04/10/2013 10:14:59

TS Ngô Thường San: Cần xây dựng hình tượng văn hóa dầu khí

Dấu ấn cá nhân và tinh thần tập thể, sáng tạo và đoàn kết, chân tay và trí óc, rủi ro và phần thưởng… ít có ngành nghề nào lại có những cặp “phạm trù” đối lập nhưng lại tương hỗ. Bởi thế, xây dựng Văn hóa Dầu khí, theo quan điểm của TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam là phải kết hợp hài hòa những yếu tố tưởng như độc lập với nhau đó. Hơn thế, còn phải xây dựng được những hình tượng điển hình, từ đó, nhân rộng trong toàn ngành. Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Văn hóa là phạm trù rộng, nên có thể nói xác định “nội hàm” của văn hóa Dầu khí không phải là chuyện dễ dàng. Theo ông, những tính chất, yếu tố nào góp phần tạo nên bản sắc con người Dầu khí? Văn hóa ngành Dầu khí?

TS Ngô Thường San: Trong khái niệm rộng của văn hóa, thì Văn hóa Dầu khí vẫn có những nét hoàn toàn khác với các ngành nghề khác. Khác ở chỗ, phải hội nhập văn hóa chung của thế giới, chứ không riêng lẻ, tách biệt. Nói đến Văn hóa Dầu khí, điều đầu tiên là hội nhập, giao lưu rộng rãi. Điểm thứ hai, dầu khí là một ngành công nghiệp nặng, hiện đại, do đó văn hóa thể hiện trong nhiều mặt như kỷ luật lao động, tính nguyên tắc hoặc khả năng làm việc tập thể. Trong ngành Dầu có dấu ấn cá nhân, có những người nổi trội hơn hẳn, nhưng sẽ không có thành công nếu không có tập thể.

Bởi thế, tác phong làm việc tập thể là phẩm chất riêng của ngành công nghiệp Dầu khí. Ngoài ra, còn phải biết hội nhập, giao lưu quốc tế, hình thành nên tác phong giao tiếp ở từng đơn vị để người ta hiểu mình là con người rất… công nghiệp. Trong Dầu khí, tất cả cùng thắng, không có kẻ thắng người thua, nên phải có sự minh bạch, vì lợi ích chung.

TS Ngô Thường San – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

Chủ trương xây dựng và đẩy mạnh Văn hóa Dầu khí của Tập đoàn là đúng đắn. Tuy nhiên, vấn đề là khai thác khía cạnh nào.

Lâu nay, Tập đoàn vẫn đưa ra những câu khẩu hiệu rất hay, như “Việc hôm nay không để ngày mai”, tưởng đơn giản nhưng ý nghĩa thì rất lớn. Dẫu vậy, theo tôi, ngoài những hoạt động có tính bề nổi như khẩu hiệu, văn nghệ, an sinh xã hội thì cần nhấn mạnh, chú ý nét văn hóa thứ hai, đó là là xây dựng một kỹ năng làm việc tập thể, sáng tạo, trên cơ sở nguyên tắc là kỷ luật lao động.

Bởi kỷ luật lao động không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả công việc, mà còn liên quan đến công tác an toàn, có khi hậu quả rất nặng nề. Đó là những thứ lâu nay chúng ta đã xây dựng nhưng bây giờ cần đẩy mạnh, khái quát thành văn hóa chung của toàn ngành.

PV: Hội nhập cũng là bối cảnh chung của cả đất nước và kỷ luật lao động thì bất kỳ ngành nghề nào cũng cần, vậy đâu là điểm khác biệt đặc trưng của Dầu khí, thưa ông?

TS Ngô Thường San: Tôi thấy ước mơ của đội ngũ kỹ thuật Việt Nam hiện nay là học tập sự tiến bộ, trình độ, thành tựu khoa học kỹ thuật của nước bạn, nhưng không sao chép toàn bộ nguyên bản, mà áp dụng trong điều kiện Việt Nam.

Điểm này thấy rõ nhất trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí. Và đây cũng là một trong những nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu của ngành Dầu khí. Hội Dầu khí đang tìm cách khai thác khía cạnh này. Chẳng hạn, sự sáng tạo trong vấn đề xây dựng giàn hỗ trợ, giàn khai thác kết hợp với xử lý, áp dụng công nghệ thế giới kết hợp với hoàn cảnh Việt Nam để thăm dò và khai thác những mỏ nước sâu và xa bờ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trao Bằng khen cho TS Ngô Thường San

Hay Vietsovpetro chẳng hạn. Qua quá trình tiếp cận với thế giới, chúng ta học được công nghệ của Liên Xô và đã mở rộng ra phát triển thêm. Hiện nay, các sản phẩm như cơ khí thật chính xác ta chưa làm được, vì đòi hỏi trình độ phát triển chung, nhưng những cơ khí phổ thông thì Vietsovpetro đã làm được, đang dần thay thế hầu hết những thiết bị cơ khí trong ngành Dầu khí phải nhập ngoại trước đây.

Làm dầu khí phải luôn đặt vấn đề tiết kiệm và hiệu quả đầu tư lên hàng đầu, nhưng vẫn phải nuôi ước mơ tiếp cận thành tựu thế giới, không phải để sử dụng một cách máy móc, mà sáng tạo cái riêng, làm thế nào để tự mình chế tạo nên những sản phẩm mới. Đầu tư suy nghĩ làm thế nào để phát huy sáng tạo trong khoa học công nghệ là một trong những vấn đề sống còn của ngành Dầu khí.

Ví dụ trong thiết kế giàn khoan, ngay cả công trình đã mua lại thì vẫn phải cải tạo để phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chúng ta đã trưởng thành trong khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, xây dựng ngành lọc hóa dầu, ngành công nghiệp từ khí, dịch vụ kỹ thuật công nghệ cao, thiết kế xây lắp và chế tạo thiết bị luôn đòi hỏi lao động sáng tạo. Cùng với sự phát triển của ngành, chúng ta đã làm được nhiều điều nhưng bây giờ, phải làm sao tiếp tục biến ước mơ, những sáng tạo đó thành một tập quán, một công việc tất yếu, liên tục, một nét văn hóa riêng biệt của con người Dầu khí.

Một nét độc đáo cần nói đến của ngành Dầu khí là sự hội nhập sâu rộng, đòi hỏi kỹ năng giao tiếp khi làm việc với người nước ngoài, vừa phải có hiểu biết văn hóa chung, vừa phải giữ được nét riêng của văn hóa Việt Nam. Người ta đến làm việc với mình, họ cũng cần hiểu văn hóa Việt Nam và mình phải thể hiện được những nét đẹp trong Văn hóa Dầu khí với họ.

PV: Theo ông, làm sao để khắc phục điểm yếu về tác phong công nghiệp này trong hành trình hội nhập của ta?

TS Ngô Thường San: Không phủ nhận điều đó. Có thực tế là chúng ta không thiếu những cá nhân giỏi, nhưng lại không có công trình khoa học vĩ đại. Có hai nguyên nhân: tính tập thể và sự vượt trội của người lãnh đạo. Có thể có một người lãnh đạo giỏi chuyên môn nhưng phải cần có thêm khả năng kết nối tập thể, hy sinh cái tôi cá nhân cho lợi ích tập thể. Đó là vấn đề mà chúng ta cũng đã nói rất nhiều. Làm theo nhóm không chỉ đơn giản là đi chơi cùng nhau. Mỗi người có một nhiệm vụ riêng, nhưng phải cùng nhau xây dựng mục tiêu chung của nhóm, của tập thể. Nếu chúng ta chỉ dựa vào những cuộc giao lưu gặp gỡ mà coi đó là có tinh thần đoàn kết, có khả năng làm việc theo nhóm là hiểu còn phiến diện. Làm việc theo nhóm đòi hỏi người Việt Nam phải có tinh thần hợp tác lẫn nhau.

Vì Dầu khí là một ngành khoa học tổng hợp nên cần sự hợp tác giữa nhiều nhóm. Mỗi nhóm lại có đòi hỏi riêng về chất lượng công việc và thời gian nhất định, nếu có gì không đạt hoặc lệch lạc thì sẽ để lại hậu quả nặng nề. Bởi thế, trong ngành Dầu khí, những công trình đạt chất lượng cao thành quả lớn thường là sản phẩm của một nhóm, ít khi là của một cá nhân nào đó.

Đây là đòi hỏi quan trọng về mặt nhân sự, cần xây dựng vì cũng là yêu cầu khách quan của nghề nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có yếu tố chủ quan, đó là vai trò của Tập đoàn. Tập đoàn phải xây dựng văn hóa Dầu khí, không phải đơn giản là vui chơi, hay đưa ra khẩu hiệu mà phải tạo nên chuỗi những phẩm chất để làm nên thành công chung. Tôi nghĩ trong chương trình xây dựng Văn hóa Dầu khí, ngoài bề rộng nổi phải đi vào chiều sâu. Chiều sâu đó sẽ làm nổi bật nét văn hóa của người Dầu khí, đem đến hiệu quả công việc cao hơn.

PV: Có thể xem đó là một yêu cầu tất yếu của nghề Dầu khí. Vậy thì tại sao đến bây giờ mới đặt ra vấn đề này trong tổng thể chung của văn hóa Dầu khí, thưa ông?

TS Ngô Thường San: Không phải bây giờ mới đặt ra, mà nói cho đúng là lâu nay chúng ta còn xem nhẹ nó. Lâu nay nghĩ văn hóa là bề nổi, giao lưu, vui chơi, hay trong giao tiếp phải có trình độ quốc tế, tác phong công nghiệp… Đó cũng là một khía cạnh nhưng chưa đủ. Vấn đề quan trọng nhất là đi vào chiều sâu, phải chạm tới tư duy thì mới được.

Giàn khoan của Vietsovpetro

Có nhiều nơi cũng thực hiện điều này nhưng còn mang tính chất cục bộ của từng đơn vị, chưa thành phong trào rộng khắp. Ngay Hội Dầu khí cũng phải có trách nhiệm cùng Tập đoàn xây dựng tác phong làm việc của người Dầu khí, thể hiện được tính khoa học, hiệu quả, sáng tạo, trình độ thích ứng với công nghiệp Dầu khí thế giới, phải gây dựng được điều đó. Lâu dài sẽ tiến tới sự đồng bộ chung.

PV: Nên chăng Văn hóa Dầu khí cần hình thành ngay từ khi còn là sinh viên trường Dầu khí?

TS Ngô Thường San: Đúng. Ý này rất hay. Xây dựng Văn hóa Dầu khí ngay từ khi còn là sinh viên ngành Dầu khí. Tuy nhiên, phải xây dựng tác phong không chỉ trong công việc mà còn là những tri thức đủ để đáp ứng được trình độ phát triển của ngành công nghiệp Dầu khí đang hội nhập và cạnh tranh.

PV: Vậy theo ông, lộ trình dài rộng hơn sẽ như thế nào?

TS Ngô Thường San: Tôi nghĩ đạt được mục tiêu đó không đơn giản, phải từng bước và bền bỉ. Tuy nhiên, nếu chúng ta không làm thì sự phát triển của ngành sẽ không đạt được như mong muốn của chính chúng ta. Mặc dù chúng ta đã cố gắng nhưng nếu như thế đã tự hài lòng thì chúng ta sẽ có nguy cơ bị tụt hậu.

PV: Nói vậy là ngày nào cũng phải “xây”?

TS Ngô Thường San: Và “xây” từ cấp trên xuống cấp dưới, vừa mang tính chất phong trào vừa phải đảm bảo chất lượng, chiều sâu.

PV: “Kiểm định” chất lượng bằng cách nào, khi mà văn hóa là một khái niệm trừu tượng?

TS Ngô Thường San: Tập trung vào tác phong làm việc và hiệu quả công tác. Văn hóa phải đóng góp cho hiệu quả chung của ngành.

PV: Vậy, hiệu quả chung nên hiểu thế nào, thưa ông? Ngoài hiệu quả về mặt kinh tế còn có hiệu quả gì không?

TS Ngô Thường San: Hiện nay nhiều người hiểu ngành Dầu khí còn đơn giản. Chính các bạn, Báo Năng lượng Mới, phải có trách nhiệm làm sao để dư luận hiểu rằng có được 1 tấn dầu không hề đơn giản. Lâu nay chúng ta tập trung khai thác hình ảnh người lao động Dầu khí chịu đựng gian khổ, nhưng tôi lại cho rằng, chúng ta không vất vả bằng một số nghề khác. Cốt lõi của nghề dầu khí là sự đầu tư chất xám – trí tuệ. Hiện nay chúng ta chưa thể hiện được, chưa khai thác hết khía cạnh đó. Cũng có nguyên nhân là nó quá trừu tượng. Nhà khoa học khi phát minh ra sản phẩm nào đó thì ai cũng có thể thấy, nhưng để làm nên một phát minh tốn bao nhiêu mồ hôi công sức đầu tư chất xám thế nào lại là điều cần phải làm rõ. Nếu không, người ngoài nhìn vào sẽ thấy nghề của chúng ta đơn giản là múc dầu lên bán, hay vất vả thì cũng chỉ ngâm mình dưới nước, đi biển dài ngày là cùng… Phải làm sao để người ngoài hiểu đóng góp về mặt trí tuệ. Lâu nay chỉ khai thác khía cạnh gian khổ, sự vượt trội mà chưa khai thác được khía cạnh chất xám, đầu tư trí tuệ. Và một khía cạnh khác phải nhấn mạnh: thành công trong ngành Dầu khí là thành công của khoa học công nghệ.

Có nhiều người nói ta cần gì kỹ thuật, các nước đã quá phát triển rồi mình chỉ cần đi thuê. Không phải, hiểu thế quá đơn giản, nếu chúng ta không hiểu đó là thành quả khoa học kỹ thuật của chúng ta thì sẽ hiểu phiến diện.

Đêm trên giàn khoan

PV: Thực tế thì chúng ta đã xây dựng được thành quả khoa học công nghệ chưa? Hay vẫn đang trong quá trình tiếp thu thế giới?

TS Ngô Thường San: Việc phát hiện dầu trong đá móng là một hình tượng của thành quả khoa học công nghệ. Hình tượng ở điểm, khi vào google tìm kiếm từ khóa “khai thác dầu khí trong móng” sẽ cho kết quả mỏ Bạch Hổ, người ta biết đó là thành tích của Việt Nam. Đó là niềm tự hào lớn. Không phải trước đây người ta không có dầu trong móng nhưng phát hiện mỏ dầu có trữ lượng lớn và sản lượng lớn với cường độ khai thác cao (13 triệu tấn/năm) thì chưa có tiền lệ. Điều căn bản là không chỉ phát hiện mỏ dầu lớn trong đá móng mà chúng ta còn xây dựng được phương pháp luận, xây dựng hệ phương pháp khai thác nó thế nào? Tại sao thế giới công nhận thành quả này? Một số nước, như Indonesia còn ghi rõ việc phát hiện dầu trong móng là một hướng đi mở của chính họ. Đó là hình tượng điển hình. Và để trở thành điển hình, người ta cần biết chúng ta tổ chức khai thác như thế nào mà có hiệu quả như thế. Và người ta mong muốn tìm hiểu nó. Tóm lại là để xây dựng được hệ phương pháp luận phải xuất phát từ hiểu biết, đúc kết từ thực tiễn. Việc này phải tự làm thôi. Vì chúng ta không có cơ sở về khoa học công nghệ, nên lâu nay thường là do các công ty nước ngoài đưa vào và cho chúng ta thuê. Nhẽ ra đó là “bệnh nhân” độc quyền của chúng ta, chúng ta chẩn đoán bệnh, xây dựng phác đồ điều trị, thế nhưng khi cần thuốc thì chúng ta lại không có, phải đi nhập.

Một trong những công việc sắp tới của Hội là làm thế nào phối hợp với Tập đoàn huy động được sự sáng tạo của các nhà khoa học và công nghệ trong và ngoài ngành để giải quyết những bài toán đặt ra trong sản xuất đòi hỏi có đầu tư chất xám.

PV: Người làm Dầu khí có đặc điểm là vừa lao động cả chân tay lẫn trí óc, vừa là nhà khoa học vừa là người thợ. Theo Chủ tịch, xây dựng tác phong như thế nào, xây dựng văn hóa như thế nào để thể hiện đúng con người hai trong một đó?

TS Ngô Thường San: Nếu đi đến các đơn vị, có thể thấy điều này rất rõ. Nhưng tôi muốn nói là nâng tầm lên toàn Tập đoàn, giải quyết đến nơi đến chốn, chứ không chỉ thể hiện trong từng nhóm nhỏ từng đơn vị riêng lẻ. Nói cách khác, chúng ta chưa tạo thành phong trào chung, mà cũng chưa làm nổi bật được điểm này để xây dựng nên nhiều điển hình. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải xây dựng được hình tượng. Nếu riêng lẻ trong từng đơn vị thì tầm và quy mô sẽ bị hạn chế.

PV: Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Theo PetroTimes