PVN đã hoàn chỉnh hoạt động theo mô hình Tập đoàn, thực hiện thành công tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi.
Lắp chân đế giàn khoan mỏ Đại Hùng 2 trên biển Đông của Việt Nam |
Những thành tựu nổi bật
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí. Đến nay công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng dầu khí của các phát hiện tới trên 1,4 tỉ tấn quy dầu và đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6-2,8 tỉ tấn quy dầu, có khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới.
Hoàn chỉnh hoạt động theo mô hình Tập đoàn, thực hiện thành công tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về tái cấu trúc nền kinh tế và Chiến lược phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam theo Kết luận số 41 của Bộ Chính trị, chuyển đổi thành công từ hoạt động theo mô hình tổng công ty sang hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước từ tháng 8/2006; hoàn thiện hệ thống chính trị đồng bộ trong toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và hiện đang từng bước triển khai cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn trong giai đoạn từ nay tới năm 2025.
Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, luôn ở trong Top đầu những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội. Tổng doanh thu đạt trên 398 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước gần 109 tỉ USD.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trở thành tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế. Song song với việc đầu tư phát triển ở trong nước, Tập đoàn đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài; nâng cao uy tín và thương hiệu Petrovietnam trên thị trường quốc tế; góp phần tích cực đưa hình ảnh đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Tập đoàn đã xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí với số lượng lao động hiện có trên 60 nghìn người có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước. Trong đó, trên 5.500 người có trình độ trên đại học; trên 25.000 người có trình độ đại học và cao đẳng; trên 25.000 công nhân lành nghề, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của Ngành Dầu khí Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai.
Tập đoàn đã tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là “đầu tàu” kinh tế của đất nước. Từ kết quả triển khai các công trình dầu khí thời gian qua, Tập đoàn đã trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai – Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất – Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Vũng Áng – Hà Tĩnh, Nghi Sơn – Thanh Hóa…
Tập đoàn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia trên biển. Nơi nào có hoạt động dầu khí, có giàn khoan đặt chân, ở đó chủ quyền quốc gia được khẳng định.
Tập đoàn luôn ý thức, trách nhiệm cao trong chia sẻ với cộng đồng, trung bình hằng năm đóng góp vào công tác an sinh xã hội khoảng 500 tỉ đồng.
Những bài học kinh nghiệm
Một là, 60 năm qua, cũng như 05 năm thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chứng minh rằng, tầm nhìn chiến lược đúng đắn, tuân thủ tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế trong nước và hoàn cảnh quốc tế là yếu tố quyết định để nắm bắt các cơ hội, phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hoạt động dầu khí trong nước;
Hai là, Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng cấp ủy và đội ngũ cán bộ làm công tác đảng các cấp ngang tầm nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu và thường trực cấp ủy, bảo đảm nguyên tắc: Đảng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và thống nhất quản lý cán bộ trong doanh nghiệp, luôn nêu cao bản lĩnh, tính chiến đấu, ý thức chủ động, bình tĩnh, tự tin, giữ vai trò hạt nhân, tập hợp đoàn kết, giữ gìn ổn định, cân bằng, sẵn sàng đối diện với thách thức, đương đầu với khủng hoảng.
Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên và người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước. Thống nhất nhận thức từ lãnh đạo đến toàn thể người lao động về các giá trị chung của Tập đoàn, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, tạo nên bản sắc của Văn hóa Petrovietnam mà người lao động Dầu khí phải trân trọng, gìn giữ và phát triển với phương châm hành động:“Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng Tạo – Hiệu quả”.
Ba là, nguồn nhân lực được đào tạo toàn diện, nhất là về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý, khoa học công nghệ, tay nghề. Có chính sách đúng đắn, cụ thể, thống nhất, ổn định, bình đẳng và gắn bó về con người. Tập thể lãnh đạo phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý, có tinh thần đoàn kết, thống nhất, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật; không bao che, kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm pháp luật; chủ động, linh hoạt trong quản trị, điều hành vì mục tiêu phát triển bền vững. Nguồn nhân lực phải được đào tạo toàn diện, nhất là về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý, khoa học – công nghệ, tay nghề, văn hóa và pháp luật.
Bốn là, xây dựng và phát triển bền vững ngành công nghiệp Dầu khí có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, đồng thời với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển, cần tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm: tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, chế biến dầu khí, điện và năng lượng tái tạo, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao theo chỉ đạo của Chính phủ, tăng cường hợp tác, hỗ trợ các ngành, địa phương cùng phát triển.
Năm là, cần tiếp tục được tập trung tăng cường nguồn lực; có các chính sách đặc thù phù hợp để phát triển bền vững; bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm để Tập đoàn phát triển đúng chiến lược đã được Bộ Chính trị định hướng.
Theo Tạp chí Công thương