Nhân kỷ niệm 22 năm Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố (GPP Dinh Cố) được khánh thành và đi vào vận hành chính thức (9/7/1999 – 9/7/2021), Ban Biên tập xin điểm lại những cột mốc đáng nhớ trong quá trình hình thành và phát triển của Nhà máy, công trình khí đầu tiên trên bờ của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ngày 4/10/1997, nhà máy sản xuất khí hóa lỏng đầu tiên của Việt Nam được khởi công xây dựng theo hợp đồng ký ngày 4/9/1997 giữa Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí (tiền thân của PV GAS) và Tổ hợp Samsung Engineering Company Ltd. (Hàn Quốc) cùng Công ty NKK (Nhật Bản) dưới sự tư vấn của Công ty Brown & Roots, bằng phương thức trọn gói EPCC.
Ngày 3/7/1999, Nhà máy được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu, cho phép đưa vào sử dụng.
Ngày 9/7/1999, Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố chính thức vận hành. GPP Dinh Cố là nhà máy xử lý khí đầu tiên của Việt Nam ứng dụng, chuyển giao các công nghệ hiện đại trong đầu tư xây dựng công trình khí với các thiết bị kỹ thuật hiện đại được chọn mua từ những nước có trình độ khoa học tiên tiến như Turbo Expander, hệ thống điều khiển DCS…
Nhà máy được vận hành theo quy trình công nghệ kỹ thuật cao, đồng bộ tự động hóa. Các phần mềm quản lý giúp quá trình giám sát hoạt động sản xuất của nhà máy được chặt chẽ và hiệu quả hơn. Việc ứng dụng Turbo Expander để tăng cường thu hồi sản phẩm lỏng trong chế độ vận hành GPP được xem là một trong những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trong ngành Dầu khí lúc bấy giờ. Cho đến nay, các hệ thống thiết bị, công nghệ này vẫn không bị lạc hậu và tiếp tục hoạt động ổn định, đem lại hiệu quả cao.
Ngoài ra, các hạng mục đã đầu tư giai đoạn trước (sẵn có một số đầu chờ) giúp dễ dàng nâng cấp nhà máy như tăng áp suất khí đầu vào, cho chạy by-pass nhà máy, để cấp khí khi nhà máy dừng bảo dưỡng sửa chữa, nâng cấp… giảm thiểu dừng đốt bỏ khí.
Sản phẩm lỏng đầu tiên của Nhà máy được cung cấp cho Saigon Petro ngày 22/10/1998 là 1,3 tấn condensate. Do condensate mỏ Bạch Hổ có hàm lượng lưu huỳnh và aro[1]mat rất thấp nên xăng sản xuất được có chất lượng cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Quan trọng hơn, đây là nguồn xăng được sản xuất đầu tiên ở trong nước tại điều kiện đất nước ta đang phải nhập khẩu 100% loại nhiên liệu này, góp phần vào việc giảm lượng ngoại tệ nhập khẩu xăng trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Đây cũng là một đóng góp vô cùng to lớn của Nhà máy cũng như của ngành Khí cho đất nước.
Nhà máy Xử lý Khí Dinh Cố |
Ngày 12/12/1998, Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố cung cấp 200 tấn LPG đầu tiên cho hai khách hàng là VT Gas và Saigon Petro.
Ngày 8/5/1999, 1.750 tấn LPG của Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố đã có mặt trên thị trường. Trước đây, toàn bộ LPG tiêu thụ trong nước phải nhập khẩu từ nước ngoài, chỉ tính riêng năm 1998 đã phải nhập khoảng 170 nghìn tấn, trị giá trên 34 triệu USD. Đây là một số tiền không nhỏ trong khi nước ta đang phải chắt chiu từng đồng ngoại tệ. Giá LPG cũng phụ thuộc vào giá nhập khẩu và do một số doanh nghiệp độc quyền quyết định.
Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố đi vào hoạt động đã góp phần bình ổn giá và kích thích nhu cầu sử dụng LPG thay cho các loại nhiên liệu truyền thống, giảm nạn phá rừng và hạn chế ô nhiễm môi trường. Thời gian đầu, việc vận chuyển LPG đều phải thuê tàu nước ngoài, cho tới khi Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam có được một đội tàu chuyên dụng, đáp ứng toàn bộ nhu cầu vận chuyển LPG, từ đó chủ động hoàn toàn trong việc vận chuyển sản phẩm, không còn phụ thuộc vào nước ngoài.
Cho đến nay, tại Việt Nam, nguồn LPG từ GPP Dinh Cố vẫn đóng vai trò là nguồn cung LPG nội địa quan trọng bên cạnh nguồn cung từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và GPP Cà Mau, cung cấp phần lớn nhiên liệu phục vụ cho nhu cầu dân dụng, dân sinh và phục vụ một số ngành có yêu cầu cao về chất lượng như công nghệ gốm sứ, thủy tinh, điện tử và cắt hàn của ngành công nghiệp đóng tàu thủy…
Từ năm 2000, khi mỏ Rạng Đông chuẩn bị bước vào khai thác, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã đàm phán mua khí với chủ mỏ và chỉ đạo PV GAS làm chủ đầu tư đường ống thu gom khí Rạng Đông khoảng 1,6 triệu m3/ngày về đường ống Cửu Long. Việc tăng lưu lượng khí về bờ làm áp suất khí đầu vào GPP Dinh Cố giảm mạnh. Với yêu cầu đó, PV GAS đã lập kế hoạch và phối hợp với nhà thầu JVPC, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro và Công ty PTSC thực hiện thành công Dự án trạm nén tăng áp tại Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố. Dự án giúp nâng cao công suất của Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố lên 5,7 triệu m3/ngày.
Từ tháng 7/2017, Dự án cấp bù khí ẩm Nam Côn Sơn sang GPP chính thức đi vào hoạt động với công suất cấp bù tối đa 5,7 triệu m3/ngày (2 nhánh), góp phần duy trì công suất, hiệu quả hoạt động của GPP trong tình hình khí ẩm Cửu Long ngày càng sụt giảm.
Ngày 20/3/2018, Dự án nâng cao hiệu suất thu hồi LPG chính thức vận hành, góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả thu hồi sản phẩm lỏng của GPP Dinh Cố (từ 75-78% lên 82-85%).
Ngày 9/7/2019, ghi dấu 20 năm Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố đi vào vận hành chính thức. Trong 20 năm, Nhà máy đã sản xuất ra 5,9 triệu tấn LPG và 1,83 triệu tấn condensate. Việc cung ứng LPG với khối lượng lớn ra thị trường đã dần làm thay đổi thói quen sử dụng nhiên liệu trong các hộ gia đình, hộ tiêu thụ công nghiệp từ than/củi/DO/FO sang nhiên liệu LPG sạch, dễ sử dụng và thân thiện với môi trường; đồng thời tiết kiệm một lượng rất lớn ngoại tệ cho đất nước (thay vì phải nhập khẩu) trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn của những năm cuối thế kỷ XX. Nguồn lợi thu được hằng năm từ các sản phẩm của Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố luôn chiếm tỷ trọng từ 20-35% lợi nhuận toàn Tổng Công ty Khí Việt Nam, góp phần rất quan trọng trong sự lớn mạnh nhanh chóng của Tổng Công ty.
P.V