02/07/2021 2:28:52

Giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho ngành năng lượng Việt Nam trong đại dịch Covid-19

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường về việc “Báo cáo ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sản xuất, kinh doanh của các DN ngành năng lượng và đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ”. CĐ DKVN xin đăng nội dung các kiến nghị nêu trên.

Đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và của các doanh nghiệp trong ngành năng lượng nói riêng. Các đơn vị trong ngành năng lượng đã có văn bản gửi VEA đánh giá về các tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; các giải pháp đang áp dụng để ứng phó trước tác động của dịch Covid-19; đánh giá mức độ tác động của các gói hỗ trợ đã được thụ hưởng tới tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và các khó khăn, vướng mắc chính hiện nay cần được tháo gỡ. VEA tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan như sau:

I. Về các tác động của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp:

1. Đối với doanh nghiệp ngành điện:

Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đó, đối với các dự án đang trong giai đoạn thi công xây lắp: Khó khăn trong việc huy động nhân lực địa phương, hạn chế đi lại của lao động liên quan đến các dự án. Đối với các dự án đang thực hiện cung cấp lắp đặt thiết bị: Ảnh hưởng liên quan đến lao động nước ngoài theo yêu cầu một số hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị (đặc biệt các thiết bị nhập khẩu từ các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc…), các gói thầu cung cấp vật tư thiết bị yêu cầu phải có chuyên gia của hãng sản xuất, giám sát lắp đặt tại công trường (nếu không, các nhà cung cấp sẽ không chịu trách nhiệm về các hư hỏng xảy ra, không thực hiện bảo hành bảo trì thiết bị theo hợp đồng). Còn đối với các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư: Công tác thẩm tra, phê duyệt bị ảnh hưởng do việc hạn chế đi công tác và tổ chức họp thẩm tra thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước bị kéo dài thời gian.

Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành điện: Do nhiều khách sạn, nhà hàng ngừng hoạt động; nhiều khách hàng công nghiệp lớn ngừng, hoặc hạn chế sản xuất do các nguyên nhân: Thực hiện giãn cách xã hội; khó khăn trong việc xuất khẩu, thiếu hụt nguyên, vật liệu nhập khẩu… dẫn đến nhu cầu điện giảm thấp.

Năm 2020, sản lượng điện sản xuất đạt 247 tỷ kWh, tăng 2,9% so với năm 2019, thấp hơn 5,5% so với kế hoạch năm đã được phê duyệt; điện thương phẩm đạt 217 tỷ kWh, tăng 3,42% so với năm 2019 và bằng 94,73% kế hoạch năm. Đặc biệt, cấp cho thương mại – khách sạn – nhà hàng là thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh Covid-19, nên giảm 11,62% so với năm 2019.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 104,66 tỷ kWh, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; cao hơn mức tăng năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn so với giai đoạn 2016 – 2019 (giai đoạn này có tốc độ tăng bình quân là 10,2%/năm).

2. Đối với doanh nghiệp ngành than:

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành than những tháng đầu năm 2021 chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp tại một số địa phương, trong đó có Quảng Ninh – địa bàn trọng yếu của các đơn vị ngành than, do đó khai thác than giảm.

Bên cạnh đó, do nhu cầu tiêu thụ than của các hộ sản xuất giảm, các đơn vị ngành than khai thác cầm chừng nhằm giảm tồn kho, bảo đảm cân đối tài chính. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng than sạch ước đạt 17,1 triệu tấn, giảm 2,8% so với cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành than năm 2021 gặp nhiều khó khăn, ngoài việc có liên quan đến công tác tiêu thụ than cho sản xuất điện, còn có nguyên nhân do việc cấp phép khai thác các dự án khai thác và chế biến khoáng sản, việc sử dụng đất sau khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản… còn gặp nhiều vướng mắc; thu nhập cán bộ, công nhân viên ngành than trong đại dịch Covid-19 bị giảm sút, đặc biệt là công nhân hầm lò, mặc dù ngành than đã có nhiều nỗ lực giải quyết.

3. Đối với doanh nghiệp ngành dầu khí:

Ngành công nghiệp dầu khí thế giới nói chung và ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam nói riêng đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn khi phải đương đầu với tác động kép: Dịch Covid-19 lan rộng tác động nặng nề đến nhiều nền kinh tế và giá dầu lao dốc mạnh.

Hoạt động khai thác dầu khí nước ta trong tình trạng giá dầu xuống thấp cho thấy thiệt hại về kinh tế là rõ ràng, những điểm lợi từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp được. Hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm.

Hiện tại tồn kho xăng, dầu của các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn có xu hướng tăng nhanh khi các khách hàng lùi lịch nhận hàng do tình hình tiêu thụ và sức chứa khó khăn. Tình hình sản xuất xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thua lỗ tăng cao nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát trong thời gian tới. Các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn chủ yếu nhập dầu thô từ các nước ngoài để về chế biến, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên lượng dầu nhập về bị hạn chế cũng là một khó khăn lớn.

II. Các giải pháp doanh nghiệp đang áp dụng để ứng phó trước tác động của dịch Covid-19:

1. Đối với doanh nghiệp ngành điện:

Tăng cường công tác phòng chống dịch tại nơi làm việc, rà soát phòng dịch cho toàn thể cán bộ công nhân viên; xây dựng và triển khai phương án làm việc từ xa, trực vận hành tại chỗ sau ca làm việc; thực hiện hội nghị truyền hình, họp trực tuyến, hệ thống E-Office, EVNPortal và các hệ thống phần mềm dùng chung… đã đóng vai trò quan trọng giúp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thích ứng với tình hình bình mới, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội.

Đối với đảm bảo cung ứng điện, EVN và các đơn vị xây dựng, thực hiện tốt các kịch bản dự báo, các phương án đảm bảo các hoạt động trong tất cả các khâu sản xuất, truyền tải và kinh doanh phân phối điện; chủ động phương án đảm bảo nhiên liệu, vật tư, thiết bị cho sản xuất, cung ứng điện; thiết lập các kênh liên lạc nóng với các đối tác, các nhà thầu, đặc biệt các nhà thầu nước ngoài trong quá trình triển khai đầu tư các dự án điện.

Về hỗ trợ giảm giá, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện: Nhằm chia sẻ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt với khách hàng do ảnh hường của dịch bệnh Covid-19, EVN đã chủ động báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt với tổng số tiền khoảng 12.300 tỷ đồng.

EVN đang tổ chức thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2/6/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3) cho các khách hàng sử dụng điện. Theo ước tính của EVN, số tiền hỗ trợ giảm giá điện cho khách hàng và cơ sở lưu trú du lịch khoảng 1.470 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT) và số tiền hỗ trợ giảm tiền điện cho các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 khoảng 100 tỷ đồng trong đợt 3 này.

2. Đối với doanh nghiệp ngành than:

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, dự báo nhu cầu sử dụng than năm 2021 của các nhà máy nhiệt điện than có thể đạt ở mức thấp, các doanh nghiệp ngành than dự kiến điều hành sản xuất, kinh doanh theo hai phương án: Kịch bản thấp và kịch bản cao để đảm bảo hiệu quả sản xuất. Đồng thời, bám sát tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng than của các hộ tiêu thụ trong các tháng cuối năm; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan để xây dựng, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh các tháng cuối năm, bảo đảm khả năng thực hiện được các chỉ tiêu được giao trong năm 2021, hiệu quả, an toàn trong sản xuất, kinh doanh.

Ngành than đã xác định một số giải pháp như:

(i) Tăng cường công tác quản lý, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức sản xuất;.

(ii) Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh.

(iii) Nghiên cứu, đổi mới sáng tao, ứng dụng mạnh mẽ và phát triển bền vững dựa trên khoa học – công nghệ.

(iv) Đẩy mạnh đầu tư, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm.

(v) Phát triển nguồn nhân lực, chú trọng công tác an sinh xã hội và tăng cường công tác bảo vệ môi trường…

3. Đối với doanh nghiệp ngành dầu khí:

PVN đã đề ra các giải pháp ứng phó với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm đột biến. PVN và các đơn vị đã khẩn trương xây dựng quy định nội bộ trong toàn Tập đoàn nhằm quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ dịch Covid-19 một cách an toàn, không để gián đoạn. Mặt khác, các đơn vị tập trung rà soát công việc, tăng cường quản trị, triển khai các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa ra các kịch bản đối phó với từng tình huống giá dầu xuống thấp nhất.

Các đơn vị trong Tập đoàn cũng đã tăng cường chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường… nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động trong cả chuỗi giá trị của Tập đoàn. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp nhằm tháo gỡ thị trường, tối ưu nguồn lực của các bên để cùng cộng sinh vượt qua các khó khăn hiện tại.

Đặc biệt, các đơn vị của PVN đã tính toán trên cơ sở công suất chứa khả dụng hiện tại, xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu thấp làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại. Cách làm này vừa gia tăng dự trữ dầu thô, tăng cường đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Ngoài các đơn vị nêu trên, các đơn vị khác trong ngành năng lượng Việt Nam như các doanh nghiệp cơ khí, xây lắp điện, xây dựng nhà máy, cung cấp vật tư thiết bị cho các dự án… đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-1. Mặc dù Hiệp hội đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị cần điều chỉnh một số quy định của các bộ: Xây dựng, Công Thương, Tài chính về đơn giá định mức trong xây lắp điện, xây dựng nhà máy điện, đền bù tái định cư đã quá lạc hậu so với thời điểm hiện tại, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục trong lúc giá thị trường hiện tại đã tăng rất cao, như sắt thép tăng trên 400%… lại cộng thêm đại dịch Covid-19 tạo nên gánh nặng to lớn, nên các doanh nghiệp khó vượt qua.

III. Đánh giá mức độ tác động của các gói hỗ trợ tới tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp:

Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp trong ngành năng lượng nói riêng như đã phân tích ở trên.

Ngay khi dịch bùng phát, từ cuối quý 1 và đầu quý 2 năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành đã thông qua nhiều gói hỗ trợ, từ chính sách tài khóa và tiền tệ như: Giãn nộp thuế, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, đến những gói hỗ trợ trực tiếp. Ước tính có gần 100 văn bản từ cấp trung ương đến địa phương quy định về các chính sách hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực như: Giá dịch vụ, tiền thuê đất, thuế – phí – lệ phí, vốn – tín dụng, lao động – bảo hiểm xã hội… Tuy nhiên, theo báo cáo của các đơn vị thành viên Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Điều này cho thấy, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng bộ, chưa sát với các doanh nghiệp của ngành năng lượng, cần được khắc phục trong thời gian tới – bởi việc hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình hiện nay có yêu cầu cấp bách. Theo chúng tôi, những giải pháp linh hoạt, cụ thể cần được thực hiện để tháo gỡ khó khăn và tiếp sức cho doanh nghiệp, tạo niềm tin của doanh nghiệp vào một Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, tạo nên một khí thế mới trong bối cảnh đầy thử thách như hiện nay.

Với những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp, Hiệp hội tin tưởng rằng, ngành năng lượng Việt Nam sẽ sớm phục hồi để phát triển trong thời gian tới.

IV. Các đề xuất, kiến nghị:

Với chỉ một thử thách vào các ngày nắng nóng tháng 6/2021 vừa qua đã có nhiều thời điểm phụ tải đỉnh của hệ thống điện tăng cao (Pmax trên 42.000 MW), cung không đủ cầu, có thời điểm phải tiết giảm phụ tải, đã thể hiện ngành năng lượng đang đứng trước nguy cơ không đảm bảo an toàn cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Điều này, đòi hỏi các dự án nguồn và lưới điện phải đảm bảo đúng tiến độ theo quy hoạch và nhu cầu cung cấp đủ nhiên liệu năng lượng sơ cấp (than, khí…) cho phát điện là thực tế cấp thiết.

Mặc dù các doanh nghiệp ngành năng lượng đều đang nỗ lực, chủ động trong việc ứng phó với tác động của dịch Covid-19, đồng thời đề ra các giải pháp quyết liệt ứng phó nhằm duy trì và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh khó lường như hiện nay, bên cạnh sự chủ động nắm bắt tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó, các doanh nghiệp ngành năng lượng vẫn rất cần có sự hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm vượt qua các thách thức trong thời điểm hiện tại. Hiệp hội Năng lượng có các đề xuất kiến nghị như sau:

1. Đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ:

1.1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp vì hiện nay hầu hết các doanh nghiệp từ quy mô nhỏ đến các tập đoàn kinh tế lớn đều đang gặp khó khăn. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tăng quy mô, các đối tượng và số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng từ các gói hỗ trợ của Chính phủ.

1.2. Chấp thuận bảo lãnh Chính phủ để vay vốn đối với các dự án trọng điểm, cấp bách trong ngành năng lượng.

1.3. Sớm xem xét, phê duyệt đề án Quy hoạch điện VIII làm cơ sở cho việc triển khai các dự án nguồn, lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

1.4. Chỉ đạo các địa phương hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn và lưới điện, nhất là các công trình điện cấp bách.

1.5. Tiếp tục duy trì quyền quản lý và điều hành của nhà nước đối với hạ tầng khí đốt quốc gia, đặc biệt là hệ thống đường ống dẫn khí trục; hạ tầng truyền tải điện quốc gia, đặc biệt là các đường trục 500 kV, 220 kV nhằm đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng quốc gia.

1.6. Giao Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới, hoặc phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến lĩnh vực năng lượng (Quy hoạch điện quốc gia; Quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia…) đảm bảo phát triển ngành năng lượng bền vững, hiệu quả và đồng bộ.

1.7. Đề nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án khai thác, thu gom khí trong nước được xác định mang tính thực hiện nhiệm vụ chính trị, khẳng định chủ quyền biển đảo, từ đó cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, đảm bảo giá khí đầu ra (giá thu gom, cước phí) không thấp hơn giá thành.

1.8. Đề nghị chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan cần ban hành, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, định mức, chế tài… trong ngành công nghiệp khí trước khi hình thành thị trường cạnh tranh; đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, có sự kiểm soát, điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước.

2. Đề xuất, kiến nghị với Bộ Công Thương:

2.1. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách đối với ngành công nghiệp năng lượng, bảo đảm phù hợp Quy hoạch, Chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng theo cơ chế thị trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng.

2.2. Theo dõi, giám sát và cập nhật thường xuyên tình hình cung cấp điện của hệ thống điện quốc gia; chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia định kỳ hàng tháng công bố thông tin về dự kiến kế hoạch huy động các loại nguồn điện, bảo đảm hiệu quả kinh tế và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện.

2.3. Đề nghị xem xét, tăng tỷ lệ các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện.

2.4. Đề nghị xem xét, điều chỉnh tăng tỷ lệ điện năng thanh toán theo giá hợp đồng tối đa theo quy định đối với Nhiệt điện An Khánh để góp phần ổn định doanh thu, giá bán điện và đảm bảo nguồn thu trả nợ nước ngoài đúng hạn.

2.5. Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, như:

– Đẩy mạnh thực hiện Chương trình Quản lý nhu cầu điện (DSM), Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

– Hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn khí Lô B, Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện đồng bộ tại các Trung tâm Điện lực: Ô Môn, Dung Quất – Chu Lai.

2.6. Phối hợp với các địa phương có liên quan nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh các dự án lưới truyền tải điện, đặc biệt là các công trình lưới điện trọng điểm, cấp bách đã gặp vướng mắc kéo dài, như:

– Đường dây 500 kV đoạn Vũng Áng – Dốc Sỏi.

– Đường dây 500 kV Tây Hà Nội – Thường Tín.

– Các đường dây 220 kV: Nghĩa Lộ – Việt Trì (Yên Bái, Phú Thọ); Hải Dương – Phố Nối (Hải Dương – Hưng Yên); Tháp Chàm – Nha Trang (Ninh Thuận – Nha Trang); Kiên Bình – Phú Quốc (Kiên Giang); Đông Hà – Lao Bảo (Quảng Trị), Mường Tè – Lai Châu (Lai Châu).

– Các đường dây 500 kV: Mỹ Tho – Đức Hòa; Sông Hậu – Đức Hòa; các đường dây đấu nối 500/220 kV vào trạm 500 kV Đức Hòa.

3. Đề xuất, kiến nghị với Bộ Tài chính:

Để hỗ trợ ngành dầu khí vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đề nghị Bộ Tài chính rà soát lại các chính sách thuế, phí đối với lĩnh dầu khí nhằm kịp thời giải quyết, hoặc đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền tháo gỡ kịp thời cho PVN và các đơn vị thành viên, như vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân bón, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với hoạt động khai thác dầu khí, cơ chế tài chính cho Quỹ tìm kiếm thăm dò cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí…

4. Đề xuất, kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Tiếp tục hỗ trợ EVN và các đơn vị giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi đất rừng để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án điện./.

Theo Năng lượng Việt Nam