08/06/2021 1:41:43

Lan tỏa tinh thần toàn dân đoàn kết chống đại dịch

Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, PVN đã thể hiện trách nhiệm, vai trò của DN nhà nước với cộng đồng, chung tay cùng Đảng, Nhà nước, các địa phương để phòng, chống dịch; vì mục tiêu cao nhất là giữ môi trường an toàn cho nhân dân, duy trì sản xuất góp phần bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội.

Nhiều nghìn tỷ đồng không ngừng chảy vào các tài khoản của Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 từ ngày 5-6 đến nay là minh chứng khẳng định niềm tin cũng như sự chung sức, đồng lòng của cả xã hội cũng như các tầng lớp nhân dân đối với định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đó là thực hiện mục tiêu sớm tiêm vắc-xin miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn dịch cộng đồng để thoát khỏi đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Sức mạnh từ niềm tin

Sau khi theo dõi tường thuật trực tiếp lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19, ông Nguyễn Trung Quân, cán bộ hưu trí sinh sống tại phường Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai (Hà Nội) nhờ con trai chuyển tới số tài khoản ngân hàng của Quỹ số tiền 500 nghìn đồng để hưởng ứng lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ. Ông cho biết, số tiền tuy nhỏ nhưng thể hiện trách nhiệm, sự chia sẻ của một công dân trước tình trạng khó khăn chung của đất nước. Từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, ông Quân tích cực chung tay chống dịch bằng cách nhắc nhở con cháu rất hạn chế ra khỏi nhà như hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Trường hợp ra khỏi nhà phải thực hiện đầy đủ quy định 5K. Khi có thông tin lập Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19, ông Quân tiếp tục hưởng ứng bằng hành động thiết thực. “Chính phủ đã ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe của nhân dân thì mỗi người dân cũng phải thể hiện tinh thần trách nhiệm bằng hành động, ủng hộ theo khả năng của mình vào cuộc chiến chống dịch. Trong gian khó mới biết nghĩa đồng bào, mỗi người đóng góp một phần kinh phí nhỏ bé cũng đủ góp gió thành bão”, ông Quân chia sẻ.

Tại lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 được tổ chức tối 5-6 vừa qua, chúng ta thật sự xúc động khi chứng kiến đại diện các tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân đóng góp nhiệt thành cho Quỹ. Đó là Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam ủng hộ 1.016 tỷ đồng; Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng vàng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) 150 tỷ đồng. Đó còn là những tấm lòng của: em Lê Đức Hiếu, học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái, Ba Đình, Hà Nội, 15 tuổi; bác Nguyễn Mạnh Tường 82 tuổi, cán bộ hưu trí ngành đường sắt; Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; ông Khuất Việt Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Tổng Giám mục Vũ Văn Thiên, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam… Chính sự ủng hộ này đã thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại buổi lễ: truyền thống “Thương người như thể thương thân”, hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng” đã hun đúc trong mỗi người con đất Việt và gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này. Truyền thống ấy càng tỏa sáng mỗi khi đất nước chúng ta gặp khó khăn như chiến tranh, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh…

Đóng góp lớn cho Quỹ là cộng đồng doanh nghiệp (DN). Sau ba ngày Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (Ủy ban) thực hiện chương trình phát động ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đã tích cực đóng góp, ủng hộ tổng số tiền 2.565 tỷ đồng. Trong bối cảnh các DN đang phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch thì đây là một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn. Các DN đều thống nhất cho rằng, đây là thời điểm khẳng định trách nhiệm, vị trí của DN, nhất là các DN nhà nước, bên cạnh vai trò lực lượng nòng cốt, hỗ trợ Nhà nước điều tiết, thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc gia, còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội đất nước.

Nói về nghĩa cử ủng hộ, đóng góp 450 tỷ đồng vào Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19, đồng chí Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết: Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khích lệ tinh thần cũng như truyền cảm hứng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cho toàn dân trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Mong muốn của Viettel là sẽ đóng góp được nhiều nhất cho Quỹ. Chúng tôi hiểu rằng, phải chiến thắng đại dịch thì DN mới có thể hoạt động trở lại bình thường. Việc đẩy lùi dịch bệnh càng sớm sẽ mang đến sự ổn định sớm cho các DN, đồng thời giúp cho nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Là tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đóng góp, ủng hộ 400 tỷ đồng vào Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19. Đồng chí Hoàng Quốc Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV PVN cho biết: Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, PVN đã thể hiện trách nhiệm, vai trò của DN nhà nước với cộng đồng, chung tay cùng Đảng, Nhà nước, các địa phương để phòng, chống dịch; vì mục tiêu cao nhất là giữ môi trường an toàn cho nhân dân, duy trì sản xuất góp phần bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội. Trong điều kiện dịch bùng phát và diễn biến phức tạp, việc kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, duy trì sự phát triển của Quỹ trong thời gian tới là hết sức cần thiết để chuyển cuộc chiến phòng, chống Covid-19 sang chủ động tiến công, tiến tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong cả nước.

Lan tỏa tinh thần toàn dân đoàn kết chống đại dịch

Đồng chí Hoàng Quốc Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV PVN trao 400 tỷ cho Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19

Đồng chí Lại Xuân Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (AVC) cho biết, DN này đã ủng hộ Quỹ 200 tỷ đồng, mong muốn đóng góp một phần sức lực vào công cuộc khống chế, đẩy lùi đại dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, ổn định xã hội, thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất. Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành chia sẻ, EVN quyết định ủng hộ Quỹ với số tiền 400 tỷ đồng (trong đó đã bao gồm cả 30 tỷ đồng mà EVN đã trao tặng tại Bộ Y tế vào ngày 28-5). Như vậy, đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền mà EVN và các đơn vị thành viên đã đóng góp, ủng hộ cho các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề cũng như hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch của ngành y tế đối với riêng đợt dịch Covid-19 từ cuối tháng 4 trở lại đây là hơn 408 tỷ đồng.

Các DN khác như Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành đóng góp ủng hộ Quỹ 500 tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup 480 tỷ đồng; Tập đoàn Sovico và Ngân hàng HDBank 100 tỷ đồng… với mong muốn đóng góp một phần công sức của người lao động trong cuộc chiến chống đại dịch. Trước đó, các DN đều ủng hộ nhiều tỷ đồng cho các địa phương phòng, chống dịch.

Công khai, minh bạch để sử dụng hiệu quả

Theo các chuyên gia kinh tế, đại dịch Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, đợt bùng phát sau nguy hiểm hơn đợt bùng phát trước, cho nên sự vào cuộc của cả hệ thống là điều hết sức cần thiết trong cuộc chiến chống đại dịch. Ngân sách nhà nước đã cố gắng bảo đảm các nguồn chi để chống dịch nhưng sự tham gia của mọi tầng lớp, gồm cả người dân, DN và các tổ chức dù ít hay nhiều đều hết sức quan trọng. Trong bối cảnh đó, Quỹ được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp mọi nguồn lực đóng góp của cả cộng đồng để chia sẻ với ngân sách nhà nước.

Nhấn mạnh đến thành tích chống dịch của Việt Nam hơn một năm qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Việt Nam điều chỉnh chiến lược chống dịch sang đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin cho người dân để tạo ra miễn dịch cộng đồng là sự chuyển hướng rất quan trọng và kịp thời. Trong đó, thành lập Quỹ vắc-xin và kêu gọi toàn dân đóng góp vào Quỹ là bước đi cần thiết và hợp lý, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có hạn nhưng phải cân đối nhiều nguồn chi cấp bách liên quan nhiệm vụ chống dịch. “Số tiền đóng góp vào Quỹ khá lớn trong những ngày đầu phát động cho thấy trách nhiệm xã hội của người dân, DN và các tổ chức, đoàn thể rất cao trong những vấn đề quan trọng của đất nước”, ông Hiếu nói.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Phan Đức Hiếu cho biết, ông đã nhắn tin đóng góp vào Quỹ dưới góc độ trách nhiệm của một công dân. Chính phủ xác định tiêm vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19 thì trước hết cần phải có nguồn lực để mua vắc-xin. Hiện cả thế giới chưa thể dự báo có thể dập tắt được dịch Covid-19 hay không và dập tắt được ở thời điểm nào, cho nên Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 cần được huy động mọi nguồn lực tổng hợp để có quy mô đủ để duy trì và sử dụng trong dài hạn, không phải chỉ để tiêm một hoặc hai lần cho người dân. Vì vậy, sự chung tay đóng góp của mỗi cá nhân, DN là rất cần thiết. Mọi đóng góp vào Quỹ lúc này, bất kể giá trị lớn hay nhỏ đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước và tất cả đều được trân trọng.

Ngay sau khi thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19, Bộ Tài chính đã nhanh chóng ban hành hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và chế độ kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ. Theo đó, Quỹ được sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19. Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng của việc hình thành, sử dụng Quỹ là bảo đảm công khai, minh bạch nhằm hướng đến hiệu quả hoạt động cao nhất. Theo quy định, báo cáo tài chính về Quỹ được công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính hoặc công bố tại các cuộc họp, niêm yết tại trụ sở của Quỹ, phát hành ấn phẩm, thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, đây là những quy định cần thiết nhằm bảo đảm quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ một cách minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết như cam kết của Chính phủ. Về thẩm quyền quyết định chi của Quỹ, cần bổ sung vai trò của đội ngũ chuyên gia nhằm có thêm các ý kiến tư vấn liên quan vấn đề y tế để có cái nhìn tổng thể hơn trong quá trình sử dụng Quỹ.

Tính đến 15 giờ ngày 7-6 đã có 227.862 tổ chức và cá nhân tham gia đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 với tổng giá trị quy đổi ra VND là 1.425 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi) và 4.561,88 tỷ đồng nhà tài trợ đã cam kết nhưng chưa chuyển tiền. Tổng số tiền đã đóng góp vào Quỹ và cam kết ủng hộ là 5.986,88 tỷ đồng. Bên cạnh mức ủng hộ lớn của các tổ chức và doanh nghiệp, đã có khoảng 2.000 cá nhân đóng góp vào Quỹ với số tiền từ 5 triệu đồng trở lên.

(Nguồn: Ban Quản lý Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19)

Theo Báo Nhân dân