Những ngày trung tuần tháng 3, tôi may mắn được tác nghiệp ở giàn khoan mỏ Rạng Đông và tàu chứa dầu FSO MV17 thuộc lô 15-2 nằm trên thềm lục địa của Việt Nam. Đây không phải chuyến đi đầu tiên của tôi ra vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhưng ra giàn khoan – nơi được coi là cột mốc ngoài khơi – lại là lần đầu nên cảm xúc thật háo hức và tự hào.
Chuyến bay trực thăng chuyên dụng khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 13h, hướng thẳng về phía biển Đông. Trước khi lên máy bay, tất cả mọi thành viên đều phải mang trên mình bộ quần áo, giày bảo hộ an toàn bằng chất liệu đặc biệt. Sau 1 giờ bay trên độ cao hơn 4.000m, đoàn công tác đã đến được tàu chứa dầu FSO MV17, một cấu phần không thể tách rời của mỏ Rạng Đông, mỏ Phương Đông.
Đã nhiều lần nhìn vùng biển thân thương của Tổ quốc từ trên cao, nhưng chưa lần nào chúng tôi được bay thấp và nhìn rõ ràng đến vậy. Bên dưới là những con sóng bạc đầu lấp lánh dưới ánh nắng chiều, thỉnh thoảng có những con tàu container nhẹ nhàng lướt sóng mang hàng hóa Việt lan tỏa khắp địa cầu.
Giàn khoan mỏ Rạng Đông |
Biển của Tổ quốc mình, có lẽ vẫn mặn mòi như vốn có và chưa hề thay đổi với nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Ngoài nguồn thủy hải sản dồi dào, ở dưới tầng đáy, sâu dưới nền đá cứng, Mẹ biển còn cho chúng ta những dòng dầu, khí – nguồn năng lượng quan trọng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh – tế xã hội. Từ những giọt dầu, dòng khí nguyên sơ ấy, dưới bàn tay chế biến của con người và máy móc nó trở thành dầu, thành xăng, thành điện, phân bón và nhiều sản phẩm khác. Vòng quay liên hồi, lan tỏa của dầu khí tạo ra sinh kế của hàng triệu triệu con người.
*****
Đón chúng tôi từ sân đỗ trực thăng là những cán bộ, người lao động của liên danh nhà thầu Việt Nhật (JVPC), vạm vỡ và khỏe khoắn trong bộ đồng phục đỏ của ngành rất chỉnh tề. Ai cũng có nước da rám nắng vì sương gió mặn mòi nhưng vẻ mặt tươi vui hồn hậu với nụ cười luôn thường trực.
Sau những cái bắt tay thật chặt, những lời chào hỏi chân tình, đoàn tập trung nơi phòng đa năng (phòng họp, gặp mặt, nhà ăn, sinh hoạt tập thể…) để nghe báo cáo công việc.
Phóng viên may mắn được tham gia chuyến công tác đáng nhớ |
Theo báo cáo của nhà thầu, lô 15-2 có 6 giàn đầu giếng; 1 giàn xử lý trung tâm; 1 giàn bơm ép nước, khí; 1 giàn nhà ở và 1 tàu chứa dầu FSO MV17 đóng mới và đưa vào vận hành năm 2008. Toàn lô 15-2 có tổng cộng 41 giếng khai thác và 10 giếng bơm ép đang hoạt động. Trong đó, mỏ Rạng Đông có 39 giếng đang khai thác và 10 giếng bơm ép khí – nước luân phiên tại tầng Miocen hạ. Mỏ Phương Đông có 2 giếng đang khai thác từ tầng móng và không có giếng bơm ép.
Toàn bộ sản phẩm khai thác từ giàn đầu giếng sẽ được chuyển về cụm xử lý trung tâm để tiến hành xử lý, xuất qua tàu dầu lưu trữ, sau đó sẽ xuất đi.
Lô 15-2 nằm trong bể Cửu Long, hiện do JVPC điều hành. Hợp đồng Dầu khí ký ngày 6/10/1992 với thời hạn hợp đồng ban đầu đến ngày 6/4/2020 sau khi gia hạn một lần vào 11/4/2013 (mỏ Rạng Đông) và 7/10/2019 (mỏ Phương Đông) hợp đồng sẽ có thời hạn đến ngày 6/4/2025.
Trong suốt quá trình triển khai, JVPC đã điều hành hoạt động tại lô 15-2 một cách an toàn với hơn 17 năm liên tiếp không xảy ra tai nạn và hiệu quả, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như hướng dẫn của Petrovietnam, là nhà thầu tiên phong áp dụng công nghệ nâng cao hệ số thu dầu (EOR – Enhance Oil Recover) tại mỏ Rạng Đông. Đặc biệt, JVPC là một trong những người điều hành tích cực sử dụng nhân lực Việt Nam với 90% là người Việt.
Để bạn đọc dễ hình dung về giàn khoan, theo những người làm dầu khí, có hai loại giàn khoan. Một là giàn khoan thăm dò (thực hiện thăm dò nghiên cứu xong sẽ rút đi); hai là giàn khoan khai thác được cố định tại một điểm để khai thác. Giàn khoan mỏ Rạng Đông là loại thứ 2. Nó có kích thước 24,2 x 24,2m, trọng lượng 1.100 tấn, thực hiện chức năng tiếp nhận, xử lý sản phẩm đạt yêu cầu thương mại trước khi xuất dầu qua tàu chứa FSO. Số người làm việc trên giàn tối đa là 80 người (bao gồm cả làm việc, ăn ở, sinh hoạt). Còn tàu chứa dầu FSO MV17 có kích thước 186m x 32,2m (Deadweigh: 52.000 tấn), sức chứa tối đa là 350.000 thùng/ ngày. Ngoài phần chứa dầu, tàu cũng có các phòng chức năng như nơi làm việc, ăn ở sinh hoạt cho khoảng 22 người.
*****
Lãnh đạo Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) thuộc Petrovietnam cho biết , đây là lần đầu tiên mỏ Rạng Đông đón đoàn lãnh đạo cấp cao đến thăm, làm việc, động viên nên các đơn vị thấy vinh dự và tự hào.
Trong vòng gần 4 tiếng đồng hồ liên tục tại 2 cơ sở, các thành viên trong đoàn đã tìm hiểu thực tế nơi làm việc, sinh hoạt cũng như gửi những lời thăm hỏi, động viên chân thành tới cán bộ, công nhân viên, người lao động đang làm việc tại đây.
Đón chúng tôi là những cán bộ, người lao động của liên danh JVPC trong bộ đồng phục đỏ của ngành |
Có lẽ tâm trạng của hầu hết thành viên trong đoàn đều giống nhau. Ở đó là sự vui mừng, đánh giá, ghi nhận cho những nỗ lực vượt khó của các đơn vị trong ngành Dầu khí để đạt được thành quả to lớn; ở đó là sự chia sẻ, cảm thông cho những vất vả, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nơi đầu sóng ngọn gió và cả những hiểm nguy rình rập (theo quy định của ngành, mỗi cán bộ, người lao động sẽ ở trên giàn khoảng 2 tuần mới được thay ca. Đồ ăn, thức uống được gửi từ đất liền ra theo những chuyến tàu và được trữ lạnh cho đến khi có chuyến hàng mới); ở đó là sự yên tâm lẫn tự hào về những con người nhỏ bé đang ngày đêm – như những cánh tay nối dài để khẳng định, giữ gìn những cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc; là điểm tựa để những ngư dân bám biển thấy yên lòng mỗi khi nhìn thấy.
Có đến đây, tôi mới cảm nhận được tình yêu thiêng liêng nhưng rất đỗi thầm lặng của những người lao động dầu khí nói riêng và các lực lượng khác đang sống trên các giàn khoan, nhà giàn, các đảo ở vùng biển của Tổ quốc. Đành rằng mỗi người đều phải làm những công việc mà xã hội phân công và để mưu sinh cuộc sống nhưng nếu vẫn có tính toán thiệt hơn, nếu không có tình yêu với ngành, với biển và đằng sau là Tổ quốc thì những con người ấy đã không chọn nơi 4 phía đều là biển – mênh mông trập trùng.
Thời gian quá ngắn để kịp cho những câu chuyện đời thường, chúng tôi đều tin rằng, tình cảm kết nối giữa người ở lại tiền tuyến và người trở về hậu phương sẽ còn đọng lại mãi, trở thành khoảnh khắc đẹp trong đời của mỗi thành viên tham gia chuyến đi này.
Đình Dũng