15/10/2013 10:13:39

Phan Gia Tiểu Cầm – Đam mê nghiên cứu khoa học

Được làm việc trong Viện Dầu khí Việt Nam – Tổ chức khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước về lĩnh vực Dầu khí là niềm mơ ước của nhiều cán bộ trẻ.

1

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trao giải thưởng Tài năng sáng tạo nữ cho chị Phan Gia Tiểu Cầm.

Chị Phan Gia Tiểu Cầm cũng đã rất hạnh phúc khi được tuyển dụng. Tốt nghiệp Khoa công nghệ lọc, hoá dầu Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, chị luôn mong ước mình sẽ có được công việc đúng với ngành nghề mình lựa chọn. Với tấm bằng loại ưu, chị đã được nhận vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chế biến Dầu khí (PVPro) – đơn vị thành viên của Viện dầu khí Việt Nam. Niềm đam mê nghiên cứu khoa học của cô gái trẻ đã được toả sáng khi được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp có đội ngũ cán bộ đi trước có chuyên môn cao. Kinh nghiệm, độ chín của thế hệ cha anh cũng với niềm đam mê, khát vọng cống hiến đã tạo đà cho chị có bước trưởng thành nhanh chóng. Hơn 10 năm làm việc, giờ đây chị đã đang đảm nhận vị trí Trưởng phòng Mô phỏng Công nghệ thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển chế biến Dầu khí (PVPro), thuộc Viện Dầu khí Việt Nam và đã thực hiện thành công 4 đề tài cấp ngành với số điểm khá giỏi. Các đề tài do chị thực hiện đều có ý nghĩa thực tiễn lớn và có giá trị kinh tế cao, đó là đề tài ” Nghiên cứu khả năng đa dạng hoá sản phẩm để nâng cao hiệu quả của Nhà máy Đạm Cà Mau, ”Nghiên cứu định hướng sản xuất các sản phẩm hoá dầu tại Việt Nam (chất trung gian, sản phẩm cuối) từ nguồn nguyên liệu khí giai đoạn 2011- 2015”, ”Nghiên cứu khả năng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ETBE từ nguồn nguyên liệu trong nước”, đặc biệt tháng 6 năm 2010, đề tài ”Định hướng sử dụng hiệu quả BTX (Benzen, Toluen, Xylen) từ các nhà máy lọc, hoá dầu Việt Nam” do chị thực hiện đã được Hội đồng xét duyệt nghiệm thu cấp ngành cho điểm giỏi. BTX là các hợp chất trung gian quan trọng có giá trị thương  mại cao trong công nghiệp hoá dầu, là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng của các ngành công nghiệp nhựa, xơ sợi và hoá chất như sản xuất các sản phẩm styren (SM- Styrene Monomer), Polystyren (PS- Polystyrene), LAB (Linear Alkyl Benzene), nhựa ABC (Acrylonitril Butadiene Styrene), dung môi, xơ sợi tổng hợp, nhựa Alkyd… các sản phẩm này sẽ tiếp tục là đầu vào trực tiếp cho các ngành dệt may, xây dựng, bao bì, sản xuất xà phòng… phục vụ trực tiếp nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân.

Tính thực tiễn cao của đề tài mà chị đã bảo vệ thành công sẽ là cơ sở, yếu tố quan trọng để ngành Dầu khí có những bước tiến xa hơn. Cụ thể, dựa trên kết quả của đề tài, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã sử dụng để nghiên cứu và đề xuất các dự án lọc dầu, hoá dầu tiềm năng trong báo cáo ”Chiến lược tăng tốc phát triển của Tập đoàn Dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025”. Đây chính là sự công nhận quan trọng nhất, rõ ràng nhất đối với kết quả mà chị đã dày công nghiên cứu. Những khó khăn vất vả của chị trong suốt thời gian thực hiện đề tài, giờ đây đã kết thành những trái ngọt thành công.

Chia sẻ về những đóng góp do công trình đề tài này mang lại, chị Phan Gia Tiểu Cầm cho biết: Đề tài đã đưa ra được phương án khả thi, đề xuất phương án thích hợp nhất và lộ trình đầu tư tương ứng đến năm 2025 để sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu BTX từ các nhà máy lọc dầu, hoá dầu trong nước, góp phần gia tăng giá trị của các sản phẩm lọc dầu hoá dầu và tạo tiền đề phát triển các ngành công nghiệp trong nước.

Thực hiện thành công đề tài ”Định hướng sử dụng hiệu quả BTX (Benzen, Toluen, Xylen) từ các nhà máy lọc, hoá dầu Việt Nam”, một lần nữa chị khẳng định những đóng góp của chị em phụ nữ nói chung, chị em ngành Dầu khí nói riêng đối với công tác nghiên cứu khoa học của ngành và sự phát triển kinh tế đất nước. Kết quả đó cũng khẳng định ý chí quyết tâm, tinh thần làm chủ và khả năng sáng tạo của lao động nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đánh giá về những kết quả chị em làm công tác khoa học ngành Dầu khí đã đạt được, TS Phan Ngọc Trung – Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam quả quyết: “Những cố gắng và thành tích của các chị đã góp phần vào sự phát triển của Viện Dầu khí Việt Nam. Điều đáng mừng là số công trình và chất lượng công trình của chị em phụ nữ trong Viện đang tăng đáng kể, một số đề tài khó đã được chị em đảm nhận. Chính những kết quả này đã góp phần nâng cao địa vị lao động nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời kỳ mới”. Với những kết quả đạt được, chị Tiểu Cầm đã vinh dự là một trong 20 cá nhân tiêu biểu trong cả nước được Tổng LĐLĐVN tặng giải thưởng Tài năng sáng tạo nữ năm 2013 vào tối ngày 24 tháng 9 vừa qua. Giải thưởng mà chị Cầm được nhận lần này đã nối dài thêm nhiều danh hiệu chị đã được khen thưởng trong nhiều năm qua, đó là Bằng khen của Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (các năm 2007, 2009, 2010), Bằng khen của Bộ Công Thương (năm 2010), danh hiệu chiến sĩ thi cơ sở (các năm  2009, 2010, 2011, 2012), danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ Công thương (giai đoạn 2009 – 2011)…

Chia sẻ về những thành công của mình, chị Cầm cho biết: Để có được những thành công ấy, trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm sát sao, thiết thực của Lãnh đạo Viện, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí (PVPro) cũng như các cấp công đoàn ngành Dầu khí. Các đồng chí đã có nhiều hình thức động viên, khen thưởng, biểu dương để cổ vũ chúng tôi, giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đáp lại những tình cảm đó, tôi cố gắng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của bao thế hệ cán bộ nghiên cứu khoa học Ngành Dầu khí; không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để mãi mãi xứng đáng là những thành viên xung kích nhất đóng góp vào sự lớn mạnh của ngành Dầu khí cũng như của đất nước.

Lê Thị Nhường