Nhân Kỷ niệm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cũng là năm thứ 46 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam), Ban biên tập xin trích đăng những ký ức không phai mờ của một thế hệ những người Dầu khí về những tháng ngày đầy gian khổ mà rất đỗi tự hào ấy.
Ông Ngô Thường San – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam:
Tháng 4-1975, tôi và các đồng nghiệp của Viện Khoa học Việt Nam vẫn đang lênh đênh khảo sát trên biển đánh giá tiềm năng dầu khí vùng phía bắc Vịnh Bắc Bộ. Qua 30-4-1975, chúng tôi mới về đất liền và hay tin miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước đã thống nhất.
Vào tháng 6-1975, tôi được đồng chí Trần Đại Nghĩa – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước – thông báo chuẩn bị đi vào Nam nhận nhiệm vụ ở Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam theo telex triệu tập ký tên Bảy Hồng (bí danh của đồng chí Phạm Hùng). Đoàn chúng tôi có 4 người, tôi (cán bộ của Viện Khoa học Việt Nam), anh Đào Duy Chữ (Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), anh Hồ Đắc Hoài (Tổng cục Địa chất) và anh Vũ Trọng Đức (Tổng cục Hóa chất) đã nhận lệnh vào Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ. Ngày 9-6-1975, nhóm bay vào Sài Gòn, được đưa đến số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, đây là trụ sở của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản và nhận lệnh trong vòng 1 tháng đọc, phân tích, tổng hợp, đánh giá các tài liệu thu thập được, nghiên cứu và làm báo cáo cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đoàn đã thu thập được hầu như còn nguyên vẹn các tài liệu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, các công ty dầu khí nước ngoài làm trước ngày giải phóng Sài Gòn. Được sự hỗ trợ của một số nhân viên của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản còn ở lại với hàng nghìn bản tài liệu, 1 tháng sau, chúng tôi hoàn thiện bản báo cáo hơn 100 trang về toàn bộ vấn đề liên quan đến cấu trúc địa chất, công tác thăm dò, triển vọng tiềm năng dầu khí tại thềm lục địa phía Nam. Nguồn tài liệu này rất quan trọng, giúp chúng ta có nhận định ban đầu về địa chất và khẳng định về tiềm năng dầu khí thềm lục địa phía Nam. Quan trọng hơn cả, dựa trên bản báo cáo của nhóm công tác, với triển vọng từ Bạch Hổ, bể Cửu Long, bể Phú Khánh, Nam Côn Sơn…, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quyết tâm thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt để triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam.
Ngày 3-9-1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt được thành lập trên cơ sở sáp nhập Liên đoàn Địa chất 36 của Tổng cục Địa chất và một phần của Tổng cục Hóa chất. Anh Nguyễn Văn Biên trở thành Tổng cục trưởng đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam. Sau này, Tổng cục đổi thành Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Ông Bỳ Văn Tứ – nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ:
Ngày 30-4-1975, lúc đó tôi 29 tuổi, đang làm Tổ phó Tổ Dầu thuộc Ban Dầu mỏ và Khí đốt thuộc Tổng cục Hóa chất (thành lập năm 1971).
Cả tháng trời, từ lúc bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh, mọi người vừa làm việc vừa nghe ngóng tin tức chiến trường. Các cơ quan trong Tổng cục Hóa chất ngày nào cũng cử anh em qua bên quân đội và Bộ Tổng Tham mưu thu thập tin tức trên chiến trường, quân mình tiến công ra sao, giải phóng những tỉnh thành nào…, mỗi ngày hai lần, rồi thông báo lại cho anh em biết.
Ngày 30-4-1975, khi nghe quân ta tiến công vào Sài Gòn, mừng quá, mọi người tạm gác công việc lại và tập trung vào phòng lớn của Ban Dầu mỏ và Khí đốt để bàn tán sôi nổi. Trong ban có người mừng quá chạy ra phố mua pháo về treo lên cái quạt trần giữa phòng để đốt, tôi bị một quả pháo văng vào người, cháy xém cái áo sơ mi, nhưng quá mừng, hò reo tưng bừng, chạy ùa ra đường chào mừng giải phóng miền Nam.
Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt thành lập tháng 9-1975. Trước đó, khoảng tháng 8-1975, anh Nguyễn Văn Biên, lúc đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước được cử đi sang Mexico. Chuyến đi Mexico năm ấy có bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, sang Mexico ngay sau khi miền Nam giải phóng. Trong đoàn có tôi và anh Biên là dân kỹ thuật. Trên đường về, tôi và anh Biên không đi cùng đoàn mà bay qua Paris, gặp Đại sứ Võ Văn Sung. Hồi đó, Đại sứ Võ Văn Sung nhận được chỉ thị ở Việt Nam là chuẩn bị và giữ mối quan hệ tốt với các công ty dầu khí của Pháp hợp tác để tiếp tục công tác thăm dò dầu khí ở Việt Nam, tiếp tục công việc của các công ty dầu khí tư bản đã làm ở miền Nam Việt Nam trước đó…
Khi về đến sân bay Gia Lâm, anh Đào Duy Chữ (công tác ở Ủy ban Khoa học Nhà nước) ra đón và có thông báo là đã có quyết định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt và anh Nguyễn Văn Biên là Tổng cục trưởng.
Ông Nguyễn Đức Tuấn – nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng Tổng công ty Dầu khí Việt Nam:
Cuối năm 1974, tôi cùng anh Trương Minh, Nguyễn Trí Liễn được cử sang Pháp học, một thời gian sau sang Nga, nghe tin báo chí nước ngoài loan tin miền Nam Việt Nam đang được giải phóng, ngày thống nhất đất nước đã gần kề. Cảm giác lúc đó vô cùng khó tả, ba anh em chỉ biết ôm nhau mà khóc. Xa Tổ quốc lúc này càng làm lòng dạ chúng tôi sục sôi, rồi nhanh chóng chuẩn bị hành lý về nước. Sự thèm khát tin tức khiến trên mỗi chặng đường anh em đều vểnh tai lên nghe, bằng vốn ngoại ngữ có hạn nhưng tới đâu cũng tìm hiểu. Nghe tin phát hiện ra khí ở Tiền Hải, cùng với tin giặc tháo chạy khỏi Tây Nguyên, rồi Huế và Đà Nẵng…, nội các Dương Văn Minh chính thức đầu hàng…, chúng tôi reo hò, rồi mở sâm-panh ngay trên con tàu từ Siberia qua biên giới các nước Mông Cổ, Trung Quốc rồi về Việt Nam.
Sau ngày giải phóng, công cuộc xây dựng đất nước trở nên sôi động và cấp bách hơn bao giờ hết. Cùng với kế hoạch tìm kiếm nguồn dầu mỏ, khí đốt trên vùng biển phía Nam được đẩy mạnh, tôi được đề bạt làm Đoàn phó Đoàn địa vật lý và đến năm 1977 thì được giao nhiệm vụ quyền đoàn trưởng. Đoàn của tôi lúc nào cũng có trên 1000 lao động, các sự kiện quan trọng trong ngành Dầu khí cứ thế dồn dập đến..
N.H