiệm vụ cụ thể trọng tâm mà Ban Chấp hành đã thống nhất thông qua, đặc biệt tập trung cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở gắn với củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở để đảm bảo thực hiện thành công chỉ tiêu đến cuối năm 2023, phấn đấu cả nước có 12 triệu đoàn viên Công đoàn, đến năm 2025 phấn đấu cả nước có 13,5 triệu đoàn viên Công đoàn…
Ông Nguyễn Đình Khang một lần nữa nhấn mạnh, Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” là nội dung có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự phát triển của tổ chức Công đoàn (CĐ) trong 5 năm, 10 năm tới và xa hơn nữa, tới năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước.
Ông Nguyễn Đình Khang đề nghị bộ phận biên tập khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Ban Chấp hành để hoàn thiện, trình Đoàn Chủ tịch sớm ký ban hành làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện trong các cấp CĐ; cần tiếp tục rà soát kỹ một số nội dung trên cơ sở bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII CĐ Việt Nam, đảm bảo toàn diện, khả thi, đồng bộ, thống nhất khi triển khai thực hiện. Các ngành, địa phương cần tổ chức quán triệt nội dung của Chương trình; xây dựng văn bản phù hợp để tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, sát với thực tế tại ngành, địa phương; chủ động tham mưu với cấp ủy xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02 tại địa phương, ngành, tổng công ty; đề xuất với cấp ủy tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 02 và các nội dung liên quan đến công nhân, CĐ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết, kết luận chuyên đề về xây dựng giai cấp công nhân, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ mà Chương trình đã đề ra.
Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn
Về một số nội dung cần tập trung thực hiện nửa cuối năm 2021, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, diễn biến phức tạp hơn, các cấp Công đoàn cần chủ động bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, thường xuyên báo cáo, thông tin tình hình, diễn biến dịch với CĐ cấp trên và cấp ủy, chính quyền địa phương; triển khai các giải pháp chăm lo thiết thực cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 theo từng giai đoạn của cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh:
Tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; triển khai văn bản số 2242 ngày 14.7.2021 giữa Tổng Liên đoàn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hướng dẫn tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn cho công nhân, lao động, vừa ổn định sản xuất; nâng cao hiệu quả các Tổ an toàn COVID-19 trong doanh nghiệp, trong khu nhà trọ công nhân…
Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các địa phương có nhiều công nhân lao động trong doanh nghiệp, trong khu công nghiệp dương tính với SARS-CoV-2: Phân công cán bộ “trực chiến”; chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ các trường hợp công nhân, lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh từ nguồn lực của tổ chức Công đoàn; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân chăm lo chu đáo cho đoàn viên, người lao động phải nghỉ việc vì cách ly y tế; người lao động ở khu vực bị phong tỏa nhất là công nhân tại các khu nhà trọ, không để đoàn viên, người lao động nào bị thiếu đói.
Phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động xử lý các tình huống phát sinh kịp thời, hiệu quả, nhất là khi có ca mắc mới, ổ dịch mới cần khẩn trương thống kê, truy vết xác định các trường hợp công nhân lao động là F1, F2 để thực hiện cách ly, xét nghiệm tạm thời.
Khi dịch bệnh đã được kiểm soát, các doanh nghiệp có thể quay trở lại hoạt động, các cấp Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động triển khai các giải pháp để khôi phục sản xuất, đồng thời vẫn đảm bảo nghiêm các quy định về biện pháp phòng chống dịch tại nơi ở, nơi làm việc, không để xảy ra nguy cơ dịch bệnh bùng phát phát trở lại. Phát động phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kĩ thuật nhằm tăng năng suất lao động, góp phần khôi phục và phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Khang bày tỏ ghi nhận đóng góp của các cán bộ Công đoàn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua.“Trong bối cảnh khó khăn gay gắt với rất nhiều hiểm nguy của dịch bệnh, đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp đã và đang lăn lộn, bám cơ sở, sát cánh, ngày đêm chia sẻ, đồng hành với đoàn viên, người lao động. Cùng với các bộ, ngành y tế, lực lượng vũ trang, một bộ phận cán bộ Công đoàn Việt Nam đã trở thành lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự hy sinh, vất vả, tinh thần cống hiến của các đồng chí; chính các đồng chí là minh chứng rõ nét nhất phương châm ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn” – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xúc động nói.
Đề nghị LĐLĐ tỉnh, thành, CĐ ngành Trung ương phối hợp với Báo Lao Động thực hiện chuyên trang Công đoàn Việt Nam
Ông Nguyễn Đình Khang cũng đề nghị các cấp Công đoàn cần quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục, kịp thời nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc, kích động trong đoàn viên, người lao động, làm tốt công tác dự báo để giải quyết ngay từ đầu, ngay từ cơ sở.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị các LĐLĐ tỉnh, thành phố; CĐ ngành Trung ương phối hợp với Báo Lao Động xây dựng chuyên mục của tỉnh/ngành trên Chuyên trang Công đoàn Việt Nam để tích cực cập nhật thông tin hoạt động của các cấp Công đoàn lên chuyên trang này hàng ngày.
“Vừa qua, qua làm việc với Báo Lao Động, được biết một số tỉnh làm rất tốt, nhưng bên cạnh đó, rất nhiều địa phương làm chưa tốt. Tôi đề nghị Chủ tịch LĐLĐ các tỉnh họp Thường trực, chỉ đạo rõ Phó Chủ tịch phụ trách về tuyên giáo quan tâm hơn nữa về nội dung này. Đây chính là một cách thức, một nội dung tuyên truyền về hình ảnh của tổ chức, cán bộ CĐ để lan toả sâu trong đoàn viên CĐ cũng như toàn xã hội”- ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Theo congdoan.vn