Trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Liên bang Xô viết về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía nam Việt Nam (ký ngày 3/7/1980), những công tác chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định ngày 19/6/1981 về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã được hai Phía Việt Nam và Liên Xô xúc tiến, đẩy mạnh.
1. Sau giải phóng miền Nam, chúng ta đã đặt vấn đề với Liên Xô hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam. Vào thời kỳ đó, Liên Xô cũng gặp những hạn chế về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm khai thác ở vùng biển mở (trừ Azerbaijan được khai thác bằng các đảo nổi). Tuy nhiên, vào những năm cuối thập niên 1970, Liên Xô đã có những bước tiến trong công cuộc chinh phục biển khơi.
Thời gian này, Liên Xô tiến hành thăm dò dầu khí ở độ sâu nước biển trên 100m ngoài biển Baltic và vùng biển Sakhalin. Trước những khó khăn mà Việt Nam phải đương đầu, một lần nữa tình đoàn kết quốc tế vô sản Việt Nam – Liên Xô lại ngời sáng hơn bao giờ hết. Sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam, chia sẻ khó khăn thách thức với Việt Nam, các chuyên gia Liên Xô lại ngày đêm sát cánh cùng các đồng nghiệp Việt Nam trong công cuộc tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí thềm lục địa Việt Nam.
Trong việc thành lập Vietsovpetro, Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô là hai cơ quan đã có những ủng hộ rất tích cực, như đề nghị Chính phủ Liên Xô hợp tác với Việt Nam khảo sát thăm dò dầu khí. Các đồng chí Iu. V. Zaixev, G. P. Ovanhetxov, S. A. Obrusev, O. O. Seremeta, G. N. Belianhin là những người rất nhiệt tình trong việc xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật về triển vọng dầu khí ở Việt Nam và tích cực ủng hộ việc thành lập Vietsovpetro. Trong những năm 1979-1981, Tổng cục Dầu khí biển thuộc Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô đã thực hiện một khối lượng lớn công tác nghiên cứu địa chấn và khảo sát địa chất công trình tại thềm lục địa Nam Việt Nam. Trên cơ sở kết quả của các công tác đó, các chuyên gia Liên Xô – Việt Nam đã đưa ra những kết luận có căn cứ khoa học về triển vọng dầu khí cao ở thềm lục địa Việt Nam.
Đoàn chuyên gia dầu khí cao cấp đầu tiên của Liên Xô do đồng chí Iu. V. Zaixev, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô dẫn đầu cùng nhiều chuyên gia chuyên ngành dầu khí đã đến Việt Nam, phối hợp cùng cán bộ khoa học kỹ thuật dầu khí Việt Nam tổng hợp phân tích những nguồn tài liệu đã có từ trước để lập báo cáo tổng thể về thực trạng vấn đề dầu khí ở thềm lục địa do chính các chuyên gia Việt Nam – Liên Xô trực tiếp thực hiện. Sau hơn 3 tháng, bản báo cáo đã hoàn thành với một nhận định hết sức khả quan về trữ lượng dầu khí ở Việt Nam. Báo cáo được gửi lên Chính phủ hai nước Việt Nam và Liên Xô. Đây là một trong những căn cứ thực tiễn quan trọng nhất, là yếu tố bảo đảm chắc chắn cho việc ký kết hiệp định chính thức thành lập Vietsovpetro.
Tướng Đinh Đức Thiện (giữa) cùng các chuyên gia hai nước Việt Nam – Liên Xô trong chuyến thăm giếng dầu Cửu Long – 1 ở Đồng bằng sông Mê-Kông năm 1979. |
Một vấn đề được đặt ra là lựa chọn hình thức hợp tác khi thành lập Vietsovpetro. Việt Nam và Liên Xô sẽ chọn hình thức hợp tác nào cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế và đem lại hiệu quả cao nhất.
Thực hiện hình thức hợp tác phân chia sản phẩm, nhà thầu tự đầu tư, hoàn toàn chịu mọi rủi ro như đã áp dụng đối với các nhà thầu tư bản trước đây, đối với cả hai phía đều có nhiều khó khăn, bất lợi. Phía Liên Xô, do những khó khăn lúc bấy giờ về tài chính và kỹ thuật, sẽ khó đủ sức đầu tư và gánh chịu mọi rủi ro. Phía Việt Nam thực hiện hình thức này tuy “chắc chắn” nhưng lại không thể chủ động tham gia vào quá trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác của đối tác đầu tư. Và điều quan trọng là, dựa vào hình thức này ta không bao giờ tự xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành Dầu khí của Việt Nam và không thể nhanh chóng đào tạo được đội ngũ cán bộ, công nhân dầu khí có trình độ, chuyên môn cao.
Như vậy, hình thức xí nghiệp liên doanh được quyết định như một sự lựa chọn tất yếu. Trên cơ sở nguyên tắc pháp lý “ngang nhau”, cả hai bên đã vượt qua được những khó khăn, đáp ứng được những yêu cầu trước mắt và lâu dài của mình. Thực tiễn xây dựng và phát triển của Vietsovpetro đã khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả cao của hình thức xí nghiệp liên doanh, khẳng định quyết tâm và chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước trong lĩnh vực hợp tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là sáng suốt và đúng đắn.
2. Hiệp định Việt – Xô về hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía nam Việt Nam ký ngày 3/7/1980 (gọi tắt là Hiệp định ngày 3/7/1980) là một hiệp định khung, thỏa thuận về nguyên tắc những cam kết giữa hai Chính phủ Việt Nam và Liên Xô sẽ thành lập một xí nghiệp liên doanh dầu khí trên cơ sở “ngang nhau”. Trong đó, nội dung Điều 1 chính là tiền đề có tính nguyên tắc cho Hiệp định ngày 19/6/1981 với việc thành lập Vietsovpetro trên tinh thần hữu nghị và hoàn toàn bình đẳng về trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp và quyền lợi kinh tế: “Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Xô viết sẽ thành lập trên cơ sở ngang nhau một Xí nghiệp Liên doanh Việt – Xô về thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía nam Việt Nam, tại những vùng do Bên Việt Nam xác định với sự tham gia của các tổ chức Liên Xô”. Hiệp định cũng xác định cụ thể trách nhiệm và những phần việc mà hai Phía phải thực hiện để xây dựng căn cứ thực tiễn và cơ sở vật chất – kỹ thuật cần thiết ban đầu cho sự ra đời của Vietsovpetro (Điều 2 và Điều 3); đặt cơ sở pháp lý cho việc ký kết một hiệp định tiếp theo để cụ thể hóa các vấn đề về pháp lý – tài chính, thương mại và các vấn đề khác có liên quan đến việc thành lập và hoạt động của Vietsovpetro (Điều 5).
Trên cơ sở pháp lý chung là Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Xô viết ký ngày 3/11/1978 và Hiệp định ngày 3/7/1980, Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Xô viết về việc thành lập Vietsovpetro tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía nam Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định ngày 19/6/1981) chính thức được ký kết. Những căn cứ pháp lý này bảo đảm cho Vietsovpetro có tư cách pháp nhân, hoạt động theo những quy định phù hợp với công ước quốc tế và pháp luật của mỗi nước, theo những thỏa thuận giữa hai Chính phủ nhằm giúp đỡ lẫn nhau và đạt được mục tiêu chung mà liên doanh đề ra. Sự tồn tại và phát triển của Vietsovpetro cũng được pháp luật và công ước quốc tế thừa nhận và bảo vệ.
Lễ ký Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô về việc thành lập Liên doanh Dầu khí Việt – Xô vào ngày 19/6/1981. |
Đặt bút ký văn kiện này là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Phân ban Liên Xô trong Ủy ban Liên chính phủ Liên Xô – Việt Nam về Hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật K. F. Katushev và Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban Liên chính phủ Trần Quỳnh.
Hiệp định ngày 19/6/1981 có 27 điều, trong đó các nội dung cơ bản xác định: Đối tượng hoạt động của Vietsovpetro là tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía nam Việt Nam cũng như nghiên cứu tổng hợp địa vật lý trong phạm vi toàn bộ thềm lục địa Việt Nam. Các Phía tham gia Vietsovpetro gồm Bên Việt Nam là Tổng сụс Dầu khí Việt Nam, Bên Liên Xô là Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô. Vốn pháp định của Vietsovpetro do các Bên đóng góp ngang nhau. Lợi nhuận của Vietsovpetro được chia đều cho mỗi Phía sau khi trừ phần để lại tiếp tục phát triển Xí nghiệp và lập các quỹ dự trữ, quỹ đặc biệt. Cơ quan lãnh đạo của Vietsovpetro là Hội đồng Xí nghiệp Liên doanh. Ban Thanh tra Vietsovpetro do Hội đồng bổ nhiệm để kiểm tra hoạt động tài chính và kinh doanh của Vietsovpetro.
Hiệp định ngày 19/6/1981 quy định cụ thể những nguyên tắc cho sự thành lập, cũng như hoạt động của Vietsovpetro; trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của Vietsovpetro và hai Phía tham gia liên doanh; những ưu đãi đặc biệt mà Việt Nam và Liên Xô dành cho nhau trên tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế vô sản. Hình thức tổ chức của Vietsovpetro như một liên hiệp sản xuất – khoa học quốc doanh.
Một vấn đề hết sức quan trọng đã được Hiệp định ngày 19/6/1981 khẳng định là tư cách pháp nhân của Vietsovpetro. Vietsovpetro là pháp nhân của Việt Nam và hoạt động trên cơ sở Điều lệ của Vietsovpetro. Trong quá trình hoạt động của mình, Vietsovpetro phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam và được quyền bình đẳng như mọi doanh nghiệp là pháp nhân của Việt Nam.
Tuy nhiên, để thực hiện những cam kết về trách nhiệm nghĩa vụ và quyền lợi theo nguyên tắc “ngang nhau”, cả hai Phía Việt Nam và Liên Xô đều gặp những khó khăn, thách thức rất khó vượt qua. Bởi vậy cả hai Bên đều rất tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận, dành cho nhau những ưu đãi đặc biệt một cách vô tư, không tính toán thiệt hơn. Những thỏa thuận ưu đãi đặc biệt được ghi trong Hiệp định hoàn toàn phù hợp với “Nguyên tắc đối xử ưu đãi” của luật kinh tế quốc tế, và là sự phát huy những giá trị truyền thống cao đẹp trong quan hệ hợp tác hữu nghị vốn có giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước. Liên Xô dành cho Việt Nam những ưu đãi đặc biệt phù hợp với khả năng đóng góp để vượt qua những khó khăn về tài chính của một nước nghèo, vừa ra khỏi chiến tranh, đang trong thời kỳ khủng hoảng.
Phần vốn góp của Việt Nam vào Vietsovpetro được thực hiện bằng công tác khảo sát thiết kế, xây lắp, vận hành, cung cấp thiết bị vật tư, nhà làm việc, nhà ở và nhà xưởng sản xuất, cung cấp điện nước,… Phần vốn góp của Liên Xô vào Vietsovpetro là những công việc do Liên Xô thực hiện như nghiên cứu địa chất, khảo sát, thăm dò, thiết kế, cung cấp thiết bị vật tư dầu khí mà Việt Nam không cung cấp được, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm kỹ thuật và kiến thức về dầu khí, cử chuyên gia đến làm việc tại Vietsovpetro cũng như đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật cho Việt Nam.
Để tạo điều kiện cho Bên Việt Nam góp vốn bình đẳng vào Vietsovpetro, trong giai đoạn 1981-1985, Bên Liên Xô còn dành cho Bên Việt Nam các khoản vay với lãi suất 4%/năm và trả nợ trong vòng 10 năm, kể từ năm 1986. Hiệp định cũng tỏ rõ sự ưu ái của Nhà nước Việt Nam thông qua việc miễn thuế trực thu và lệ phí quốc gia cũng như địa phương tại Việt Nam đối với các công trình nằm trong thành phần của Vietsovpetro sau khi xây dựng xong.
Cùng với nhiều văn kiện khác, Hiệp định ngày 19/6/1981 được Chính phủ hai nước Việt Nam và Liên Xô ký kết, đã tạo dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho sự thành lập và hoạt động có hiệu quả xuyên suốt 40 năm phát triển sau này của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro.
Lâm Anh