26/06/2021 12:10:31

PGS.TS Trần Đắc Phu: “Không có lý do gì để không tiêm vắc xin AstraZeneca”

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 càng sớm càng tốt, không nên có tâm lý chờ đợi vắc xin khác.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết vắc xin phòng Covid-19 về Việt Nam chưa nhiều, chưa đủ để tiêm cho toàn dân. Hiện nay, Bộ Y tế đang ưu tiên cho vùng có dịch, vùng nguy cơ cao và những đối tượng được ưu tiên theo nghị quyết 21 của Chính phủ.

“Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 càng sớm càng tốt. Tiêm vắc xin Covid-19 vừa là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm để đạt miễn dịch cộng đồng”, TS Phu nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu: Không có lý do gì để không tiêm vắc xin AstraZeneca - 1

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế.

Tương tự với vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, được tiêm là cơ hội nên người dân không được chậm trễ. Vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca đã được Tổ chức Y tế Thế giới tiền thẩm định, được cung cấp qua cơ chế COVAX facility để cung cấp cho các quốc gia. Hiện nay hàng chục nước cũng đang dùng vắc xin này.

Hiệu lực bảo vệ của AstraZeneca theo báo cáo của các nhà sản xuất là đạt khoảng 76%. Tuy vậy, cũng có quốc gia báo cáo khoảng trên 60%. Hiện nay chưa có báo cáo về việc vắc xin này không có hiệu quả với chủng virus Delta từ Ấn Độ.

“Vì thế, không có lý do gì để chúng ta không tiêm vắc xin này. Không những thế trước khi tiêm, người dân cũng được cán bộ y tế khám sàng lọc. Quan điểm của Bộ Y tế là tiêm vắc xin đến đâu an toàn đến đó”, TS Phu nói.

Theo chuyên gia, các vắc xin Covid-19 khác nhau có những hiệu quả phòng bệnh khác nhau có loại đạt trên 90% nhưng cũng có loại chỉ đạt trên 60%. Tuy vậy chắc chắn việc tiêm vắc xin Covid-19 sẽ làm giảm nhẹ được triệu chứng mắc bệnh nặng cũng như giảm tỷ lệ tử vong.

PGS.TS Trần Đắc Phu: Không có lý do gì để không tiêm vắc xin AstraZeneca - 2

“Vắc xin nào cũng có phản ứng từ nhẹ đến nặng, tương tự với vắc xin của AstraZeneca. Vì thế người dân không nên có tâm lý chờ vắc xin khác”, TS Phu nhấn mạnh.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cũng cho biết tỷ lệ gặp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca của Việt Nam tương đương như thế giới công bố, nhưng phần lớn các ca đều được cấp cứu thành công, người bệnh sau đó trở lại cuộc sống bình thường.

Với phản ứng phụ liên quan đông máu sau tiêm, trên thế giới, với vắc xin AstraZeneca, phản ứng này có tỉ lệ từ 1-4 phần triệu. Theo đó, một triệu người tiêm thì có 1-4 người có biểu hiện rối loạn đông máu thể hiện bằng huyết khối, tắc mạch, giảm tiểu cầu.

Tại Việt Nam, đến nay chưa gặp trường hợp nào có biểu hiện về tình trạng huyết khối, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu.

Đến nay, Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện cho 4 loại vắc xin Covid-19 bao gồm: Comirnaty của Pfizer, A2D1222 của AstraZeneca, Sputnik-V của Gamaleya, Vero-Cell của Sinopharm cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, vắc xin Moderna cũng đang trong quá trình xem xét phê duyệt.

Vắc xin phòng Covid-19 đang được tiêm chủ yếu tại nước ta là vắc xin của AstraZeneca. Theo Bộ Y tế, trong số những người đã được tiêm khoảng 14-20% có phản ứng sau tiêm. Tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thủ tướng: “Không lựa chọn vắc xin, có loại nào dùng ngay loại đó”

Đây là yêu cầu Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 mới đây.

Theo nội dung trong thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp này, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vắc xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Ông giao Bộ Y tế giữ vai trò đầu mối tiếp cận các nguồn vắc xin, quản lý chất lượng vắc xin, bảo đảm công khai, minh bạch, không để cạnh tranh giữa Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đàm phán, mua vắc xin.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong việc mua và cung cấp vắc xin.

Đáng lưu ý, Thủ tướng nhắc phải thông tin khách quan về việc tiếp cận bình đẳng tiêm các loại vắc xin khác nhau, tránh tình trạng, tâm lý chờ đợi, lựa chọn vắc xin, có loại nào phải dùng ngay loại đó, tinh thần là kịp thời, an toàn, hiệu quả.

Theo Dân trí