Sáng ngày 14/7/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm công tác lao động, người có công và thực hiện Nghị quyết số 68/NĐ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bằng hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu của cả nước.
Chủ trì hội nghị gồm có đồng chí Đào Ngọc Dung – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đồng chí Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN; đồng chí Nguyễn Thế Mạnh – Tổng Giám đốc BHXHVN và đồng chí Dương Quyết Thắng – Tổng Giám đốc Ngân hành chính sách xã hội.
Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo và cán bộ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại diện Lãnh đạo Ban/Văn phòng Tổng Liên đoàn LĐVN, Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, thành phố, Chủ tịch Công đoàn ngành Trung ương (đồng chí Nghiêm Thùy Lan, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự tại hội nghị) và Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố.
6 tháng đầu năm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động; thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến; hướng dẫn thực hiện chính sách lao động, tiền lương cho doanh nghiệp và người lao động, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đến thu nhập, tiền lương của người lao động; chăm lo đời sống người lao động gặp khó khăn.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Như vậy, so với quý I năm 2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25-54 với 75% lao động bị ảnh hưởng. Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4% (quý I là 540 nghìn người); hàng triệu lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên…
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Tại hội nghị, các đại biểu ở một số địa phương đã tập trung thảo luận những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, đặc biệt là quá trình triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Với nhiệm vụ trọng tâm hỗ trợ lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, đề nghị các địa phương và các ngành liên quan phát huy tinh thần chủ động, tích cực để việc triển khai diễn ra với tiến độ nhanh nhất, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng; Những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện cần kịp thời đề xuất để Bộ và các cấp có thẩm quyền xử lý… Các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ, giám sát quá trình triển khai ở từng địa phương.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Thời gian tới, các địa phương cần tích cực, tập trung triển khai ngay Nghị quyết số 68/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; có các giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đối với các khu công nghiệp chỉ thật sự an toàn mới tiến hành sản xuất, kinh doanh và thực hiện phương châm 3 tại chỗ (nghỉ tại chỗ, ăn tại chỗ và sản xuất tại chỗ); thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và thực hiện cứu trợ đột xuất…
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN phát biểu về sự phối hợp với một số bộ, ban, ngành Trung ương cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện các nội dung trên của Chính phủ và tiếp tục chỉ đạo Ban/Văn phòng Tổng Liên đoàn LĐVN, Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương,… thực hiện tốt Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Sau khi hội nghị trực tuyến kết thúc. Đồng chí Nghiêm Thùy Lan, Chủ tịch CĐ DKVN đã chỉ đạo Ban CSPL&QHLĐ tiếp tục hướng dẫn các Công đoàn trực thuộc và hỗ trợ người lao động khó khăn do dịch bệnh Covid-19 như người lao động bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, thu nhập thấp, tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ chờ việc… và hướng dẫn cho các Công đoàn trực thuộc phối hợp cùng người sử dụng lao động tại một số đơn vị gặp khó khăn trong SXKD vay vốn ưu đãi để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất tại Ngân hành chính sách xã hội với lãi suất 0% theo tinh thần Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Nguyễn Văn Sỹ
Phó trưởng Ban CSPL&QHLĐ, CĐ DKVN